Người đẹp và thị hiếu
thẩm mỹ dân gian qua ca dao
Thị hiếu thẩm mỹ là một hình thức phán đoán thẩm mỹ mang đậm
tính chất cá nhân. Thị hiếu là sự ưa thích, thiên về cảm giác nhưng cũng mang
tính chất đánh giá rất rõ. Sự tương đồng giữa thị hiếu cá nhân của nhiều người
sống trong cộng đồng, một thời đại tạo nên những đặc điểm về cách cảm nhận cái
đẹp, cái xấu của một dân tộc trong thời đại nhất định. Tìm hiểu thị hiếu thẩm mỹ
dân gian qua ca dao cũng là một cách tiếp cận thị hiếu thẩm mỹ của người Việt
và từ đó hiểu thêm tính cách người Việt, bản sắc văn hóa Việt nói chung
(1).
Trong ca dao truyền thống, chúng ta bắt gặp rất nhiều chữ “Đẹp”.
Bên cạnh cái đẹp của thiên nhiên và phong cảnh, phần lớn những câu ca dao liên
quan đến cái đẹp đều nói về con người:
Giao Tự lắm bãi nhiều doi
Lắm con gái đẹp nhiều nơi phải lòng
Nhà bà có bức mành mành
Có cô gái đẹp để dành cho ai …
Thấy em sắc sảo đẹp xinh
Muốn sao cho đặng gần mình mới ưng
Đáng chú ý là thường khi nói đến người đẹp chúng ta hay nghĩ đến phụ nữ, nhưng
trong ca dao truyền thống lại có rất nhiều câu nói về đàn ông, vẻ đẹp của người
đàn ông:
Thấy anh da trắng muốn kề
Hương nhan cũng đẹp sợ bề có đôi
Thiếp nay thi lễ con nhà
Thấy chàng mĩ mạo nết na dịu dàng
Cho nên lòng muốn đa mang
Biết rằng quân tử có màng hay không
Răng đen ai nhuộm cho chàng
Cho răng chàng đẹp cho tình em say
Đây cũng là điều khác với văn chương bác học, với văn học viết, thường chỉ ca
ngợi vẻ đẹp của các cô gái. Nếu có điều kiện so sánh hiện tượng này trong ca
dao Việt Nam với ca dao các dân tộc khác, chắc sẽ có thể rút ra những nhận xét
bổ ích.
Có một câu hỏi đặt ra ngay ở đây: trong ca dao, khi khen chê chàng trai hay cô
gái là đẹp hay xấu thì thường người ta đề cao cái gì, không thích cái gì? Đọc
ca dao, chúng ta nhận thấy mấy điểm sau đây.
Trước hết, trái với cái nhìn gắn chặt với lễ giáo phong kiến, ca dao rất coi trọng vẻ
đẹp của hình thể con người:
Nhác trông anh khóa có duyên
Má lúm đồng tiền, da trắng phau phau
Hỡi chàng da trắng tóc dài
Em đã chờ đợi một hai năm rồi
Chẳng tham ruộng cả ao sâu
Tham vì anh tú rậm râu mà lành
Đối với chàng trai là vậy, đối với cô gái vẻ đẹp của cơ thể còn quan trọng hơn
nữa, từ mái tóc, khuôn mặt đến dáng hình, tất cả đều có thể gợi lên rung động về
tình yêu, về cái đẹp:
Cổ tay vừa trắng vừa tròn
Cầm vào mát rượi như hòn tuyết đông
Mẹ em khéo đẻ khéo nuôi
Như trứng gà bóc, như người trong tranh
Chân mày vòng nguyệt có duyên
Tóc mây dợn sóng đẹp duyên tơ hồng
Gặp em thấy khéo miệng cười
Thấy xinh con mắt, thấy tươi má hồng
Một thương nàng lưng éo má phấn
Có thể nói hầu như tất cả vẻ đẹp của cơ thể con người đều được nói đến trong ca
dao. Người dân quê dường như không che dấu tình cảm của mình đối với cái đẹp
thuần túy mang tính hình thức, thậm chí có tính chất nhục thể:
Ai xui em có má hồng
Để người quân tử chưa trông đã thèm
Cổ tay em trắng lại tròn
Để cho ai gối đã mòn một bên
Rõ ràng trong thị hiếu thẩm mỹ dân gian, cái đẹp không phải
là cái gì hoàn toàn thuần túy tinh thần, siêu hình mà rất cụ thể, cảm tính, gắn
với đường nét, hình dáng, màu sắc của cơ thể con người. Đó là một thị hiếu thẩm
mỹ rất “duy vật”, rất thực, rất đời. Thị hiếu này cũng mang đậm chất văn hóa
dân gian ở chỗ nó có “tính công thức”, “mô hình”. Má đẹp thì phải là “má hồng”,
“má lúm đồng tiền”, răng đẹp là “răng đen”, “da trắng tóc dài”, “mắt phượng môi
son” v.v. Nhưng cũng chính nhờ “tính công thức” này mà chúng ta hiểu được cái
phổ biến trong thẩm mỹ dân gian in dấu trong ca dao.
Điều đáng chú ý là khi khen vẻ đẹp của hình thể, ca dao không
nói đến đôi mắt, cái miệng, hàm răng, bàn tay, mái tóc như những bộ phận cơ thể
con người mà nói đến vẻ đẹp gắn với chúng, toát ra từ chúng:
Hoa thơm hoa ở trên cây
Đôi con mắt em lúng liếng, dạ anh say lừ đừ
Con mắt em liếc cũng ngoan
Cái chân em bước tựa đàn năm cung
Đó là về con mắt. Hàm răng cũng vậy:
Hỡi người ngồi hát bên này
Răng đen nhay nháy tựa màu hạt na
Mình về mình nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười.
Đặc biệt là cái miệng, cái miệng gắn với nụ cười, nụ cười của người con trai:
Chả tham nhà ngói rung rinh
Tham về một nỗi anh xinh miệng cười
và nhất là nụ cười của người con gái:
Lúng liếng là lúng liếng ơi
Miệng cười lúng liếng có đôi đồng tiền
Hoa tàn vì bởi mất sương
Xanh xao vì bởi quá thương miệng cười
Cái liếc mắt, cái miệng cười làm cho cơ thể con người không
còn chỉ là một thân xác, một sinh thể mà trở thành một đối tượng thẩm mỹ, thành
cái đẹp và thị hiếu thẩm mỹ gắn với cái đẹp ấy cũng không còn mang tính chất bản
năng mà đã trở thành một cái gì đó mang đậm chất người, gắn với tình yêu, tình
cảm của con người. Chuyển động, vận động, sự phối hợp nhịp nhàng làm cho các bộ
phận của thân thể con người trở nên sinh động, có sức sống, có tình cảm và do
đó có sức hấp dẫn, quyến rũ.
Không phải ngẫu nhiên mà trong ca dao, khi nhắc đến vẻ đẹp của con người, chúng
ta thấy nổi lên hai hình ảnh: miệng cười và cách ăn nói. Có rất
nhiều câu khen cái đẹp của miệng cười:
Người bao nhiêu tuổi hỡi người
Người bao nhiêu tuổi miệng cười nở hoa
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen
Ngó lên lỗ miệng em cười
Đây có lẽ cũng là một nét riêng của thẩm mỹ người Việt. Người nước ngoài thường
nhận xét người Việt Nam hay cười. Tục ngữ cũng có câu “Một cái cười bằng mười
thang thuốc bổ”. Nụ cười, nhất là nụ cười của những ai có cái miệng xinh, có
hàm răng đẹp thường mang lại một khoái cảm thẩm mỹ, sự quyến rũ và tình cảm yêu
mến,
Bên cạnh “miệng cười”, trong ca dao còn nhiều câu khen vẻ đẹp của “miệng nói”:
Thấy em đẹp nói đẹp cười
Đẹp quần đẹp áo lại tươi răng vàng…
Ta thương mình lắm mình ơi…
Tay cầm tấm mía con dao
Thấy em ăn nói ngọt ngào anh thương
Bảy thương nết ở khôn ngoan
Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh
Anh đã có vợ con chưa
Mà anh ăn nói gió đưa ngọt ngào
“ăn nói ngọt ngào” ở đây dĩ nhiên có phần ám chỉ cách chàng trai, cô gái biết
cách thưa gửi, biết dùng lời lẽ hợp đạo, phải chăng, nhưng cũng có một phần là
khen cách nói, giọng nói. Trong “ăn nói” có phần lời và phần phát âm. “Ăn nói”
mà gây được ấn tượng thẩm mỹ, làm cho người yêu mến thì không chỉ là do cách
dùng từ, do tác động của phần “ngữ nghĩa” của từ mà một phần còn do phần tiếng,
phần âm của lời nói:
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe
Điều này một lần nữa chứng minh rằng trong thị hiếu thẩm mỹ dân gian sự vận động,
chuyển động có một vị trí rất đáng kể. Vẻ đẹp của thân thể không phải chỉ nằm ở
sự cân đối hình thức thuần túy của các bộ phận của cơ thể như mắt, miệng mà còn
phụ thuộc vào sự kết hợp, tính chất sống động của chúng. Miệng phải cười mới
xinh, ăn nói phải ngọt ngào, dịu dàng mới dễ thương. Và chính điều này cũng giải
thích một hiện tượng thú vị là tại sao trong ca dao khi khen hình thức của
chàng trai hay cô gái, bên cạnh chữ đẹp còn bắt gặp các chữ xinh, tươi, giòn và duyên.
Theo một nghĩa nào đó, có thể nói đây là những phạm trù của cái đẹp trong thẩm
mỹ dân gian.
Trước hết là về chữ “xinh”:
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em dứng chỗ nào cũng xinh
Thấy em sắc sảo đẹp xinh
Muốn sao cho đặng gần mình mới ưng
Xinh thì cũng là đẹp, nhưng hình như xinh vẫn có cái gì đó khác, nên ca dao có
câu:
Lên trời đo gió đo mây
Xuống sông đo nước về đây đo người
Đo từ mười tám đôi mươi
Đo được một người vừa đẹp vừa xinh
Đã đẹp lại còn xinh, có nghĩa là xinh khác đẹp. Nét khác đó là ở chỗ xinh có
cái gì đó nhỏ nhắn, động hơn, tươi tắn hơn:
Gặp em thấy khéo miệng cười
Thấy xinh con mắt, thấy tươi má hồng
Tươi cũng là một nét đẹp, nhưng nói đẹp là nói chung chung, còn tươi thì sống động
hơn, cụ thể hơn:
Thấy chàng đẹp nết tốt tươi
Tươi quần, tươi áo, tươi đôi má hồng
Cho nên mới có câu khen người con gái
Đường xa thì thật là xa
Mượn mình làm mối cho ta một người
Một người mười tám đôi mươi
Tươi là vẻ đẹp tràn đầy sức sống, một vẻ đẹp khỏe mạnh vốn là cái mà đã là con
người thì ai ai cũng yêu thích chứ chưa nói đến những người dân quê, chủ thể của
các câu ca dao, quanh năm làm lụng vất vả, với họ sự khỏe mạnh bao giờ cũng nằm
trong những tiêu chuẩn hàng đầu của cái đẹp. Đây là hiện tượng phổ biến chứ
không phải riêng của dân tộc nào. “Trong sự miêu tả người con gái đẹp – nhà mỹ
học Nga thế kỷ XIX N.Tcherniyshersky viết – trong những bài dân ca, bất cứ dấu
hiệu nào của vẻ đẹp cũng biểu hiện một sức khỏe dồi dào và một sự cân bằng sức
lực trong cơ thể, mà cái đó thì bao giờ cũng là kết quả của một đời sống đầy đủ
có lao động thường xuyên cần cù nhưng không quá sức…”(2).
Gần với cái đẹp “tươi” còn có cái đẹp “giòn”. Ca dao có rất nhiều câu khen vẻ đẹp
này:
Trăng lên khỏi núi trăng tròn
Xuân xanh em mấy mà giòn rứa em?
Ngồi buồn ngửa mặt trông sao
Em giòn anh chỉ ước ao đêm ngày
Trông em găm gắm mà giòn
Siêng mần, siêng mạn, sớm hôm tảo tần
Thế nào là “giòn”? Trước hết “giòn” cũng có thể hiểu là đẹp, chẳng hạn như
trong mấy câu sau đây:
Trèo lên cây gạo con con
Muốn lấy vợ giòn phải nặng tiền cheo
Vào vườn trảy quả cau non
Anh thấy em giòn, muốn kết nhân duyên
Hoa thơm càng héo càng thơm
Em giòn rách áo đói cơm cũng giòn
Nhưng không phải lúc nào “giòn” cũng trùng với “đẹp”, mà có sắc thái hơi khác,
nếu không thì chẳng có những câu như:
Muốn vợ vừa đẹp vừa giòn
Vừa rẻ tiền cưới, vừa con nhà giàu
hay:
Em chỉ khoe em đẹp em giòn
Lời ăn nết nói em còn kém xa
Hoa lí hoa lịch là hoa lí linh
Con gái Đình Bảng vừa xinh vừa giòn
“Giòn” là một vẻ đẹp có nét gì đó khỏe mạnh, tinh nghịch, sống động và có sức
cuốn hút. Sức cuốn hút này có thể bắt nguồn từ cách ăn nói giòn giã nhưng cũng
có thể do chất tươi khỏe, tràn đầy sức sống toát lên từ nụ cười, ánh mắt hay
hình dáng của người con gái. Những câu ca dao ca ngợi vẻ đẹp “giòn” thể hiện sự
tinh tế trong thị hiếu thẩm mỹ dân gian khi cảm nhận cái đẹp của con người.
Nếu cái “giòn” diễn tả vẻ tươi tắn, chắc khỏe và gợi cảm của cô thôn nữ, thì
cái “Duyên” lại gợi lên một phẩm chất thẩm mỹ khác. Trong nhiều trường hợp cái
Duyên được coi như trùng với cái đẹp, nhờ có duyên mà đẹp, đẹp là vì có duyên:
Thương em về rộng về dài
Về duyên em đẹp, về tài em xinh
Chồng yêu cái tóc nên dài
Cái duyên nên đẹp, cái tài nên khôn
Nhưng không phải lúc nào duyên cũng trùng với đẹp:
Người xấu duyên lặn vào trong
Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài
Cho nên mới có câu khen người con gái:
Tiếng đồn chị Bốn có duyên
Anh Bốn đi cưới một thiên cá mòi
Có duyên chưa hẳn là đẹp, nhưng có duyên chắc chắn cũng là một tiêu chuẩn thẩm
mỹ dựa vào đó để mà yêu, mà chọn vợ. Vậy duyên khác đẹp ở chỗ nào? Khác ở chỗ đẹp
thì tĩnh, duyên thì động, đẹp là sự sắp xếp hài hòa các đường nét, màu sắc, là
cái có thể nhìn thấy bằng mắt, còn duyên là sự chuyển động, phối hợp của những
đường nét màu sắc ấy. Nhiều khi bản thân màu sắc, hình dáng đứng riêng ra không
đẹp, nhưng khi kết hợp lại với nhau trong một vận động, tiết tấu nào đó lại tạo
ra sự uyển chuyển có sức hấp dẫn, gây nên một cảm giác thẩm mỹ về một hiện tượng
thường hay gọi là “Duyên”. Ông Phạm Quỳnh trong bài viết “Đẹp là gì?”, đăng
trên báo “Nam Phong” năm 1917 đã từng viết: “Duyên là gì? Cũng khó mà giải được
cho rõ. Duyên có lẽ là cái vô-hình mầu-nhiệm, “điểm nhỡn” cho cái đẹp, mà không
có thì đẹp thành ra “trẽn”, ra “trơ”. Duyên là ở dáng điệu uyển - chuyển mềm mại,
ở sự vận động, sự sinh - hoạt điều - hòa…”(3)
Do cái duyên là ở sự vận động nên duyên của người con trai hay con gái thường
toát ra không phải ở bản thân cái miệng hay con mắt mà toát ra từ hoạt động của
chúng, từ nụ cười hay cái liếc mắt, nhất là cách ăn nói:
Chàng là con trai thứ mấy trong nhà
Mà chàng ăn nói mặn mà có duyên
Gió đưa mười tám lá me
Mặt rỗ hoa mè ăn nói có duyên
Cái Duyên của người con trai hay con gái không phải chỉ nằm ở
cách ăn nói mà toát ra từ toàn bộ hành động, sự kết hợp hài hòa các đường nét của
cơ thể. Cái duyên ấy là một nét nổi bật trong thẩm mỹ người Việt, in dấu cả
trong văn chương, hội họa, điêu khắc. “Tính mộc mạc, thân thiết với mọi người…cùng
cái xinh xắn và duyên dáng trở thành hai bản chất…cố hữu của cả nghệ thuật Việt
Nam” (4).
Đẹp, Duyên, Xinh, Giòn, Tươi là những chữ chỉ phẩm chất thẩm mỹ của con người.
Những phạm trù này có quan hệ với nhau. Trong nhiều trường hợp có thể hiểu cái
đẹp là mẫu số chung của tất cả và Xinh, Duyên, Giòn, Tươi là những biểu hiện cụ
thể của Đẹp, nhưng trong nhiều trường hợp khác không hẳn như vậy, nhất là với
Xinh và Duyên. Các phạm trù này vừa có chỗ tiếp giáp với Đẹp nhưng đồng thời vẫn
có nét riêng, không thể diễn tả bằng chữ Đẹp. Cái Duyên đối với thị hiếu thẩm mỹ
của người Việt nhiều khi còn quan trọng hơn cái đẹp:
Hoa khoai là ngọc trời sinh
Hoa lài hoa lí hữu tình mà lại vô duyên
Vô duyên là điều khó chịu nhất. Đẹp mà vô duyên thì cũng
không có giá trị gì:
Người xấu duyên lẩn vào trong
Bao nhiêu người đẹp duyên bong ra ngoài
Trên đây chúng ta đã khảo sát thái độ và cách nhìn nhận của người dân quê bộc lộ
qua ca dao đối với cái đẹp của hình thể con người. Rõ ràng ở đây vẻ đẹp này rất
được ưa chuộng. Người dân quê không hề khắt khe với “sự cám dỗ” của cặp má hồng,
con mắt lá răm, làn da trắng, với hình dáng thắt đáy lưng ong, với cái miệng cười
xinh. Tuy nhiên nói đến vẻ đẹp của con người, ca dao còn nhắc đến một yếu tố nữa
cũng không kém phần quan trọng – đó là trang phục:
Tục ngữ có câu: “Người đẹp vì lụa…” Ca dao nói rõ hơn:
Thấy người đẹp áo xinh quần
Lòng tôi muốn kết yên phần gia cư
Thấy em đẹp nói đẹp cười
Đẹp quần đẹp áo lại tươi răng vàng
Chân em đi dép quai ngang…
Ta thương mình lắm mình ơi…
Vẻ đẹp hình thức của chàng trai hay cô gái rõ ràng không chỉ thể hiện ở khuôn mặt,
vóc dáng mà còn phụ thuộc vào cách ăn mặc, vào chất liệu của vải vóc quần áo và
những thứ phục trang khác:
Hỡi người đi dép quai ngang
Tay đeo nhẫn bạc em càng say mê
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều
Nhớ người đãy gấm, khăn điều vắt vai
Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Ngày ngày thấp thoáng trong mành chờ ai?
Một yêu khăn nhiễu Tam giang
Khen ai khéo nhuộm cho nàng, nàng ơi!
Thời trang của các chàng trai ngày xưa vốn không nhiều:
Trai đò đẹp lắm mẹ ơi
Những thứ được ưa chuộng cũng chỉ đơn giản là chiếc “khăn xếp”,
“áo the hoa tầm”, “lược ngà búi tóc”, “dây lưng hoa hiên”, “khăn điều vắt vai”.
Nhưng với các cô gái thì việc ăn mặc có nhiều nét để lại dấu ấn riêng. Ngoài một
số “mốt” dân gian như “quần lĩnh hoa chanh”, “áo lụa màu huyền cánh quạ”, “khăn
thắm thêu hoa”, “trâm cài mái tóc”, trong ca dao xưa nổi lên ba hình tượng người
phụ nữ với trang phục mang đậm bản sắc dân gian người Việt – đó là cái yếm, thắt
lưng bao xanh và chiếc nón.
Ca dao có rất nhiều câu nói về cái yếm như tượng trưng cho vẻ đẹp của người con
gái:
Khen ai khâu yếm cho mình
Đường lên đường xuống ra hình lưng ong
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Yếm có nhiều dạng, nhiều màu:
Hỡi cô yếm trắng kia là
Lại đây anh gửi lược ngà cùng gương
Một đàn tím tía chói lòa
Yếm hồng khăn thắm coi đà xinh thay
Anh mua cho em cái yếm hoa chanh
Ra đường bạn hỏi, nói của anh cho nàng
Nhưng phổ biến nhất và đẹp nhất có lẽ vẫn là yếm thắm (yếm đỏ):
Hỡi cô yếm thắm răng đen
Muốn lên mạn ngược ngồi thuyền cùng anh
Thấy cô yếm đỏ răng đen
Nam mô Di Phật lại quên mất chùa…
Trong thẩm mỹ dân gian, cái yếm xinh không chỉ vì màu sắc của nó mà cái chính
có lẽ vì nó là thứ trang phục tạo điều kiện cho sự phô bày nét đẹp thân thể của
người phụ nữ:
Đàn ông đóng khố đuôi lươn
Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh
Nét đẹp phồn thực, dân dã này thực ra cũng rất hiện đại. Ngày nay trong nhiều bức
tranh, nhiều vở múa, kịch múa, trên nhiều sân khấu thời trang và cả trong đời sống
hàng ngày chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh chiếc yếm đã từng ẩn hiện trong ca dao.
Cùng với chiếc yếm, trong trang phục của người phụ nữ hiện lên trong ca dao còn
nổi lên hình ảnh chiếc “thắt lưng bao xanh”:
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về An Phú với anh thì về
Cô kia thắt dải lưng xanh
Có về Nam định với anh thì về
Và đặc biệt là chiếc nón:
Miệng cười như thể hoa ngâu
Cái nón trên đầu như thể hoa sen
Có nhiều loại nón, mỗi loại nón mang lại cho người con gái một vẻ đẹp khác
nhau. Có loại “Nón trắng em buộc thao đen”, có “nón bạc, quai vàng” trao chàng
cầm tay, có chiếc nón ba tầm nổi tiếng (“Ai trông chiếc nón ba tầm cũng ưa”),
nhưng nói chung với chiếc nón nào, người con gái cũng trở nên duyên dáng hơn,
đáng yêu hơn:
Ai làm chiếc nón quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh
Từ ca dao, hình tượng người con gái với chiếc nón tiếp tục đi vào văn chương
nghệ thuật:
…mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
và dần dần trở thành biểu tượng về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt
Nam, thậm chí xa hơn, như biểu tượng của vẻ đẹp Việt Nam như các chương trình
quảng bá du lịch vẫn giới thiệu với khách nước ngoài. Điều này một lần nữa cho
thấy tính hiện đại của thị hiếu thẩm mỹ dân gian bộc lộ qua ca dao và
cũng một lần nữa khẳng định thêm rằng ca dao hay sáng tác văn hóa dân gian nói
chung là một trong những cội nguồn tạo nên đặc sắc của văn hóa dân tộc. Biết
khai thác và phát huy những mô-tip (motif), cái hay cái đẹp của văn hóa dân
gian sẽ góp phần làm cho những sản phẩm văn hóa ngày nay mang đậm tính cách Việt
hay như chúng ta thường nói, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ở đây, về phương diện mỹ học, cũng cần nói thêm rằng, khi nói đến vẻ đẹp của
con người, ca dao thường tập trung vào khuôn mặt. cái miệng cười, ăn nói
có duyên, con mắt lúng liếng, má lúm đồng tiền là những nét đẹp được nhắc đến
nhiều nhất, chứ không phải làn da hay hình dáng. Điều đó chứng tỏ trong thị hiếu
thẩm mỹ dân gian, vẻ đẹp của khuôn mặt có vị trí đặc biệt. Khuôn mặt là nơi thể
hiện trực tiếp và rõ rệt nhất tâm hồn, tình cảm của con người. Vì vậy chú ý đến
vẻ đẹp của khuôn mặt là chú ý đến vẻ đẹp gắn với tình cảm, với đời sống tinh thần
của con người chứ không phải chỉ là vẻ đẹp thuần túy của hình dáng, thân xác.
Đây cũng là một nét đáng lưu ý của thẩm mỹ Việt.
Đặc điểm này bộc lộ rất rõ trong những câu ca dao nói về quan hệ giữa cái đẹp với cái
Nết:
Thấy em đẹp nói đẹp cười
Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng…
Trong ca dao xưa, cái đẹp thường đi đôi với cái nết. Khi chàng trai hay cô gái
bày tỏ tình yêu của mình, họ thường giải thích vì sao mình yêu. Lời giải thích
thường nói về phẩm chất của đối tượng:
Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham vì một nỗi người hiền rậm râu
Đất Ngọc Hà tốt tươi phong cảnh
Gái Ngọc Hà vừa đảm vừa xinh
Trong các phẩm chất này, cái nết và cái đẹp là quan trọng nhất, có quan hệ chặt
chẽ với nhau đến mức cả hai cùng được gọi chung một chữ là đẹp (đẹp người, đẹp
nết). Người Việt vốn có truyền thống đề cao cái nết. Vì vậy trong quan hệ yêu
đương hay chọn vợ chọn chồng, cái nết có vai trò rất quan trọng:
Yêu cây vì nỗi lắm hoa
Yêu em vì nỗi nết na trăm chiều
Cây oằn vì bởi tại hoa
Thương em vì nết, mê say vì tình
Khi buộc phải cân nhắc giữa cái đẹp và cái nết, người ta thường hành động theo
phương châm được đúc lại trong câu tục ngữ: “cái nết đánh chết cái đẹp” :
Yêu em không phải em giòn
Yêu em chất phác việc làm siêng năng
Yêu em cái tính nhu mì
Làng trên xa dưới thiếu chi người giòn
Sự lựa chọn ở đây là rất rõ ràng: thà xấu người một chút mà cái nết dễ thương
thì vẫn còn hơn là người thì đẹp mà nết không “đẹp”:
Quạ đen có của có công
Phượng hoàng tốt giống nhưng không có gì
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn
Có một điều đáng chú ý là trong thị hiếu thẩm mỹ dân gian, mối quan hệ giữa cái
Lợi, cái Thiện và cái Mỹ diễn ra trong một tương quan rất thú vị. Trong khi rất
ưu ái cái Thiện, thậm chí sẵn sàng hy sinh cái đẹp cho cái Thiện, thì trong so
sánh cái Lợi và cái Đẹp người dân quê vốn thực tế, lại tỏ ra rất xa xỉ, hào
phóng:
Trăm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen
Chẳng tham nhà ngói rung rinh
Tham vì một nỗi anh xinh miệng cười
Thái độ của người dân quê trong cách ứng xử với cái Đẹp và cái Lợi ở đây một mặt
phản ánh một nét bản chất của kinh nghiệm thẩm mỹ, của cái Đẹp – đó là tính “vô
tư”, tức thái độ vô vụ lợi trong việc cảm nhận đối tượng của thế giới bên
ngoài. Mặt khác nó cũng nói lên tình yêu cái đẹp vốn là một nét nổi bật trong
tính cách người Việt:
Hoa thơm càng héo càng thơm
Em giòn, rách áo đói cơm càng giòn
Nhác trông con mắt ưa nhìn
Đáng trăm cũng chuộng, đáng nghìn cũng mua
Chính tình yêu cái Đẹp này đã làm cho thị hiếu thẩm mỹ dân gian khắc phục được
sự lệ thuộc một chiều vào quan niệm coi đạo đức, coi cái nết là quan trọng hơn
hết, đứng trên tất cả và thay vào đó là cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn:
Thấy em đẹp nói đẹp cười
Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng
Vậy nên anh gửi thơ sang
Tình cờ anh quyến lấy nàng mà thôi
Thấy chàng đẹp nết tốt tươi
Tươi quần, tươi áo, tươi đôi má hồng
Ví dù chàng hãy còn không
Để em xin tưới vườn hồng hái hoa
Ở đây không có sự đối lập giữa cái nết và cái đẹp mà chỉ có sự kết hợp giữa hai
cái, vừa đẹp người vừa đẹp nết, vừa đẹp quần đẹp áo vừa đẹp đôi má, làn da, cả
trang phục, hình thể và cách giao tiếp, ứng xử đều đẹp:
Nhất đẹp là gái làng Cầu
Khéo ăn khéo mặc, khéo hầu mẹ cha
Đặc điểm này của thị hiếu thẩm mỹ dân gian nói lên một nét tính cách chung của
người Việt là không thích sự phiến diện, cực đoan mà ưa sự kết hợp, sự vẹn
toàn. “Hợp lý, hợp tình” – đó là câu nói cửa miệng và cũng là phương châm hành
xử của đại đa số người Việt xưa nay. Để sang một bên vấn đề phương châm này có
đúng hay sai, trong trường hợp nào thì đúng và trong trường hợp nào thì sai, chỉ
xét về phương diện mỹ học, chúng ta thấy một thị hiếu thẩm mỹ trong đó vừa gắn
cái đẹp hình thức với những giá trị đạo đức, vừa tôn trọng ý nghĩa độc lập và
đánh giá cao vẻ đẹp của con người bao gồm cả vẻ đẹp của thân thể và trang phục,
vừa coi trọng cái nết là một thị hiếu thẩm mỹ lành mạnh và hiện đại.
Dĩ nhiên trong thị hiếu thẩm mỹ dân gian nói riêng và thị hiếu thẩm mỹ người Việt
nói chung cũng có những cái cần thay đổi. “Người Đông-phương ta thì trong cách
cảm nhận sự đẹp, trong cách hình dung sự đẹp, có ý miễn cưỡng, có ý kiểu – sức,
không tự do, không được tự nhiên. Cái đẹp đã có mẫu sẵn, mẫu ấy di truyền đời nọ
sang đời kia, hình như đã in vào trong trí não của người ta… Đàn bà phải môi
son má phấn, vóc liễu mày ngài mới là đẹp. Đàn ông phải diêm dúa chỉnh tề, tới
lui điều độ mới là đẹp…” (Phạm Quỳnh) (5). Tuy nhiên, những “mẫu” về cái đẹp
này, xét trong khuôn khổ ca dao truyền thống và rộng hơn là văn hóa dân gian,
là một hiện tượng phổ biến và cũng là một đặc điểm của văn hóa dân gian Việt
Nam. Chính nhờ có những motif, những “mẫu sẵn” này mà “văn hóa dân gian Việt
Nam vừa chứa đựng những tiềm năng, vừa chứa đựng những động lực cho việc không
ngừng xây dựng nên những giá trị thẩm mỹ mới” (Đinh Gia Khánh) (6).
Chú thích:
(1) Vấn đề này chúng tôi đã đề cập một phần
trong bài viết “Cái đẹp của thiên nhiên và phong cảnh trong ca dao truyền thống”
đăng trên tạp chí “Văn hóa Nghệ thuật” số 365 tháng 11/2014
(2) N.G.Tcherniyshevsky, Quan hệ thẩm mỹ của
nghệ thuật với hiện thực, Nxb. Văn hóa Nghệ thuật, HN, 1962, tr.24
(3) Phạm Quỳnh, Thượng chi văn tập, Nxb Văn
học, 2006 , tr.220
(4) Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng, Mỹ thuật
của người Việt. Nxb. Mỹ thuật, HN, 1989, tr.156
(5) Phạm Quỳnh, sách đã dẫn, tr. 225
(6) Đinh Gia Khánh, Mối quan hệ giữa truyền
thống và cách tân trong sự hình thành và phát triển các giá trị thẩm mỹ dân
gian, trong sách “Phác thảo chân dung văn hóa Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc
gia, HN, 2000, tr. 149.
Nguyễn Thị Kim Ngân
Nguồn: Tạp chí Văn hóa dân gian số 1/2015
Nguồn: Tạp chí Văn hóa dân gian số 1/2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét