Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

Đôi mắt qua thi văn và âm nhạc

Đôi mắt qua thi văn và âm nhạc
Theo quan niệm Phật giáo, con người vẹn toàn có đủ lục căn: tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý. Cơ quan nào cũng quan trọng, nhưng đôi mắt thật đáng quý và rất đặc biệt. Khi ta có đủ tất cả, hình như ta xem thường và không để ý đến sự hiện hữu của mỗi thứ ta đang có. Nhưng những người mù lòa thì cuộc đời của họ quả thật không biết được hương vị thật sự cùng khao khát được nhận thấy những cảnh vật xung quanh và sự hiện hữu của họ cũng cảm thấy không còn ý nghĩa gì đối với cuộc sống.
Trong y học, đôi mắt có vẻ làm việc nhiều nhất với cường độ thật cao nhất. Lúc bình thường trong cuộc sống hàng ngày, đôi mắt là bộ phận duy nhất diễn tả được cảm xúc, tâm trạng, thậm chí còn tỏ ra cái thần thái tinh anh của một con người mà không phải thốt lên bằng tiếng nói.
Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, nên thường khi hạnh phúc dâng trào hoặc lúc phiền muộn khổ đau, sẽ khiến cho người đối diện dễ dàng phát hiện ra sự thầm kín trong đôi mắt ấy. Nếu chúng ta nhìn đời bằng đôi mắt với toàn màu hồng thì cuộc sống tràn đầy hạnh phúc bằng ngược lại thì trước mắt ta là cả một bầu trời đen tối.
Người ta cũng thường nói “đôi mắt biết nói”,mắt có thần, mắt lạc thần” cũng từ ý nghĩa đó mà ra. Và cũng như vài bộ phận cơ thể khác thuộc hình thức bên ngoài của con người, đôi mắt đã đi vào văn chương và âm nhạc, đã tạo nên bao lời thơ ý nhạc sống mãi với thời gian, thể hiện muôn vàn cung bậc cảm xúc trong tâm hồn con người.
Trước tiên, ta thử điểm lại những miêu tả về đôi mắt qua cái nhìn trong kho tàng văn chương bình dân, thể loại văn chương truyền khẩu. Là một yếu tố có vị trí quan trọng hàng đầu trong khoa nhân tướng học, đôi mắt thể hiện nội tâm, cốt cách và phẩm chất của mỗi con người. Đôi mắt đẹp của người phụ nữ được dân gian ca tụng:
“Những người con mắt lá răm,
Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”

Ngược lại là những đôi mắt dị hình, không những xấu còn mang hình tướng hạ cấp:
“Những người ti hí mắt lươn,
Trai thời trộm cắp, gái buôn chồng người”
Đôi mắt của người con gái không đoan chính được miêu tả qua câu ca dao:
“Những người con mắt lá khoai,
Liếc chồng, chồng chết, liếc trai, trai mù”.
Những kẻ gian ác, nham hiểm thể hiện qua đôi mắt được dân gian miêu tả bằng các danh từ như “mắt cú vọ”, “mắt diều hâu”. Một người phụ nữ đẹp ẩn hiện trong ca dao với đôi mắt được xem như một trong những ấn tượng khi một ai mới thoạt nhìn và đã “bị hốt hồn”, làm quyến rủ, xao xuyến trái tim bao chàng trai lãng mạn giang hồ:
Cổ tay em trắng như ngà,
Đôi mắt em sắc như là dao cau”
.
Nhưng chưa hết, đôi mắt ấy còn được tiếp tục được miêu tả trong một câu ca dao khác:
“Có rửa thì rửa chân tay,
Chớ rửa lông mày chết cá ao anh”.
Sang lãnh vực văn chương viết của thiên tài Nguyễn Du, đôi mắt luôn luôn song hành với đôi hàng lông mày và làn mi được xem là một tổng thể của vẻ đẹp, hiện lên khuôn mặt diễm lệ yêu kiều đã được Nguyễn Du với cái nhìn thật xuất sắc vẽ nên một bức tranh tả vẻ đẹp tuyệt vời của đôi mắt:
“Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.
Đôi mắt của nàng Kiều được miêu tả như làn nước hồ thu, còn đôi hàng lông mày được ví như dải núi mùa xuân với màu xanh tươi mát. Với đôi mắt ấy đã làm cho hoa đẹp phải ganh tỵ và liễu yêu kiều diễm lệ cũng phải hờn ghen thì không gì sánh được! Đại thi hào Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh lồng vào chơn dung một Thúy Kiều với đôi mắt sánh với núi đang tiết xuân phơi phới nổi bậc bên nước hồ thu không gợn sóng.
Rồi sau này, thời cận đại, Lưu Trọng Lư đã mô tả đôi mắt người phụ nữ được ví với không gian rộng lớn, với sông nước:
“Mắt em là một dòng sông,
Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em”.
Không gian rộng lớn của dòng sông chưa đủ cho Văn Cao trong “Thời Gian”. Nhà thi sĩ kiêm nhạc sĩ đã có lúc gợi nên một không gian về chiều sâu. Bài thơ 7 câu, 12 dòng, 42 chữ, nhưng đã cho ta một triết lý nhân sinh. Tất cả chỉ đều mai một chỉ có Nghệ Thuật và Tình Yêu là bất diệt, vẫn còn mãi mãi trong cuộc sống. Nghệ thuật và Tình yêu luôn khác biệt và vượt lên mọi thứ tầm thường, tự thân nó mang một sức mạnh trường tồn, vĩnh cữu bởi nó là hiện thân của cái ĐẸP. Thời gian qua mau, kỷ niệm cũng vô thường, chỉ RIÊNG những câu thơ, những bài hát và ĐÔI MẮT EM vẫn còn mãi lưu luyến đâu đây:
“Thời gian qua kẽ tay,
Làm khô những chiếc lá,
Kỷ niệm trong tôi,
Rơi.
như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn.
Riêng những câu thơ,
còn xanh.
Riêng những bài hát,
còn xanh.
Và đôi mắt em,
như hai giếng nước”.
Cũng không gian ấy, thời gian ấy, đôi mắt lại là một sức quyến rũ dạt dào mãnh liệt, đã thu hút hồn ai trong ngẩn ngơ:
Trong nhạc phẩm “Đôi mắt Pleiku”, nhà nghệ sĩ Nguyễn Cường đã sững sờ:
Em đẹp thế Pleiku ơi!
Trái tim tôi muốn vỡ tan rồi.
Không dám nhìn vào đôi mắt ấy.
Đôi mắt Pleiku, Biển Hồ đầy.”
Lại với một góc nhìn khác, một cảm nhận khác, thi sĩ Tagor lại ví đôi mắt của người yêu với ánh sao sáng trên trời:
“Ôi rất đẹp mắt em là người mẹ
Ánh sao đêm vời vợi giữa trời thu
Môi em cười là nụ đời hé nở
Không gian chìm trong những tiếng em ru.”
Bên cạnh những bức tranh thủy mạc với một vẻ đẹp đầy thu hút và quyến rũ của người phụ nữ, những đôi mắt còn thể hiện muôn vàn những cung bậc tâm trạng cảm xúc của con người, không phân biệt giới tính hay tuổi tác. Điển tích văn học cho chúng ta câu chuyện về “mắt trắng” và “mắt xanh”. Câu chuyện “Trúc Lâm Thất Hiền” (Bảy người hiền trong rừng trúc” Điển tích về đôi mắt của Nguyễn Tịch đời nhà Tần đã đi vào nhiều tác phẩm thi ca nổi tiếng của Việt Nam. Từ Hải khi gặp nàng Kiều đã cất lời thăm dò:
Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
Với Nguyễn Bính trong “Xuân Vẫn Tha Hương”, thi sĩ cũng đã nhắc lại điển tích của Nguyễn Tịch
“Cửa quan chửa mở đầu Viên bạc.
Tri kỷ không ai mắt Tịch cuồng.”
Thành ngữ của người Việt cũng có câu bộc lộ thái độ cảm xúc của con người qua đôi mắt. Kẻ lộ ý khinh thường, cao ngạo có thể diễn tả qua câu: “ Nhìn đời bằng nửa con mắt” hoặc qua một thành ngữ Hán Việt mang ý nghĩa gần tương đương: “Hạ mục vô nhân”. Ngược lại, khi muốn diễn tả một cảm xúc tích cực dành cho người khác giới, thường nhằm mục đích tán tỉnh yêu đương, người Việt lại có câu : “Liếc mắt đưa tình”.
Trong thời kỳ trung đại đã có những dòng thơ còn lưu lại , như trong thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương đã thể hiện cốt cách khí phách của mình qua một lần miêu tả ánh mắt, với một động từ rất đặc biệt xem thường: “Ghé” trong “Đề Đền Sầm Nghi Đống”:
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,
Kìa đền thái thú đứng cheo leo.
Ví đây đổi phận làm trai được,
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.”
Trở lại với đề tài muôn thuở, những mối tình thơ mộng để lại bao nhiêu lỡ làng đắng cay, không nói nên lời. Trong “Tình Sầu” , thi sĩ Lưu Trọng Lư đã thổn thức:
Đôi mắt em lặng buồn.
Nhìn thôi mà chẳng nói.
Tình đôi ta vời vợi.
Có nói cũng khôn cùng . . . “
Với người tình nhỏ bé hay khóc thì chàng trai không khỏi động lòng mỗi khi nhìn thấy giọt lệ bờ mi rồi lăn trên đôi má nàng trong “Khi Người Yêu Tôi Khóc”. Nước mắt được coi là vũ khí lợi hại của đàn bà, vì thế mà Khái Hưng đã tỏ bày trong “Tiêu Sơn Tráng Sĩ”:
Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy đôi mắt của giai nhân.”, nên đã lưu lại những vần thơ:
“Chim trời mỏi cánh phiêu du.
Ta đem chí lớn giam tù trong em.
Mộng gian hồ đã nguôi quên,
Vì em mắt biếc ta mềm tâm tư . . .”
Quả là tia mắt mỹ nhân có sức mạnh phi thường, vô hình quật ngã dễ dàng các đấng nam nhi kém bản lĩnh. Thành quách còn sụp đổ nên có thành ngữ “đổ nước nghiêng thành” là vậy. Một khi ai đã đem lòng yêu thì ánh mắt của người yêu theo đuổi ai đó mãi, dẫu xa cách muôn trùng mà lòng vẫn hoài tưởng nhớ mong. Người ta vẫn thường nói rằng “Chỉ vì yêu đôi mằt mà cưới trọn cả người đàn bà”, thật chí lý lắm thay. Chính vì vậy mà đôi mắt đã được suy tôn trong nhiều áng thơ tình diễm tuyệt, trong những dòng nhạc chơi vơi qua bao thời gian trùng điệp.
Trong chiều dài lịch sử Việt Nam thế kỷ XX, chiến tranh chống ngoại xâm, không thể thiếu những đôi mắt hiện lên trong chiến tranh. Có những đôi mắt buồn trong buổi chia ly loạn lạc, Quang Dũng trong “Đôi Mắt Người Sơn Tây”:
“Đôi mắt người Sơn Tây.
U uẩn chiều lưu lạc.
Buồn viễn xứ khôn khuây.
Cho nhẹ lòng nhớ thương.”
Trong khi đó lại có những đôi mắt của những người trai kiên cường bất khuất, luôn trong tư thế sẫn sàng chiến đấu và đề cao cảnh giác trước quân thù. Trong “Tây Tiến”, Quang Dũng đã bộc lộ:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới.”
Thần thái của động từ “trừng” trong câu thơ Quang Dũng khiến ta nhớ đến chữ “quắc”trong bài thơ nổi tiếng của Thế Lữ “Nhớ Rừng”:
“Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.”
Có những lúc một chàng trai đã thầm yêu một cô gái, nhưng khi gặp nhau, không ai nói nên lời và chỉ mắt nhìn mắt của nhau. Thi sĩ Đinh Hùng đã tâm sự trong “Tự Tình Dưới Hoa”, và nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã thêu dệt nên những cung bậc thật dạt dào. Ánh mắt đã thay cho bao lời nói với biết bao cảm mến:
Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng,
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng.
Mắt xanh là bóng dừa hoang dại.
Âu yếm nhìn tôi không nói năng . . .”
Màu sắc của mắt cũng góp phần tạo nên những nét tuyệt vời khiến người đối diện say mê đắm đuối. Từ mắt huyền sâu thẳm, đen lánh như hạt nhãn, đến mắt bồ câu, với màu nâu thuỳ mị, làn mắt biếc nguyên trinh trong như giếng nước làm dịu mát tâm hồn, hay long lanh như ánh thủy tinh:
“Đôi bờ tinh thể kim cương,
Dạt dào ngắm mãi, anh thương từ đầu.”
Đó là nỗi lòng của thi nhân Việt Hải qua bài thơ”Mắt Biếc”.
Mắt biếc đã gây cảm hứng thi nhân thổn thức “dạt dào ngắm mãi” để rồi trăm nhớ ngàn thương. Nhưng ở đây Nguyễn Bính đã phải:
“Bao năm đi giữa kinh thành
Bao năm lẻ bóng , lẻ hình, lẻ đôi.
Cả kinh thành có những ai?
Cả kinh thành có một người mắt nhung!
Đã bao năm tháng, lặng lội giong ruổi truy lùng khắp kinh thành để tìm mắt nhung, nhưng rồi có đạt được điều mong ước chăng? Hay là cuối cùng cũng phải van lơn thảm thiết:
“Người ơi cứu vớt tôi cùng!
Dành đôi mắt đẹp cho lòng rất đơn.
Tôi còn mơ ước gì hơn!. . .
Phải chăng tôi đã yêu rồi!
Hồn xin quì dưới mắt người từ đây. . .”
Đi cho lắm, mơ cho nhiều, nhưng rồi cũng trong giấc mơ đầy mong ước, mượn rượu tiêu sầu để say đấm trong cơn mơ đầy mộng ảo:
“Đêm qua buồn quá tôi say,
Đã mơ một giấc mơ đầy mắt nhung!
Theo giòng lịch sử nước nhà, trong các ca khúc thời chiến cũng ẩn hiện hình ảnh đôi mắt. Giữa cảnh lửa đạn, chàng lính trẻ si tình nhớ về người yêu.
Trong nhạc phẩm “Những Đóm Mắt Hỏa Châu”, nhạc sĩ Hàn Châu tỏ bày:
Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối.
Như mắt em sáng ngời, theo anh đi ngàn lối.
Những đêm không ngủ, anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi.”
Đôi mắt cũng mang hình ảnh quê hương yêu dấu ngàn trùng. Dù bao năm tháng trôi qua biền biệt, bóng hình của cố quận làng xưa vẫn chập chờn đâu đây trong ánh mắt vương vương nỗi sầu:
Mắt người mang cả quê hương.
Lòng ta mang cả đoạn trường tháng năm.”
Đó là nỗi lòng của Hoài Khanh cũng như biết bao nhiêu người Việt tị nạn, khi chân ướt chân ráo trên xứ lạ quê người.
Tuy xa quê hương, nhưng sau cơn tỉnh mộng, hình ảnh năm xưa vẫn vấn vương, vẫn thương, vẫn nhớ. Ngân Giang trong”Đôi Mắt Người Xưa” đã phải ngậm ngùi:
“Cũng đôi mắt này, năm xưa lạc vào hồn tôi,
Trong những đêm không ngủ
Chong đèn nhìn khói thuốc bay. . . .”
Dĩ vãng đã trớ về đậm tình sầu nhớ bóng hình xưa:
“Em ơi dĩ vãng đôi mình được
dệt thành bao kỷ niệm từ khi mới quen nhau.
Ôi, đôi mắt người xưa, 
bao lần khóc ướt vai tôi,
Trong những đêm nghẹn ngào.”
Rồi thời gian qua, đôi đường cách trở, tưởng chừng thời gian sẽ phôi pha. Cảnh ngang trái cho dù có thở than thì cuối cùng cũng đành than thở như TTKH thuở nào trong “Hai Sắc Hoa Ti-Gôn”. “Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng. Trời ơi, người ấy có buồn không? đã đưa chàng về hiện thực, Ngân Giang đã sững sờ với nỗi đớn đau tột cùng:
“Rồi ngày tháng êm trôi, cuộc đời chia hai lối,
Bỗng một hôm có thiệp hòng báo tin vui
Tin em lấy chồng về bên ấy
Em có nhớ người xưa không?”
Trước tin của sự thật phũ phàng, Ngân Giang tỉnh thức lại tình duyên bẽ bàng nhưng rồi cũng tự trấn an mính và đành tự an ủi mình để tỏ lòng bao dung để quên đi bao nỗi đắng cay dày vò:
Thôi trách nhau chi, chuyện tình dù dở dang,
Đã tan thành khói sương, như quên vào dĩ vãng
Đôi mắt người xưa, xin đừng buồn vì tôi,
Cho trái tim tôi ngủ quên chuyện tình xưa lỡ làng.”
Chỉ có lòng bao dung tha thứ, quên đi quá khứ để trở về với thực tại, với lòng thanh thản, không để lòng chao đảo, bất an, không được tự do, tự tại. Khi mắt thấy hình ảnh đẹp, chúng ta trầm trồ khen ngợi rồi sanh tâm ưa thích, muốn nắm giữ về cho riêng mình. Như vậy , con mắt không sử dụng đúng chức năng của nó, ta tạm thời gọi là đánh mất chính mình. Nếu ta thấy biết người vật qua lại dao động trong cảnh ồn ào, náo nhiệt, nhưng tánh thấy chúng ta không có tịnh huống hồ là động.
Nếu ta thấy biết như thế thì không bị sắc trần làm dao động, cho nên an nhiên tự tại giải thoát. Ai sống được như vậy tức làm chủ căn mắt một cách trọn vẹn. Một căn đã dung thông thì sáu căn cũng lại như vậy, không bị hình ảnh, sắc hương, thơm hôi hương vị, xúc chạm, làm ngăn ngại.
Tháng 10/2016
Lê Ánh
Theo http://www.ninh-hoa.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...