Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939) vừa viết văn vừa viết báo,
làm báo.
Sáng tác và trứ tác của ông, bên cạnh các tác phẩm thuộc các
thể loại văn học như tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch, còn có những tác phẩm mang
thuộc tính của văn học báo chí, tiêu biểu là thể tài phóng sự.
Những phóng sự như “Cạm bẫy người” (1933), “Kỹ nghệ lấy Tây”
(1935), “Cơm thầy cơm cô” (1936)… tiêu biểu cho một nhãn quan văn học đang đi
vào khu vực của “cái hàng ngày”, không chỉ là “cái hàng ngày” cụ thể-lịch sử,
mà còn là “cái hàng ngày” đơn nhất (unical), có địa chỉ, tên gọi xác định; tuy
vậy, diễn ngôn của nó lại gắng xóa những nét đơn nhất ấy đi để cái sự thật được
miêu tả từ chỗ là sự thật xác chỉ sẽ trở nên sự thật phiếm chỉ, có cơ trở nên một
loại sự thật bao quát, khái quát. Những sự việc và con người trong các phóng sự
kiểu này, tuy cho thấy những vấn nạn đáng báo động về con người và xã hội đương
thời, nhưng công chúng không thể yêu cầu đưa những sự việc và con người đó ra
xét xử trước pháp luật. Đây chính là điểm khác biệt mấu chốt của các tác phẩm
ký sự văn học so với các tác phẩm ký sự, phóng sự mang tính báo chí đích thực,
vốn đòi hỏi mô tả chính xác, chuẩn xác những sự việc và con người trong mỗi vụ
việc liên quan đến đề tài điều tra, khảo sát, phản ánh.
Bên cạnh những tác phẩm ký sự văn học như trên, Vũ Trọng Phụng
còn viết không ít những tác phẩm báo chí.
Ở thời đại ông, những năm 1930s ở Việt Nam, người trong giới
nhà văn thường đồng thời là nhà báo, tức là tham gia làm phóng viên, biên tập
viên của những tờ báo nhất định, chứ không phải chỉ là người viết văn tự do thực
hiện việc công bố các tác phẩm của mình trên những cơ quan ấn loát nhất định.
Loại hình báo chí mà Vũ Trọng Phụng cộng tác đôi khi cũng là
loại báo thời sự chính trị tổng hợp – và là báo hàng ngày – như “Ngọ Báo”,
nhưng phần nhiều ông làm việc với các tuần báo, nhất là loại tuần báo văn
chương. Tính ra, ông đã đăng bài trên những tuần báo: “Phụ nữ tân văn”, “Nhật
tân”, “Hải Phòng tuần báo”, “Loa”, “Tân thiếu niên”, “Tiến hóa”, “Phụ nữ thời
đàm”, “Hà Nội báo”, “Sông Hương”, “Tương lai”, “Chuyện đời”, v.v… ‒ đây là một
liệt kê tạm thời, bởi cho đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu riêng về
hoạt động báo chí của Vũ Trọng Phụng.
Theo tôi biết, ngoài sự cộng tác gửi đăng tác phẩm ở nhiều tờ
báo khác nhau, Vũ Trọng Phụng còn thực sự tham gia công việc tòa soạn của một số
tờ báo.
Việc ông Nguyễn Giang, chủ nhiệm “Đông Dương tạp chí” (La
Revue Indochinoise, - tục bản từ 15/5/1937) mời Vũ Trọng Phụng làm thư ký tòa
soạn phần tiếng Việt của tạp chí này từ cuối năm 1937 đến giữa năm 1938 là sự
việc dễ thấy (chức danh thư ký tòa soạn được in trên phần tiêu đề mỗi số báo).
Với một số tờ dân dã hơn, Vũ Trọng Phụng cũng từng góp tay góp sức, dù dấu vết
khó thấy hơn.
Bước vào nghề văn nghề báo từ 1930, Vũ Trọng Phụng không thuộc
số cây bút chịu sức hút của trung tâm Tự Lực, tuy nhà xuất bản Đời Nay của nhóm
văn chương báo chí này đã đứng tên xuất bản “Cạm bẫy người” (1933), tác phẩm in
sách đầu đời văn của ông, và dư luận trên mấy cơ quan của nhóm này vẫn còn khen
kịch “Không một tiếng vang” (1934) của ông.
Người mà Vũ Trọng Phụng, cùng với Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Vũ
Trọng Can, Bùi Huy Phồn và một số cây bút khác, cộng tác mật thiết trong nghề
báo, ‒ người ấy là Lê Tràng Kiều (1912-1977). Có thể nói, gắn với hoạt động làm
báo của Lê Tràng Kiều những năm 1930-45 là sự tập hợp của một nhóm nhà văn nhằm
ganh đua với một vài nhóm khác đương thời; nhóm này dù bị thất thế, nhưng không
ít những tác phẩm của các nhà văn trong nhóm lại có vị trí cao trong văn học sử
giai đoạn này, và sự hoạt động cạnh tranh đương thời của họ có tác dụng cân bằng
rất đáng kể trong đời sống văn học thời mình. Đây là điều, có thể nói, chưa được
thấy rõ trong các mô tả và phân tích văn học sử về văn học 1930-45, hoặc hẹp
hơn, về đời sống văn chương báo chí Hà Nội thời kỳ đó.
Sau thời gian cộng tác viết cho “Văn học tạp chí” của Dương Tụ
Quán, rồi xuống Nam Định làm tờ “Kho chuyện của phái cười đời”, đến đầu năm
1935, Lê Tràng Kiều lại về Hà Nội, bắt đầu chủ trương một tờ báo mới: “Tân Thiếu
Niên” – cơ quan của “một bọn trẻ tuổi mới”. Tôn chỉ của “một bọn trẻ tuổi mới”
này bộc lộ rõ trong lời ra mắt tờ tuần báo.
… “Trẻ tuổi, cái đời chúng tôi còn dài. Đời còn dài, chúng
tôi muốn sống cho ra sống. Muốn sống cho ra sống, chúng tôi cần phải mong tiến
thủ. Tiến thủ chẳng có nghĩa gì là khư khư giữ mãi lấy những cái cũ rích và
trái mùa. Mong tiến thủ, chúng tôi phải mong đổi mới. Chúng tôi mong đổi mới để
cho cuộc đời tốt đẹp hơn hiện tại. Muốn đổi mới cho có ích như thế, cần phải biết:
biết thế nào là nên đổi, biết thế nào là nên mới. Muốn biết cho xác đáng như vậy,
cần phải có nhiều tri thức về các khoa học. Ở đời này cái tri thức nào trái với
khoa học có phải là tri thức.
Bởi những lẽ đó, tập “Tân Thiếu Niên” sẽ là cơ quan để bọn trẻ
tuổi mới giúp nhau về mặt tri thức. Nó sẽ là cơ quan để trao đổi những tư tưởng,
phát biểu những ý kiến có quan hệ đến mọi việc đổi mới trong xã hội. Tôn chỉ của
chúng tôi là thế.”
Tiếc là “Tân Thiếu Niên” chỉ mới ra được 3 số (từ 26/1/1935 đến 16/2/1935)
thì bị đóng cửa. Lê Tràng Kiều lại đứng ra chủ trương tờ tuần báo “Tiến Hóa”, tờ
này cũng chỉ ra được 3 số (từ 15/11/1935 đến 7/12/1935) rồi bị đóng cửa. Đầu
năm 1936, Lê Tràng Kiều được mời làm chủ bút “Hà Nội Báo” của chủ nhiệm Lê Cường.
“Hà Nội Báo” hoạt động liên tục trong gần hai năm (1936-1937), ra được 55 số.
Đây là một thành quả đáng kể của nhóm văn chương và báo chí này. Đây là nơi
công bố “Giông tố”, “Số đỏ”, “Cơm thầy cơm cô” và nhiều truyện ngắn của Vũ Trọng
Phụng, là nơi công bố nhiều truyện dài, truyện ngắn của Lưu Trọng Lư, là nơi
công bố nhiều tác phẩm thơ của Huy Thông, từ “Tiếng địch sông Ô” đến các trường
ca, các vở kịch thơ… Sau khi “Hà Nội báo” bị cấm, nhóm Lê Tràng Kiều mua lại giấy
phép của tờ “Tiểu thuyết thứ Năm”, tiếp tục bằng tờ tuần báo này (1937-1939)
góp mặt với đời sống văn hóa văn nghệ Hà Nội. Truyện dài “Quý phái” của Vũ Trọng
Phụng đăng tải lần đầu chính trên tờ báo này.
Những năm trước đây, qua một vài hồi ký hồi ức về đời sống
văn chương báo chí trước năm 1945, được gọi là thời “tiền chiến”, người ta có
thể nghe thoáng nói đến bút danh Ngọa Triều mà Vũ Trọng Phụng có lúc đã dùng.
Điều đó nghe qua có thể tin hoặc nghi ngờ. Nhưng khi tìm đến bài vở đăng dưới
tên đó, mọi ngờ vực sẽ không còn.
Trong năm 1936, Vũ Trọng Phụng có quá nhiều thứ để kể: 2 tiểu
thuyết “Giông tố” và “Số đỏ” đăng trên “Hà Nội Báo”, tiểu thuyết “Làm đĩ” đăng
một phần trên tuần báo “Sông Hương” (Huế), tiểu thuyết “Vỡ đê” đăng báo “Tương
lai”, bản dịch vở kịch “Giết mẹ” của Victor Hugo (tủ sách dịch thuật của nhà Lê
Cường in thành sách riêng), ngay trên “Hà Nội Báo” ông cũng công bố một loạt
truyện ngắn: “Mơ ngày Tết”; “Tết ăn mày”; “Lỡ lời”; “Bộ răng vàng”; “Hồ sê líu
hồ líu sê sàng”… Thế nhưng ngòi bút ông vẫn còn dành cho loại bài thực sự báo
chí, gắn với đời sống văn hóa xã hội đương thời.
Thật ra thì từ lúc ra mắt, “Hà Nội Báo” cũng có một số trang
mang tính báo chí, nhưng các bài nghị luận đó hầu như do một mình chủ bút Lê
Tràng Kiều đảm nhiệm. Đó là những dư âm còn lại của cuộc tranh luận “nghệ thuật
vị nghệ thuật – nghị thuật vị nhân sinh”; hoặc lời qua tiếng lại với tờ “Phong
Hóa” của Tự Lực Văn Đoàn, v.v…
Chỉ đến khoảng gần cuối năm, khi phong trào Đông Dương đại hội
nổi lên, “Hà Nội Báo” mới có những thay đổi đáng kể.
Như thế, đây là kết quả ảnh hưởng thắng lợi của Mặt trận Bình
dân Pháp: sau thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp (tháng 5/1936), Mặt trận
bình dân Pháp lên cầm quyền, chính phủ của thủ tướng Léon Blum thi hành một số
chính sách mang tính cởi mở đối với các thuộc địa, cử một phái bộ điều tra đến
Đông Dương; các lực lượng xã hội chính trị ở Đông Dương đề xuất một “Đông Dương
đại hội” nhằm tập hợp nguyện vọng dân chúng Đông Dương đề đạt với phái bộ điều
tra…
Tòa soạn “Hà Nội Báo” quyết định kể từ số 38 (ra ngày
23/9/1936) “sẽ có thêm 8 trang, thêm phần chính trị-xã hội và trào phúng”
(thông tin tòa soạn, s. 27), lại cũng tăng giá bán mối số từ 3 xu lên 4 xu. Lượng
bài xã hội-chính trị tăng lên, được thể hiện trong các mục thường xuyên: các mục
xã thuyết, thời sự rồi những mục mang tên “Hà nội hà ngoại” do Lê Tràng Kiều viết;
mục “Gió cuốn bụi đời” ký Lưu Thần (Lưu Trọng Lư) thiên về điểm thời sự quốc tế;
mục “Đếm sỉa, người và vật” ký Ngọa Triều (Vũ Trọng Phụng) thiên về thời sự văn
hóa xã hội trong nước; ngoài ra còn mục “Hà Nội 100%” ký tên một số nữ ký giả.
Tổng số trang thời sự xã hội ký bút danh Ngọa Triều trên “Hà
Nội Báo” không nhiều. Nhưng đây là những trang báo đáng kể, không những cung cấp
cho những ai muốn tìm hiểu thái độ xã hội chính trị của Vũ Trọng Phụng có được
những chứng cứ sáng rõ, mà còn cho độc giả vốn chỉ biết nhà văn họ Vũ qua một số
phóng sự và tiểu thuyết những dòng viết nhiệt thành của một nhà báo tranh đấu
cho tiến bộ xã hội, cho nguyên lý nhân đạo của các quan hệ con người. Qua những
trang tạp văn này người ta cũng thấy nhà văn Vũ Trọng Phụng nhất quán và công
khai bảo vệ quan niệm văn học của mình trước các đối thủ cùng giới cầm bút, bảo
vệ quan niệm văn học tả chân.
Huình Tịnh Paulus Của (1834-1907) trong Đại Nam quấc âm tự vị
(1895-96) cho biết hai từ “đếm” và “xỉa” đi liền với nhau và gắn với việc kiểm
đếm tiền kẽm xưa kia: đếm thì phải xỉa từng “doi” (từng hàng, từng loạt) tiền;
“đếm” tức là kể thành số (1, 2, 3,…), “xỉa” tức là chỉ tay vào chỗ đếm. Đó là
nói nghĩa đen. Còn nghĩa rộng, nghĩa bóng, “đếm xỉa” tức là kể đến, tính đến.
Tuy vậy, từ thời cận đại sang thời hiện đại, từ này càng ngày càng ít được
dùng, thậm chí đã thu hẹp ngữ nghĩa:
“Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ, bản
in lần 12, năm 2006) cho biết, “đếm xỉa” chỉ còn dùng trong câu có ý phủ định.
Như thế, dùng “đếm xỉa” (Vũ Trọng Phụng viết “xỉa” thành “sỉa”;
- tình trạng viết sai chính tả là chung ở khá nhiều nhà văn nhà báo miền Bắc
đương thời ông) đặt tên chuyên mục mình sẽ viết, Vũ Trọng Phụng ý thức rõ thái
độ trào phúng, châm biếm của các bài trong mục ấy.
Có lẽ không ngẫu nhiên mục này ra mắt trên cùng số “Hà Nội
Báo” với bài phê bình ký tên Vũ Trọng Phụng: Thư ngỏ cho ông Thái Phỉ, chủ
báo “Tin văn” về bài “Văn chương dâm uế”. Những bài nhỏ trong mục “Đếm xỉa…
người và vật” này thường chĩa mũi nhọn vào các cây bút vốn là “địch thủ” tiềm
tàng của chính Vũ Trọng Phụng và của những nhà văn gần gũi. Đó là những người
kinh doanh báo chí như Bùi Xuân Học, những yếu nhân của văn đoàn Tự Lực (Thế Lữ,
Nhất Linh, Hoàng Đạo, …), những nhà văn khác biệt về lối sống lối viết như Phan
Trần Chúc, Lê Công Đắc, những nhà báo dị ứng với lối văn tả chân, tiêu biểu là
Thái Phỉ.
Có thể nói Vũ Trọng Phụng dưới bút danh Ngọa Triều đã truy
kích Thái Phỉ đến kỳ cùng: ông vạch vòi việc Thái Phỉ dưới bút danh Bạch Đinh
đã từng viết xã thuyết trên báo “Loa” cổ lệ sự vui vẻ trẻ trung; ông kê thành
“bệnh Thái Phỉ” mà theo ông thực chất là thói đạo đức giả trong phê bình.
Tuy vậy, đề tài châm chọc lẫn nhau giữa các văn phái đối thủ
rất dễ trở nên quẩn quanh, nhạt nhẽo. Chỉ qua một vài kỳ viết với đề tài như vậy,
Ngọa Triều, tuy đôi lúc vẫn có vài dòng hý hước về những đối thủ ấy, nhưng phần
lớn sự quan tâm của ông dần dần chuyển hướng sang đề tài xã hội chính trị đang
nóng dần lên trong đời sống đương thời.
Chuyển biến này đưa tới những biến đổi thú vị: một chuyên mục
mang tính châm biếm hoạt kê dần dần chuyển thành một chuyên mục với những tin tức
và bình luận xã hội chính trị, nghiêng hẳn sang văn phong chính luận; cái tên
chuyên mục đặt ra ban đầu dần dà trở nên chật chội, thậm chí tuồng như trái hẳn
với màu vẻ những nội dung mới được đưa vào bên trong nó. Đối với sự viết (dù viết
văn hay viết báo), điều này là cực kỳ thú vị: cái khung thể tài trở nên chật hẹp,
những “cái được viết” sẽ phá dần cái khung ấy, chuyển dịch thể tài sang chính
luận thay vì cái quy ước chỉ là hoạt kê châm biếm hồi đầu.
Ta sẽ dừng lại kỹ hơn ở các nội dung được Ngọa Triều (Vũ Trọng
Phụng) đề cập.
Sự kiện luật lao động được Toàn quyền Đông Dương ký ban hành
được Ngọa Triều viết như một bản tin báo chí – ngay trong mục “Đếm xỉa…” vốn là
mục trào lộng – với những nội dung cụ thể (1/ ngày làm việc: từ 1936 không quá
10 giờ, từ 1937 không quá 9 giờ, từ 1938 không quá 8 giờ; 2/ cấm bắt lao động nữ
làm đêm; 3/ các ngày lễ được nghỉ vẫn lĩnh lương: từ 1937 ít nhất 5 ngày, từ
1938 ít nhất 10 ngày), và đưa ra bình luận:
“Còn nhớ độ trước, đạo luật lao động mới ban bố ở bên Pháp,
bên này chính phủ có họp những nhà tư bản và mấy ông dân biểu lại, để tìm cách
châm chước cho thi hành luật lao động ở Đông Dương. Có vài ông tư bản dãy nảy
lên, và nhất định không chịu, viện lẽ rằng tình thế Đông Dương khác, tình thế
nước Pháp khác. Người ta đã tưởng rằng luật lao động bị những sức tiền bạc cản
trở như thế, thì khó lòng mà thi hành được ở Đông Dương.
Nhưng không! Cái mãnh lực của tiền bạc lần này không thắng nổi
lẽ phải. Lẽ phải đã đem lại cho ta bởi nội các bình dân; nội các bình dân đã
không có vì mấy ông lắm tiền kêu ca mà cứ cho lao nhân Đông Dương được hưởng luật
lao động. Luật lao động được thi hành ở Đông Dương là một cớ cho ta nên tín nhiệm
ở nội các bình dân Pháp. Ta nên tin ở ông Moutet [bộ trưởng Thuộc địa
trong chính phủ bình dân – LNA ghi chú], ta nên tin ở phái bộ điều tra mà
ông sẽ phái qua đây”
(Hà Nội Báo, s. 42, ngày 21.10.1936)
Những tác động chính trị của chính phủ bình dân Pháp đến Đông
Dương được Vũ Trọng Phụng theo dõi sát sao và nêu ra một loạt hiện tượng đặc
thù.
Một ông dân biểu kêu gọi các dân biểu khác yêu cầu Thống sứ Bắc
Kỳ hủy bỏ thi hành quy định thời gian làm việc 40 – 48 giờ/ tuần cho các loại
thợ, với lý do: quy định ấy thiệt cho các dân biểu, vốn hầu hết đều là chủ ruộng
như mình! (Dân biểu Nguyễn Hữu Tiệp, một kiểu mẫu dân biểu Việt Nam//
H.N.B., s. 41, ngày 14.10.1936).
Một tờ nhật báo, - tờ Trung Bắc - thì cố tình
dịch câu trong thư của bộ trưởng Moutet “Ta được tin cuộc vận động sôi nổi một
ngày một tăng…” (trong nguyên văn chữ Pháp “J’ apprends que campagne d’
agitation s’ intensifle…”) thành “Ta được tin cuộc phiến động càng ngày càng
tăng…” , là vì báo ấy – tờ Trung Bắc – muốn tô đậm nguy cơ làm rối cuộc trị an
do những cuộc hội họp lấy ý kiến đưa tới phái bộ điều tra từ Pháp sang. Vũ Trọng
Phụng vạch rõ phái Lục – Thăng (Phạm Huy Lục, Lê Thăng) đứng sau lưng
báo Trung Bắc, đang muốn chủ trì việc thảo dân nguyện, đã bị phái tả, gồm
những tờ như Le Travaill, Khỏe, Hồn trẻ công kích… (“Trung Bắc”
– journal de déformation// H.N.B., s. 41, ngày 14.10.1936).
Vũ Trọng Phụng
lên án báo Trung Bắc khi đưa tin về việc một số thợ xẻ đình công đòi
chủ tăng lương, đã cho rằng đó là một vụ “đình công có tổ chức” khiến sở liêm
phóng mở điều tra; người ta tìm thấy trong túi áo bác thợ Cả Bản một mảnh giấy
có mấy câu vè khuyên anh em thợ nên đồng lòng với nhau để việc xin tăng lương
thành công. Bị buộc phải khai ai là tác giả bài vè kia, nhưng người ấy đã bỏ trốn,
bác thợ bèn thắt cổ tự vẫn!
Vũ Trọng Phụng, dưới bút danh Ngọa Triều, phẫn nộ:
“Sao báo Trung Bắc cả gan gọi một bài vè là một sự
tổ chức đến nỗi công chúng phải ngộ nhận là một vụ rối loạn, một việc rất thường?
Báo ấy có ý
buộc tội cho phái người phản đối ông Phạm Huy Lục mà báo ấy gọi là cộng sản, là
quá khích, để họ vào tù chăng? Nếu quả đã có sự tổ chức của một đảng nào thì sự
“tổ chức” lại bằng một bài vè điệu Tống Trân-Cúc Hoa được ư?
Dù sao nữa,
ta chỉ biết rằng, giữa lúc chính phủ Bình dân ban hành những luật lao động mới,
giữa lúc người trong nước ai cũng nói đến chánh kiến với nguyện vọng, thì một
người thợ xẻ đã thiệt mạng, đã phải tự tử, chỉ bởi cái lỗi dám kêu xin các ông
chủ thí cho mình mỗi ngày thêm vài xu, nuôi vợ và nuôi con.
Cái sự thực
khốn nạn là như thế.
Cái tâm địa
của phái chủ nhân ông đối với thợ thuyền thật đã rõ rệt.
Chúng tôi muốn
biết: ai sẽ có trách nhiệm về cái chết kia?
Chúng tôi muốn
hiểu: làm rối loạn trật tự là bọn chủ hay bọn thợ thuyền?”
(Tội ác của báo “Trung Bắc” // H.N. B., s. 43, ngày
28.10.1936)
Trong không
khí của những sinh hoạt xã hội chính trị chợt bùng lên sôi nổi, mấy nghị viện ở
ba miền cũng ít nhiều có sinh khí hơn.
Ngọa Triều ghi nhận tin tức từ viện Dân biểu Trung Kỳ với 91
bản thỉnh cầu gửi lên viên Khâm sứ, nêu nhiều việc bất cập của sở Đoan, của Tòa
án,…
Ngọa Triều tường thuật các phiên họp của viện Dân biểu Bắc Kỳ
như những màn hài kịch: một dân biểu hỏi sở lục lộ vì sao để vỡ đê, viên chánh
kỹ sư Lục lộ im lặng không chịu giải đáp, viên đổng lý thay mặt Thống sứ trả lời
thay rằng đê vỡ là tại trời mưa, tại nước, tại sóng! Một ông nghị khác hỏi vụ một
viên chánh lục lộ tỉnh nọ ăn hối lộ, bị đổi đi nơi khác rồi lại thôi; viên
chánh kỹ sư lục lộ phủ nhận việc ấy, nhưng lại đe dân biểu nọ hãy liệu chừng sự
trả đũa của viên chánh lục lộ kia! Dẫu có những màn kịch… hề như vậy, Ngọa Triều
vẫn ghi nhận:
“Dân viện năm nay xem ra tranh biện có vẻ kịch liệt hơn mọi
năm nhiều. Người ta tranh luận về việc cho tự do mở trường tư, xin giảm thuế, về
thái độ kiêu căng của ông chánh kỹ sư Lục lộ, v.v…
Chẳng biết rằng
những cuộc tranh luận kịch liệt này có thể ảnh hưởng cho những điều yêu cầu được
chút nào không? – nghĩa là không biết những điều yêu cầu có sẽ vì những cuộc
tranh luận kịch liệt này mà không đến nỗi bỏ xó như những điều yêu cầu của mọi
năm không. – Nhưng nó đã đủ tỏ ra rằng ngày nay viện Dân biểu đã đỡ “gật”, viện
đã chú trọng đến chính trị trong nước hơn trước. Viện Dân biểu Trung Kỳ, cũng
như viện Dân biểu Bắc Kỳ năm nay, ở trong cái tình thế và hoàn cảnh hiện thời,
mà làm được hăng hái như thế, kể cũng là trọn bổn phận vậy.
Ta phải nên nhớ rằng đây là một cái ảnh hưởng tốt của cuộc vận
động về Đông Dương đại hội. Những cuộc họp và tranh luận công khai rất tốt cho
sự huấn luyện cái “óc chính trị” không những của dân viện mà của cả dân nữa.”
(Từ Dân viện Trung kỳ… đến Dân viện Bắc Kỳ// H.N.B., s. 43,
ngày 28.10.1936)
Trong khi đó, tại hội đồng quản hạt Nam Kỳ sự náo nhiệt lại
diễn ra theo cách khác: viên Thống đốc trình dự án đánh thuế hoa lợi để giảm
thuế thân, có lợi cho dân nghèo (vì mức thuế thân là ngang nhau dù người giàu
hay người nghèo) nhưng bất lợi cho người giàu nên bị phần đông các ông hội đồng
phản đối; thống đốc bèn thuyết giảng mắng các vị dân biểu kia là ích kỷ và dọa
sẽ thi hành dự án bất chấp ý kiến Hội đồng quản hạt!
Tổng thuật sự kiện này, Ngọa Triều lưu ý người đọc hãy tự nhận
xét về “xu hướng chính trị của chính phủ Bảo hộ Pháp hiện giờ” (Không khí chính
trị náo nhiệt ở Hội đồng quản hạt Nam Kỳ // H.N.B., s. 45, ngày 11.11.1936).
Về những sự việc trong nước do không khí chính trị cởi mở, Ngọa
Triều vui mừng ghi nhận sự kiện một số đông chính trị phạm được tha, đồng thời
cũng “kêu” giúp họ vì sự quản thúc gây cản trở họ làm ăn sinh sống. (Chính trị
phạm được tha// H.N.B., s. 44, ngày 4.11.1936). Ông ghi nhận sự tích cực
của việc mở trường tự do. Ông không quên ghi việc nhân tài về nước nhân Hoàng
Xuân Hãn trở về với tấm bằng agrégé (thạc sĩ),… Tất nhiên, ngòi bút châm biếm
dưới bút danh Ngọa Triều không thể bỏ qua những hiện tượng phản cảm, từ việc
viên thượng thư bộ Lại ra lệnh cấm sách ngay khi có lời rao nhan đề cuốn sách ấy
trên báo, mặc dù nó còn chưa hề được viết ra (Cấm, cấm và cấm//
H.N.B., s. 44, ngày 4.11.1936), đến việc Đốc lý Hà Nội Virgiti tính toán
luẩn quẩn: định lấp hồ Bảy Mẫu để làm nhà ở vì dân cư Hà Nội đông, nhưng để có
tiền san lấp lại toan đánh thuế cư trú, thứ thuế sẽ đuổi cư dân khỏi Hà Nội
(Ông Đốc lý Virgiti trù với tính// H.N.B., s. 50, ngày 16.12.1936), rồi chuyện
đội sếp cảnh sát Hà Nội phạt vạ và hành hung vô lý (Đội sếp làm sằng// H.N.B.,
s. 45, ngày 11.11.1936), giám thị nhà máy sợi Nam Định đánh trụy thai một lao động
nữ (Nhà máy sợi// H.N.B., s. 45, ngày 11.11.1936), nạn đầu cơ tăng giá
hàng hóa (Bọn đầu cơ tăng giá hóa phẩm nhất là giá sợi // H.N.B., s. 45, ngày
11.11.1936), v.v…
Thời sự ngoài nước tuy có vẻ là đề tài mà tòa soạn dành cho
Lưu Thần (Lưu Trọng Lư), nhưng sự phân công chỉ là tương đối; Ngọa Triều cũng đề
cập tin nước ngoài.
Ông đưa lại tin của báo “Le Travail” về việc đảng cộng sản được thành lập và hoạt động công khai ở Senegal:
Ông đưa lại tin của báo “Le Travail” về việc đảng cộng sản được thành lập và hoạt động công khai ở Senegal:
“…ở Sénégal, thuộc địa của Pháp tại Phi châu, đảng cộng sản
đã chính thức thành lập. Gồm cả dân Pháp lẫn dân bản xứ, đảng cộng sản đã được
tự do tuyên truyền, hội họp, yết thị, ngôn luận như ở Pháp.
Cùng với chiến
tuyến Bình dân, đảng cộng sản bên đó đã thảo những nguyện vọng cần thiết mong
cho quần chúng da đen được hưởng những điều tự do.
Coi vậy đủ biết dưới chính quyền chính phủ Bình dân, những sự
người ta không dám tưởng đến, đã lần lượt hiện ra sự thực cả”.
(Có đảng cộng sản chính thức thành lập ở Sénegal, thuộc địa
Phi châu của Pháp // H.N.B., s. 45, ngày
11.11.1936)
Điều đặc biệt đáng kể là Ngọa Triều dám chất vấn nhà báo kỳ cựu
người Pháp Ernest Babut (1878-1962), nhà hoạt động nhân quyền, ra báo chữ Pháp ở
Đông Dương để bênh vực dân thuộc địa; điều Ngọa Triều muốn hỏi ông chủ nhiệm tờ
“Pháp-Việt tạp chí” (Revue Franco-Annamite) là: ông là đảng viên xã hội, vậy vì
sao ông lại gián tiếp bài xích phong trào Đông Dương đại hội qua việc bài xích
tất cả những tờ báo cơ quan của phong trào này, trong khi chi nhánh đảng xã hội
Pháp ở Nam Kỳ lại hết sức tán thành Đông Dương đại hội? (Ông Ernest Babut cũng
trong đảng xã hội đấy! // H.N.B., s. 41, ngày 14.10.1936).
Cuộc “chất vấn” này không có kết thúc, tuy E. Babut có lời
đáp, nhưng chỉ là một câu hỏi bâng quơ đối với tờ báo chữ Việt mà ông coi là
“nhỏ”; có lẽ đằng sau chuyện này là những khoảng cách khá lớn đương thời giữa 2
làng báo Pháp và Việt, giữa quan niệm và hành động của những nhóm đảng viên xã
hội khác nhau, v.v… mà nhà văn trẻ tuổi Vũ Trọng Phụng (năm ấy ông 24 tuổi) còn
chưa thấy ra những uẩn khúc của nó.
Ở mấy số “Hà Nội Báo” đầu năm 1937, Vũ Trọng Phụng có 2 bài
chính luận đặc sắc, “tổng kết” thời sự năm 1936 và bình thuật cuộc tiếp đón
Justin Godart, đại biểu chính phủ Bình dân Pháp, của dân Sài Gòn.
Thế giới năm 1936 được Ngọa Triều mô tả trong 2 nét chính:
chiến tranh (nước Ý của Mussolini đánh chiếm Abyssinia tức Éthiopie; nội chiến
Tây-ban-nha) và xung đột 2 phe (phát-xít, cộng sản); nước Pháp năm 1936 được Ngọa
Triều nêu trong vài nét: chính phủ bình dân của thủ tướng Léon Blum vượt qua được
sóng gió; đồng franc được phá giá đã xoay chuyển và cứu vãn kinh tế Pháp; bộ
trưởng thuộc địa Moutet được hoan nghênh vì những chính sách khoan hồng, nhân đạo
đối với các thuộc địa. Đông Dương năm 1936, theo Ngọa Triều, do ảnh hưởng đồng
franc hạ giá, nên giá nông sản tăng, tiền bạc dồi dào hơn, người giàu được lợi,
người nghèo cũng phần nào đỡ khổ; luật lao động mới khiến người lao động bớt
lam lũ; việc tha tù chính trị được ông xem là đem lại niềm vui đầm ấm cho mỗi
gia đình; tóm lại, lạc quan là nét mô tả cho đời sống trong nước từ 1936 bước
sang 1937. (1936 đã qua // H.N.B., s. 53, ngày 6.1.1937)
Có thể nói, kết quả một năm cực kỳ sung mãn trong sáng tác của
Vũ Trọng Phụng đã phần nào truyền niềm vui sang cái nhìn của chính ông về đời sống
xã hội chính trị đương thời.
Bài tổng thuật việc dân Sài Gòn đi đón Justin Godart, đại biểu
chính phủ bình dân cử sang công cán thuộc địa, là bài chính luận cuối cùng ký
Ngọa Triều trên “Hà Nội Báo”. Chỉ sau đó một kỳ nữa, tuần báo này sẽ bị cấm hẳn.
Lấy tài liệu từ một số tờ báo chữ Việt và chữ Pháp ở Sài Gòn
như “Đuốc nhà Nam”, “Populaire d’ Indochine”, Ngọa Triều cho độc giả miền Bắc
biết về toàn bộ chuyến công cán của Justin Godart do chính phủ bình dân Pháp cử
sang Viễn Đông để giải quyết một số vấn đề về lao động và nhân đạo cấp bách.
“Vì rằng quần chúng lao khổ ở thuộc địa đã lao khổ đến tột bậc,
lao khổ đến nỗi cái thân thế đã hầu như không còn là thân thế con người nữa, đã
gần thành ra như con vật. Khổ sở như con vật, là lẽ tất nhiên. Mà đã đến hung dữ,
là tất nhiên nguy hiểm.
Chính phủ
Bình dân Pháp, vì thế, phải phái một người sang thay mặt chính phủ mà ngăn ngừa
cái hiểm tượng ấy. Ông Thượng thư Justin Godard được phái sang”.…
Nhưng cái
giá trị con người ở đây không phải chỉ thợ thuyền mới chịu thấp kém. Bất cứ hạng
người nào, cho đến cả hạng trí thức nữa, cũng chẳng có chút quyền lợi gì. Ai
cũng vậy, hãy tự vấn mình xem, thì hãy thấy đời mình bị bó buộc, áp bức là thế
nào. Cho nên, vì thợ thuyền mà ông Godard sang đây, nhưng mà ông sẽ có ích cho
tất cả mọi người bị áp bức.
Tỷ như ông
đã rất chú ý đến những việc nhiều tờ báo bị cấm một cách độc đoán, vô lý, và những
việc ông Diệp Văn Kỳ, Bùi Thế Mỹ bị trục xuất, và hứa sẽ can thiệp, thì đủ cho
ta thấy rõ.
Bởi vậy, bất
cứ ai cũng nên nhìn sự ông Godard qua đây là quan trọng”.
(Một vạn người đã đi đón ông Godard// H.N.B., s. 54,
ngày 13.1.1937)
Sau hai tháng công cán ở Ấn Độ (có lẽ là ở khu vực thuộc địa
của Pháp) – đây là nội dung tiếp theo trong bài báo của Ngọa Triều
– Godard đã làm được một việc “tối quan trọng cho lao dân Ấn Độ: là ông tư về
chính phủ bình dân xin cho thợ thuyền được tự do lập nghiệp đoàn”, – chỗ dựa để
tranh đấu với giới chủ về quyền lợi của thợ thuyền.
Theo Ngọa Triều, chính vì dân chúng Đông Dương, trực tiếp là
dân lao động ở Sài Gòn hy vọng phái viên Godard cũng sẽ đòi cho thợ thuyền Đông
Dương quyền tự do lập nghiệp đoàn, nên họ đã tổ chức cuộc đón rước ông “như đón
một vị Phúc Tinh” khi con tàu chở ông cập bến Sài Gòn ngày 1/1/1937. Hơn một vạn
người, trong đó có 600 phụ nữ, đã đi đón Godard.
Lấy lại ở báo chí Sài Gòn chi tiết có người đã khóc trước cảnh
đón tiếp “rực rỡ, nhiệt liệt” ấy, Ngọa Triều bình luận:
“Những giọt nước mắt ấy thực có nhiều nghĩa:
– Nó nhỏ vì
cảm động trước mối đồng tâm hàng vạn đồng bào, mối đồng tâm nó làm cho ta thấy
rằng cái tinh thần dân tộc ta chưa mất.
– Nó nhỏ vì
cảm động trước mối đồng tâm của hàng vạn đồng bào cơ khổ, chỉ nguyên Sài Gòn mà
số người cơ khổ đã đến thế, thì cái dân tộc này cơ khổ đến bao nhiêu!
– Nhưng có lẽ
cái lẽ chính đáng hơn hết là nó nhỏ vì lòng nhân đạo. Ông Godard sang đây để mà
cứu những kẻ khổ, vỗ về những vết thương đau. Cảm động vì cái tình nhân đạo ấy,
hàng vạn người đứng dưới trời nắng chang chang để hoan hô ông. Thì cái lòng cảm
động của hàng vạn người ấy cũng đáng để cho ta cảm động mà khóc lên được”.
(Một vạn người đã đi đón ông Godard// H.N.B., s. 54,
ngày 13.1.1937)
Là người
viết phóng sự bậc thầy, Vũ Trọng Phụng, dưới bút danh Ngọa Triều, dù phải dùng
tài liệu gián tiếp, vẫn gắng tìm lấy những chi tiết căn bản nhất, ấn tượng nhất.
“Lúc
ông Godard xuống tàu đi tới chỗ công chúng thì một số đông kiệu nhau lên rồi
căng lên mấy tấm băng-đơ-rôn hoan hô ông và Chiến tuyến Bình dân. Những
băng-đơ-rôn ấy mang những câu: “Đại biểu chiến tuyến Bình dân vạn tuế!”, “Tự do
lập nghiệp đoàn!”, “Tất cả các sự tự do của nước Cộng Hòa!”
Ta hãy nhớ rằng,
mãi đến lúc ông Godard xuống gần gần họ, bọn người ấy mới dám giở những băng dấu
ở trong túi ra, rồi tự lấy người làm cột mà dựng nó lên. Phải dấu diếm thế, chắc
hẳn là vì sợ bị tịch thu.
Thế mà cũng
không xong. Tức thị một nhóm cảnh sát đến phá ngay những cái “cột người”, tịch
thu lấy những băng và bắt bốn người trong bọn họ”.
“Những cái
băng-đơ-rôn bị tịch thu nhưng không ai có thể thu được miệng hàng vạn người. Vì
hàng vạn người cùng giơ tay lối chiến tuyến Bình dân chào ông Godard và hoan hô
không dứt “Chiến tuyến Bình dân!”, “Ông Godard đại biểu Chiến tuyến Bình dân vạn
tuế!” – Tiếng reo không ngớt, nhưng… cùng với lúc reo ấy, nhạc nhà binh đã cử
xong bài Marseillaise rồi lại cử nữa, tiếng kèn trống lấp cả tiếng reo của dân
chúng.”
(Một vạn người đã đi đón ông Godard // H.N.B., s. 54, ngày
13.1.1937)
Thuật lại những việc ông Godard làm trong vài ngày đầu tiên ở
Sài Gòn, Ngọa Triều ghi những lời ông hứa, sẽ xin chính phủ bình dân cho thợ
thuyền tự do lập nghiệp đoàn, sẽ can thiệp việc cấm đoán báo chí một cách vô
lý, sẽ can thiệp việc một số nhà báo như Diệp Văn Kỳ, Bùi Thế Mỹ bị trục xuất,
những vụ thợ bị đuổi việc, v.v…
Kết thúc bài
tổng thuật, Ngọa Triều nhắn với công chúng đất Bắc:
Ông
Godard sang đây thực là một dịp rất tốt, cho ta tỏ bày những điều uất ức của
ta, nhất là khi ông lại là một tấm lòng rất tốt. – Ông sang đây vì thợ thuyền,
nhưng xem như công việc ông đã làm ở Sài Gòn đó thì đủ biết ông sang đây không
những vì thợ thuyền. Ta có thể nói ông là bạn chung của hết thảy những người bị
ức hiếp!
Nào những thợ
thuyền!
Nào những
người thấy mình bị oan khổ!
Nào những
người vì lòng nhân đạo muốn cứu những người khác khỏi lầm than, oan khổ!
Đến ngày ông
Godard ra Bắc đây, ta hãy đi đón ông để mà hoan hô ông đi!
Đi cho đông,
và cho có trật tự”.
(Một vạn người đã đi đón ông Godard// H.N.B., s. 54, ngày
13.1.1937)
Tờ Hà Nội
Báo bị cấm sau số 55 (20/1/1937) đã khiến dòng văn chính luận đang có đà mạnh mẽ
này bỗng nhiên bị chững lại. Nhưng chừng đó cũng đã đủ để thấy cả khuynh hướng
lẫn sự nhiệt thành của nhà văn Vũ Trọng Phụng đối với các vấn đề xã hội đang
sôi động đương thời.
Ta cũng đừng
quên, chùm văn báo chí này được viết và công bố ngay sau khi tiểu thuyết “Giông
tố” và phóng sự “Cơm thầy cơm cô” vừa đăng xong, và tiểu thuyết hoạt kê “Số đỏ”
thì đang xuất hiện từng chương trên “Hà Nội Báo”, cùng lúc với chùm bài này.
Nó chẳng những cho thấy dòng văn nghệ thuật ở một cây bút như
Vũ Trọng Phụng có thể đồng hành với dòng văn báo chí chính luận, mà còn cho thấy
người đang sáng tạo những giá trị nghệ thuật sẽ còn lại muôn đời cũng là người
không quên lên tiếng tranh đấu cho những lợi ích sống còn trước mắt của đồng
bào, đồng loại, trước hết là những người bị thiệt thòi, những người lao động,
những người đau khổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét