Hà Thượng Nhân - Đối thoại
với cuộc đời qua thi ca
Nhà thơ Hà Thượng Nhân ghé bên dòng suối thi văn để thưởng ngoạn vui chơi và
trút trao nỗi niềm tâm sự. Trong khi một số văn nghệ sĩ khác thí nghiệm hoặc
lao mình vào một số danh từ thời thượng hoặc tìm cái lạ qua những cách ngắt câu
bất ngờ hay những cú sốc trong ý tưởng, thơ của Hà Thượng Nhân không câu nệ vào
hình thức. Ông đi tìm chiều sâu của tâm hồn. Thi phong của Hà Thượng Nhân có
nét sâu kín thầm lắng không phô trương, mang tâm hồn bình dị chân phương.
Qua thơ của ông người đọc thấy dáng dấp của một tâm hồn hiền hòa, đôn hậu,
nghiêm túc không đùa cợt với chữ nghĩa. Có nhiều lúc trong thơ ông, người ta bắt
gặp một khóe tâm sự hoài mong, chút mặn nồng với nắng mưa kỷ niệm, và thấp
thoáng đâu đây bóng dáng của Lão Tử và Trang Tử đang phất quạt coi nhẹ hiện tại
để hướng về một miền tâm linh nào đó xa hơn bên ngoài tinh cầu này. Nhà thơ Hà
Thượng Nhân ngân nga và trải dài tiếng lòng của mình với cuộc đời qua thi văn.
Nói một cách khác, người thơ Hà Thượng Nhân đang đối thoại với cuộc đời qua thi
ca.
Bước vào tuổi hạc, thật khó mà tưởng tượng nỗi ông là tác giả của những dòng
thơ man mác với cảm xúc mượt mà, trẻ trung, và tinh diệu. Nét chân phương thanh
thoát lồng trong súc tích của ngôn từ. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng lòng qua
thơ của ông:
Sắp sửa thu rồi người nhớ không?
Ta về nghe gió thổi đầy sông
Nghe dường mây trắng trong thơ cổ
Phơ phất bay như ngọn cỏ bồng
(Hà Thượng Nhân, Mơ Hồ, 2009)
Ta về nghe gió thổi đầy sông. Bình dị quá, mà sao man mác vi vu hoang mạc. Lời
thơ buông nhẹ như nốt dương cầm buông lơi. Tuy đồng hành với các nhà thơ tiền
chiến khác như Hữu Loan, Văn Cao, Hà Thượng Nhân cho thấy ông không bị đóng
khung trong các ước lệ về “nét đẹp” và tính lãng mạn của dòng thi ca tiền chiến.
Nét đẹp trong ca khúc Thiên Thai đầy tính siêu thực của Văn Cao như:
Tiếng ai hát chiều nay
vang lừng trên sóng
vang lừng trên sóng
Nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa
lạc lối Đào nguyên...
lạc lối Đào nguyên...
Cho ta thấy một ý niệm đầy ước mộng vượt thoát khỏi hiện tại của thi ca tiền
chiến. Tuy cũng vương mang một chút gì hững hờ với thực tại, lời thơ Hà Thượng
Nhân khác mới hơn ở những diễn biến nội tâm với chút khắc khoải, hoài niệm; trực
thoại hơn là bao bọc bằng lớp vẹcni bóng loáng:
Cỏ đã vàng theo những bước chân
Môi son đã nhạt vẻ ân cần
Nhìn sâu đáy mắt hồ Than Thở
Tưởng vẫn ngày xưa, vẫn cố nhân
Người cố nhân ư? Ta muốn hỏi
Ồ ly rượu ấy một mình say
Trong say ta thấy lung linh nắng
Tóc xõa bờ thon chặt nắm tay
(Hà Thượng Nhân, Mơ Hồ, 2009)
Hình ảnh “cố nhân” ở đây, chính là chút hoài niệm. Một nổi niềm uẩn ức, không
trọn vẹn. Có một hố thẳm, một mất mát, hư hao nào đó mà người thơ Hà Thượng
Nhân đã không lấp đầy nó được. Giữa hiện tại và quá khứ vẫn còn một dòng sông
vô hình chảy qua và chia cắt. Có lẽ người thơ đang muốn mang chúng ta về với quãng
đời êm đẹp ngày xưa:
Ta gối tay nằm biết nhớ aiNhớ đồng lúa chín, nhớ sông dài?
Phải rồi, ta nhớ, hình như nhớ
Một mảnh trăng non lá trúc cài
(Hà Thượng Nhân, Mơ Hồ, 2009)
“Một mảnh trăng non lá trúc cài” nghe
như tiếng lòng từ vô thức, mang chúng ta về với giai đoạn thanh bình ngắn ngủi
sau khi đất nước chia đôi, trước khi nỗ bùng cuộc binh biến đưa đẩy đến những
hoang tàn.
Sau cuộc đổi đời 1975, nhà thơ Hà Thượng Nhân thấm thía tê tái trong hồn với những
thương tích cay đắng lê thê trong trại tù cải tạo trên đất Bắc. Từ xứ Mỹ xa
cách quê hương ngàn dặm bằng nữa tinh cầu, ông nhớ về thành phố Sài Gòn yêu dấu
của kỷ niệm xưa bằng những lời xót xa:
Người ta lên mặt trăngMặt trăng gần quá nhỉ!
Anh muốn về Sài Gòn
Sài Gòn xa đến thế!
Sài Gòn xa hơn trăng
Trăng đêm đêm vẫn thấy
Lòng anh, em thấu chăng
Thấm trên từng trang giấy
(Hà Thượng Nhân, Nhìn Trăng)
Như nhịp cầu nối dài các thế hệ sáng tác qua các biến động lịch sử, thơ ông chứa
đựng tâm huyết và u uẩn của giới sáng tác thi ca hải ngoại. Phải chăng vì vậy
mà ông còn được gọi thêm là Hà Chưởng Môn. Phất phơ tuổi hạc mà ông vẫn ghé bến
thơ với những dòng thi văn phong phú, thanh thoát, nhẹ nhàng không câu nệ. Bao
nhiêu bài thơ của ông trải ra ngòi bút tự nhiên không gò bó, như nhịp đập con
tim, như hơi thở, như cảm xúc nguyên sơ. Đây phải chăng là lý tưởng nho giáo
thanh lịch, nhập mà như đã thoát. Ông bay cao bằng đôi cách trí tuệ của tâm hồn
thi nhân qua lời thơ của ông:
Không cần thép, thơ vẫn là bó đuốcThơ nâng người cao sát với thần linh
Hà Thượng Nhân sáng tác rất nhiều thơ với nhiều thể loại: lục bát, đường thi thất
ngôn bát cú, ngũ ngôn, song thất lục bát, cổ phong trường thiên, thơ mới, thơ
phá thể... Người viết bài này chỉ muốn phát họa những nét chính yếu đáng kể
theo cảm xúc của riêng mình. Hi vọng trong cái thiếu sót của nhãn quan qua “lượng”,
người viết nêu lên phần nào nét đặc thù về “phẩm” với dấu ấn của một thi sĩ miền
Hà Thượng, mang tên Hà Thượng Nhân.
Cát Biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét