Nhà báo Vũ Trọng Phụng tự phê bình
Trong cuốn “Vườn khuya một mình” (Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội,
2001), nhà nghiên cứu Văn Tâm có chụp in bức thư của Phạm Cao Củng viết từ Hải
Phòng ngày 20/3/1938 mời Vũ Trọng Phụng cộng tác với tuần báo “Chuyện đời”, dự
tính ra mắt ở Hải Phòng từ 9/4/1938. Bức thư nói: “Ngay từ số đầu chúng tôi có
mở một cuộc phỏng vấn hết thảy nhà văn có tiếng hiện thời; chúng tôi xin ông kể
lại cho độc giả của báo tôi cái kỷ niệm sâu xa nhất, hoặc đau đớn hoặc buồn cười
trong đời văn ông.”
Tư liệu của nhà “Phụng học” già Văn Tâm kích thích nhà “Phụng
học” trẻ Peter Zinoman đi tìm. Và đến tháng 4/2002, P. Zinoman đã tìm thấy số
báo “Chuyện đời” có đăng ở mục “Chuyện tâm sự” bài “Một hành vi bất lương trong
nghề phóng sự và điều tra” của Vũ Trọng Phụng.
Tâm sự của ký giả họ Vũ ở đây là một lời thú tội.
Bài báo hơi dài, xin thuật lại vắn tắt.
Chuyện xảy ra hồi một số cây bút cùng nhau tổ chức tờ “Tương
lai” (khoảng 1936). Vũ Trọng Phụng được giao việc viết một phóng sự dài. Sau một
tuần suy tính, Phụng nhắm vào nhà Lục sì (nơi chữa bệnh hoa liễu cho gái mại
dâm). Thế là một mặt giám đốc tạm thời của tuần báo “Tương lai” là Hà Văn Bính
viết thư lên Đốc lý thành phố Hà Nội Virgiti xin phép cho phóng viên báo “Tương
lai” được vào “điều tra” (chữ dùng đương thời, tương tự “tìm hiểu tình hình”
ngày nay) nhà Lục sì, mặt khác, tòa soạn cứ nghiễm nhiên thông báo “Tương lai”
sắp đăng thiên phóng sự “Lục sì”. Cách bốn hôm trước ngày hẹn đăng kỳ đầu, vẫn
chưa có giấy phép của tòa Đốc lý. Phụng phải đi tìm gặp bác sỹ Joyeux, giám đốc
nhà Lục sì, chánh phòng vệ sinh (tương đương Sở Y tế) Hà Nội. Ông này nói chưa
thể cho phóng viên vào nếu chưa được phép của tòa Đốc lý, nhưng bác sỹ đưa tặng
Phụng một số tài liệu xung quanh nạn mại dâm và tình hình chữa trị cho các kỹ nữ
bị bệnh mà chính quyền thuộc địa soạn in để gửi cho hội Quốc Liên (sau này chuyển
thành Liên Hiệp Quốc). Trong mớ tài liệu này, Phụng thấy có bài “Phong tình ca
khúc”, thơ lục bát, dạy các kỹ nữ cách phòng tránh bệnh hoa liễu.
Phụng đang cần biết để viết về việc chữa trị tại nhà Lục sì
Hà Nội, nhưng các tài liệu trên lại chỉ nói chung về bệnh hoa liễu và nạn mại
dâm. Phụng bèn quay về với ký ức thời học trò, những khi đi qua ngõ Hàng Mành,
chứng kiến bọn gái bán dâm ngồi “bầy hàng” mời khách, rồi đám lính tập đi qua,
vài gã lính trêu chọc lại bằng vài câu hát đối huê tình. Thế là trên tờ “Tương
lai”, phóng sự “Lục sì” mở đầu bằng cảnh cái ngõ phố lầm lội nhiều chuột chết
kia, trong đó thay vì hát huê tình, ong bướm, ký giả đã để cho một kỹ nữ hát
bài “Phong tình ca khúc”!
Sau kỳ đăng mở đầu, tác giả thiên phóng sự mới có dịp vào
thăm nhà Lục sì, không phải một mình mà cùng với nhiều nhà báo khác, nhờ sự cởi
mở của tòa Đốc lý trong dịp đón Lao công đại sứ Justin Godart sang Đông Dương.
Cũng từ lúc đó, trên báo chí Hà Thành, bên cạnh “Tương lai”
còn có tờ “Việt báo”, cũng đăng phóng sự về phúc đường dành riêng cho đám gái
trụy lạc này, do Thao Thao viết.
“Việt báo” ra hàng ngày, “Tương lai” ra hàng tuần nên “Tương
lai” yếu thế.
Biết vậy, Phụng tận dụng thời gian có mặt trong nhà Lục sì,
quan sát, hỏi chuyện, mong sao đưa được thật nhiều thông tin vào phóng sự.
Nhưng chỉ đến lần thứ tư thì họ Vũ bị bà giám thị nhà Lục sì ngăn lại, nói là
có lệnh quan Đốc lý không cho nhà báo vào đây nữa, vì thấy cả hai tờ báo đều
“nói sai sự thực” rất nhiều!
Không thể bỏ dở thiên phóng sự, Phụng phải tìm gặp Đốc lý
Virgiti để xin phép được tiếp tục cuộc “điều tra”.
Sau vài câu thủ lễ, Phụng nói dư luận dân Hà Thành đang xôn
xao về dự án thuế cư trú do Virgiti vừa đưa ra. Thế là Virgiti được dịp phân trần
về nội dung dự án. Phụng ngồi nghe, thỉnh thoảng đỡ đón vài câu lấy lòng, tỏ ra
tán thành dự án ấy, nói dân Hà Thành không biết điều, và hứa rằng đối với việc ấy,
báo “Tương lai” sẽ giữ thái độ trung lập. Thấy Virgiti tỏ ra vui vẻ, Phụng mới
nói việc của mình: đang được phép điều tra trong nhà Lục sì, mấy vạn độc giả
đang theo dõi phóng sự này, vậy mà nay Ngài lại không cho phép tôi vào phúc đường
nữa, ắt tôi phải bỏ dở công việc, tòa báo bị thiệt hại lớn, vả lại chưa rõ tôi
có phạm lỗi gì...?
Virgiti cau mày nghĩ ngợi, rồi nhớ ra và nói thật dài: Tôi rất
phàn nàn về thái độ các nhà báo! Các ông không có lương tâm nhà nghề. Việc ở
nhà Lục sì, xưa kia kinh phí eo hẹp nên mới để xảy ra những điều đáng chê
trách, nay đến lượt tôi cầm quyền đã có nhiều thay đổi. Thế mà trong phóng sự,
các ông toàn nói chuyện xấu ngày trước. Tôi đọc thấy một nhật báo tả cảnh khám
bệnh một cách hồ đồ, nói rằng người nhà nước đè một kỹ nữ xuống để mà cho cái
“mỏ vịt” vào, rồi lấy kim dùi vào thịt mà tiêm thuốc, làm như sự chữa trị là
tàn ác lắm!... Phúc đường không phải là lò mổ lợn, nơi các kỹ nữ bị cắt tiết và
khóc như ri đâu!
Phụng cắt ngang: Xin lỗi quan Đốc lý, điều đó có thật nhưng
không phải là lỗi riêng của tôi mà là bài của “Việt báo”, một cơ quan ra hàng
ngày, tòa soạn ở phố Gia Long. Còn tôi, tôi ở báo “Tương lai”, bảy ngày mới ra
một số...
Đốc lý tiếp: Đúng đó là bài của tờ nhật báo. Nhưng tôi còn đọc
ở một tuần báo, hình như chính là tờ “Tương lai”, một bài trong đó tả cảnh một
gái đĩ ngồi ngoài hè đường hát cái bài thơ vệ sinh của nhà nước để thiên hạ phải
buồn cười thích chí rồi vào chơi đĩ ở đấy! Sở dĩ nhà nước phải cho đặt ra bài
thơ ấy vì đa số gái đĩ mù chữ, không hiểu vệ sinh, nên phải cho họ học cái gì
có vần để họ nhớ và biết. Một việc hay như thế ông cũng đem ra đùa, lại thêu dệt
thành việc bậy! Thật không thể tha thứ được!
Đó chính là lỗi của Phụng. Nhưng Phụng cố giữ nét mặt thản
nhiên. Chết thật, mình viết vì một ý, nhà cầm quyền lại hiểu ra ý khác. Chả lẽ
lại thanh minh rằng vì mình đã viết lúc chưa được vào nhà Lục sì nên mới chót
viết bậy! Diễn giải cho ra thì lôi thôi mà rút cuộc là phải nhận lỗi và xin lỗi.
Thế thì hỏng việc. Âu là chối phăng, và đổ thừa cho kẻ vắng mặt! Thế là đợi khi
Virgiti ngừng lời, Phụng nói ôn tồn: Xin lỗi quan Đốc lý, đó cũng lại là “Việt
báo” chứ không phải “Tương lai”! Thấy Virgiti ngơ ngác, ngẩn người ra, Phụng
nói thêm: Vâng, chính thế, đó vẫn là tờ “Việt báo”! Ngài bận nhiều việc nên
Ngài quên đi, Ngài nhầm với báo “Tương lai”. Xin Ngài thử hỏi ngay phòng báo
chí xem!
Thấy Virgiti có vẻ áy náy vì trách lầm, Phụng dõng dạc: Bẩm
chính thế, thưa quan Đốc lý. Họ không có lương tâm nhà nghề! Họ không vào nhà Lục
sì mà chỉ viết theo tưởng tượng!
Phụng đỡ lời: Vâng, thưa quan Đốc lý, tờ “Việt báo” với hạng
phóng viên ấy, với những bài công kích thuế cư trú vô ý thức của nó...
Thấy Virgiti tỏ vẻ hài lòng, Phụng thêm: Còn như báo “Tương
lai” chúng tôi thì có biết rõ việc gì mới dám bàn luận... Đấy Ngài xem, như
tôi, đang điều tra mà mất phép thì tôi phải đến đây ngay để trần tình, còn “Việt
báo” thì có ai đến đây đâu! Không cần trông thấy gì cả, họ vẫn viết được mà!
Sau cùng, Đốc lý Virgiti xin lỗi vì đã lầm, và lại ra lệnh
cho nhân viên nhà Lục sì tiếp Phụng vào điều tra viết tiếp thiên phóng sự. Cố
nhiên khi in thành sách, Phụng phải sửa hẳn phần mở đầu.
Nhắc lại chuyện này sau vài ba năm, Vũ Trọng Phụng nhận là
mình đã “nói điêu”, đã “dựng đứng cây đũa” trước viên Đốc lý, đổ thừa cho báo bạn
mọi tội lỗi để được hưởng lợi trong nghề. Ông kết luận: “Và đó là một việc... bất
lương nhất tất cả trong cái đời làm báo của tôi, kể từ bữa nay về xưa. Còn từ
nay về sau thì... ai mà biết trước được?”
Cuộc đối thoại này giữa Phụng và Virgiti có lẽ chỉ hai người
biết, và với Phụng cũng chỉ nhằm xin được phép thực hiện tiếp thiên phóng sự điều
tra.
Cạnh tranh với nhau trong nghề báo, đương thời là việc thường
ngày. Đổ thừa lời trách cứ cho báo khác, cây bút khác cũng là việc không quá hiếm
đương thời, cả trong nói miệng lẫn trên trang viết. Nhưng nhà văn họ Vũ vẫn
“tâm sự” lại với bạn đọc, tự nhận cái “bất lương” của mình. Đó là sự sòng phẳng
của người cầm bút!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét