Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Tiếng chuông chùa trong thơ văn và âm nhạc

Tiếng chuông chùa 
trong thơ văn và âm nhạc
Kể từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, tiếng chuông chùa đã in sâu vào tâm hồn của người dân Việt không biết từ lúc nào. Âm thanh trầm bổng du dương đã làm lắng dịu biết bao tâm hồn đang còn lưu lạc giữa chốn hồng trần, và còn vấn vương lưu lại trong thi văn, ca nhạc. Cảnh vật như cộng hưởng cùng tiếng chuông. Tất cả đều trở nên lung linh trầm mặc. Tiếng chuông chùa đã thi vị và đầy sức sống cảm hóa làm nẩy sinh ra biết bao cảm hứng trong âm nhạc và thơ văn, chứa chan chất liệu rốt ráo của tinh thần Phật giáo cùng với mối sầu cảm ướp đầy tình tự quê hương. Mái chùa và tiếng chuông là hình ảnh cùng hồn thiêng của đất nước đã thẩm thấu mặn mà trong tâm khảm của dân tộc Việt Nam và đã trở thành một bộ phận hữu cơ gắn liền với sinh hoạt xóm làng, không thể tách rời. Tiếng chuông chùa là phương tiện của cửa thiền để mở đường hòa nhập vào đời sống tâm linh, là âm thanh trầm hùng kêu gọi thế nhân quay về với thực tại. Tiếng chuông ngân như một cuộc hành hương từ chốn phong ba trở về vùng tĩnh lặng an nhiên. Ta thử nghe tiếng chuông công phu khuya đã đánh thức người nông dân tỉnh giấc về với ruộng đồng:
“Tiếng chuông vượt núi len sông,
 Vào làng thức tỉnh dân nông ra đồng.
 Chuông không ngại ngày đêm mưa gió thổi,
 Chuông không vì sông núi bể đèo ngăn.
 Tiếng của chuông là bản thể xa xăm,
 Đây vọng lại mấy nghìn năm âm hưởng.”
Với Sư Huyền Không, tiếng chuông và mái chùa đã sớm tối đồng hành với dân quê Việt Nam “Mái chùa che chở hồn dân tộc, . . .”, từng nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ để cùng nhau xây dựng quê hương xóm làng:
“Vì vậy, làng tôi sống thái bình,
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh.
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm,
Xây dựng tương lai xứ sở mình.”
Còn đối với Nguyễn Bính thì trong khung cảnh thiên nhiên với nhịp sống hài hòa, tiếng chuông chùa ấm áp đã hiện hữu và gắn liền với con người, với quê hương dân tộc. Tiếng chuông đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân như những hiện tượng thiên nhiên bình thường nhất:
“Quê tôi có gió bốn mùa,
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm.
Chuông hôm, gió sớm, trăng Rằm,
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi.
Mai này tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.”
Nguyễn Bính đã phác họa nên một bức tranh làng quê thật đẹp đẽ với thời tiết hài hòa, có trăng, có gió sớm ban mai để rồi ai cũng yêu quê mình tuy thanh đạm nhưng có sức quyến rủ lạ thường. Mỗi lần xa quê, ai cũng nhớ cũng thương về chốn cũ. Xa quê, bỏ trăng, bỏ gió là cũng thường tình thôi, nhưng nhớ đến ngôi chùa tâm linh, thỉ người nghệ sĩ đã phải thốt lên “chao ôi” để diễn tả nên nỗi niềm thương tiếc, nhớ đến tiếng vọng chuông chùa, rồi liên tưởng đến những thời pháp của sư bà mà thính chúng vẫn chưa về và còn lưu lạc nơi đâu:
“Mấy chiều vắng bặt hơi chuông,
Sư bà khuyên giáo thập phương chưa về.”
Trong thi ca Việt Nam, tiếng chuông chùa cũng đã được nhiều tác giả đề cập đến, tiếng chuông của quê hương xóm làng theo những nhặt khoan trên đồng ruộng, trên dòng sông tạo nơi sự hài hòa của cảnh, sự cân bằng giữa cảnh và tâm như trong thơ của Trần Nhân Tông:
“Lạnh lẽo chùa quê bóng mịt mờ,
Thuyền ngư lẽo đẽo, tiếng chuông đưa.”
Trong âm hưởng tiếng chuông sâu đậm của đất Thần kinh lan toả, từ đỉnh tháp chùa, rót qua không gian một tiếng chuông, cuộn trôi êm đềm theo dòng Hương giang mỗi lần người dân xứ Huế nhớ đến tiếng chuông Thiên Mụ ngân nga hòa quyện với tiếng gà gáy từ bên kia thôn làng Thọ Xương giữa đêm khuya thanh vắng:
“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.”
Qua hai câu thơ trên, Phạm Quỳnh đã “tức cảnh” viết thêm: ”Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bảy tầng, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia, Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca.”
Nhưng đối với Chu Mạnh Trinh trong “Hương Sơn Phong Cảnh” thì thi sĩ chẳng những say sưa với cảnh đẹp làm xao động quá dạt dào chênh vênh giữa cảnh và tâm:
“Thỏ thẻ rừng mai, chim cúng trái,
Lững lờ Khe Yến, cá nghe kinh.
Thoảng bên tai một tiếng chày kình,
Khách tang hải giật mình trong giấc mộng.
Giữa cảnh trầm tư mặc tưởng của khu rừng, tác giả thực tình yêu mến cảnh non nước nên đã gọi là “Cảnh Bụt”:
Lần tràng hạt niệm Nam Mô Phật,
Cửa từ bi công đức biết là bao.
Càng trông phong cảnh càng yêu!
Tiếng chuông ở đây như một thông điệp của trí tuệ và từ bi như lời nhắn nhủ của Đức Phật “tất cả những gì theo duyên khởi cũng đều theo duyên diệt.”, vừa dẫn dắt con người hòa nhập với cảnh vừa thức tỉnh đưa con người về với cõi thực. Trong cái âm thanh của tiếng chuông gắn liền với cảnh Bụt được Chu Mạnh Trinh trân quý:
“Muôn hồng nghìn tía tưng bừng,
Suối khe hát nhạc, thông rừng dạo sênh.
Chim cúng quả, cá nghe kinh,
Then hoa cài nguyệt, chày kình nện sương.”
Đối với thi sĩ Quách Tấn, tiếng chuông chùa như một kỷ vật thiêng liêng nên mỗi lần trông thấy cảnh núi non, chùa chiền thì từ đâu trong tiềm thức trổi dậy, cảnh thiên nhiên gợi nhớ:
“Núi Nhạn chuông ngân, trời bãng lãng,
Đầm Ô sen nở, gió thơm tho. “
“Mây tạnh non cao đọng náng chiều,
Tiếng chuông chùa cổ vọng cô liêu.”
Ngay cả những lúc trải qua bao cảnh ưu phiền chìm trong giấc mộng, mỗi khi tỉnh giấc, tiếng chuông chùa cũ cũng vẫn vọng về trong tâm thức:
“Mây nước nhiễm phong trần,
Nơi đâu tình cố nhân,
Những đêm buồn tỉnh giấc,
Chùa cũ tiếng chuông ngân.”
Rồi Quách Tấn tâm sự: “Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ, ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa lánh hẳn cõi trần tục.” . . . “Nếu không có tiếng chuông lay mộng thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây rán, hoặc làm con cò vương hương bay lờ lững trong hồ sen yên tịnh:
”Gió ru hồn mộng thiu thiu,
Chuông chùa rơi rụng trong chiều đầu non.”
“Mây tạnh non cao đọng nắng chiều,
Tiếng chuông chùa cũ vọng cô liêu.”
“Chùa ẩn non mây trắng,
Bóng in hồ liễu xanh.
Mai chiều chuông đã tạnh,
Vòng sóng còn long lanh.”
Âm hưởng của tiếng chuông chùa cũng đi vào trong dòng nhạc Việt khơi lại tâm tình riêng tư của người nghệ sĩ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã miêu tả cảnh quạnh hiu, cô đơn của lữ khách trong “Đêm Đông” lạnh lẽo, với một tâm trạng xa nhà, u buồn khôn xiết, trong lúc mọi người đang vui chơi trác táng nơi chốn trà đình tửu quán:
“Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống,
Đâu đây buông lững lờ tiếng chuông.
Đôi cành chim bâng khuâng rã rời,
Cùng mây xám về ngang lưng trời. . .”
Đêm Đông - Lệ Quyên - NhacCuaTui
Còn trái lại, Y Vân và Nguyễn Hiền cảm nhận thấy mùa Xuân đầy hương sắc và muốn trai gái trong làng cùng trao nhau câu ân tình “Anh Cho Em Mùa Xuân” khi nghe tiếng chuông chùa văng vẳng trong ánh trăng thanh gió mát:
“Anh cho em mùa Xuân,
Mùa xuân này tất cả,
Đất mẹ gầy có lúa.
Đồng ta xanh mấy mùa.
Ngoài đê điều căng gió,
Thoảng câu hò đôi lứa.
Trong xóm vang chuông chùa.
Trăng sáng soi liếp dừa.
Con sông dài mấy nhánh...”.
Anh Cho Em Mùa Xuân - Phi Nhung - NhacCuaTui
Cũng là tiếng chuông chùa, nhưng trong những hoàn cảnh khác nhau, tâm hồn những người nghệ sĩ cũng hòa đồng với cảnh vật xung quanh nên Nguyễn Du đã cùng than thở “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!.”
Sau bao năm lưu lạc với những chán chường thăng trầm, tủi hổ, Thúy Kiều phải tìm về nương náu nơi cửa Thiền rộng mở để mong thoát kiếp trần duyên, Nguyễn Du cũng đã giải bày:
“Sớm khuya lá bối phiến mây,
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương.”
Lưu lạc bao năm chốn xa nhà, Hoàng Trọng tìm lại giây phút êm đềm khi lòng thổn thức, khi trở về lại bến xưa, khi đã “Dừng Bước Giang Hồ” sau một đời rong ruổi:
“Chiều nay sương gió
lữ khách dừng bên quán xưa.
Mơ màng nghe tiếng chuông chiều
Vương về bên quán tiêu điều. . . "
Dừng bước giang hồ (Khánh Ly) - YouTube
Trong khúc “Nhạc Chiều”, tiếng chuông chùa vắng ngân lên khiến người nghệ sĩ trong nỗi chứa chan niềm cay đắng đã rủ bỏ, quên hết đi đám bụi trần vướng mắc:
“Chuông chùa vương tiếng ngân.
Âm thầm trong chiều vắng.
Đường tơ lắng buông trong huy hoàng,
Ru hồn quên hết nỗi chứa cang niềm cay đắng."
. . . .”Vương sầu làm chi cho ngày thắm phai,
Mỗi khi tiếng chuông vẫn ngân dài. . . .”
Khúc Nhạc Chiều - Phạm Thu Hà - NhacCuaTui
Tô Vũ nhớ “Tiếng Chuông Chiều Thu” mà nhớ lại biết bao kỷ niệm thời ấu thơ:
“Từ miền xa, tiếng chuông ngân.
Hồi buông lớp lớp theo gió vàng”
. . . “Hồn ta chìm đắm tiếng chuông xa vời.
Hồi chuông ngân nga 
trong chiều thu ngợp gió.”
... “Hồi chuông ngân nga ru hồn mo.”
Tiếng Chuông Chiều Thu (Tô Vũ) - Lê Dung - YouTube
Trong khói sương chiều cao nguyên Đà Lạt thời âm giai tiếng chuông chùa Linh Sơn khiến ưu phiền trầm lặng và tình thương lên ngôi, Minh Kỳ như tỉnh giấc mơ hoa khi lòng chợt nhớ “Thương Về Miền Đất Lạnh” dấu yêu:
“Linh Sơn đâu đây buông tiếng chuông ban chiều,
Như ru ai say trong giấc mơ dạt dào.
Cho thế nhân thôi, ru hết ưu sầu,
Để lòng quay về bến yêu . . .”
Thương Về Miền Đất Lạnh - Vân Khánh - NhacCuaTui
Trải qua bao mùa binh lửa, rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn. Nhạc sĩ Nhật Ngân đã ước mơ ngày hòa bình biết bao giờ sẽ đến. Và ngày đó trong “Giã từ vũ khí”:
“Để có một ngày, có một ngày cho chúng mình,
Ta lại gặp ta, còn vòng tay
Mở rộng thương mến bao la.
Chuông chùa làng xa, chiều lại vang.
Bếp ai lên khói ấm tình thương.
Bát cơm rau thắm mối tình quê.
Có con trâu, có nương dâu.
Thiên đường này mơ ước bao lâu.”
Một mai giã từ vũ khí Đan Nguyên ft Quốc Khánh - YouTube
Tô Vũ nhờ tiếng chuông “Chiều Thu” mà nhớ lại bao kỷ niệm của thuở xa xưa thời niên thiếu:
. . . “Ngày nào khi chiến chinh xong.
Hôi chuông reo vui như tiếng đồng.
Chuông rung lời ước cũ,
.Tình ta đẹp bao nhiêu.
Hồn anh thầm lắng tiếng chuông ban chiều.”
Tiếng Chuông Chiều Thu (Tô Vũ) - Lê Dung - YouTube
Với Hoàng Giác, khi nghe tiếng chuông đã gợi niềm nhung nhớ một bóng hình người đẹp trong giấc “Mơ Hoa” xa xưa với lời tâm sự “Tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường tôi đi học... Và đây là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi . . .:
“Chuông chiều ngân tiếng vấn vương lòng trông theo cô hái hoa.
Bước đi bâng khuâng muôn ngàn sầu nhớ bóng mờ mờ xa . . .”
Mơ Hoa - Vân Khánh (HTV - TLMN 11/5/2008) - YouTube
Tiếng chuông chùa lắng đọng trong thơ văn và âm nhạc, len lõi gieo vào lòng người, rồi với thời gian, tiếng chuông là liều thuốc cho những ai còn ngây ngất say sưa trong giả ảo, bám víu vào kiếp sống tạm bợ, như gác trọ qua đêm, cuộc đời vô thường, tỉnh nhớ lại và quay về với thực tại. Tiếng chuông chùa mang tự thân trở về và khơi gợi ở con người vừa tỉnh mộng, tâm từ rộng mở, dàn trải, vươn tới thăng hoa và bình an cho tự tâm. Chuông chùa ngân nga, không bao giờ thúc giục, lôi kéo mà chỉ vang lên mãi trong sâu thẳm của niềm an lạc. Tiếng chuông chùa quả thật là thông tư hòa giải, chuyển hoá được lòng người, hóa giải những trái ngang xung đột, những dằng vặc khổ đau của con người nơi chốn trần tục.
Tháng 8/2016
Lê Ánh
Theo http://www.ninh-hoa.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...