Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Đêm ngoài phố

Đêm ngoài phố
Ở quê, người ta hay vì nghèo khó nên thường lên phố kiếm sống. Tôi không thích gọi là “lên phố” lắm, vì trong mắt tôi: phố không cao sang như người ta ham thích. Tôi gọi là “ra phố”. Ngoài phố đông lắm những nỗi niềm và tôi ra phố vì chuyện học hành. Tôi không thích cái nhốn nháo của phố, cái nhốn nháo được xây lên vì cơm, áo, gạo tiền. Song, tôi thích phố vì nó rạch ròi nhiều điều lắm và tôi đang vừa đi trên phố vừa nghe Thùy Chi hát bài Đêm nằm mơ phố.
Phố đáng ghét nhất là ban ngày và đáng sợ nhất là ban đêm. Phố sinh ra vốn để ồn ào, thắt ngặt đời phố là sự hỗn tạp của âm thanh: tiếng kèn xe xé nát cả trời trưa, tiếng rao hàng như nấu tan chảy cả thinh không, tiếng mặc cả giá tiền, tiếng cãi cọ, tiếng đủ thứ ngược xuôi, đúng sai trên đời, rồi khói, bụi, nắng, gió,… vậy mà ai cũng thích chen chân vào chốn ấy. Màng nhĩ gánh đầy tạp âm mỗi khi phố thức dậy. Nhưng khi phố lên đèn thì thực sự là ám ảnh.  Mọi thứ lắng xuống đến vô cùng, dường như những cái sôi nổi ban ngày đang vật vờ, nghẹt thở dưới cái nặng nề của trời đêm không một ánh sao. Cái đèn đường chắc cũng buồn cô quạnh nên ban ngày xanh đỏ những màu mà đêm về chỉ nhấp nháy một màu vàng tẻ nhạt, đúng chất “ngôn tình” trong tuyệt vọng.
Không ồn ào chắc không còn là phố, bởi quê im ắng quá. Nơi đó, người ta không đủ dịp để thể hiện hết con người mình. Phố sẵn sàng bao dung hết mọi âm thanh mà chắc là nó không dễ nghe, dễ chịu tí nào bởi rõ ràng là chúng được tái tạo từ những tâm hồn tìm cầu vật chất. Nghe ra có chút chua chát, nhưng thực chất là vậy, người sinh ra trong phố hay chết đi trên phố thì trước sau họ cũng sẽ thấy phố ồn vì mưu sinh. Người ta sống với phố phần nhiều vì tìm cầu, phố sẵn sàng cho họ cơ hội tìm cầu những ước muốn, đủ mọi thể loại, đủ mọi kích cỡ, đủ mọi khát khao. Phố không hứa sẽ giúp họ thành công nhưng chí ít phố cho họ hy vọng. Khi đêm về là lúc họ tạm yên bươn chải, phố dốc cạn âm thanh ngày tàn mang hy vọng của họ vào những cơn mơ rồi chính mình lại cô đơn đến lạ. Cái hiu quạnh của phố về đêm khó kiểm soát đến nỗi có thể giết chết hy vọng một người nếu vô tình thức giấc.
Phố buồn rười rượi…
Phố đáng sợ nhất là con người và đáng thương nhất cũng là con người. Không có gì là tuyệt đối trong một thế giới tương đối. Nếu ai cần chứng minh thì hãy tìm ra phố. Người ngoài phố nhiều lắm, không tài nào đếm xuể. Dân tứ xứ nhiều hơn bản xứ, họ đủ kiểu tánh nết, đủ loại thành phần và đủ mọi phận đời. Họ mơ ngay cả khi còn thức, họ mơ rằng phố sẽ làm họ khá hơn một chút trước cái ngặt nghèo của mưu sinh. Có phải chăng vì thế mà ít khi họ sống thực cùng nhau, “đầu môi chót lưỡi” là cái để đánh giá ranh giới giữa thật và giả của con người. Ấy vậy mà trong phố, lắm lúc, người ta phải gạt gẫm cả chính mình thì nói gì là môi, là lưỡi. Đôi khi, con tim và khối óc còn lừa dối lẫn nhau thì làm sao ai tin được ai mỗi khi ra phố. Phố tội nghiệp đến nỗi ngay lúc trong những con hẻm kia, người ta có thể cãi cọ, đánh đấm nhau thì ngoài ngõ họ lại cười tươi như chưa có xảy ra chuyện gì. Phố giả vờ mạnh mẽ làm chi để phải giấu đi nỗi đau trong từng ngóc ngách.
Phố nhiều lắm những con đường. Những con đường rộn ràng nhịp sống, những con đường ngạt ngào mùi vị thức ăn, những con đường thơ mộng với lá me bay. Nhưng chúng đều là những con đường lớn, còn trong những con hẻm, góc phố thì sao? Những cái địa chỉ oằn mình dưới những dấu gạch, chúng chồng chất lên nhau như nỗi đau, nỗi khổ phải kìm nén. Cuối những con đường nhỏ là khoảng đường cùng, nơi đó người ta cũng ít khi thật với nhau vì cạnh bên vách nhà mươi năm chưa hẳn đã biết mặt nhau thì làm sao hình thành được khái niệm “thông cảm”. Những chỗ cùng cực như thế thường được gọi bằng tên riêng của phố, đó là những “xóm nhà thiếc”, những “khu ổ chuột”.
Phố thú vị nhất là nhịp sống và khốn khổ nhất là cô đơn. Phố luôn tỏ ra bận rộn nên người sống trong phố cũng phải hối hả theo.  Bạn sẽ thấy những con người thoăn thắt, mau lẹ và nhịp nhàng trong từng hành động, bạn cũng sẽ thấy vài cô, vài cậu thất thểu, xộc xệch, chênh vênh trong từng bước đi trên phố. Phố buộc ai sống cùng nó cũng phải nhanh nên nếu quen dần với phố, bạn sẽ không còn thì giờ để lo nghĩ (tức nhiên là ở ban ngày). Còn như bạn chưa quen với phố, thì bạn sẽ phải lo nghĩ ở tất cả các thì giờ vì bạn chậm quá so với những kẻ nhanh nhẫu xung quanh, bạn lo nghĩ nhiều quá so với những con người vô tư lự. Do vậy, nên phố chẳng có mùa, phố không mùa thì với nó thời tiết chẳng là gì cả, nếu cần mùa thì chắc phố sẽ có: mùa hối hả và mùa rất hối hả. Phố là như thế, đã đủ thú vị với bạn chưa?
Sống với phố lâu dần rồi cũng phải quen, phố như người chủ trọ khó tính luôn đòi hỏi cao với những con người tứ phương đến nương thân.
Người ta vội vàng vì phố xưa giờ không ưa thong thả, cũng vì vậy mà hiếm khi người trong phố còn đủ thời gian quan tâm ai. Những người từng chịu khốn khó sẽ có khả năng đồng cảm với người khác, song đang chịu khổ thì người ta không đủ thời gian để lo lắng cho ai đâu. Hoặc có khi “Sống lâu trong cái khổ nên Mị quen khổ rồi” – Tô Hoài đã nhận định như thế khi mà bất hạnh đã làm chai lì con tim yếu mềm của Mị. Câu nói này cũng đúng với những người trên phố. Bận bịu quá nên ít khi họ quan tâm đến cảm xúc của chính mình, bàn chi đến người khác. Để rồi một lúc nào đó, giật mình nhớ lại thì mỗi người đã sống trong một thế giới riêng, dù sống cùng trên phố. Có khi nào mai này, phố sẽ vắng đi những nụ cười?
Tôi thích cái rạch ròi đó nhưng lắm lúc nó rạch ròi đến quá đáng, và phố còn nhiều lắm những cái rạch ròi. Một đứa như tôi dễ bị coi là bao đồng khi nói về phố như thế. Nhưng thôi, rồi cuối tuần tôi cũng sẽ về quê, bỏ lại chốn thị thành kia những lạ lẫm cho một đứa nhà quê. Phố sẽ đẹp với những người “nhà phố” vì “ăn cây nào rào cây ấy”,  song tất cả đều gói gọn trong một góc nhìn. Đâu đó, người ta vẫn thấy “phố tuyệt đến thế là cùng”, vì ai sống quen rồi mà xa thì sẽ nhớ phố biết mấy. Không có phố, đời sống con người sẽ kém phần thú vị. Nên đừng vì khốn khó quá mà đi “đổ thừa” vì phố không tự vẽ nên tính cách của mình mà do chính những con người sống với phố dựng nên, trong đó có tôi.
Thanh Duy 
 Theo http://enews.agu.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...