Thứ Tư, 24 tháng 1, 2018

Thử tìm dấu vết ngòi bút Vũ Bằng ở hai tờ báo “Trung Việt tân văn” (Hà Nội, 1946) và “Lửa sống” (Hải Phòng, 1954 -1955)

Thử tìm dấu vết ngòi bút Vũ Bằng ở hai tờ báo 
“Trung Việt tân văn” (Hà Nội, 1946) 
và “Lửa sống” (Hải Phòng, 1954 -1955)
Từ năm 2000 tới nay, trong khoảng gần 15 năm các tác phẩm của nhà văn nhà báo Vũ Bằng (1913-1984) được phép trở lại “sống” với công chúng và giới văn nghệ chúng ta (nghĩa là tác phẩm Vũ Bằng được phép in lại, nhân thân và văn nghiệp Vũ Bằng được phép đưa ra bàn luận công khai), đã có khá nhiều tác phẩm của Vũ Bằng, nếu là sách đã in thì được tái bản, nếu ở dạng đăng báo thì một số bài vở đã được sưu tầm và vựng biên thành các sưu tập; đồng thời, một số nét về tiểu sử, về đời hoạt động báo chí, đời viết văn của Vũ Bằng đã được nêu thành đối tượng mô tả và nhận định của một số bài nghiên cứu. Tuy vậy, có thể nói: về Vũ Bằng như một tác gia và một nhà hoạt động văn học và báo chí, sự tiếp cận của các giới xuất bản và nghiên cứu vẫn còn những thiếu hụt rõ rệt: 1/ chưa thu thập được toàn bộ các tác phẩm Vũ Bằng từng đăng báo, in sách trong sinh thời tác giả, hoặc còn là di cảo sau khi ông mất; 2/ chưa nắm được đủ dữ liệu về toàn bộ hoạt động báo chí của Vũ Bằng, ‒ hai thiếu sót này liên can mật thiết đến nhau. 
Tôi không đủ sức để làm một chuyên gia về Vũ Bằng. Dưới đây chỉ xin đề cập một trong số những nét hiện vẫn còn mờ về đời làm báo Vũ Bằng. Sau tất cả những gì mà các giới nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu đã nói và viết về Vũ Bằng từ năm 2000 đến nay, thì, có thể nói, phạm vi những điểm mờ về tiểu sử, về sự nghiệp làm báo làm văn của Vũ Bằng trước chúng ta vẫn còn khá rộng, rất rộng; bài của tôi xin tự giới hạn vào vài điểm, tuy rất cụ thể, rất nhỏ, nhưng cũng chưa chắc đã soi rọi được gì nhiều hơn một sự đặt vấn đề. 
Tôi muốn tìm đôi nét dấu bút Vũ Bằng trên hai tờ nhật báo: tờ “Trung Việt tân văn” ở Hà Nội năm 1946 và tờ “Lửa sống” ở Hải Phòng năm 1954-55.
Về tờ “Trung Việt tân văn” (1946), soạn giả Nguyễn Thành trong Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam (Hà Nội: Nxb. Văn hóa-thông tin, 2001) ghi: “Trung Việt tân văn. Hà Nội. Của một nhóm văn nghệ sĩ, lợi dụng quan hệ với Hoa thương và sĩ quan quân đội Trung Hoa để buôn bán kiếm lời”. Sau chỉ dẫn khoảng thời gian hoạt động của tờ báo này là “năm 1945-1946”, soạn giả không chỉ dẫn gì cụ thể hơn (về ngày ra số đầu, số cuối, về thể tài nhật báo hay tuần san, bán nguyệt san, …). Có vẻ như người soạn chưa hề nhìn thấy tờ báo này. 
Giới nhà văn cùng thời biết gì nói gì về sự can dự của Vũ Bằng vào “Trung Việt tân văn”?
Có lẽ người duy nhất nói đến đoạn hoạt động này của Vũ Bằng, chính là Nam Cao (1915-1951) trong truyện ngắn Đôi mắt (1948) mà hầu như ai cũng từng biết; tuy đây là truyện hư cấu, nhưng ít nhiều vẫn có thể xem là sự ghi nhận đôi nét bề ngoài của một hoạt động có thực:
“Vào cái hồi quân đội Ðồng minh vào giải giáp quân Nhật ở nước ta, một số gái kiếm tiền trút bộ áo đầm ra để mặc bộ áo Tầu. Còn anh bạn của tôi, chẳng biết bám được ông má chín nào, ra một tờ báo hằng ngày để chửi vung lên.”…. (Tạp chí Văn Nghệ, s. 2, tháng Tư 1948)
[Trong đoạn này, có chỗ lầm ở danh từ “má chín”, hoặc do Nam Cao nhớ hơi lầm, hoặc có thể ông viết đúng nhưng đã bị sắp chữ lầm ngay từ lần in đầu tiên, vì thợ in người Bắc khó lòng biết rõ một từ nhái tiếng Quan Hỏa mà ngay ở Nam Kỳ trước 1945 cũng chỉ được dùng trong một số ít người có giao thiệp với các nhà buôn Hoa kiều; từ này Lưu Trọng Lư có lúc ghi là “má chíu” /truyện Nàng công chúa Huế/ còn theo Vương Hồng Sển, dạng đúng của nó là “mái chín”, sau đổi là “mãi biện” rồi “mại bản”, chỉ người thay mặt hãng buôn lớn giao thiệp với khách hàng, chữ Pháp gọi là compradore. ‒ Vương Hồng Sển: Tự vị tiếng nói miền Nam, 1999].
Sự việc “anh bạn của tôi… bám được ông mái chín nào … ra một tờ báo hằng ngày” mà Nam Cao nói đến, chính là sự việc Vũ Bằng can dự nhật báo “Trung Việt tân văn”. 
Vũ Bằng, trong hồi ký “Bốn mươi năm nói láo” (1969), cũng đã kể về việc mình tham gia “Trung Việt tân văn”.
Ông nhớ lại: báo “Trung Việt tân văn” là “cơ quan chính thức của quân đội Lư Hán đến tiếp thu quân đội Nhật”; “Báo ra đời nhằm mục tiêu xiết chặt tình thân thiện Hoa-Việt, tuyên truyền cho chế độ Trung Hoa trắng [tức Trung Hoa dân quốc – LNA chú] và đề cao quân đội Tàu nói chung và đoàn quân của Lư Hán đến tiếp thu ở Việt Nam, nói riêng”. Người được phép xuất bản tờ này là Tsan Cẩm Thoòng (có lẽ là một Hoa kiều có thế lực ở Hà Nội khi ấy); Lê Kỳ làm chủ nhiệm do sự giới thiệu của Nguyễn Hải Thần và của các bạn cụ Kỳ trong giới Hoa kiều ở Hà Nội như Ly Seng Pao; Vũ Bằng được mời làm chủ bút do chơi thân với Nguyễn Phổ, con rể Lê Kỳ. Theo Vũ Bằng kể lại thì thời gian 1945-46, nhóm nhà văn nhà báo cộng tác với Nxb. Tân Dân như Vũ Bằng, Phùng Bảo Thạch, Ngô Tất Tố, Trần Kim Dần, Thượng Sỹ, v.v… thường có những cuộc gặp gỡ trò chuyện với cụ Lê Kỳ (bố vợ Nguyễn Phổ) và những Hoa kiều giao du với cụ Lê Kỳ.
Cũng theo lời kể lại của Vũ Bằng, tuy giữ chân chủ bút “Trung Việt tân văn”, nhưng chính ông lại rất ít viết cho báo và hầu như không làm việc tòa soạn.
“Nói riêng về chức chủ bút của tôi, thật kỳ. Khác hẳn khi làm thư ký tòa soạn cho các tờ báo khác, người chủ bút của “Trung Việt Tân Văn”, từ lúc báo ra cho đến lúc báo nghỉ, gần như không viết gì, không biết gì về báo. Mọi công việc tòa soạn do Phùng Bảo Thạch và Ngô Tất Tố trông nom hết. Qua ngày này sang ngày khác, tôi chỉ phụ trách việc đi ăn uống, xã giao, hết cơm Tàu đến cơm Tây, hết cụ này mời lại đến ông kia thết. Nhưng dù sao, tất cả những cái đó chưa kỳ bằng việc mấy chủ nhân của báo quan niệm về nghề báo lúc bấy giờ: bài vở đăng báo không cần lắm, trọng tâm hoạt động của chủ bút là công việc tiếp thu quân đội Nhật. Nghĩa là mỗi khi quân đội Lư Hán tiếp thu ở đâu thì lại có tin báo liền cho chủ bút với đầy đủ chi tiết: hôm nay, quân đội Nhật làm sao, ta nhận bao nhiêu võ khí, tìm ra được mấy kho vải, bao nhiêu kho gạo, bao nhiêu kho đường... Các anh em Trung Hoa lúc ấy đối với riêng tôi thật là đôn hậu đến làm cho tôi cảm động vì họ thành thực đến mức bảo trắng cho tôi biết rằng các tin ấy không cần đăng lên trên báo làm gì. Sỡ dĩ họ báo tin cho tôi biết trước nhất là vì họ muốn dành cho tôi quyền lợi ưu tiên: ông chủ bút có chỗ tiêu thụ thì bán đi lấy lời, khi nào ông chủ bút không bán được thì chúng tôi mới bán, ông chủ bút cứ tự nhiên vì là “anh em cả mà”.
Băn khoăn thứ nhì của các vị ấy là việc tham gia quốc hội đầu tiên Việt Nam độc lập. Ngoài các nghị sĩ dân bầu, chính phủ chấp nhận một số nghị sĩ chỉ định dành cho các đảng quốc gia. Ông chủ bút có gia nhập đảng nào không? Tôi chẳng vào đảng nào hết. Nhưng không có sao đâu, ông chủ bút cứ nhận lời đi, chúng tôi sẽ nói với cụ Nguyễn và chắc cụ sẽ bằng lòng lắm.
Thực quả làm báo như thế cũng ngộ và khỏe. Từ thuở bước chân vào nghề, tôi chưa hề bao giờ lại thấy làm báo khỏe đến như thế”…
(Bốn mươi năm nói láo, phần 3, Trung Việt tân văn, bản điện tử)   
    
Tên tuổi Vũ Bằng gắn với nhật báo “Trung Việt tân văn” là rõ ràng; có thể thấy ngay điều này ở sưu tập báo hiện còn. Phần tiêu đề (manchette) “Trung Việt tân văn” ghi rõ thành phần chủ trì và địa chỉ tờ báo: “Chủ nhiệm: Lê Kỳ; Xa trưởng: Tsan Kam Thoong; Chủ bút: Vũ Bằng”; tòa soạn báo đặt tại 56 Hàng Bông, Hà Nội.
Sưu tập “Trung Việt tân văn” hiện còn lưu Thư viện Quốc gia ở Hà Nội chỉ có 13 số, từ 17/2/1946 đến 2/3/1946, lại đã bị ai đó xé mất số 1. Mỗi số báo chỉ có 1 tờ giấy A3, hai mặt giấy làm thành hai trang. Đây là nhật báo, đưa tin nhiều hơn đăng các bài luận; bài luận nếu có thường ngắn; tuy vậy, báo vẫn có đăng quảng cáo, lại còn có mục “Học tiếng Quan Hỏa”.
Về tin tức, “Trung Việt tân văn” lưu ý đưa những tin tức thế giới ngay sau thế chiến, như việc thành lập và đặt trụ sở Liên hợp quốc, phiên họp của Hội đồng bảo an, việc phát hiện dấu vết một số trại tập trung của phát-xít Đức, hậu quả vụ ném bom nguyên tử ở Nhật và những bí mật của “tinh lực nguyên tử”, v.v… Báo này tất nhiên đưa nhiều tin về Trung Quốc, về hoạt động của chính phủ Trung Hoa dân quốc, về khả năng thống nhất và “hòa hợp quốc-cộng”, v.v… Trọng tâm tin tức là thời sự ở Việt Nam, ở Đông Dương, như: tin về các ông nghị và quốc dân thảo luận hiến pháp, tin tức về các thương thảo Pháp-Hoa, Pháp-Việt, tin quân Pháp và quân ta giao chiến ở Mương Phine, quân ta đánh quân Pháp ở Sài Gòn – Chợ Lớn, quân Pháp đốt chùa ở Nam Bộ, tin chiến sự Nam Trung Bộ, “5 phút với chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Hồ chủ tịch giải thích về hiệp ước Pháp-Hoa”, tin tức về việc thành lập chính phủ liên hiệp kháng chiến, Huỳnh Thúc Kháng ra Hà Nội, Nguyễn Hải Thần từ chức phó chủ tịch chính phủ liên hiệp, v.v…
Hầu hết các bản tin nói trên, dù lấy từ các hãng tin hay do phóng viên “Trung Việt tân văn” trực tiếp thực hiện, đều không ký tên người viết.
Còn lại, loại bài có ký tên là khá ít. Mỗi số thường có một bài xã thuyết, ký T.V.T.V., là những ý tưởng “định hướng” công chúng: “Cần nhận rõ đại cục” (s. 2), “Đây là sự thật” (s. 3), “Ba điều kiện tối cần để kháng chiến kiến quốc” (s. 4), “Chánh phủ liên hiệp kháng chiến” (s. 5), “Khủng hoảng chánh trị” (s. 6), “Mấy cuộc biểu tình và bãi công chánh trị gần đây nói với ta những gì?” (s. 7), “Kẻ thù của ta” (s. 8), “Ai phản động?” (s. 9), “Tại sao rối loạn?” (s. 10), “Không xôn xao” (s. 11), “Khủng hoảng tinh thần” (s. 12), “Càng khó càng hay” (s. 13). Các xã thuyết này tất nhiên do người trong tòa soạn viết. Thông thường, người viết xã thuyết là chủ bút; tức là, về nguyên tắc phải gắn trách nhiệm tinh thần, tác quyền tinh thần loạt bài kể trên với tác gia Vũ Bằng, do việc ông đứng tên chủ bút “Trung Việt tân văn”. Chỉ khi chúng ta tin lời Vũ Bằng trong hồi ký “Bốn mươi năm nói láo” rằng ông “gần như không viết gì, không biết gì” về bài vở, về công việc của tờ báo, thì người ta mới nghĩ đến việc gắn loạt xã thuyết trên cho những người làm việc ở tòa soạn mà Vũ Bằng kể tên, là Phùng Bảo Thạch, hoặc Ngô Tất Tố.
Một số bài ký tên, là bài của bạn đọc nêu ý kiến về các sự kiện và vấn đề “nóng” như chuyện những bệnh nhân hủi cư trú trên các công viên, bờ hồ, vỉa hè…, hoặc những lo âu về tin sẽ thải hồi các công chức cũ, v.v… Đáng chú ý về loại bài ký tên tác giả là một số bài của T.P.T. và loạt bài trong hai mục hài đàm “Hà Nội” và “Chuyện giữa trời”.
T.P.T. là tác giả hai bài luận “Trình độ công nhân” (s. 1 – 2) và “Phong trào cách mạng” (s. 6 - 7). Ở bài thứ hai, tác giả nhận xét: cuộc cách mạng bên Pháp thì đánh đổ chính thể quân chủ và giai tầng quý phái, cuộc cách mạng ở Nga cũng vậy nhưng cộng thêm đánh đổ tư bản, rồi hỏi: “Vậy ở nước Việt Nam cuộc cách mạng thi hành như bên Pháp hay bên Nga?” T.P.T. phân tích:
“Quý phái và tư bản Việt Nam ta thế nào? Trái lại với bên Âu châu, hoàng thân quốc thích nước Việt Nam thì 99% không đủ tiền nuôi sống một cách xứng đáng với địa vị mình. Tư bản thì chưa có một người nào đủ vốn mở được một công trường tiêu thụ được dăm bảy vạn công nhân, và chưa có một người nào có tiền gửi các ngân hàng năm ba triệu bạc, ‒ trừ ra mấy đại điền chủ trong Nam Kỳ, và mấy kẻ đầu cơ nhờ gió bẻ măng, chợ đen chợ đỏ, họa là có dăm triệu bạc trong tay. Nhưng thứ người này chẳng có quyền thế gì trước quốc dân, trước mắt pháp luật và trên thị trường quốc tế cũng chẳng ai biết mặt biết tên. ‒ Còn những điền chủ có dăm ba trăm mẫu hay nghìn mẫu ruộng giở lại, không bao giờ có được bạc triệu trong nhà. Như vậy ở nước Việt Nam ta, quý phái và tư bản thực chưa đáng đếm sỉa. Trong hai giai cấp này trong nước Việt Nam, chưa có một người nào đã có một tư cơ đáng giá một cái lâu đài của một người quý phái hay đáng giá một cái nhà máy của một người tư bản bên Âu châu.
Dân có giầu thì nước với mạnh. Nay dân Việt Nam chưa giầu có gì, việc kiến thiết chưa biết trông cậy vào đâu, nạn ngoại xâm ở ngay sau gáy, mà nếu vội đánh đổ tư bản thì có lẽ là cái mục đích này chẳng những là không hợp thời mà lại có hại cho quốc gia. Chưa có tư bản mà đã đánh đổ tư bản thì mong sao cho dân giàu được và cho nước mạnh được. Chắc rằng lãnh tụ các chính đảng cách mạng cũng biết đặt tổ quốc lên trên chủ nghĩa đã, thì phải.”
(Tất nhiên, suy luận rất hữu lý của tác giả T.P.T. về sau sẽ tỏ ra sai lầm so với thực tế).
Ở hai mục “Hà Nội” và “Chuyện giữa trời” trên “Trung Việt tân văn” thì có kỳ không ký tác giả, có kỳ ký tác giả thì cũng chỉ có một cái tên Nhân Ngôn. Theo chỗ tôi biết thì tên chuyên mục “Chuyện giữa trời” đã từng có trên báo chí ở Hà Nội trước tháng 8/1945 và người giữ chuyên mục này là Ngô Tất Tố; Nhân Ngôn chính là một trong số các bút danh Ngô Tất Tố đã dùng. Vậy bài trong hai mục này thuộc Ngô Tất Tố.
Như vậy, thử xem qua sưu tập 12 số “Trung Việt tân văn” hiện còn, hầu như không tìm thấy bài nào có thể cho là do Vũ Bằng viết.
Tất nhiên, về mặt là người hoạt động báo chí, rõ ràng Vũ Bằng phải chịu trách nhiệm về tờ “Trung Việt tân văn” này, do đứng tên chủ bút.
Xét ra, “Trung Việt tân văn” dù xuất bản với tư cách “cơ quan chính thức của quân đội Lư Hán đến tiếp thu quân đội Nhật” như Vũ Bằng ghi nhận trong hồi ức, dù giấy phép ra báo do một Hoa kiều đứng tên, thì trên thực tế, nó vẫn không phải một bản tin của nước ngoài trên đất Việt; thậm chí cũng không phải tờ báo của ngoại kiều (ở đây là Hoa kiều) trên đất Việt. Theo tôi, đây vẫn là một tờ báo chữ Việt của nhà báo Việt giữa công chúng Việt. Tờ báo có ít nhiều “ưu tiên” những thông tin về Trung Hoa thì chỉ có nghĩa là nó vừa xem trọng đội quân được phe Đồng Minh cử vào đây giải giáp quân Nhật, ưu tiên đưa tin về hoạt động của mấy thủ lĩnh đội quân này (Lư Hán, Tiêu Văn), lại vừa hướng tới bộ phận công chúng là những công dân người Việt gốc Hoa trên đất Việt. Ngoài một ít “ưu tiên” ấy, “Trung Việt tân văn” đưa tin và bình luận thời sự thế giới và trong nước với tư cách nhà báo Việt nói với công chúng Việt. Nét riêng biệt của tờ báo này có lẽ là ở chỗ nó không đứng cùng chỗ đứng với các tờ báo của Việt Minh (như tờ “Cứu quốc”), nó cũng không tự đồng nhất với tờ nhật báo “Việt Nam” của Việt Nam quốc dân đảng khi ấy, nó buồn phiền và thất vọng trước tình trạng “huynh đệ huých tường: ai theo Quốc dân đảng thì Việt Minh bảo là phản động, mà ai theo Việt Minh thì Quốc dân đảng bảo là phản động” (Ai phản động? s. 9). Nói đúng ra, có thể xem đây là tiếng nói của một số nhà văn nhà báo Việt Nam lúc này hãy còn chưa đứng về phía nào trong một tiến trình phân ly chính trị khốc liệt của cộng đồng dân Việt vốn đã bắt đầu khởi lên từ những năm tháng đó.
Trong sưu tập 12 số “Trung Việt tân văn” còn lại này, tôi cũng gắng tìm xem có cứ liệu gì có thể “minh họa” cho nhận xét của nhà văn xưng “tôi” trong truyện “Đôi mắt” của Nam Cao về “anh bạn” cũ … “ra một tờ báo hằng ngày để chửi vung lên.
Chửi hết cả mọi người rồi anh mới lôi đến một số bạn cũ của anh ra. Toàn là những người rất hiền lành, xưa nay chưa hề chạm đến một sợi tóc của anh. Nhưng tên họ trên những tờ báo của phong trào giải phóng quốc gia được hoan nghênh làm ngứa mắt anh. Anh hằn học gọi mỉa họ là những nhà văn vô sản và cho họ là một bọn khố rách áo ôm đã đến ngày mả phát, ăn mặc và tẩm bổ hết cả phần thiên hạ”. (Tạp chí Văn Nghệ, s. 2, tháng Tư 1948)      
Quả thật, ở 12 số này không thấy điều gì tương tự, không hề có bài nào châm chọc một cá nhân nào. Tuy vậy, có thể hiểu rằng Nam Cao đứng trong hàng ngũ Việt Minh, tất sẽ không chấp nhận giọng điệu “Trung Việt tân văn” nói chung, và những hồi ức mang định kiến phe phái sẽ được phép nâng lên theo luật hư cấu của ngòi bút viết truyện, đã đưa tới những dòng viết như đã biết.     
Tôi cũng gắng tìm xem có cứ liệu gì xác nhận hồi ức của chính Vũ Bằng về thời gian làm báo “Trung Việt tân văn”:
… “Trần Huy Liệu, lúc ấy, làm bộ trưởng thông tin, ít ra cũng đủ phép “ếm” chúng tôi. Tôi biết trong anh em lúc bấy giờ, Trần Huy Liệu “trù” chúng tôi nhiều nhất. “Trung Việt tân văn” viết một loại bài đả kích riêng Trần Huy Liệu “chậm tiến, chưa chi đã lợi dụng chức vụ bộ trưởng của anh để hàng ngày đi công xa đến nhà Ngân Giang nữ sĩ uống trà tàu và ngâm thơ con cóc”. Uất hận không chịu được, Liệu dọa “hót chúng tôi vào xe rác”
(Bốn mươi năm nói láo, phần 3, Trung Việt tân văn, bản điện tử)
Tuy vậy, trong sưu tập 12 số “Trung Việt tân văn” còn lại này, không có dù chỉ một chứ chưa nói cả một loạt bài với nội dung như trên. Vậy là, hoặc là còn nhiều số “Trung Việt tân văn” khác đã không còn lưu lại, hoặc là chính Vũ Bằng đã nhớ lầm.
Về tờ “Lửa sống” năm 1954-55 ở Hải Phòng.
Sách Từ điển thư tịch báo chí Việt Nam của soạn giả Nguyễn Thành (Hà Nội: Nxb. Văn hóa-thông tin, 2001), vốn là sách chỉ dẫn toàn bộ các báo và tạp chí đã từng xuất bản ở Việt Nam từ khi có báo chí đến nay, nhưng lại không có dòng nào về tờ báo “Lửa sống” này.
Nhớ chừng như cách nay trên mười năm có một hội thảo về văn hóa lịch sử Hải Phòng, cũng chưa nghe ai nói đến tờ “Lửa sống” trong đời sống Hải Phòng hồi 1954.
(Khắp các đô thị trên đất nước ta, ngoài hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn, tôi hầu như không thấy nơi nào soạn lịch sử báo chí và xuất bản tại địa phương mình, mặc dù không ít tỉnh thành đã chi khá nhiều tiền từ ngân sách công để tổ chức biên soạn các bộ địa chí văn hóa tỉnh thành mình. Đến Huế hỏi đã có sách kê cứu tên và nội dung hoạt động của các báo, các nhà xuất bản từng có trên đất Huế không? Câu trả lời hình như là không. Với Đà Nẵng, Hải Phòng, Nam Định… hẳn cũng vậy. Vậy mà nơi đâu cũng háo hức nâng cấp lên thành phố tầm cỡ trung ương!).
Hai nguồn tư liệu duy nhất hiện có về tờ “Lửa sống” là hồi ức của Vũ Bằng và chính sưu tập nhật báo “Lửa sống” hiện còn lưu tại Thư viện Quốc gia, Hà Nội.
Chính Vũ Bằng, trong hồi ký “Bốn mươi năm nói láo” đã nói đến tờ báo này, dù rất sơ sài.
“Ở Hải Phòng, gần Tết, trời mưa phùn liêu diêu, nằm gối đầu tay ở trên gác trọ, tôi cũng sầu không tả được. [.....] Nghỉ tay được chừng nửa tháng thì Bùi Đình Lĩnh lại rủ tôi làm tờ “Lửa Sống”, tờ báo hàng ngày độc nhất ở Hải Phòng lúc bấy giờ. [……] lúc Lĩnh rủ tôi về giúp cho tờ “Lửa Sống”, tôi nhận lời ngay, mỗi sáng tạt đến tòa báo xem tin tức độ nửa tiếng đồng hồ. Vì là một tờ báo độc nhất xuất bản lúc ấy trên đường vào Nam, báo “Lửa Sống” được người ta tranh nhau mua đọc […..] 
[…..] “Lửa Sống” cùng với chúng tôi di cư từ Bắc vào Nam […..] Nhưng vì mới chân ướt chân ráo vào Nam, chưa rành tiếng Nam, mà lại không được thấu đáo tâm lý của người đọc báo, thêm nữa lại cứ trình bày báo theo lối Bắc, viết truyện dài kiểu Bắc, cho nên “Lửa Sống” không còn được trông thấy những ngày vàng ở Hải Phòng…” 
(Bốn mươi năm nói láo, phần 4, Báo hại. Trên đương vào Nam: “Lửa sống”, bản điện tử)
Trong đoạn hồi ức này, điều đáng tiếc nhất đối với người nghiên cứu hậu thế là, thay vì kể các tình tiết, sự việc về bài vở và công việc tòa soạn “Lửa sống”, tên những người thường viết bài cho báo, bút danh của họ, v.v…, tác giả Vũ Bằng lại đuổi theo dòng cảm nghĩ về ý muốn thoát khỏi nghề báo, gợi lên do ông thấy tận mắt một cảnh làm tiền bất lương của đồng nghiệp trong tòa soạn.
Tại Thư viện quốc gia ở Hà Nội hiện có một sưu tập khoảng trên ba chục số báo “Lửa sống”, từ số 1 (ra ngày 28/9/1954) đến số 51 (17/11/1954). Có lẽ đây chỉ là một phần rất nhỏ các số báo “Lửa sống” đã xuất bản tại Hải Phòng trong suốt khoảng thời gian thành phố cảng trở thành thủ phủ tạm thời của chính phủ Quốc gia Việt Nam (từ 01/10/1954), bởi có thể dự đoán thời điểm báo chuyển vào Nam hẳn cũng chỉ ít lâu trước 13/5/1955, ngày mà phía quân đội Liên hiệp Pháp trao trả hoàn toàn Hải Phòng cho phía Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đó là một tờ báo ra hằng ngày, mỗi kỳ 4 trang khổ lớn (A2); tòa soạn và trị sự tại 56 Bonnal (Lê Thánh Tôn), Hải Phòng, chủ nhiệm kiêm quản lý Bùi Đình Lĩnh, chủ bút Hà Thành Thọ.
Đây là tờ báo hoạt động trong vùng do chính thể Quốc gia Việt Nam quản lý; bối cảnh này chi phối mọi diễn ngôn, từ đưa tin đến bình luận. Các tin tức và bình luận liên quan đến chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa đương nhiên được xem như đưa tin và bình luận về phía bên kia, về phía “đối phương”, phía “cộng sản”. Tất nhiên trên một tờ nhật báo người ta sẽ đọc được những tin tức về muôn mặt đời sống đương thời chứ không phải chỉ những so đọ “quốc/cộng”. Và tờ báo hàng ngày duy nhất trên đất Cảng thời gian 300 ngày ấy, chắc chắn lưu giữ được rất nhiều dữ kiện cụ thể của đời sống muôn mặt ở Hải Phòng, ở vùng duyên hải miền Bắc những ngày tháng ấy; tiếc rằng sưu tập hiện còn chỉ gồm một lượng báo quá ít, vả lại hầu như cũng chưa hề được các giới nghiên cứu biết đến và khai thác.
Điều tôi quan tâm là đi tìm những bài báo có thể thuộc ngòi bút Vũ Bằng trên nhật báo “Lửa sống”, dù chỉ trong mấy chục số hiện được biết.
Để làm điều này, tôi khảo các số báo hiện còn theo hai dấu hiệu: những tin bài không ký tên tác giả, và những bài vở có tên tác giả; từ đây suy đoán về dấu tích ngòi bút Vũ Bằng có hay không trên đó.
Ở hồi ức “Bốn mươi năm nói láo” dẫn trên, Vũ Bằng kể rằng khi nhận lời làm báo “Lửa sống”, bản thân ông “mỗi sáng tạt đến tòa báo xem tin tức độ nửa tiếng đồng hồ”. Vậy là có nhiều khả năng Vũ Bằng động bút vào mảng tin tức thời sự trên báo.
Đây là một mảng lớn trên mỗi số của tờ nhật báo này, vì vậy chắc hẳn không chỉ do một người làm. Tin tức thường lấy từ nhiều nguồn: từ các đài phát thanh và các báo Âu Mỹ, nhất là của Pháp, từ Việt Tấn Xã và đài phát thanh của chính quyền Quốc gia Việt Nam, rất ít tin tức do người của tòa soạn “Lửa sống” trực tiếp thực hiện. Các tin nổi bật thường đăng ở trang nhất, phần tiếp các tin ấy có thể đưa sang các trang sau; trang nhì giành phần đáng kể cho những tin tức tại Hải Phòng, từ hoạt động của tòa thị chính đến các vụ việc dân sự; trang tư có mục “Lửa 5 châu” gồm các tin vắn thế giới.
Tin tức thời sự trên “Lửa sống” ở mấy chục số hiện còn này tập trung vào các diễn biến sau hiệp nghị Genève về Đông Dương: những động thái gia tăng can dự vào Đông Dương của Mỹ, những tin đi và đến của các quan chức Pháp, những căng thẳng và xung đột Mao – Tưởng giữa hai bờ eo biển Đài Loan, hội nghị 9 nước Âu châu tại London với tranh cãi về đề xuất tái vũ trang nước Đức, thủ tướng Ấn Độ Nehru với những động thái xích lại gần Bắc Kinh và Hà Nội, v.v….
Tuy vậy, điều được quan tâm nhiều hơn cả chính là những diễn biến và xung đột xung quanh việc tổ chức di cư từ Bắc vào Nam (phía Pháp muốn đưa tàu thủy vào mọi bờ biển, lạch sông miền Bắc để đón người muốn di cư, phía Việt Nam dân chủ cộng hòa phản đối, dọa bắn các tàu Pháp, v.v…), hoặc những dịch chuyển thay đổi tại Hải Phòng và Hà Nội từng ngày từng ngày một.
Tuy thông tin được lấy từ những tờ báo ở Paris như Paris Press, France soir, Le Monde, Les Échos, v.v…, nhưng nội dung lại là những biến chuyển từng ngày tại Hà Nội. Những dòng tít trên “Lửa sống” đôi khi cho thấy cái nhìn ngạc nhiên của nhà báo Tây phương hơn là nhà báo Việt: “Quân đội Việt Minh mặc y phục cùng kiểu với quân đội Trung Cộng từ sáu ngả tiến vào Hà Nội”(L.S., 12/10/1954), “Chưa có một cuộc chiếm đóng nào trong lịch sử có phương pháp và thiếu hân hoan như cuộc chiếm đóng Hà Nội của Việt Minh” (L.S., 14/10/1954).
Chừng một tháng sau ngày phía Việt Nam dân chủ cộng hòa đã tiếp quản Hà Nội, thì trên “Lửa sống” tại Hải Phòng có những dòng mô tả như sau, vẫn là cái nhìn của nhà báo nước ngoài:
“Hà Nội hiện nay có một bộ mặt khắc khổ khác thường. Một đoàn người gồm đàn ông đàn bà mặc đồng phục, nghiêm nghị, thận trọng, không có một chút hài hước, ngự trị Hà Nội. Những cô vũ nữ xinh đẹp biến mất cùng lúc với các tiệm rượu, tiệm khiêu vũ và các cửa hàng bán xa xỉ phẩm, và được thay thế bởi các thiếu nữ mặc đồng phục xanh trong quân đội nhân dân. Dưới cái mũ đan bằng lá nón, tóc được cắt ngắn theo kiểu Tàu và tết thành hai bím buộc một dải lụa dù, người ta thấy họ thong thả đi chơi các phố, với điệu bộ của các thiếu nữ đưa đường, mặt tươi cười, tay nắm tay một nam đồng chí trong quân đội.
Đúng 4 giờ chiều, ở khắp bàn giấy, xưởng thợ người ta nghỉ việc để huấn luyện chính trị và tự kiểm thảo và múa hát.
Trước đài chiến sĩ trận vong trên bãi cỏ rộng trước thành, các nữ huấn luyện viên dạy các nữ thiếu nhi tóc bím và các nam thiếu nhi đội mũ ca-lô bước đều. Tối đến từng đoàn quân đi từ khu này qua khu khác để ca hát và đàn những bài ca cách mạng.
Đến 10 giờ những đội quân được nghỉ phép xếp hàng về trại vừa đi vừa hát.
Đến 11 giờ kèn báo giờ giới nghiêm và những lính canh với súng tiểu liên lúc nào cũng sẵn sàng bắn.
Đến 5 giời sáng, sau một đêm nghỉ ngơi, những người mặc quần đùi bắt đầu ngày của mình bằng một giờ tập thể thao.
Cuộc sống cứ như thế kéo dài chán ngán và không thể nào chịu được”
(Đời sống Hà Nội hiện nay // L.S., 10/11/1954)          
Trở lại điều tôi muốn tìm: Tôi tin rằng Vũ Bằng có tham dự biên dịch phần tin tức thời sự của nhật báo “Lửa sống”. Nhưng tất cả các tin tức này, dù dài hay ngắn, đều không ghi tên phóng viên hay người biên dịch. Vậy nên mọi nỗ lực tìm ra một số bài thực sự do Vũ Bằng xử lý, đều là điều bất khả.   
Chuyển sang các loại bài có tên tác giả; loại bài này khá nhiều, và cũng làm thành nét đặc trưng của một cách làm báo, ‒ ấy là gần như vị trí bài mục của từng tác giả là khá ổn định qua nhiều số báo.
Ngay trang nhất, là chỗ của những tin tức thời sự, vẫn có đến 3 mục có ký tên: “Xã thuyết” do Hà Chính; “Phóng sự điều tra” do Bảo Hưng (ban đầu là bài nhiều kỳ “Những cánh hoa tàn trên đất cảng” nói về nạn mãi dâm, tiếp sau là “Sáu Kho muôn mặt”, cũng nhiều kỳ, về các hoạt động trộm cắp và kinh doanh quanh khu vực cảng); “Có khói” (một mục chỉ ra những sai trái cụ thể) do Thạch Kế.
Trang nhì, tuy đã có “Tin Hải Phòng” và các quảng cáo, tin phim chiếu hoặc vở diễn các rạp, tin rao vặt… chiếm phần lớn diện tích, ngay góc trái đầu trang vẫn có mục “Đốt” ‒ một loại hài đàm ‒ của Phạm Lang.
Trang ba là chỗ của các tác phẩm đăng đều kỳ: một phóng tác hay sáng tác của Văn Thuật, rồi sau là Tiêu Liêu; một sáng tác nữa của Động Đình Hồ; lại một dịch phẩm của Nguyễn Hoạt; và chân trang là “Chuyện dài Lửa sống”, trong vòng trên 50 số ta hiện biết, đây là chỗ của Anh Hợp với “Sắt máu”, là truyện về đạo quân Nguyên Mông thuở trước.
Trang tư dành giấy cho phần tiếp các bài các trang trước, song vẫn còn chỗ cho các mục “Thơ lửa” ‒ thường là thơ châm biếm, song cũng có thơ trữ tình ‒ của Thạch Kế và các tác giả khác; mục “Ngang tai trái mắt” của Mắt Kính, cũng là loại mục phê phán thói hư tật xấu người Hải Phòng.
Trong tất cả các bài mục có ký tên này, những bài ký Tiêu Liêu rõ ràng là thuộc ngòi bút Vũ Bằng, sẽ nói kỹ ở sau. Ngoài ra, có thể nghi vấn hai truyện, một ký tên Văn Thuật, và một ký tên Động Đình Hồ.
Truyện nhiều kỳ “Hai cậu đúng ‘mốt’, bà mẹ thỏa tình” được gọi là “truyện thời sự” của Văn Thuật, có kèm một lời đề tặng ngay dưới nhan đề: “Gửi tặng những ông lắm kế, những bà nhiều lời và những cậu quá hăng”, mang khá rõ dáng dấp những câu chuyện Vũ Bằng từng viết về thói hư tật xấu trong giới thị dân Hà Thành, kể bằng giọng diễu cợt suồng sã.
… Tú Mát lấy cô Hạt Mít đẻ được hai trai rồi thì càng ngày Hạt Mít càng béo, Tú Mát càng gầy, bèn rời thành phố ra thuê nhà cạnh lò gạch chân đê làng Bông Đỏ, Hà Đông. Sức khỏe Tú Mát khá lên, Hạt Mít ra ở với chồng thì cậu lại yếu đi, bèn trở vào nội thành, cặp kè với kép Xiên. Có người đem tin ấy kể cho Tú Mát, anh chàng bèn bỏ đi biệt tích. Kép Xiên bỏ rạp cùng Hạt Mít ra lò gạch làm cai lò, vừa kinh doanh vừa đú đởn cùng nhau, rồi sống với nhau như vợ chồng. Hai cậu con trong phố nghe người ta nói mẹ hư hỏng, định đánh viên cai lò để trả thù cho cha, nhưng được mẹ và viên cai lò ấy phỉnh nịnh và cấp tiền cho lối sống đúng mốt “cao-bồi” nên để mặc. Rồi thì bà mẹ hư ấy đi Hải Phòng, đi Sài Gòn, bỏ lại tình nhân, bỏ mặc hai cậu…
Truyện này đăng từ số 3 đến số 10 (30/9 - 7/10/1954) thì từ số 6 (3/10/1954) bắt đầu xuất hiện mục “Những nụ cười mỉa” của Động Đình Hồ; tác giả có chỗ viết rằng “những nụ cười này đều là do óc tưởng tượng của tôi tại miền Nam nước Việt gửi ra”, những chuyện kể thường là chuyện về các thói tật của giới thị dân, ban đầu chuyện ở Đà Lạt, sau rồi đến những chuyện ở Hà Thành…
Trong hai bút danh Văn Thuật và Động Đình Hồ này, có lẽ không bút danh nào khiến người ta tin là của Vũ Bằng. Chỉ có điều, câu chuyện hoạt kê về bà mẹ hư hỏng lại gợi ra hơi hướng ngòi bút Vũ Bằng. Rốt cuộc, đó cũng chỉ là một nghi vấn khó giải đáp.
Bây giờ nói về tác phẩm duy nhất ký Tiêu Liêu trong những số “Lửa sống” hiện còn.
Đó dường như là một dịch phẩm, hoặc đúng hơn, một phóng tác.
Nhan đề: “Thuốc độc trong cái răng giả”; tên tác giả gắn vào nhan đề theo cách này: Tiêu Liêu (kể). Tức là Tiêu Liêu (Vũ Bằng) là người kể câu chuyện (chứ không phải người nghĩ ra, sáng tác ra nó?).
 Truyện “Thuốc độc trong cái răng giả” được đăng “Lửa sống” từ số 37 (2/11/1954); tính đến số 51 (17/11/1954) là số cuối của sưu tập “Lửa sống” hiện có tại Thư viện Quốc gia (Hà Nội), truyện đã đăng đến kỳ thứ 15 và vẫn chưa kết thúc.
Đây là một truyện trinh thám; nơi xảy ra câu chuyện hư cấu là thành phố Đà Lạt; nội dung câu chuyện xoay quanh vụ nghị sĩ Khoa Minh, nguyên tổng trưởng ngoại giao, bị ám sát tại nhà riêng, con gái ông là Bạch Nhan cũng bị bắn trọng thương, đưa vào bệnh viện ít lâu cũng chết. Từ chỗ nghi vấn bà Bạch Nhan định giết cha rồi dẫn đến bác bỏ điều đó, câu chuyện tìm sang nhân vật Mai Lan con gái bà Bạch Nhan, từng được bà hứa gả cho đại úy Lý Mẫn Du nhưng nàng lại yêu chàng phi công Đan Lương. Tiếp đến là việc đại úy Lý Mẫn Du bị ám sát, bên mình nạn nhân có khẩu súng của Đan Lương…  Câu chuyện được kể từ vai “tôi”, Văn Lân, một đồng sự trong nghề thám tử, nhưng tiến trình câu chuyện dường như lại nhằm biểu dương tài phán đoán, khám phá của thám tử Đằng Tôn, người luôn luôn tìm ra các dấu hiệu hình sự đáng giá trước khi các nhân viên sở liêm phóng dò tới…
Tuy chưa được đọc trọn vẹn câu chuyện “Thuốc độc trong cái răng giả”, nhưng tôi đoán đây là một phóng tác của Vũ Bằng; còn nguyên tác là một truyện trinh thám Âu Mỹ nào thì chưa biết rõ.
Trở lên là một vài mô tả và tìm kiếm dấu vết can dự của nhà văn nhà báo Vũ Bằng vào hai nhật báo “Trung Việt tân văn” (Hà Nội, 1946) và “Lửa sống” (Hải Phòng, 1954). Việc tìm đọc những tờ báo này là khá mất thời gian và tốn công sức, song như đã thấy, kết quả tìm được chẳng đáng bao nhiêu. Có lẽ điều tôi làm được chỉ là có thể thông báo chắc chắn rằng có hai tờ nhật báo mà Vũ Bằng từng can dự, hai tờ báo này có thể đã bị quên lãng ngay ở giới làm lịch sử báo chí, chưa nói giới làm lịch sử văn học.
Hà Nội, 26/4/2013
Lại Nguyên Ân
Theo http://lainguyenan.free.fr/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...