Cảm nghĩ về Xuân và Tết nguyên đán
Ðối với những người Việt tha hương, nhất là những người đang
lưu lạc ở xứ tuyết Bắc Âu giá lạnh và ít người đồng hương cư ngụ, thì khí Xuân
chắc hẳn khó có thể hiển hiện rõ quanh họ được. Nhưng chắc chắn rằng giờ này
đây trong lòng mỗi người Việt chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu trên đất khách quê
người đều đang rạo rực một niềm hân hoan, và cũng đang bừng bừng một nỗi mong
chờ về một mùa Xuân nơi đất Tổ.
Trong bốn mùa, mùa Xuân có thể nói là một mùa đẹp nhất, không
phải chỉ vì những nét yêu kiều diễm lệ của nó như cây lá xanh tươi, nghìn hoa
đua nở, chim chóc véo von, mà còn cả vì cái khí tiết ôn hòa và ấm áp. Mùa Xuân
có đầy đủ những yếu tố căn bản để cho vạn vật trong vũ trụ hòa đồng, kết hợp một
cách linh động trong công cuộc xúc tiến sự sinh sôi nẩy nở.
Ðối với đồng bào Việt, mùa Xuân là mùa của hội hè, đình đám,
giải trí, vui chơi sau những ngày tháng làm lụng vất vả, mà đỉnh cao là Tết
Nguyên Ðán:
Mùa Xuân là một mùa lễ lớn của dân tộc, một mùa lễ đã được
hình thành và theo dòng thời gian đã được bồi đắp thêm bởi những tinh hoa theo
sự phát triển của từng thời đại trong suốt suốt chiều dài lịch sử, một mùa lễ
mà đã được lưu truyền từ đời này qua đời khác, đã trở thành phong tục, tập
quán, nề nếp và truyền thống của văn hóa Việt trong đời sống tinh thần của mỗi
người dân Việt. Ðó chính là một trong những sản phẩm quý giá thuần tính dân tộc
của non sông bốn nghìn năm văn hiến.
Dân tộc chúng ta có một truyền thống văn hóa dựa trên triết
lý nhân bản, dân tộc đoàn kết, và trăm lòng hợp nhất của Quốc tổ Hùng Vương thể
hiện qua sự tích Trăm Chứng Tiên Rồng:
Dù theo mẹ lên núi, hay theo cha xuống biển, dù đồng bào ta ở
khắp mọi nơi, cách nhau muôn vạn thiên lý, nhưng lòng vẫn cứ ở bên nhau, vẫn nhớ
mình là con Hồng cháu Lạc, giòng giống Tiên Rồng, được sinh ra từ một bọc trứng
của mẹ Âu Cơ. Tinh thần ấy được tỏa khắp mọi nơi, mọi thời, từ những sinh hoạt
hàng ngày cho đến những việc lớn lao như xây dựng đất nước, bảo vệ non sông,
làm vẻ vang cho giống nòi.
Ðó chính là cái triết lý căn bản, là cái gốc của nền Văn minh
Việt, là bản sắc của dân tộc Việt, và là những gì mà chúng vẫn luôn lấy làm tự
hào. Ngày Tết Nguyên Ðán cổ truyền được hình thành ngay từ thời kỳ Hùng Vương
và được truyền đến ngày hôm nay cũng mang một ý nghĩa cao cả đó. Sự tích bánh
chưng, bánh dày lại tô điểm cho ý nghĩa này thêm cao đẹp.
Theo truyền thuyết, bánh dày có hình tròn, không có nhân tượng
trưng cho trời, ý nghĩa là công cha; còn bánh chưng có hình vuông, gói lá xanh,
trong có nhân đậu và thịt, tượng trưng cho đất, hàm ý là nghĩa mẹ (theo quan niệm
thời xưa, đất có hình vuông gồm cây cối, sông ngòi, động vật, ngũ cốc... tượng
trưng cho sự cưu mang của người mẹ). Bởi thế nên cứ vào dịp Tết hàng năm mọi
người dân Việt dù có nghèo đến thế nào đi chăng nữa thì cũng phải có hai loại
bánh truyền thống này bày trên bàn thờ Gia Tiên để tưởng nhớ đến công lao sinh
thành và dưỡng dục của bậc tiên tổ. Ðồng bào Việt ở miền Trung và miền Nam còn
có bánh tét hay còn gọi là bánh đòn để thay cho bánh chưng.
Theo phong tục đồng bào Việt lấy ngày 23 tháng Chạp là ngày lễ
đưa ông Táo về trời, làm ngày khởi đầu cho năm mới, đó chính là sự khởi đầu của
ngày Tết. Theo quan niệm xưa, từ ngày này trở đi các thần đều về chầu Ngọc
Hoàng, nên vào dịp này ma qủy thường hay đến quấy phá trần gian. Vì lẽ đó mà hầu
hết mọi gia đình Việt đều dựng một câu nêu, trên ngọn treo cái khánh và cột chỉ
ngũ sắc. Cái khánh này khi có gió thổi sẽ va vào nhau tạo thành âm thanh làm
cho ma qủy sợ hãi không dám tới quấy phá gia đình nữa.
Ðêm cuối cùng của tháng Chạp dân Việt ta gọi là đêm Giao Thừa
hay còn gọi là đêm Trừ Tịch, đêm tống cựu nghinh tân, đêm tiễn năm cũ đón năm mới,
là đêm giao mùa giữa Ðông và Xuân. Theo tục lệ thì đúng 12 giờ khuya, tức vào
giờ Tý, mọi gia đình đều bày mâm cơm để làm lễ cúng cúng tổ tiên, và rước tổ
tiên, ông bà, những người thân yêu đã quá cố về cùng ăn Tết với gia đình, đồng
thời cũng để tưởng nhờ đến những người thân yêu đã ra đi.
Theo lệ cổ sáng mồng Một, mọi người trong gia tộc đều đến nhà
gia trưởng để thắp hương kính lễ tổ tiên, và xum vầy vui Xuân cùng gia quyến
bên nội; ngày mồng Hai những người đã lập gia đình dắt vợ con đến chúc Tết và sum vầy cùng gia quyến bên ngoại; đến ngày mồng Ba những người có học thường đến
chúc Tết thầy dạy của mình để tỏ lòng tôn sư trọng đạo. Vì thế mà tục ngữ Việt
mới có câu rằng:
Mồng Một thì lễ tại gia, mồng Hai nhà vợ, mồng Ba Tết thầy
Có nhiều vật luôn liên hệ đến Tết và đã trở thành những biểu
tượng của ngày lễ này, như hoa đào ở miền Bắc và hoa mai ở miền Trung và Nam.
Những hàng câu đối và những bức tranh dân gian cũng được người dân Việt treo
trong nhà một cách trang trọng. Ý nghĩa của những câu đối và những bức tranh đó
không ngoài mục đích diễn tả sự hân hoan, ý nguyện hướng thiện và hoàn thiện bản
thân, nhắc nhở con cháu nhớ đến công đức của tổ tiên, đến những tấm gương
Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa của người xưa.
Ðối với dân tộc Việt, đón Tết là đón mừng sự trở lại của mùa
Xuân, được xem như kỳ tái sinh của thiên nhiên. Ðây cũng là lúc gia đình xum họp
cho những người bận công việc nơi xa xứ trong cả năm, là dịp cho mọi người
trong gia đình quây quần dưới một mái nhà, không chỉ người sống mà cả người đã
quá vãng. Ðối với người Việt sống ở xứ người như chúng ta, Tết còn có thêm một
ý nghĩa nữa: đó là tình hoài hương. Hơn bất cứ khoảng thời khắc nào trong năm,
Tết là lúc mà tâm tưởng của chúng ta tự nhiên hướng về đất nước, quê hương,
thành phố, làng mạc, nơi mà cha mẹ, họ hàng và bè bạn ta vẫn còn đang sống, nơi
mà tiên tổ ông bà ta bao thế hệ đã an thân.
Xin mượn đôi câu đối trên để gửi đến quý đồng bào Việt nơi
quê nhà hay đang tha hương muôn dặm lời chúc Tết và năm mới Phú, Quý, Thọ,
Khang, Ninh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét