Trăng và trăng của muôn thuở
Trăng là nguồn cảm hứng vô tận của người Việt ta trong kho
tàng văn học bình dân cùng biết bao văn nhân, thi sĩ trong nền văn chương bác học
cũng như trong âm nhạc Việt Nam.
Ngoài danh từ thông thường là “trăng”, trăng còn được
người Việt ta gọi bằng nhiều tên khác, rất thi vị thì có: gương nga, bóng nga,
bóng nguyệt, nguyệt thiềm,…; huy hoàng đài các thì có: cung Quảng, cung
Thiềm, cung Hằng, cung Quế,… Chúng ta còn tưởng tượng ra các nhân vật cư ngụ
trên mặt trăng như Hằng Nga (hay chị Hằng), chú Cuội, thỏ ngọc,… cùng các giai
thoại lý thú về các vị này như: Hằng Nga cùng các tiên nữ múa hát điệu Nghê Thường
vào đêm rằm tháng Tám, chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa nhớ nhà chú ở địa cầu,
v.v…
Ánh trăng đã là nguồn cảm hứng bất tận muôn đời của các thi
sĩ văn nhân. Có thể gọi đấy là mối lương duyên suốt đời mà ông tơ bà nguyệt đã
dành cho họ. Trong cảm quan của người nghệ sĩ, trăng không đơn thuần là nguồn
sáng trong đêm mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo. Ở đó, nó đã
trở thành một âm hưởng đa thanh xoáy sâu vào tâm hồn có sức ám ảnh, khơi gợi
cho người đọc nhiều xúc cảm về chiến tranh và hòa bình, hạnh phúc và khổ đau,
quê hương và gia đình, tình yêu và thân phận con người…
Theo quan niệm của người xưa trong văn học trung đại, con người
là một “tiểu vũ trụ” trong lòng “đại vũ trụ”, con người và đất trời có thể hòa
hợp với nhau trong mối tương cảm, tương thông (thiên - nhân tương dữ, thiên -
nhân tương cảm). Theo đó, trăng trong văn học trung đại không huyền bí xa lạ
như trong truyện cổ dân gian (nữ thần Mặt Trăng), cũng không bất biến như trong
ca dao dân ca:
Trăng bao nhiêu tuổi trăng già,
Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non.
của văn học dân gian mà gần gũi, thân thiết với con người. Mặt
khác, trăng - với lí tính khách quan của nó - là mang đến ánh sáng mát mẻ huyền
diệu cho con người và cuộc đời trong đêm đen, khi bước vào địa hạt thơ ca đã trở
thành một hình tượng nghệ thuật thực sự, được miêu tả khá độc đáo và sắc nét. Ở
đây, nó đã được các nhà thơ vận dụng trong trường liên tưởng một cách tinh tế,
sáng tạo. Có thể đấy là tuổi xuân, hạnh phúc, là vẻ đẹp, niềm vui, là nỗi buồn
cô đơn tuyệt vọng, đôi khi là một người bạn, người tình yêu dấu…
Đọc thơ các thi sĩ trung đại, ta thường chứng kiến cảnh những
chinh phụ, cung nữ, thục nữ hay ngồi một mình vọng trăng, thưởng nguyệt trong
đêm dài. Trăng ở đây không phải là “trăng viên mãn” tròn đầy, “trăng vàng trăng
ngọc” mà là “trăng tàn”, “trăng khuyết, “trăng xẻ làm đôi” . . .
Trăng ở đây cũng chính là cuộc đời đầy dang dở bất hạnh của họ.
Đó là cảnh nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong đêm khuya thanh vắng, một mình uống rượu
mong giải sầu nhưng say rồi lại tỉnh, tỉnh ra rồi lại càng buồn hơn:
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.”
cứ như nhắc nhở thi nhân rằng tuổi trẻ, tình yêu đang trôi
qua mà nhân duyên chưa trọn vẹn.
Đó cũng là cảnh nàng Kiều khắc khoải cô đơn trong đêm trường
lạnh giá khi chia tay với Thúc Sinh - cũng là vĩnh viễn chia ly với hạnh phúc
“chỉ ấm trôn kim” mà nàng vừa có được:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi,
Đó cũng là cảnh những cung nữ, chinh phu trong những đêm dài
xa vắng người thương, nhìn trăng hoa giao hòa quấn quit. Trong Chinh Phụ Ngâm,
ta thấy rải rác đó đây “trăng”, “nguyệt”. Trăng gợi lên những tình cảm khác
nhau của chinh phụ, khi nhớ thương, khi lo lắng, khi đau đớn:
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi,
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San.
Nhung nhớ đến chàng đã đi vào nơi dặm trường xa xôi, người
chinh phụ đã theo dõi từng bước chân của chàng và càng lúc càng xa dần. Thân phận
cô đơn đang nhìn trăng lên mà lòng xao xuyến bùi ngùi. Rồi liên tưởng không biết
cũng đêm trăng này chàng dừng chân tại nơi đâu:
Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao?
Nhưng rồi tâm trạng người chinh phụ đã bồi hồi lo lắng nghĩ đến
những hiểm nguy ngoài biên thuỳ thật là não nùng, ghê rợn:
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi.
Tâm tư sầu thảm, trong tiềm thức hiện lên cảnh hoa nguyệt
nguyệt hoa:
Hoa giải nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thấm từng bông.
Chính những cảnh ấy đã đánh thức nhưng khao khát mãnh liệt
dâng trào hạnh phúc ân ái vợ chồng - khát vọng đầy tính nhân bản, nhân văn.
Có thể nói, trăng hiện lên qua cái nhìn của những phụ nữ đa
tài, đa tình và cũng lắm đa truân này không có cái lãng mạn, thơ thới, ấm áp
giao hoà mà lúc nào cũng vàng rười rượi, cũng “lạnh lẽo buốt xương da”, cũng u
ám hắt hiu và lắng đọng vẻ buồn - bởi ngoại cảnh đã là tâm cảnh. Nhìn trăng thì
trăng gợi nhớ hạnh phúc, niềm vui ở họ dẫu có cũng chỉ thảng hoặc thoáng qua trong
giây lát, không làm vơi đi vết thương lòng mà càng khắc sâu thêm nỗi tủi hổ bẽ
bàng của phận hẩm duyên ôi. Trăng hiện ra như để trêu ngươi họ, chọc tức họ, đẩy
họ vào nỗi đau đớn tột cùng. Nhìn “nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng” quấn quit
nhau mà lòng ngổn ngang những khát vọng, bộn bề những nỗi đau. Ngẫm lại thấy
mình “loay hoay trong cảnh cô đơn giữa đất trời vô tình” mà cảm thương cho thân
phận:
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau.
Ánh trăng đã khơi nên niềm khát vọng và tuyệt vọng. Cái chập
chờn không biên giới giữa thực và mộng, giữa hạnh phúc và khổ đau, niềm vui và
nỗi buồn, đoàn viên và ly biệt. Càng kiếm tìm càng lẫn trốn, càng đến gần càng
lùi xa để cho nỗi lòng khát khao hạnh phúc, tình yêu của những người phụ nữ đa
tài, đa tình, đa truân này lâm vào vĩnh viễn đau thương. Đó là lúc Kim Trọng
tương tư nàng Kiều dẫu rằng khi mới gặp nhau lần đầu tiên trong tiết Thanh
Minh:
Tuần trăng khuyết, dĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
Truyện Kiều - Nguyễn Du.
Trong các tác phẩm văn học trong thời kỳ này, ta có thể thấy
ánh trăng có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thể hiện tâm trạng của
các nhân vật trữ tình. Nó đã trở thành một thứ không gian nghệ thuật gắn liền với
ý niệm của sự cảm nhận về giá trị của con người, là một hiện tượng tâm linh nội
cảm chứ không còn là hiện tượng địa lý, vật lý. . .
Nó đã được nội tâm hoá rõ rệt, mang đậm màu sắc tâm trạng và
thấm đượm tình cảm con người. Và đây là lúc Kiều đã về với Mã Giám Sinh mà trực
nhớ lại lời thề dưới trăng cùng Kim Trọng:
Dặm khuya ngất lạnh mù khơi,
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông.
Truyện Kiều - Nguyễn Du
Có những lúc tuyệt vọng cùng cực, các thi nhân, nho sĩ, chí
sĩ yêu nước, trở về làng xưa lối cũ với nỗi lòng giông bão mang theo tấn bi kịch
của thời đại in dấu trong từng sáng tác của mình. Ta thường bắt gặp cảnh các
thi nhân hay ngồi một mình trong cô tịch của đêm dài. Ân tình của các ẩn sĩ bất
đắc dĩ. Một tấc lòng ưu ái với dân, tận trung với nước đã không còn hợp thời thế.
Ta thấy Nguyễn Khuyến cảm thấy mình cô độc, trốn tránh cô độc, càng cô độc “Đời
loạn về như hạc độc, Tuổi già hình bóng tựa mây côi”. Duy chỉ có vần trăng kia
như người bạn cố tri có thể gởi gấm tâm trạng mình, và trăng không dửng dưng
trước sự cô quạnh đơn chiếc của thi nhân trong lúc lao đao này. Trăng đã chủ động
đến với thi nhân để làm dịu đi phần nào cái tối tăm trong “năm gian nhà cỏ”,
“ngõ tối đêm sâu” để tô điểm cho nét thu thêm huyền ảo:
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Thu Ẩm - Nguyễn Khuyến.
và cũng là để xoa dịu nỗi cô đơn trầm mặc của một nỗi lòng lắm
những ưu tư thời phải thế, thế thời phải thế:
Nước biếc trông như từng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Thu Vịnh - Nguyễn Khuyến.
Thi nhân đến với trăng để tìm một sự lãng quên, nhưng nào có
quên được. Lòng thi nhân còn quá bôn ba bận rộn với nhân thế. Càng nhìn trăng
càng xót xa đau đớn mà chạnh nỗi ai hoài cố quốc:
Năm canh máu chảy đêm hè vắng,
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.
Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẵn nằm mơ.
Cuốc Kêu Cảm Hứng - Nguyễn Khuyến.
lại còn tủi nhục cho thân phận kẻ làm trai không cứu được nước,
giúp được dân:
Xuân ơi xuân, Xuân có biết cho chăng,
Thẹn cùng sông, buồn cùng núi, tủi cùng trăng.
Hai mươi năm lẻ đã từng chua với xót.
Điều đó đã cho ta thấy ánh trăng trong văn học trung đại
không chỉ đơn thuần là ánh trăng của vũ trụ thiên nhiên mà còn chính là tấm
gương phản chiếu đời sống nội tâm phong phú, phức tạp của các nhân vật trữ
tình. Nó đã trở thành “vằng trăng nghệ thuật”.... làm say mê lòng người không
chỉ vì ảnh sáng huyền diệu và vẻ đẹp lung linh mà chính là ở cái tình bao la của
nó đưa người đọc trở về giao hòa với thiên nhiên vũ trụ và trở về với quan niệm
thẩm mĩ mang nét đẹp nhân văn của người phương Đông (thiên nhân tương dữ) đã có
từ ngàn xưa.
Từ những thập niên đầu thế kỷ XX đến giữa thập niên 1940, xã
hội Việt Nam có nhiều thay đổi lớn lao. Sự gặp gỡ, giao lưu với văn hoá
phương Tây đã mang lại những biến đổi sâu sắc trong ý thức và tâm lí của con người.
Đúng như Hoài Thanh bộc lộ:”Tình chúng ta đã đổi mới, thơ chúng ta cũng phải đổi
mới.” Sự thức tỉnh của ý thức cá nhân, của khát vọng “cởi trói” đã mang lại một
diện mạo, một sắc thái mới cho văn học trong thời kỳ này. Ánh trăng đến lúc bấy
giờ không còn được miêu tả theo lối ước lệ tượng trưng như thời kì trước mà đã
được các tác giả thổi hồn vào làm cho nó thực sự trở thành một chủ thể mang một
sức sống mới, biết chờ đợi, hẹn hò, có tâm trạng vui, buồn cô đơn khi xa cách... Trăng ở đây đã là em, là nàng, là biểu tượng của cái đẹp, là nguồn cảm hứng
khơi gợi sáng tạo bất tận của thi nhân. Điều này dễ thấy trong thơ Xuân Diệu
bàng bạc một thế giới ánh trăng lung linh huyền ảo với đủ mọi hình hài dáng vẻ
và trạng thái cảm xúc.
Đó là trăng ngà, trăng ngần, trăng sáng, trăng xa, trăng mộng,
trăng vú mộng, trăng tàn, trăng lạnh... Trăng cơ hồ đã trở thành hoá thân của
nhà thơ - một tâm hồn cô đơn muốn tìm một nơi ẩn tựa nương thân:
Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh,
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần.
Nguyệt Cầm - Xuân Diệu
Nhưng nào có thoát được, “càng lên cao càng thấy lạnh”, càng
trốn chạy càng buồn mà sinh ra những giọt trăng, giọt đàn nước mắt: ”Đàn buồn
đàn lạnh ôi đàn chậm, Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”. (Nguyệt Cầm) để càng cô
đơn càng nhớ người thương:
Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người.
Không biết có phải vì trở thành hoá thân của nhà thơ hay
không mà trăng trong thơ Xuân Diệu rất nhạy cảm với bước đi của thời gian, nhất
là trong những thời khắc chuyển mùa. Thu đến, thu đi là lẽ đương nhiên của trời
đất, vậy mà trăng - như người con gái diễm kiều - buồn nỗi buồn u uẩn, se xót,
lạnh lẽo, xa xôi:
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ,
Non xa khởi sự nhạt sương mờ.
Đã nghe rét mướt luồn trong gió,
Đã vắng người sang những chuyến đò.
Trong số các nhà thơ mới, có lẽ không ai viết về Trăng
nhiều và hay như Hàn Mạc Tử. Đọc thơ Hàn Mạc Tử, quả đúng như nhận xét :”Trăng,
toàn trăng, một ánh trăng gắt gao . . . linh động lòng người. Trăng ở đây cũng
ghen, cũng giận, cũng cay nghiệt, cũng trơ tráo và cũng nao nức dục tình... Trong thơ Hàn Mạc Tử, trăng không những được thi vị hoá, nhân cách hoá như nhiều
nhà thơ khác mà còn được hiện thực hoá ngay trong cái không khí thi vị ấy.
Trăng giăng mắc khắp cả không gian, thời gian của sự sống:
Không gian dày đặc toàn trăng cả,
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.
Huyền Ảo - Hàn Mạc Tử.
Trăng là áo quần để mặc:
Áo ta rách rưới trời không vá,
Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng.
Lang Thang - Hàn Mạc Tử.
Là rượu để uống say ngã nghiêng:
Bóng Hằng trong chén ngã nghiêng...
Quan trọng hơn, trăng đã là nàng - người con gái xuân đợi gió
Đông về để lả lơi, trong khi hoa lá cũng ngây ngất say tình nên lặng yên:
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu,
Đợi gió Đông về để lả lơi.
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chi Hằng ơi!
Bẽn Lẽn - Hàn Mạc Tử.
Trăng đã là người con gái xuân, một thời lơi lả, để rồi khi
chướm tình yêu, thì lại thẹn thò. Tình yêu của trăng thì trong sáng, duyền diệu
và “thơm như tình ái của ni cô”:
Mới lớn lên trăng đã thẹn thò,
Thơm như tình ái của ni cô.
Gió say lướt mướt trong màu sáng
Hoa với tôi đều cảm động sơ.
Huyền Ảo - Hàn Mạc Tử.
Ta có thể nói trăng trong thơ Hàn Mạc Tử đâu còn là một khách
thể mà đã thành một bản ngã ở trong thơ. “Nó đã hoà quyện vào từng tế bào nơi
cơ thể và độ sâu của tâm linh. Nó có khả năng vỗ về, yêu đương, đối thoại như một
hiện hữu người”. Và hơn thế nữa, nó như một cứu cánh, một biểu tượng tuyệt mĩ
mà thi nhân khát khao có được. Chẳng thế mà khi bị đày vào “lãnh cung của sự
chia lìa”, cái hố sâu ngăn cách của một tình yêu đơn phương vô vọng, của một
thân phận mặc cảm đang bị giày vò bởi thân xác đớn đau, nhà thơ ước ao trăng về
như một vị cứu tinh, cứu chuộc, một điểm tựa duy nhất để hoá giải trạng huống
đau thương:
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Đây Thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử.
Bởi cuộc đời của thi sĩ quá bất hạnh, quá bi thương nên bao
nhiêu cảm hứng, bao nhiêu đau khổ buồn vui người đều gởi gắm vào trăng.
Đúng như ai đã từng nói, trăng trong thơ Hàn Mạc Tử “được kết
tinh như hạt muối , vừa có vị mặn của muối, vừa có vị mặn của đời”. Thi sĩ đùa
giỡn với trăng, say với trăng, uống trăng. . . . qua các bài thơ với tựa đề
toàn là trăng: Chơi Lên Trăng, Đà Lạt Trăng Mờ, Một Miệng Trăng, Một Nửa Trăng,
Ngủ Với Trăng, Rượt Trăng, Say Trăng, Uống Trăng, . . .
Có lúc thi sĩ rao bán trăng đi, như trong Trăng Vàng Trăng Ngọc:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho,
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò.
rồi lại đổi ý không nỡ bán trăng vàng trăng ngọc:
Tôi nói thiệt, là anh dại quá!
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang?
và thi sĩ cầu nguyện cho trăng được sáng ngời:
Tôi đang cầu nguyện cho trăng tôi,
Tôi lần cho trăng một tràng chuỗi,
Trăng mới là trăng của Rạng Ngời.
Trăng của Hàn Mặc Tử được nhân cách hoá thành là bạn để cùng
thi sĩ đùa giỡn đuổi bắt trăng. Thi sĩ đuổi theo trăng để trăng ngả lên cành
vàng và hy vọng gặp được nàng:
Ha ha! Ta đuổi theo trăng,
Ta đuổi theo trăng,
Trăng bay lả tả ngả lên cành vàng,
Tới đây là nơi tôi được gặp nàng.
Rượt Trăng - Hàn Mạc Tử.
hay trở thành là rượu để say sưa nghiêng ngả. Uống trăng như
uống rượu để bớt khô hầu, uống để giải sầu miên man. Thi sĩ còn hỏi có ai nuốt
ánh trăng vàng và nuốt cả bóng nàng tiên nga. Phải chăng ánh trăng vàng và bóng
nàng tiên nga chỉ là một:
Bóng Hằng trong chén ngả nghiêng,
Lả lơi tắm mát làm duyên gợi tình.
Gió lùa mặt nước rung rinh.
Lòng ta khát miếng chung tình từ lâu.
Uống đi cho đỡ khô hầu
Uống đi cho bớt cái sầu miên man.
Có ai nuốt ánh trăng vàng,
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga?
Uống
Trăng - Hàn Mạc Tử.
hay là thức ăn. Nhưng trăng gió đã có sẵn làm sao để ăn được.
Nhưng đã ăn rồi thì để thoả mãn mối thù duyên kiếp phụ phàng:
Trời hỡi! Nhờ ai cho khỏi đói!
Gió trăng có sẵn làm sao ăn?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng?
Lang Thang - Hàn Mạc Tử.
Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã ngốn cả miệng trăng và trăng. Lòng còn
chứa đầy gái hồng nhan. Nhưng khi nhả ra một nàng thì mây nước cũng lặng lờ với
ngất ngây:
Cả miệng ta trăng là trăng,
Cả lòng ta vô số gái hồng nhan.
Ta nhả ra đây một nàng,
Cho mây lặng lờ, cho nước ngất ngây,
Cho vì sao rụng xuống mái rừng say.
Một Miệng Trăng – Hàn Mạc Tử.
Trong khi trăng của Thuý Kiều được ân cần chia xẻ làm đôi, nửa
ở lại với Kiều, nửa theo Thúc Sinh (“Vầng trăng ai xẻ làm đôi, Nửa in gối chiếc
nửa soi dặm trường”), thì trăng của Hàn Mạc Tử bị tàn phá bi thảm hơn: “cắn vỡ”
và “đứt ruột” là những hình ảnh huỷ diệt chết chóc:
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột,
Gió làm nên tội buổi chia phôi.
Qua việc khảo sát hình tượng trăng, ta thấy được tài năng độc
đáo của các nhà thơ. Mỗi vầng trăng như một chiếc đinh để treo lên đó những bức
tranh tâm trạng, số phận, mảnh đời của nhân vật trữ tình. Càng về sau, ánh
trăng càng có thêm nhiều nét nghĩa mới. Dù không mới mẻ nhưng qua trái tim và
khối óc của các nhà thơ – những bậc thầy về ngôn từ - trăng đã thoát ra khỏi ý
nghĩa cũ càng để tạo nên những bình diện nghĩa mới mang lại hiệu quả thẩm mĩ
ngoài mong muốn, tạo nên sức cảm thụ mạnh mẽ, cứ khắc khoải nơi đáy lòng của
người đọc, của những người đã từng yêu dấu, từng kỳ vọng khát khao:
Chỉ có trăng sao là bất diệt,
Cái gì khác nữa thảy đi qua”
Hàn Mặc Tử.
Bước qua lĩnh vực âm nhạc, trăng cũng bàng bạc trong những
dòng nhạc từ núi rừng sâu, qua thôn dã, trên dòng sông, bên bờ suối, . . . trải
dài bao la bác ngác. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã mong chờ trăng lên trong góc rừng
thâm xuyên, qua con suối xanh với dòng nước yên bình để gợi nhớ ánh trăng dịu
hiền:
Trăng ơi, chờ trăng lên trong góc rừng thâm xuyên
Ôi suối xanh nước bình yên có nhớ ánh trăng hiền.
Nhưng trăng vừa ló dạng với màu đỏ rực máu:
Lúc trăng đỏ rực như màu máu
Ánh trăng tan tác chúng sinh sầu.
Trăng lên và càng lên cao, ánh trăng toả sáng tràn lan khắp mọi
nơi. Càng về khuya trăng soi sáng cả núi đồi để lần xem những dã thú đang săn mồi:
Trăng lên, trăng sáng soi, trăng tràn lan khắp nơi
Trăng khuya rơi xuống đồi xem quái vật đứng ham mồi.
Bao lời gọi trăng ơi, trăng ơi và mong sao một ngày nào trăng
toả sáng dịu hiền để cảnh vật được soi sáng với ánh xanh xanh lung linh trong cảnh
vui thanh bình:
Trăng rừng ơi (tiếng vọng), trăng rừng ơi (tiếng vọng)
Nhìn ánh trăng kia ta ước mong sao
Tới ngày nao trăng hết hoen mầu
Và ánh xanh xanh dâng chiếu lung linh
Chúng ta vui thanh bình
Trăng rừng ơi (tiếng vọng), trăng rừng ơi (tiếng vọng)
Trăng ơi . . .
Trăng từ rừng sâu tiến dần về thôn dã, nơi đã có một cuộc sống
thanh bình, ấm no và có bao thanh niên nam nữ đang giã gạo dưới trăng với những
câu hò nhịp nhàng khắp nơi trong thôn xóm:
Mây trắng bay qua khi trăng dần lan
Muôn câu hò nhịp nhàng khắp thôn trang.
Đoàn người say sưa vui tiếng hát vang
Qua lời hát dưới đêm trăng đã gợi nên cho ta thấy cảnh thanh
bình sau những tháng năm chiến tranh tàn khốc đã để lại thôn làng cảnh xơ xác
tiêu điều. Và dưới ánh trăng vàng bát ngát, cảnh vật đã tô điểm lại bằng khúc
ca yêu đời để cho đám dân quê yên vui sau bao ngày chinh chiến. Đây ta thử nghe
nhạc sĩ Lam Phương diễn tả qua Khúc Ca Ngày Mùa với hoạt cảnh vui tươi trong cảnh
nông thôn thanh bình:
Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời.
Ánh trăng xuất hiện đã mang lại bao sức sống yên vui và mọi
người reo vui trong khúc nhạc hồ hởi. Nhờ cuộc sống yên lành nên ruộng lúa
nương dâu mới được thu hoạch mùa lúa thơm ngát và lúa đã mang về cho đời sống
dân quê bao khúc ca ngày mùa tuyệt vời:
Mừng trăng lên chúng ta cùng múa hát
Ước mong sao lúa hai mùa thơm ngát
Lúa về mang bao khúc ca tuyệt vời.
Sinh hoạt ở nông thôn vào những ngày mùa lệ thuộc vào các đêm
trăng. Trăng lên là sinh hoạt bắt đầu và kéo dài suốt đêm thâu cho đến trăng về
khuya, tiếng hát câu hò vang vang chập chùng từ đầu làng đến cuối thôn xóm. Chỉ
trong cảnh sống thanh bình mới có được hoạt cảnh này:
Mịt mùng đêm thâu cung hằng chênh chếch
Bóng khuất sau rặng tre
Tiếng ai hò chập chùng xa đưa
Hò là hò lơ hó lơ hò lơ.
Công việc làm còn phải chạy đua với bóng trăng nên anh em
trong thôn xóm ra sức cùng đua nhau, cùng giục giã hồ hởi để cùng nhau giã gạo
cho thật đều và giã cho thật nhanh kẻo trăng sắp tàn rồi và tiếng chày vẫn cứ
vang đều đều mãi trong đêm dài:
Này anh em ơi
Giã cho thật đều, giã cho thật nhanh
Giã cho khéo kẻo trăng phai rồi
Khoan hò khoan!
Tiếng chày khua vang mãi trong đêm dài.
Hoạt cảnh cứ tiếp diễn dưới ánh trăng thật vui tươi với những
tiếng hát câu hò. Và với tiếng hát vang lên để thu phục nung đúc lòng người
cùng sức sống vươn lên để xây dựng xóm làng, và khẳng định một cách mạnh mẽ là
để đồng xanh mãi mãi sẽ vui khúc ca ngày mùa:
Cười lên đi trăng sắp tàn bóng xế
Hát lên đi để nung lòng nhân thế
Để đồng xanh vui khúc ca ngày mùa
Với hoạt cảnh thâu đêm, nhưng rồi cũng đến lúc ánh trăng lơi
và tiếng sương rơi dần để trả lại thôn làng vơi bớt nỗi sầu và tiếng hát câu hò
cũng dần dần tràn ngập hồn quê khắp thôn xóm:
Ánh trăng lơi tiếng sương rơi
Rơi khắp thôn làng sầu đầy vơi
Tiếng hát câu hò lờ đờ trôi
Tiếng lòng tràn ngập hồn quê.
Trăng rồi cũng chiếu qua dòng sông và in bóng xuống sông dưới
cầu nhưng người nhạc sĩ tưởng tượng và tự hỏi “sao trăng lại rụng xuống cầu” (bầu
trời lộn ngược). Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã viết nên khúc nhạc Trăng Rụng Xuống Cầu
với hình ảnh bao con thuyền với mái chèo khoan thai dưới ánh trăng ngà:
Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái
Ai ca dưới trăng ngả gần xa vắn dài
Mai chèo khoan thai, trên sông hai màu
Con thuyền về đâu
Ô hay! Sao trăng rụng xuống cầu?
Vì đâu! Ô hay, sao trăng rụng xuống cầu?
Cảnh bao con thuyền đưa những chàng chiến sĩ về ngang bến vắng.
Cô em hậu phương vui mừng chào đón hát lên những lời ca mời mọc các chàng chiến
đấu đã từng dãi dầu nắng mưa đừng vội đi đâu nữa và dừng bước để vui cùng trăng
trước cảnh trở về của những người lính chiến, và chính trăng cũng hòa nhịp với
bao niềm vui chan hoà:
Đêm nay bao con thuyền về ngang bến vắng
Cô em hát lên rằng dừng chân hỡi chàng
Hỡi chàng chiến đấu!
Nắng mưa dãi dầu
Đừng vội về đâu
Trăng vui nên trăng rụng xuống cầu
Vì đâu trăng vui nên trăng rụng xuống cầu.
Đêm nay bao con thuyền trên sông lờ đờ trôi dưới ánh trăng mơ
màng đưa tin chiến thắng về sau bao ngày dãi dầu mưa nắng:
Hỡi bao con đò
Đêm nay trăng soi trên sông lờ dờ
Mang theo bóng cờ
Ngày về chiến thắng ánh trăng làm thơ
Hỡi trăng mơ màng
Sao trăng êm soi trên con thuyền chàng?
Chẳng những trăng vui chỉ soi sáng trong lòng thuyền chàng mà
trăng cũng quên mình để rơi xuống cầu:
Trăng rơi cầu làng
Đợi thuyền chiến thắng sông tách đôi hàng.
Trăng rơi xuống cầu làng và giờ đây sông lờ đờ trôi đã biến
thành “Thuyền anh lướt trên trăng ngà” xuôi dòng lướt nhẹ:
Ơ này! anh Hai, anh Ba
Thuyền anh lướt trên trăng ngà
Mà ơ này! Anh Tư, anh Năm!
Dừng tay ghé thăm thôn này.
Trăng còn đi xa hơn, đi vào rừng núi, rồi ghé qua bên bờ suối.
Chiều xuống, đêm bắt đầu với làn sương mờ, ánh trăng cũng vừa ló dạng. Đôi tình
nhân hẹn nhau dưới ánh trăng mờ chiếu bên bờ suối mơ. Họ hẹn nhau qua một đêm
trăng mờ với bao ước hẹn lời thơ ý nhạc và sau đó mỗi người đi mỗi ngả:
Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu.
Một đêm thiết tha rồi đây xa cách
Rồi đây hai ngả biết tới phương nào?
Suốt đêm thâu bên bờ suối mơ, cảnh vật lắng đọng vào tâm can
của mỗi người như nhắc nhở người ơi nhớ những giây phút êm đềm lãng mạn cô đọng
trong đêm ấy dù sau này mỗi người có xa nhau đi nữa. Và những kỷ niệm ấy mãi vẫn
vang nhắc, lòng dặn lòng, nơi bờ suối trong đêm dưới ánh trăng tà:
Mịt mùng ngàn thâu suối mơ trầm lắng
Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng
Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy?
Ngàn đời vang nhắc bên suối trăng tà. . . .
Gặp nhau ước hẹn để rồi xa nhau, người đi biền biệt nơi
phương xa trong khói lửa điêu tàn có nhớ chăng? Nào những lúc trên thuyền đang
say đắm nhìn trăng vừa lên, và suối cũng theo dõi bóng trăng vàng vừa ló dạng.
Bao cảnh thơ mộng kia sao người nỡ chia lìa. Người phải đi xa ngoài sương gió
nơi biên thuỳ với bao nỗi niềm hiu hắt ở chốn sa trường xa:
Suối mơ . . . lời hẹn ước ven bờ suối xưa
Nhớ chăng . . . người phương xa trong khói điêu tàn?
Suối ơi. . . vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh,
Nào những lúc trên thuyền say sưa nhìn trăng vừa lên. . .
Ai hãy chia lìa.. Sương gió biên thuỳ, hiu hắt người đi sa
trường xa.
Đã biết rằng xa nhau là ly biệt, xa mặt cách lòng, và mỗi lần
xa nhau cả hai đều đau khổ. Nhưng người ơi còn nhớ hay quên, trăng nước vẫn
trông chờ và như Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Trước sau nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông.” Cảnh cũ còn đây, người xưa vắng bóng!
trăng nước vẫn mong chờ:
Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng
Trời bày chia ly chi cho lòng héo?
Giờ đây cách xa người quên hay nhớ?
Trăng giờ đây đã làm thay đổi tâm trạng của người vợ đã tảo tần
xoay xở trong công ăn việc làm để lo toan cho chồng làm nên sự nghiệp bút
nghiên. Ánh trăng thật huyền diệu đã soi sáng cả vườn chè, ánh trăng đã đem lại
biết bao niềm hy vọng và đôi vợ chồng son trẻ đang sống trong hạnh phúc. Và muốn
giữ hạnh phúc lâu bền, người vợ đã phải hy sinh trong bổn phận của mình, bương
chải, khuyến khích chồng để chồng yên tâm chăm lo việc đèn sách:
Sáng trăng sáng cả vườn chè
Môt gian nhà nhỏ đi về có nhau
Vì tầm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay.
Sự hy sinh của người vợ không những là sự mong ước chồng sẽ
có được ngày vinh quy bái tổ mà còn tránh được sự chê cười của chúng bạn là vì
mình có ít nhan sắc nên chồng quên việc dồi mài kinh sử:
Chồng tôi thi đỗ khoa này
Bỏ công kinh sử từ ngày lấy tôi
Kẻo không rồi chúng bạn cười
Rằng tôi nhan sắc cho người say sưa.
Rồi cũng lại một đêm trăng, một đêm trăng “ai đem trăng sáng
lên trên vườn chè”. Một đêm trăng thật thú vị để đôi vợ chồng trẻ hồi tưởng lại
đêm trăng ngày xưa khi vừa mới lấy nhau “Một gian nhà nhỏ đi về có nhau” với
bao ước mơ, bao cực nhọc, giờ đây cũng đã phôi pha qua năm tháng để nhường lại:
Đêm nay mới thật là đêm
Ai đem trăng sáng lên trên vườn chè.
Với một tinh thần hết sức dè dặt, vẫn có thể nói qua việc khảo
sát hình tượng trăng trong các tác phẩm văn học trong nhà trường đã cho thấy thấp
thoáng sự phát triển tư duy nghệ thuật của nền văn học nước nhà. Từ chỗ xem
trăng như một hình tượng nghệ thuật có tính lưỡng trị (vừa là một hình tượng độc
lập và hoàn chỉnh để miêu tả khung cảnh thiên nhiên về đêm đồng thời cũng vừa
là để miêu tả thế giới nội tâm con người) trong văn học viết trung đại đến quan
niệm trăng như một hình tượng nghệ thuật có tính đơn trị (hoặc được chủ quan
hoá cao độ, tức được tác giả phổ vào đó những nét cảm xúc chủ quan của con người:
có thể thấy qua trăng trong thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử: nằm sóng soãi, tự ngẩn
ngơ, thẹn thò. . .) trong văn học hiện đại cũng như trong những dòng nhạc bất hủ,
để qua đó trở thành những biểu tượng được tác giả gởi gắm giãi bày những nỗi niềm
tâm tư khắc khoải về con người, cuộc đời, để nhớ và để quên, để suy tư và chiêm
nghiệm trong lẽ đời dâu bể, được mất, đa đoan... Xét đến cùng, lịch sử văn học
của một dân tộc chính là lịch sử văn hóa, tâm hồn của dân tộc ấy. Vì vậy, có thể
khẳng định rằng, qua hình tượng trăng trong thơ văn và âm nhạc, ta thấy được bước
tiến dài của văn hoá Việt, tâm hồn Việt từ “thần bản” của thuở nguyên sơ đến
“nhân bản” của ngày hôm nay.
Tháng 1/2017
Lê Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét