Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Xuân về trên đất Phật

Xuân về trên đất Phật
Năm Đinh Dậu đã qua, xuân Mậu Tuất sắp tới và mùa lễ hội cũng đang đến gần. Chào đón Năm Du lịch quốc gia 2018 nên dường như tiết trời Uông Bí xuân này như khác hẳn mọi xuân qua.
Trời hơi se lạnh, mưa bay lất phất rất hợp cho trai thanh, gái lịch khoe những bộ áo quần đủ màu, đủ sắc. Dường như ai ai cũng tươi hơn, cũng trẻ hơn so với ngày thường. Dọc các tuyến đường vào Danh sơn Yên Tử, từng đoàn xe cứ nối đuôi nhau không dứt. Công ty TNHH Phúc Xuyên đã tăng thêm đầu xe mà vẫn không sao đáp ứng được. Nhìn những chiếc ô tô cắm cờ vuông tam sắc mang biển số Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An… lũ lượt kéo về Yên Tử, ta mới thấy sức xuân nơi đây đang tràn trề, khởi sắc.
Đường về cõi thiền. (Ảnh: Ngọc Anh)
Nếu như năm 2017, Yên Tử "được mùa" lễ hội, đón hơn 2 triệu lượt du khách tới thăm thì năm 2018 này, ta có cơ sở tin rằng khách về Yên Tử sẽ không dưới 3 triệu lượt. Bởi lẽ, danh thắng Yên Tử năm nay không chỉ thay đổi về diện mạo, về lưu thông mà còn thay đổi cả về quy mô, cảnh quan, tổ chức và phương pháp quản lý. Con đường từ Dốc Đỏ vào sân chùa Giải Oan đã được mở mang, nâng cấp cho hai làn xe ra, vào thoải mái không còn cảnh chen chúc, ách tắc như trước đây.
Vào chùa Trình, du khách rất đỗi ngạc nhiên bởi giờ đây chùa đã khác xưa: Khang trang, sạch đẹp và tôn nghiêm. Ngay sát Quốc lộ 18 là chiếc cổng ngũ quan vừa bề thế, vừa uy nghi như đang chào mời du khách thập phương vào làm lễ.
Lễ tạ chùa Trình xong, các đoàn xe lại đưa du khách hành hương vào đất Phật. Giữa điệp trùng màu xanh của núi rừng, con đường như một dải lụa dài uốn lượn theo các sườn đồi nối liền thành phố Uông Bí với Danh sơn Yên Tử. Dọc tuyến đường là những căn nhà sàn, những căn nhà mái bằng kiểu mới của bà con người Dao, người Sán Dìu, người Kinh đan xen nhau, tạo nên sự hài hòa giữa cũ và mới, giữa thô sơ và hiện đại. Thi thoảng, ta lại bắt gặp những vườn mơ, vườn đào nằm rải rác trong các thung, trên các sườn đồi, xung quanh các nhà dân. Màu hoa trắng của mơ, màu hoa đỏ của đào dệt thành các mảng màu trắng, xanh, đỏ đậm đặc sắc xuân.
Yên Tử mùa xuân này có rất nhiều niềm vui, mà niềm vui lớn nhất là được đón tiếp các vị đại biểu đại diện cho Đảng, Nhà nước, chính quyền các địa phương và các tăng ni, Phật tử từ khắp mọi miền đất nước về dự đại lễ tưởng niệm 708 năm ngày đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn và dự khai mạc lễ hội Yên Tử. Đây là dịp để nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao, bày tỏ sự tri ân, trân trọng tài đức của Ngài cũng như của các bậc tiền nhân khác đối với đất nước, đối với dân tộc; thể hiện sự quyết tâm bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam.
Cổng thiền viện, sân chùa Giải Oan, đường vào ga cáp treo..., nơi nào cũng được trang hoàng lộng lẫy. Nào cờ, biểu ngữ, nào pa nô ảnh treo san sát. Những chùm đèn nhấp nháy được bố trí khéo léo trên các lùm cây như những sao hoa đủ sắc màu. Người về Yên Tử ngày một đông. Mặc dù đã có hai tuyến cáp treo đưa du khách lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng, vậy mà tuyến đường dốc hàng tùng vẫn rất đông người hành hương.
Phật tử và du khách lên chùa Đồng. (Ảnh: Ngọc Huấn)
Mùa xuân đến, mùa hoa cũng đến. Đâu chỉ có Đà Lạt mới là thành phố của hoa mà ngay ở cõi thiêng này, hoa cũng rất đa dạng, đủ sắc màu. Không hiểu do chất đất hay do khí hậu nơi đây mà giống bích đào lại đậm hương, đậm sắc đến thế. Nhiều cây đào đã trở thành cổ thụ, bao năm nay tự phân thân làm đẹp cho đời. Ở Yên Tử còn có nhiều loại hoa rừng, mỗi loại hoa mang một sắc màu riêng, mang một hình thái riêng. Ngay trước cửa chùa Hoa Yên có một cây đại đã 708 tuổi. Thân cây gai góc, tán xum xuê. Có một nhà thơ đã từng viết:
“Cây đại cổ 708 năm tuổi
Tán vươn dài sừng sững giữa Yên Sơn
Thân trần trụi bạc màu nắng gió
Rễ bám sâu giữ chặt cội nguồn…”
Đúng là như vậy! Chỉ nhìn cây, xem tán, kiểm định thân, lá, khoa học ngày nay có thể biết được tương đối chính xác về tuổi của cây, song về người trồng thì vẫn còn vô định. Phải chăng, chính đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông trong thời gian tu luyện tại đây đã trồng cây đó? Mọi suy đoán vẫn chỉ là suy đoán. Có điều, ta vẫn phải thừa nhận rằng, cây đại đã tồn tại song hành cùng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Còn về hoa, hoa đại có một mùi thơm rất lạ, vừa xa lại vừa gần, vừa đậm đặc lại vừa thoang thoảng, quyến rũ mọi người. Dường như các tăng ni, Phật tử đến Hoa Yên không ai là không lưu lại trong mình một chút hương vị ấy.
Một loài hoa nữa khiến du khách sững sờ - đó là Mai vàng Yên Tử. Người ta vẫn thường nghĩ hoa mai chỉ có ở xứ Nam, còn xứ Bắc, hoa đào mới là thương hiệu. Vậy mà ở Yên Tử lại tồn tại một loài hoa mai mang thương hiệu của riêng mình - hoa mai Yên Tử. Thân và thế đã được các nghệ nhân tạo dáng cũng chẳng khác cây mai xứ Nam, song màu hoa đậm sắc hơn, cánh hoa nhỏ hơn, nhiều lớp hơn. Âu cũng là loài hoa xứ lạnh.
Hình như một ngày ở nơi đất Phật cũng khác một ngày ở nơi khác. Mặt trời thức dậy sớm hơn và đi ngủ muộn hơn. Đêm thì tĩnh mịch, tịnh không có lấy một tiếng xe, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, tất cả chìm lắng vào màn đêm dày đặc. Vậy mà, chỉ mới tờ mờ sáng, tất cả các ngả đường đã rộn rã tiếng cười, tiếng nói. Dòng người chảy ngược lên đỉnh non thiêng lại bắt đầu chuyển động - chu kỳ ấy cứ diễn ra ròng rã suốt ba tháng lễ hội đầu xuân.
Rồi đây, ba bốn chục cái Tết nữa sẽ qua đi, không hiểu những người có mặt ở Tết này, được hưởng một mùa xuân ấm áp, đầy tình, đầy nghĩa trên đất Phật, có ai còn chống gậy bước vào Tết ấy? Có ai còn được ngồi lên chiếc ca bin cáp treo lao vun vút trên bầu trời Yên Tử? Khó thay! Nhưng không mất đi bao giờ, hồn người hôm nay sẽ gửi lại người sau, hệt như hồn người xưa gửi lại bây giờ vậy! Đó là quy luật, mà đã là quy luật thì khó ai cưỡng lại được.
Xuân về trên đất Phật không có gì khác ở mọi nơi. Cũng có hoa, có quả, có bánh chưng, bánh tét... Duy chỉ có điều ở đây người đông hơn, hàng quán nhiều hơn, đa dạng hơn. Những người đến đây ai cũng vui, hồ hởi, phấn khởi. Ai cũng muốn được tự mình thắp nén hương thơm cầu cho bản thân, cho gia đình một năm mới an khang, hạnh phúc.
Đến với đất Phật là đến với điều thiện, điều nhân, điều đức. Gột rửa những gì còn vẩn đục trong tâm để cho lòng thanh thản, thư thái bước vào năm mới. Chả thế mà hơn 700 năm về trước, đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đã chẳng chủ trương qua tín ngưỡng Phật giáo để nuôi tâm đạo đức, dạy trí làm người, bồi đắp tính độc lập, tự cường. Phát huy sự thuận hòa trong nhân tâm trăm họ, tạo ra sự hòa hợp quốc gia, hòa hợp vua tôi, hòa hợp cha con, hòa hợp vợ chồng, gia đình, tạo cội rễ cho sức mạnh lâu bền của nước Việt. Đó cũng là cái hồn, cái cốt của đất Phật, của những người có tâm hướng về cõi Phật. Rồi cũng chỉ có mùa xuân, mùa lễ hội, họ mới có dịp được hành hương về với cội nguồn. Nhìn cảnh vật, con người đang tràn trề hạnh phúc hôm nay, ta mới thực sự cảm nhận được là mùa xuân đang về trên đất Phật.
 Vũ Thế Hùng 
Theo http://baoquangninh.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...