Thứ Sáu, 19 tháng 1, 2018

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến

Mùa xuân mơ ước ấy đang đến
“Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên...”.
Chiều cuối năm, khi những lời hoan ca về ngày sum họp của nhạc sĩ Văn Cao vang lên, người ta lại thấy trong lòng trào lên những cảm xúc thật đặc biệt.
Cảm xúc của ngày thống nhất
Nhiều người đã tưởng số phận đánh gục Văn Cao, khiến tác giả Thiên thai, Buồn tàn thu, Tiến quân ca, Trường ca sông Lô... sẽ chấm dứt sự nghiệp âm nhạc của mình từ những năm 1950. Nhưng thật bất ngờ, những cảm xúc nhiều chiều trong ngày quê hương thống nhất đã tạo cho ông cảm hứng ngồi vào bàn viết Mùa xuân đầu tiên, ca khúc mà nhiều người cho là tuyệt phẩm cuối cùng của đại thụ làng nhạc Việt.
Nhà thơ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao, nhớ lại: Đó là một ngày giáp Tết năm 1976, trời đã sang tiết Xuân, trời nắng nhẹ và vẫn lạnh. Khi nhà thơ bước lên cầu thang ngôi nhà 108 phố Yết Kiêu (Hà Nội), ông bất ngờ khi nghe tiếng dương cầm vọng ra. Một điệu valse! Giai điệu của bản nhạc mượt mà, lấp lánh như những hạt nắng xao động trên vòm cây. Một giai điệu mà nhà thơ chưa nghe bao giờ. “Bố tôi ngồi bên đàn.
Đôi bàn tay khô gầy của ông lướt trên những phím ố vàng, loang lổ. Tiếng đàn ấm áp, ngọt ngào âm vang đầy ắp căn phòng. Tôi lặng lẽ vào nhà, ngồi xuống đivăng, lặng nhìn đôi vai gầy guộc của ông phủ xuống cây đàn. Mái tóc dài xõa phất phơ, theo tiếng dương cầm thánh thót. Những vệt sáng hắt qua ô cửa lấp lánh chuyển động trên đôi bàn tay. Tiếng nhạc nhẹ dần, chầm chậm tan vào không gian mênh mông. Đôi bàn tay gầy khẽ nâng lên khỏi bàn phím và bất động trong không trung. Lát sau, bố tôi lặng lẽ đứng dậy, nhẹ nhàng rời khỏi cây đàn, khuôn mặt ông bất động. Hình như tâm hồn ông vẫn còn bồng bềnh trôi theo những thanh âm của bản nhạc” - nhà thơ Văn Thao hồi tưởng.
“Hai bố con ngồi xuống và nhìn nhau. Tôi định nói một điều gì đó mà không được. Cổ họng cứ tắc nghẹn. Lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe bố đánh đàn một cách say sưa như thế. Giai điệu bài hát đẹp quá! Mãi lúc sau mới thốt được lên lời, tôi hỏi bố về bài hát mới của ông; và rằng ông lại sáng tác ca khúc? Ông bảo “Đúng thế!” - con trai của nhạc sĩ tài danh trở về với những hồi ức.
Sau khi bài hát Tiến về Hà Nội ra đời vào cuối năm 1949, nhạc sĩ Văn Cao bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Họp chi bộ, ông bị phê: “Văn Cao còn mang nặng tư tưởng tiểu tư sản, lạc quan tếu”. Từ đó, ông đã thề sẽ không sáng tác nữa. Tuy nhiên, theo tiết lộ của con trai cố nhạc sĩ, những năm tháng sau này, đôi lúc hứng khởi Văn Cao vẫn viết nhạc.
Ngày 30-4-1975, miền Nam giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, cả dân tộc reo vui. Trong ký ức của nhà thơ Văn Thao, bố ông lúc đó chỉ im lặng, đôi mắt ông sáng lên. Những ngày sau đó, căn gác nhỏ của Văn Cao không lúc nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy... Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc Mùa xuân đầu tiên vào đúng dịp Tết Bính Thìn (1976).
Yêu quê hương làm sao…!
“Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông. Một tia nắng vui cho bao tâm hồn. Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về. Người mẹ nhìn đàn con nay đã về. Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên. Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh. Niềm vui phút giây như đang long lanh… Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao, trong Xuân vui đầu tiên... Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người”.
Gần 20 năm trước, khi còn là một sinh viên báo chí, tôi đã mê mẩn Mùa xuân đầu tiên qua bản thu của ca sĩ Thanh Thúy trong album Buổi sáng có trong sự thật - cũng có thể coi là một cuốn phim đặc biệt về ông. Đó cũng là lần đầu tiên, không phải chỉ tôi mà rất nhiều khán giả được biết đến tuyệt phẩm cuối cùng của Văn Cao. Tiếng hát Thanh Thúy trong veo, ngọt ngào và tràn đầy sức sống, đúng như không khí mùa Xuân trong những ca từ tuyệt vời của Văn Cao.
Hai mươi năm qua đi, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh nhạc sĩ cười hạnh phúc đi chợ hoa trong không khí ngập tràn mùa Xuân. Bà Thúy Băng- phu nhân nhạc sĩ - đi sau, tay cầm ô che mưa bụi cho chồng. Hình ảnh rất đỗi thân thương ấy gây ấn tượng mạnh với những người yêu mến ông. Nói về những giây phút ấy, nhà thơ Văn Thao chia sẻ: “Ông cụ vui lắm, cảm động lắm!”.
Trong mắt người con trai, Văn Cao là một người cộng sản chân chính. Mơ ước và khát vọng của ông rõ ràng, cao đẹp, chính vì vậy mà bao khó khăn, gian khổ, bao thăng trầm đổ xuống cuộc đời vẫn không làm ông nao núng. Sau khi ra đời, Mùa xuân đầu tiên được in trên Báo Sài Gòn Giải Phóng số Xuân Bính Thìn. Thậm chí, theo nhà thơ Văn Thao, không hiểu bằng con đường nào mà năm 1976 ấy, Mùa xuân đầu tiên đã được in ở nước Nga và được nhà nước Liên Xô cũ trả tiền nhuận bút cho tác giả 100 rúp. Nhạc sĩ phải viết giấy ủy quyền cho Sứ quán Việt Nam tại Liên Xô để con gái ông đang học âm nhạc bên đó lĩnh hộ, đó cũng là những đồng nhuận bút đầu tiên của ông.
Nhưng rồi số phận của Mùa xuân đầu tiên cũng thật long đong khi vào thời điểm đó, hầu hết các bài hát đều được viết với âm hưởng hào hùng, hừng hực khí thế chiến thắng.
Mùa xuân đầu tiên không nằm trong mạch cảm hứng ấy. Văn Cao góp cho đời một điệu valse lắng đọng, thiết tha, sâu sắc và xúc động lòng người; càng nghe, càng thấy có gì đó như nghẹn ngào, cảm động, cảm giác như những giọt nước mắt đang lăn ra trong niềm vui sướng, hạnh phúc sau bao năm chia cách, của cả những nỗi đau mất mát, chia ly.
Nhà thơ Thanh Thảo từng viết về Mùa xuân đầu tiên: “Cả một dòng sông vui nhưng không trào cuộn ồn ào mà như lắng lại, nghe kỹ thấy những lượn sóng đang run run, những lượn sóng như nhắn nhủ cái gì, báo trước điều gì”.
Và vì thế, phải đến những năm 1990, Mùa xuân đầu tiên mới được biểu diễn song chưa được đón nhận rộng rãi. Cho đến khi Hãng phim Trẻ làm phim về ông, Mùa xuân đầu tiên qua sự thể hiện của ca sĩ Thanh Thúy mới thật sự được nhiều người biết đến và tuyệt phẩm cuối cùng của Văn Cao mới được các đài truyền hình dàn dựng, phát sóng.
HOÀNG LAN ANH
Theo http://nld.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...