“Uống rượu với Tản Đà”
của Trần Huyền Trân
Cái hay của khúc ca “Uống rượu” với cụ Tản Đà của thi sĩ Trần
Huyền Trân, chính là sự biến ảo giữa hư và thực, giữa say và tỉnh, giữa tỉnh và
say. Lại thêm cái biến hoá hợp lý và tự nhiên của thể thơ lục bát truyền thống,
những tiểu đối và so sánh có xu hướng tạo thêm mỹ cảm: “Tôi là nắng, cụ là
sương/ Tôi bừng dậy sớm, cụ nương bóng chiều”…Quả đúng vậy! Sau cuộc rượu này,
chỉ đến năm sau, 1939 cụ Tản Đà đã theo hơi rượu vào mây, bỏ lại một cuộc chơi
còn dang dở.
“Uống rượu với Tản Đà”
Trần Huyền Trân
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
rồi lên ta uống với nhau
rót đau lòng ấy vào đau lòng này
Tôi say?
Thưa, trẻ chưa đầy
Cái đau nhân thế thì say nỗi gì?
Đường xa ư cụ?
Quản chi
Đi gần hạnh phúc là đi xa đường
Tôi là nắng - Cụ là sương
Tôi bừng dậy sớm, cụ nương bóng chiều
Gió mưa tóc cụ đã nhiều
Lòng còn gánh nặng bao nhiêu khối tình
Huống tôi mái tóc đương xanh
Vâng, tôi trăm thác ngàn ghềnh còn đi
Với đời một thoáng say mê
Còn hơn đi chán về chê suông đời
Rót đi, rót nữa đi thôi
Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Lời say sưa mới là câu chân tình…
Ngã Tư Sở, 1938
Bài viết của VŨ BÌNH LỤC
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) sinh thời ham chơi lắm.
Chính cụ cũng có lúc than thở: “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa
nhà thời không”! Cụ chơi khắp trong Nam ngoài Bắc, “Tài cao phận thấp chí khí uất/ Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Chơi chán dưới trần gian, rồi cụ lại được gọi
lên “Hầu Trời” chơi với Trời. Chán rồi, cụ lại “theo đường không khí” trở lại
trần gian mà chơi với Văn, “Chơi văn ngâm chán lại chơi trăng”…Có một kẻ hậu
sinh không nỡ để cụ buồn, không nỡ để cụ chơi một mình, liền cắp chiếu ôm be đến
chơi với cụ. Người ấy chính là thi sĩ trẻ Trần Huyền Trân, cũng là một tay
giang hồ cỡ nhỏ, nhưng tài thơ nức tiếng đương thời…
Trần Huyền Trân (1913-1989) tên thật là Trần Đình Kim, quê Hà
Nội. Nghe nói người thơ này thâm giao với Nguyễn Bính, với Thâm Tâm, nhưng thơ
họ thì có khác nhau, nhất là về giọng điệu. Nguyễn Bính thi sỹ của đồng quê,
chân quê. Thâm tâm gai góc, bạo liệt trữ tình. Còn Trần Huyền Trân dung dị trữ
tình một cách sắc sảo.
Lại nói về cái “vụ” Trần Huyền Trân cắp be lên chơi cùng cụ Tản
Đà, uống rượu với cụ Tản Đà, ở ngay Ngã Tư Sở vào năm 1938, rồi có thơ. Bài thơ
dài có tên “Với Tản Đà”, chỉ riêng nói về khúc đầu: Uống rượu!
“Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này”…
Cuộc rượu của đôi bạn vong niên chắc diễn ra vào mùa đông giá
lạnh, nên rượu ấy phải mang “hâm” lại cho nóng, rồi mới uống. Be thứ nhất sắp cạn
rồi, nên khách mới phải giục chủ nhà “Cụ hâm rượu nữa đi thôi/ Be này chừng sắp
cạn rồi còn đâu”! Rượu hâm xong thì “ Rồi lên ta uống với nhau” mà “Rót đau
lòng ấy vào đau lòng này”… Đó chính là mấy câu thơ vào loại tuyệt hảo, xuất thần
ở câu thứ tư. Ba câu đầu, hình dung thấy hai thi sỹ, một trẻ một già tương giao
tương ẩm, đang “thao tác” việc uống rượu, đã hơi chếnh choáng rồi. Rượu thật,
chắc là rượu ngon. Câu bốn thì rượu ngon đã chuyển hoá thành rượu ảo, được
chưng cất, được nâng cấp thành thứ rượu tâm can tuyệt diệu mà “Rót đau lòng ấy
vào đau lòng này”…
Phần tiếp theo, cũng vẫn chỉ là độc thoại của người thơ trẻ,
tự vấn, rồi tự trả lời. Hình dung như thấy gật gù một cái đầu, hai cái đầu, líu
nhíu một cái miệng: “Tôi say” ư? Hỏi vậy, rồi lại thưa rằng, còn trẻ người non
dạ như tôi, chưa nếm nhiều vị đời, trong bụng chưa ngấm chưa đầy cái đau nhân
thế “thì say nỗi gì”! Còn như “Đường xa ư cụ”? Lại hỏi, rồi thưa ngay rằng: Đâu
có quản chi! Và khẳng định một chân lý gì đó chả biết nhặt nhạnh ở đâu, như một
triết nhân thực thụ, về việc đời, về việc người ta hễ cứ “đi gần hạnh phúc là
đi xa đường”. Triết luận này nói gì vậy? Hạnh phúc riêng tư chăng? Gia đình yên
ấm, vợ đẹp con khôn, hẳn nhiên là mơ ước của mọi người. Thế thì sao đi gần nó
(Hạnh phúc) thì lại đi xa đường? Đường ấy là đường gì? Là con đường tranh đấu lớn
lao để giải phóng bản thân, giải phóng dân tộc đang gánh chịu xiềng gông đế quốc
chăng? Hay là, “phàm là” thi nhân viên mãn trong thơm phức chiếu chăn rồi, thì
còn đâu có chỗ cho thơ nữa? Là thế, nhưng cũng chưa hẳn là như thế? Chỉ biết rằng
cuộc say có mùi rượu trộn lẫn với mùi đời, mùi thế sự và thăng hoa bay bổng nhiệt
tâm, lung linh huyền ảo…
Rồi so sánh cân đong, về việc cụ thì già, tôi còn trẻ, “Tôi
là nắng, cụ là sương/ Tôi bừng dậy sớm, cụ nương bóng chiều”. Đời cụ đã nếm trải
quăng quật nhiều rồi, mây trắng đã rủ nhau về đậu trên mái tóc phong sương của
cụ, thế mà còn cứ khư khư ôm những “bao nhiêu khối tình”, bao nhiêu giấc mộng!
Khối tình Một, chưa đủ, lại Khối tình Hai. Giấc mộng con, chưa đã, lại giấc mộng
lớn…Chỉ rặt những thứ phù phiếm mà nặng như Thái Sơn, cụ chịu sao cho thấu? Còn
như với tôi tuổi trẻ, “mái tóc còn xanh”, còn hăng máu lắm đây, nên “Tôi trăm
thác ngàn ghềnh còn đi”!
Vẫn chưa lấy làm thoả mãn, thi nhân trẻ lại tiếp tục triết
lý, về sự ít sự nhiều, sự hơn sự thua: “Với đời một thoáng say mê/ Còn hơn đi
chán về chê suông đời”. Một thi sĩ tài tử đương thời, thuộc dòng thơ lãng mạn
cũng từng viết: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt
trăm năm”. Chính Thâm Tâm, một người bạn thơ chắc có ảnh hưởng ít nhiều đến Trần
Huyền Trân và ngược lại, cũng đã từng viết: “…Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ/ Chí nhớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại/ Ba năm mẹ
già cũng đừng mong”…Hóa ra, nhìn rộng ra một chút, mới thấy những lời Trần Huyền
Trân nói trong cuộc rượu, chẳng phải chỉ là những phát ngôn của rượu, mà chính
là tâm sự của một thế hệ thanh niên đương thời, trước vận mệnh và danh dự của
dân tộc, đang trăn trở, muốn bung phá, muốn làm một cái gì đó lớn lao. “Thi dĩ
ngôn chí”, điều ấy có thể thấy ở đây chăng?
Bốn câu cuối, nhịp điệu thơ dồn dập hơn, có vẻ như hơi men
càng ngấm, thi nhân càng say, lời buông ra càng tràn trề. Khách lại gấp gáp giục
giã chủ nhà: “Rót đi, rót mữa đi thôi/ Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu/ Nguồn
đau cứ rót cho nhau”, rồi khẳng định: “Lời say sưa mới là câu chân tình”!
Cái hay của khúc ca “Uống rượu” với cụ Tản Đà của thi sỹ Trần
Huyền Trân, chính là sự biến ảo giữa hư và thực, giữa say và tỉnh, giữa tỉnh và
say. Lại thêm cái biến hoá hợp lý và tự nhiên của thể thơ lục bát truyền thống,
những tiểu đối và so sánh có xu hướng tạo thêm mỹ cảm: “Tôi là nắng, cụ là
sương/ Tôi bừng dậy sớm, cụ nương bóng chiều”…Quả đúng vậy! Sau cuộc rượu này,
chỉ đến năm sau, 1939 cụ Tản Đà đã theo hơi rượu vào mây, bỏ lại một cuộc chơi
còn dang dở.
Xưa nay, thi nhân làm thơ về những cuộc say cũng nhiều, và
cũng muôn màu muôn vẻ. Đối ẩm, mà thành ra độc ẩm, thành công đến như Trần Huyền
Trân, quả thật, cũng không nhiều. Rót rượu mời nhau, rót tuổi cho nhau, rót đau
vào nhau, thốt ra những lời tâm huyết xót xa chân thành, mà không hề bi lụy. Ở
đây, nỗi đau đã ngập tràn, đã lớn thành “nguồn đau”, lại không chỉ là nỗi đau của
một con người cá thể, vụn vặt. Đó chính là một nỗi đau đời, thương đời, đang
manh nha chuyển hoá thành hành động, vì nghĩa lớn, cao cả. Và đó cũng chính là
giá trị tư tưởng của bài thơ này!
Trần Huyền Trân sinh ngày 13
tháng 9 năm 1913 tại Hà Nội.
Bút danh Trần Huyền Trân của ông có nguồn gốc như sau: Trong số những cô gái
làm việc cho quán hát cô đầu có một cô gái cũng mang họ Trần do có mang nên bị
đuổi việc. Thương cảm trước hoàn cảnh éo le của cô gái ông đã đứng ra cưu mang,
lo cho cô sinh nở và khi cô sinh con gái ông đã đặt tên là Trần Huyền Trân (ý
nói hai người họ Trần vì "Trân" thêm dấu huyền thành "Trần").
Sau đó ông dùng bút danh là Trần Huyền Trân [1].
Ông tham gia phong
trào Thơ mới. Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Việt
Minh, làm việc ở đoàn kịch Tháng Tám, lên Việt
Bắc chống Pháp. Sau 1954, Trần Huyền Trân chuyển sang hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực
sân khấu. Cùng với một số người bạn như Lộng Chương, Lưu Quang Thuận, Hà Văn Cầu, Nguyễn Đình Hàm... các ông
đã bỏ tiền túi ra thành lập nhóm chèo Cổ Phong để có nơi bảo lưu những
giá trị nghệ thuật của dân tộc và đào tạo nghề cho các lớp diễn viên. Ông là
người đã dày công sưu tầm, chỉnh lý những tích chèo cổ, những trích đoạn đã trở
thành mẫu mực của nghệ thuật chèo (như Vân Dại, Quan Âm Thị Kính...). Ông
mất ngày 22 tháng 4 năm 1989 tại Hà Nội.
Trần Huyền Trân được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học
nghệ thuật năm 2007.
Hoài Thanh đã viết rằng: ông đọc Trần Huyền Trân và
"Đã tìm thấy ở đây cái thú của người đi đổi gió" [2].
Ông để lại nhiều bài thơ nổi tiếng: Mười năm, Độc hành ca, Uống rượu với Tản
Đà... và sau này là Mưa đêm lều vó,...
Vũ Bình Lục
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét