Tiếng thu - Một cách nhìn
Tiếng thu không phải là một bài thơ tả mùa thu
Tiếng thu là một bài thơ lạ. Cái lạ không phải ở chất liệu,
mà chính là cách tổ chức chất liệu hay cách ứng xử với chất liệu của nhà thơ.
Từ ngàn năm nay, từ khi bắt đầu có ý thức về thời gian, bắt đầu
cảm nhận được nhịp điệu của vũ trụ qua bước đi của bốn mùa - thì con người cũng
đã bắt đầu biết nghe “tiếng thu” từ trăng, từ rừng, từ nai vàng, từ lá khô… So
với những biến thiên vô thường của xã hội loài người, thiên nhiên dường như thuộc
về cái vĩnh hằng. Và vì lẽ ấy, “tiếng thu” thân quen ngàn năm kia đã ùa vào đời
sống văn chương, đã tự ước lệ hoá mình thành những chất liệu bất biến. Ở thời đại
và thời điểm của Lưu Trọng Lư, người ta đã viết rất nhiều và rất hay về mùa
thu. Tiếng thu của Lưu Trọng Lư sẽ phải là một
bản nhạc hoàn toàn mới nếu không muốn bị hòa tan vào trăm ngàn bản “thu ca”
xưa.
Nhưng hãy xem thi sĩ làm gì? Trên một cơ số ít ỏi, dồn đọng
(chứ không miên man “nhiều lời” như nhiều bài thơ lãng mạn khác), Lưu Trọng Lư
lại dùng lại chính những chất liệu không có gì mới mẻ ấy: nai vàng, trăng
mờ, lá khô… Những chất liệu của mùa thu cổ điển trong văn chương, chính vì thế
cũng gợi nhắc những bài thơ viết về mùa thu trong quá khứ. Quá khứ đã họa nên
những kiệt tác mà người vẽ lại chúng rất dễ bị xem như “một kẻ chép tranh tầm
thường”. Umberto Eco trong cuốn tiểu luận Đi tìm sự thật biết cười, đã
kể một câu chuyện rất thú vị ít nhiều liên quan đến điều này: “Tôi nghĩ về
thái độ hậu hiện đại như về câu chuyện của ai đó yêu một người đàn bà, rất có học
thức và biết rằng không thể nói với cô ta: “Anh yêu em đến thẫn thờ” bởi vì
chàng biết là nàng biết (và nàng biết là chàng biết) rằng câu này Liala đã từng
viết rồi. Tuy nhiên có một cách giải quyết, chàng có thể nói: “như thể Liala
nói, anh yêu em một cách tuyệt vọng”… (tr. 274, 275).
Quả vậy, viết về mùa thu, thi nhân đồng thời đứng trước hai
thách thức của quá khứ: một của mùa thu thiên nhiên, đã quen thuộc trong cảm thức
vĩnh hằng, và một của những kiệt tác văn chương về mùa thu đã in sâu trong kí ức
nhân loại. Phải viết làm sao để không thành một kẻ chép tranh mà là một nghệ sĩ
sáng tạo, không ngây thơ giả dối mà vẫn nói lên được niềm xúc cảm tươi nguyên mới
lạ trước một thế giới không - còn - mới - nữa.
Vậy nhà thơ đã chấp nhận và vượt qua những thách thức ấy như
thế nào để có một tiếng thu của riêng mình?
Cũng như cách giải quyết dí dỏm mà Eco đề xuất, Lưu Trọng Lư
đặt hệ chất liệu quen thuộc kia lên bề mặt của kết cấu chất vấn.
Em không nghe… trăng mờ…?
Em không nghe… chinh phu… cô phụ?
Em không nghe… rừng thu… lá thu… nai vàng?
Dù không hẳn những câu hỏi trên là những câu hỏi đơn thuần đi
tìm câu trả lời, nhưng rõ ràng kết cấu chất vấn kia đã mang đến cho chất liệu một
tư thế mới. Nhà thơ không “tả” lại mùa thu mà ông đặt cả thế giới thu đó ở vị
trí của một đối tượng có thể được cảm nhận bởi giác quan của con người.
“… không nghe… không nghe… không nghe…?”
Bài thơ đang đánh thức và báo hiệu một góc nhìn khác, một sự
“hỏi lại” cái thế giới tưởng chừng đã được “khắc tranh tạc tượng” trong văn
chương và trong cả tiềm thức con người. Vấn đề ở đây không hẳn ở sắc thái
“trách cứ” em “không nghe”, không đồng cảm mà chính là muốn “em”, muốn con người
nói chung hãy có cái nhìn mới mẻ, tinh khôi trước cuộc sống đang cũ đi, hãy
nghe cái thế giới quen thuộc kia bằng cả tâm hồn thuần khiết…
Bài thơ hay ở chỗ vừa chấp nhận thách thức của quá khứ, vừa
sáng tạo nên cái nhìn riêng về quá khứ; vừa là chính mình vừa là một cái gì
khác đang nhìn lại mình, lắng nghe cái cổ điển bằng một tâm hồn hiện đại…
Đứng từ góc độ này để soi sáng kiến trúc bài thơ, chúng ta mới
có thể nhận ra được vẻ đẹp độc đáo của nó.
Trước hết bài thơ gồm ba đoản khúc thu tựa như ba lớp sóng nhẹ
của một mặt hồ êm lặng (với ¾ thanh bằng) mà lớp sau lan toả mạnh hơn lớp trước,
chiếm chỗ trên không gian mặt giấy nhiều hơn lớp trước. Song những đổi
thay đó không đột ngột và không chói gắt: sự ổn định về số chữ trong câu (ngũ
ngôn) và sự tăng tiến tuần tự của số câu trong mỗi khổ thơ (2-3-4) đã giữ cho
bài thơ một dáng vóc cân đối hài hoà.
Tuy nhiên, khi số câu ở mỗi khổ tăng lên thì khoảng trắng giữa
các dòng thơ cũng tăng theo là liên kết ngữ pháp giữa các câu thơ cũng thay đổi.
(bảng 1)
Như vậy, mức độ của sự phân vân, của niềm bâng khuâng, của sự
không thấu hiểu… cũng ngày càng gia tăng theo dòng chảy cảm xúc. Khoảng trống
nhiều hơn không phải ở phía “Mùa thu” - phía đối tượng được thụ cảm, mà chính ở
phía “Em” - phía chủ thể đón nhận và tri âm.
Ở một góc độ nào đó, Tiếng thu là tiếng gọi tri âm
của một tâm hồn, một thế giới bên trong đẹp đẽ, trong trẻo, thánh thiện, cổ
kính. Nhịp điệu thơ chậm dần, chất liệu thơ “nở ra”, “giãn ra”, bớt đậm đặc đi,
mang ý niệm của sự liền mạch, sự lây lan… hơn là sự khắc tạc và in dấu. Dường
như cái thần của bài thơ không nằm trong từng câu chữ cụ thể mà vượt lên như một
tổng thể mờ ảo, bảng lảng, khi xa khi gần, khi nồng khi đạm - của một bức tranh
thuỷ mặc Trung Hoa hoặc một bức hoạ ấn tượng của Pháp.
Trục lựa chọn và cuộc đối thoại dưới mạch ngầm văn bản
Trên cơ sở những trùng điệp về ngữ pháp và ngôn từ, chúng ta
có thể khám phá thêm nhiều ý nghĩa từ liên kết dọc của bài thơ: (bảng 2). Rõ ràng trên trục dọc của bài thơ này có một “đối thoại ngầm”
– không đơn giản là đại từ nhân xưng “em”, là những câu hỏi nối nhau liên tiếp,
và giọng chất vất “không nghe”, “không nghe”… - mà chính là ở kết cấu vừa
song hành vừa đối lập của nó. Đó là sự đối thoại giữa Tĩnh và Động, giữa giác
quan có giới hạn và thế giới tự nhiên vô cùng, giữa cái bất biến vĩnh hằng của
mùa thu nhận loại và những cảm giác mãi mãi tươi mới của con người về nó. Hay
nói cách khác đó chính là cuộc đối thoại giữa Cổ điển và Hiện đại, phương Đông
và phương Tây, giữa thế giới “đã được nói đến” và thế giới “đang được tìm hiểu”…
Đúng như nhận xét của GS. Đỗ Đức Hiểu trong bài viết về Tiếng
thu: “Thơ Lưu Trọng Lư hầu như chỉ là những bản nhạc thuần tuý, những bản
nhạc mờ ảo trên nền những bức tranh cũng mở ảo (…) rung động và bí ẩn như một
huyền thoại” (T.137, 183 – Thi pháp hiện đại – NXB Hội nhà văn,
2000). “Tranh thơ” ở bài Tiếng thu này có màu sắc bình đạm, thanh khiết,
nguyên khôi. Còn “nhạc thơ của nó thì mơ hồ, dịu nhẹ và da diết. Thông qua kết
cấu trùng điệp – song hành, chủ âm của bài thơ là nhịp điệu say mê dịu dàng và
chất chứa nhiều xao động thầm kín. Tất cả như những lớp sóng trùng lên nhau,
dào dạt xô đẩy, lây lan, kéo nhau đi với sức hút không thể cưỡng lại. Đó là một
hệ thống không hệ thống, thật hài hoà song cũng đầy ngẫu hứng và xúc cảm. Đó là
một thế giới “tự đầy đủ” – nơi các yếu tố của nó tự vang âm, đồng vọng và ảnh xạ
vào trong nhau… để sống thêm một sự sống khác ngoài nó, để cùng “đợi chờ, thúc
giục, song đôi” (Chế Lan Viên)..
- Mùa thu (dưới) trăng mờ
- Chinh phu (rạo rực trong lòng) cô phụ
- Nai vàng (đạp lên) lá vàng khô
Bằng một loạt các từ láy biểu hiện cái xao động, cái đang diễn
ra (thổn thức, rạo rực, xào xạc, ngơ ngác…) và những cặp đôi hình ảnh sống động,
nhà thơ đã “đánh thức” cả một thế giới sự vật và chất liệu cũ xưa, quen nhàm.
Bức tranh thu bị nhoà hết đường viền, chỉ còn lại những “điểm
nhấn không gian” của những thanh trắc, của những từ láy cắm chốt trên dòng thơ…
như những xao động thoáng rung lên của một thế giới tưởng đã tắt lặng, im lìm
và say ngủ.
Đi từ cái trừu tượng vô hình đến cái hữu hình cụ thể - nhà
thơ vẫn hướng mạnh về sự sống và cuộc sống sinh động hơn là những khái niệm,
triết lý suy tư. “Tiếng thu” là sự tổng hòa giao cảm của đất và trời, cảm giác
và âm thanh, con người và tạo vật, vĩ mô và vi mô… Đó là một bức tranh nhiều lớp,
càng bóc tách càng thú vị vì tính không rõ ràng, vì vẻ đẹp huyền ảo, bí ẩn và
say đắm của nó.
Dù mang trong hình thức cô đọng của mình cả ký ức của mùa thu
của nhân loại, của văn chương cổ điển phương Đông, Tiếng thu cũng đồng
thời là những băn khoăn, những bối rối, những khoảng trống chưa được thấu hiểu
của thời đại và một cá nhân trong thời đại ấy.
Đó là một bài thơ “lãng mạn” điển hình song cũng lấp lánh những
dấu hiệu của một dòng thơ tượng trưng hiện đại sau này.
Nguồn: T/c Ngôn ngữ - Đời sống,
số 10/2005
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét