Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Về nơi phố núi

Về nơi phố núi
Tháng 5, tôi lại có một chuyến đi xa khỏi thành phố. Đây là chuyến đi lần thứ 10 chỉ trong vòng chưa đến 6 tháng đầu năm, có vẻ hơi khác thường vì tôi không phải người quá rảnh để đi chơi. Tôi nói với các bạn: Cung Thiên di của mình năm nay "động"! Do bạn bè, người thân về thăm nhà khá nhiều.
Tìm qua trang web của du lịch Saigon Tourist, chấm vài điểm: Tây Nguyên huyền thoại: Komtum- Ban Mê- Pleiku, hoặc vịnh Vĩnh Hy, Phan Rang. Sáng ra Cafe Sinh hỏi về tour, ở đây không có tour đi Tây Nguyên mà chỉ là những tour đến những điểm tôi đã đi ở miền Tây và Trung phần. Một anh chàng cận thị ngồi ở quầy tiếp khách tư vấn: Cô đi Phú Quốc đi, đẹp lắm!. Tôi nói: Rồi em à. - Hay là Mekong Delta, Mỹ Tho, Rạch Giá? - Rồi! - Hay là đi Mũi Né đi cô - Trời, cô đi hoài em ơi, mới đi hôm đầu năm nữa rồi! - Thế thì đi Nha Trang? - Cũng vừa mới đi! - Hay ra Huế, Hội An vậy cô! - Cũng rồi luôn! Có chỗ nào khác những địa điểm đó không em? Thất vọng, anh chàng không nói nữa. Tôi đến quầy rút vài tờ chương trình rồi ngồi xuống ghế xem. Thấy không có gì lạ, chúng tôi đến Vietravel. Ồ rất nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho mùa hè, nhưng tuần này các tour đều kín chỗ. Cô nhân viên du lịch đề nghị chúng tôi chuyển sang tuần sau nhưng lúc đó bạn tôi sẽ phải rời Việt Nam rồi.
Thực sự gần đây tôi đã đi về những thành phố biển nhiều quá, từ Phan Thiết, Phú Quốc, Rạch Giá, đến Nha Trang, Quy Nhơn, trong lòng đang mong muốn lần này sẽ đi lên "phố núi cao phố núi đầy sương" (*). Và Pleiku, Ban Mê là hai nơi tôi đang rất muốn đi. Những ngày này trời lại mưa nhiều, tour Tây Nguyên cũng phải chờ đủ khách mới khởi hành. Lại bàn bạc tính toán tiếp, cuối cùng tôi nói: Thôi, chỉ còn cách tự đi, không đi quá xa vì ai cũng không có thì giờ. Thì chỉ cần mua vé xe lên Đà Lạt, tự thuê phòng, đăng ký city tour trên ấy, muốn ăn gì thì ăn, muốn đi đâu thì đi không bị gò bó theo chương trình định sẵn.
Cũng hơn ba năm rồi tôi không có dịp trở lại Đà Lạt. Những năm trước 1975, lúc còn ở Quy Nhơn, mùa hè nào ba má cũng cho hai chị em tôi đi Đà Lạt nghỉ hè. Về sau vì nhiều điểm đi quá, Đà Lạt đã trở thành quen thuộc nên thỉnh thoảng có dịp thì tôi mới đi. Vào những ngày mùa hè nóng nực ở Sài gòn, tôi hay nhớ về Đà Lạt, nơi thường được gọi với những cụm từ rất kêu như "thành phố mù sương", "thành phố ngàn thông", "thành phố ngàn hoa", "thành phố tình yêu" v.v... vì đặc điểm của vùng đồi núi này là rừng thông, thác, hồ và hoa cùng nhiều điểm tham quan nổi tiếng như Thung lũng Tình Yêu, Hồ Than Thở, Đồi thông hai mộ, Đỉnh Langbiang v.v... từ lâu đã gắn liền với những huyền thoại tình yêu đẹp đẽ.
Từ Sài gòn đi Đà Lạt bằng xe mất khoảng 8 tiếng đồng hồ. Tôi thường thích đi xe vì được ngắm cảnh bên đường, được đi qua nhiều tỉnh thành. Từ ngã ba Vũng Tàu, xe đi qua hết ranh giới Đồng Nai là đến địa phận tỉnh Lâm Đồng. Xe dừng cho hành khách ăn trưa và nghỉ ngơi tại Madaguoil - thị trấn Dambri, cách Sài gòn 152 km và Đà Lạt 148 km, vậy là đã đi được nửa đoạn đường. Nơi đây ngày xưa là một vùng đất hoang vu chỉ có người Thượng - dân tộc Mạ sinh sống, có rất ít người Kinh. Sau 1975 trở thành vùng kinh tế mới, và bây giờ là một thị trấn nhộn nhịp. Không khí bắt đầu dịu đi khi xe lên đèo Bảo Lộc. Xa xa đã thấy thấp thoáng những cánh rừng thông khi xe đi qua Bảo Lộc, Di Linh.
Madaguoil- Thị trấn Dambri
Một rặng núi có hình thù lạ trên đường đi. 
Phía trái có dòng suối nhỏ.
Ngang qua Bảo Lộc trên đường quốc lộ 20
Những vườn trà Bảo Lộc
Trên xe mọi người ngủ gà ngủ gật, còn tôi cứ căng mắt mà tìm những bụi quỳ vàng bên đường. Không thấy nhiều như tôi tưởng. Nhớ thời trung học có lần đọc được vài đặc san một số trường trung học ở  Đà Lạt, có nhắc đến hoa dã quỳ vùng Tây nguyên, đến mùa hoa nở vàng rực cả triền đồi và thảo nguyên. Tôi đã quên rằng ở Việt Nam, hoa quỳ chỉ nở vào mùa đông, báo hiệu cho mùa khô sắp đến. Hoa dã quỳ nhỏ, còn có tên gọi cúc quỳ, sơn quỳ, hướng dương dại v.v.. thuộc họ cúc (Asteraceae). Ngày xưa, người Pháp đã trồng loại hoa này nhiều ở các đồn điền Lâm Đồng, dùng làm phân xanh cho các vườn cà phê, cao su. Vì dễ trồng, về sau hoa đã phát tán mọc khắp nơi trên các vùng rừng núi Tây nguyên.
Đi qua Liên Nghĩa, Đức Trọng. Nhớ ngày xưa khi mỗi lần đi máy bay từ Quy Nhơn đến phi trường Liên Khương - dì tôi thường gọi là Liên Khàng, do từ dân tộc miền núi gọi tên dòng thác Liên Khàng cách phi trường chừng 1 km. Liên là thác, Khàng là ong vò vẽ hay kiến vàng. Cái tên này không bắt nguồn từ một huyền thoại tình yêu mà là từ một truyền thuyết từ xa xưa, rằng có lũ giặc kiến vàng đã ào ạt kéo đến vùng này cư ngụ, ăn hết thức ăn của con người. Cuối cùng các thần Sấm Sét, thần Lửa phải ra tay cứu giúp cho nước lũ từ Đa Nhim về cuốn trôi hết lũ kiến.
Khó mà quên cái cảm giác khi mỗi lần đặt chân xuống phi trường Liên Khương. Từ mùa hè nóng nực của phố biển, thoắt sau 1 tiếng đồng hồ bước sang khí trời dịu mát, lành lạnh, thật là dễ chịu. Cả hình ảnh bầu trời xám, bóng mây lãng đãng vờn trôi trên đỉnh núi, những bãi cỏ xanh, rừng thông reo vi vu đã theo tôi mãi trong tiềm thức. Rồi trên đường về Đà lạt những vườn rau, bắp xanh mướt mắt. Đặc biệt trái bắp Tùng Nghĩa, luộc hay nướng đều ngon, ăn từ ngày xưa nay vẫn còn nhớ mùi vị đến nỗi cứ nhắc đến Liên Khương tôi lại nhớ đến trái bắp!.
Trên đường đèo Đà Lạt
Tôi vẫn không ngủ để ngồi ngắm cảnh đèo. Một bên là núi đá, một bên là vực sâu thăm thẳm. Xa xa dưới thung lũng nhấp nhô vài căn nhà nhỏ. Khói lam chiều từ bếp nhà ai tỏa lên quyện trong màn sương lạnh dưới chân núi. Vài cánh chim rừng vội vã bay về tổ, xuyên qua cánh rừng thông dày đặc trùng trùng. Dường như bao giờ tôi cũng cảm thấy vừa thích vừa sợ mỗi lần xe đi qua đèo. Ngày xưa đường đi qua nhiều ngọn đèo cheo leo, mỗi lần qua đèo tài xế phải chạy thật chậm, nhưng nhiều tai nạn thảm khốc đã xảy ra trên nhiều quãng đường đèo, nơi đã có những ngôi miếu nhỏ bên đường mà hương khói luôn nghi ngút. Ngày nay đường đi tốt hơn rất nhiều, tạo cảm giác yên tâm hơn khi qua đèo Bảo Lộc, đèo Prenn.
Đến Đà Lạt vào lúc gần 6 g chiều. Trời dần tối và có mưa phùn nho nhỏ. Chúng tôi chọn khách sạn ngay trung tâm khu Hòa Bình. Ăn cơm tối xong, chúng tôi đi dạo chợ đêm. Cái thú đi dạo đêm ở Đà Lạt là ngắm chợ trái cây, những gian hàng bánh mứt, quả khô, đồ len ..., rồi ghé vào một quán cà phê ấm áp nào đó nhìn thành phố về đêm. Mưa bắt đầu nặng hạt. Tôi vội vã chạy vào trú dưới tấm bạt che một gian hàng áo len. Bạn tôi đang thẩn thơ bên gian hàng hoa và cây cảnh. Tôi nhớ ngày xưa đối với tôi chợ rất lớn và đẹp. Lịch sử chợ có từ năm 1929 tại khu Hòa Bình bây giờ, dựng bằng cây, mái tôn nên còn được gọi là chợ Cây. Đến năm 1958 được xây dựng tại khu chợ hiện nay, là ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt nam. Cho đến bây giờ, trung tâm Đà Lạt vẫn là ngôi chợ này. Mọi sinh hoạt xoay quanh cái chợ, lúc nào cũng tấp nập kẻ mua người bán. Tôi rất thích nhìn những gian hàng hoa, trái cây và rau quả. Hoa Đà Lạt thật đẹp vì luôn tươi thắm, sau khi cắt ra khỏi cành vẫn còn giữ được vẻ tươi tắn nhờ khí hậu, nào hoa hồng, glaieuil, cúc, lan rừng nhiều loại. Màu xanh đỏ tươi non của những quả su hào, bắp cải, cà rốt, quả bơ, dâu, hồng, đào... nhìn luôn mát mắt, hấp dẫn.
Chợ đêm Đà Lạt

Hoa tươi Hasfarm bán ở chợ Đà Lạt
Gian hàng áo len Đà Lạt
Có nhiều trái cây từ miền Tây & Đông Nam bộ
Khu Hòa Bình đêm mưa
Ngày ấy mỗi lần đi Đà Lạt, ở suốt mùa hè, thỉnh thoảng chúng tôi cùng chị họ đi Trại Hầm thăm các dì. Ở đó các dì có một vườn mận dưới thung lũng phía sau nhà. Là dân làm vườn, lúc nào họ cũng tất bật vất vả, vậy mà mỗi lần chúng tôi đến, các dì thường đổ bánh xèo cho ăn. Trời lạnh, ngồi bên bếp lửa hồng, ăn bánh xèo nóng ngon tuyệt vời, khó mà quên được. Thời gian còn lại hai chị em tôi không biết đi đâu chỉ quẩn quanh đồi Cù, dạo bờ hồ Xuân Hương, chui vào Thủy Tạ, hay loanh quanh khu Hòa Bình và chợ. Chủ nhật nào khu Hòa Bình cũng đông nghẹt lính sĩ quan Võ Bị Đà Lạt và Chiến tranh Chính trị trong quân phục màu vàng. Tôi thì chỉ thích chúi mũi trong tiệm sách Xuân Thu, mê mẩn với loạt truyện tranh tiếng Pháp mà đến giờ vẫn nhớ: Martine à la ferme, Martine fait du théâtre ... Đi ăn thì có phở Tùng, một tiệm mì hoành thánh tôi không nhớ tên, có đã từ lâu. Lúc đó chúng tôi ở nhờ nhà một bà dì đường Hồ Tùng Mậu, gần khách sạn Palace.
Hai bà chị họ của tôi được sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, da dẻ trắng trẻo mịn màng, hai má lúc nào cũng ửng hồng. Chị lớn đã có chồng, có 2 đứa con xinh như thiên thần mà hai ông bà lúc nào cũng như đôi tình nhân chưa cưới. Chị có nét đẹp thanh tú, ra ngoài thường khoác áo măng tô. Anh là con nhà giàu, dân trường Tây, ra trường làm lính kiểng, để lấy được chị anh phải siêng đi nhà thờ vì nhà chị có đạo. Sau đó thì "Cúi đầu lạy Chúa ba ngôi, Tôi lấy được vợ tôi ... thôi nhà thờ!" Chúng tôi thường trêu anh như vậy. Ngày ấy, họ thường sánh vai nhau đi bên bờ hồ Xuân Hương, lên đồi Cù, đẹp đôi nổi tiếng Đà Lạt và tôi cũng ngưỡng mộ lắm, đã nhiều lần vẽ họ bằng bút chì. Khoảng năm 85, lúc tôi lên Đà Lạt trong lần công ty cho nhân viên đi nghỉ mát thì gặp anh đứng bán bong bóng bên ngoài chợ, lúc về nhà anh ngồi ăn dĩa cơm không với nĩa, anh còn đùa với tôi "Xem này, anh ăn cơm không với fourchette!", tôi đã rơi nước mắt. Bây giờ thì anh chị và các con đã sống ở Mỹ, nhưng cũng đã ly dị nhau. Ngày ấy đi chơi cùng anh chị nhiều quá, nên sau này cứ đi Đà Lạt là tôi nhớ đến họ. Một chuyện tình đẹp, có hậu vì lấy được nhau, có con cái, nhưng cái "hậu" sau đó thì không phải như truyện cổ tích để "sống bên nhau đến bạc đầu"... Tôi thường luôn cảm thấy tiếc cho đoạn kết buồn của nhiều chuyện tình đẹp một thời, dù biết là không phải bao giờ con người cũng "trước sau như một".
Thung lũng Trại Hầm
Sáng hôm sau chúng tôi chọn một chương trình city tour để đi chơi. Một loạt địa danh được giới thiệu. Vì có nơi đã đi nhiều lần như Thác Cam Ly, Pongour, Datanla, Gougah, Hồ Tuyền Lâm, chùa Linh Sơn, thiền viện Trúc Lâm, biệt thự Hằng Nga, biệt điện Bảo Đại v.v... Một số địa điểm như Thung lũng Tình Yêu, Hồ Than Thở, thác Prenn ... ngày nay không còn hấp dẫn bởi cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ như xưa vì có quá nhiều hàng quán, trò chơi phục vụ cho du lịch. Vì vậy lần này tôi chọn "tour Văn hóa", trong đó có đi tham quan các làng hoa Đà Lạt, thung lũng Vàng, nhà thờ Domaine de Marie, đỉnh Langbiang, xã Lát của  người dân tộc và bảo tàng Dân tộc. Trong đoàn nhiều người tỏ ý không thích đi thăm làng dân tộc. Tôi hỏi người hướng dẫn nếu tôi thích đi thì làm thế nào, anh ta nói: Bây giờ người dân tộc họ khác rồi. Con gái đi lấy chồng ngoại quốc, Việt kiều. Nhà cửa thì không còn nhà sàn, mà là nhà tôn, nhà lầu. Có vào đó cũng không thấy như ngày xưa. Cho nên nếu muốn, anh ta sẽ dẫn chúng tôi đi tham quan ... Bảo tàng dân tộc!.

Thác Pongour
Đất Lâm Đồng từ thời xưa đã là nơi cư trú của các dân tộc Chu Ru, Mạ và K'Ho. Người Mạ sống chủ yếu ở vùng trung và hạ lưu sông Đồng Nai như Di Linh, Cát Tiên ...; Chu Ru tập trung ở Đơn Dương - Lâm Đồng, một số ở Ninh Thuận; còn K'Ho ở vùng cao nguyên Lâm Viên, gồm các nhóm địa phương như Chill, Srê, Lạch, Nộp... Họ sống bằng nghề dệt vải và đan lát hàng mây tre lá. Đặc biệt 2 dân tộc K'Ho Chill và K'Ho Lát ngày xưa có phong tục cà răng ( nam ) căng tai ( nữ ). Một khi có ai căng tai đến đứt tai thì sẽ được bộ tộc thưởng cho người ấy một con trâu!

7 năm trước lúc đến Đà Lạt tôi được đi thăm làng Gà (K'Long), nay không thấy trong chương trình, chẳng biết làng Gà bây giờ ra sao rồi! Đó là một ngôi làng nhỏ của người K'Ho, nằm dưới chân núi Voi, thuộc xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Từ Đà Lạt xuống đèo Prenn xuôi theo quốc lộ khoảng 15 km. Ngay đầu làng có một tượng gà chín cựa bằng đá khổng lồ. Truyện kể có đôi trai gái K'Ho yêu nhau. Theo chế độ mẫu hệ của người K'Ho, người con gái đã đi tìm gà chín cựa để làm lễ vật cưới chồng. Không biết có phải do bên chồng thách cưới, hay vì tình yêu mà cô gái đã lặn lội đi tìm trong vô vọng, cuối cùng mất xác trong rừng sâu. Dân làng thương cảm mới cho dựng bức tượng con gà chín cựa để tưởng nhớ và răn dạy con cháu hãy bỏ những hủ tục hà khắc ngày xưa để đến với tình yêu.


Làng Gà và tượng gà chín cựa

Nhà sàn của người K'Ho ngày nay lợp mái bằng tôn
 Nhà sàn truyền thống của người Chu Ru
Nhà sàn dài của người Mạ
Nhà sàn truyền thống của người K'Ho
Hình ảnh nhà sàn dân tộc gắn liền với cuộc sống của họ, nhưng ngày nay đã thay đổi nhiều. Để so sánh giữa xưa và nay, tôi đành lấy hình ảnh đã chụp những căn nhà sàn truyền thống mô hình chưng bày trong Bảo tàng Lâm Đồng!

Có chút thất vọng vì tôi cứ tưởng sẽ được tham quan làng dân tộc, thấy được chút gì đó đặc sắc của bản làng. Trong chương trình lại còn có mục giao lưu cồng chiêng với người dân tộc bản địa, uống rượu cần Tây nguyên và tham gia các trò chơi dân gian. Nhưng nếu chỉ có mỗi mình tôi đi làng dân tộc thì tour cũng không tổ chức được. Dù sao tôi cũng chưa lên đến đỉnh Langbiang nên cuối cùng tôi vẫn chọn tour này.
Điểm đầu tiên chúng tôi được tham quan là làng hoa Vạn Thành, nổi tiếng với hoa hồng, là một trong số 6 làng hoa của Đà Lạt, do những hộ gia đình từ Hà Nam Ninh vào thành lập từ sau năm 1954, đến những năm 1960 họ chuyển từ trồng rau sang trồng hoa. Những làng hoa lâu đời như làng hoa Hà Đông, thành lập từ năm 1938. Làng hoa Thái Phiên, nổi tiếng với hoa cúc, cũng do người miền Bắc di cư vào Nam lập nên từ năm 1956; cùng các làng hoa Xuân Thọ và Định An. Trước những năm 90 những làng hoa này chuyên trồng các loại hồng, cúc, lan, cẩm chướng v.v... xuất khẩu địa lan, glaieuil, hoa lys trắng rất nhiều sang các nước thuộc Liên Xô và Đông Âu.
Đến năm 1994 xuất hiện làng hoa công nghiệp Hasfarm thì ngành trồng hoa phố núi thực sự bùng nổ với đủ loại hoa màu sắc chủng loại phong phú, có nhiều loại giống nhập từ các nước châu Âu như Pháp, Ý, Anh, Hà Lan, hay từ châu Á như Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản v.v.. nên Đà Lạt đã có thể cung cấp hoa cho cả nước và xuất khẩu rất mạnh.
Khác với nông dân trồng hoa theo mô hình nhà lưới, Hasfarm áp dụng phương pháp thắp đèn sưởi ấm cho hoa, có thể ra hoa đúng dịp Tết và giá thành rẻ hơn cách trồng truyền thống nhiều. Nhờ vậy các làng hoa ngày nay cũng áp dụng theo kỹ thuật trồng hoa hiện đại như công nghệ nhà kính, nhà lưới, tưới nước nhỏ giọt, nuôi cấy mô trong trồng hoa bằng cây giống v.v... Tôi còn nhớ ngày trước, mỗi lần đi Đà Lạt tôi rất thích những ngôi nhà có vườn cỏ xanh phía trước nở đầy hoa. Có cả các loại penseé, violette, marguerite và những bụi Forget-me-not dễ thương mọc dại bên đường. Vào vườn hoa Đà Lạt - tên cũ là vườn Bích Câu, thì thấy cả các loại hoa rừng miền nhiệt đới, đẹp nhất là địa lan - đặc biệt là lan hồ điệp, cho đến hoa phương Đông, phương Tây như hoa hồng, cẩm tú cầu, xác pháo, mimosa... Sau này, còn có thể nhìn thấy các loại hoa lấy giống từ Hà Lan như tulipe và nhiều loại hoa lạ khác trong các Festival Hoa của Đà Lạt, hay những chợ hoa ngày Tết ở Sài gòn.

Đường đến làng hoa Vạn Thành
Làng hoa Vạn Thành
Hoa đồng tiền ở Vạn Thành
Con đường xuống thung lũng làng hoa
Vườn hồng
Vườn hoa "sa lem" (Statice)
Chở hoa ra chợ từ làng hoa Vạn Thành
Làng hoa dưới thung lũng
Thật thú vị khi được bước vào những vườn hoa khoe sắc. Ở vườn hoa Vạn Thành, nơi chúng tôi ghé vào là khu vực trồng hoa đồng tiền, hoa hồng, cúc, hoa "salem". Có 2 loại hoa khô mà tôi rất thích là "salem" và sao tím. Riêng loại hoa này làm tôi thắc mắc, vì sao lại gọi là "salem"? Một người bạn cho tôi biết, có lẽ người ta đọc trại từ chữ Gazon d'Olympe. Nhưng loại hoa Gazon d'Olympe hay còn gọi là Gazon d'Espagne, Amérie maritime lại là một loại hoa khác. Trong tài liệu có nói loại hoa "salem" này mọc quanh năm ở Ecuador. Ở châu Âu thì chỉ nở vào mùa xuân và hạ. Trong tiếng Anh gọi là Statice, một loại hoa khô phổ biến, thuộc họ Plumbaginaceae, còn có tên Sinuata Statice, Limonium, English Statice, German Statice, Seafoam Statice, Latifolia, Sea Lavender (Oải Hương biển) tùy theo giống. Còn "Hybrid Limonium" thì là loại hoa sao có 2 màu tím và trắng, cũng là loại hoa có thể dùng làm hoa khô, cắm phối hợp cho các bình hoa lớn rất đẹp.
Làng hoa Vạn Thành cũng có cả một khoảng vườn trồng cà phê Moka phía trước. Con đường đi xuống thung lũng mở ra cho thấy bạt ngàn cây xanh và những nhà kính hiện đại trồng hoa trên vùng đất đỏ bazan. Đang định tìm đường một mình xuống thung lũng xem có cái gì ở dưới đó thì mọi người gọi ra xe đi đến nơi khác gấp. Bạn tôi nói: Sao mà đi đến chỗ nào cũng làm cho mọi người phải chờ vậy nhỉ? Tôi chỉ cười. Trong các kỳ du lịch, tôi đã nổi tiếng luôn là người ... lên xe sau. Đi tham quan mà cứ ào ào, chẳng thấy gì, hiểu gì, tôi thấy quá phí!
Rời làng hoa Vạn Thành, xe chúng tôi đi về phía thung lũng Vàng trên con đường Đông Trường Sơn. Hai bên đường là những cánh rừng nối tiếp không dứt. Rừng Đà Lạt cho nhiều loại gỗ như Pơ mu, cẩm lai, căm xe, trắc nghệ, xá xị, bách, hương, thông, tùng v.v... Vốn làm trong nghề gỗ mỹ nghệ, tôi cũng biết những loại gỗ này. Gỗ Pơ mu thuộc hàng gỗ quý, thơm, có vân đẹp, màu vàng, thường dùng chạm khắc tượng Phật Di Lặc, ngày trước bán khá đắt. Có thời gian làm hàng gỗ mun, giáng hương nhiều vì vân gỗ các loại này cũng rất đẹp. Phổ biến bây giờ chúng tôi dùng nhiều gỗ căm xe cho hàng nội thất, một loại gỗ rất cứng kháng mối mọt rất tốt. Riêng với cây thông thì Đà lạt hiện nay ngoài những rừng thông thiên nhiên, đa phần là rừng thông cải tạo loại thông 5 lá, đặc biệt có thông đỏ. Khu vực Di Linh, Bảo Lộc thì trồng thông 2 lá.
Thung lũng Vàng ngày nay có thể nói rất đẹp. Cách trung tâm Đà Lạt chừng 15 km về hướng Bắc, là một trong những điểm du lịch mới của Đà Lạt từ năm 2005. Cái đẹp ở đây do cảnh thiên nhiên được bàn tay con người điểm tô chăm sóc nên càng thêm quyến rũ. Rừng thông có đủ loại thông 3 lá, 5 lá, thông đỏ, thanh tùng, bạch tùng, tùng xà ngũ phúc... Có cả loại cây được nhập như cây lá phong, phong lữ thảo, hồng sa mạc... Có cây bồ đề 300 năm tuổi. Vườn hoa được chăm sóc công phu, màu sắc phối hợp đẹp. Vẫn là những loại hoa chính ở Đà Lạt như cẩm tú cầu, thạch thảo, mimosa, cúc trắng, cúc tím, ... lần này có thêm vườn hoa đỗ quyên nhiều màu.
Cổng vào Thung lũng Vàng

Thung lũng Vàng
Hoa Astee Milka ở Thung lũng Vàng
Hoa dã quỳ
Một loại cây nở đầy hoa. Bướm bu quanh dày đặc.
Cẩm tú cầu được trồng dọc theo bờ suối
Hồ Vàng

Và những chiếc cầu tre
Từ vườn hoa và cây cảnh, đi theo đường xuống hồ Vàng, là một khung cảnh thật thơ mộng. Khu vực từ Suối Vàng đi lên phía đỉnh Langbiang, thuộc huyện Lạc Dương, phía bên trái là những vườn rau, khi đi ngang qua cả một quãng đường dài, chúng tôi nghe mùi xác cá dùng để bón rau bốc lên nồng nặc.
Đến Langbiang, đỉnh cao nhất miền Trung Nam bộ, cao 2.167 m so với mặt biển. Từ đỉnh Langbiang, có thể nhìn thấy đồi núi cao nguyên Lâm Viên trùng trùng điệp điệp, Suối Vàng Suối Bạc và toàn cảnh Đà Lạt. Con đường từ dưới lên đến đỉnh là 6 km nên sẽ có xe Zeep đón khách đưa lên mất khoảng 15 phút. Nếu chọn cách đi bộ, du khách sẽ đi xuyên qua những rừng thông và làng dân tộc.
Lên đến đỉnh núi, lại thêm một huyền thoại tình yêu được kể, ghi khắc trên một bia đá: "Ngày xưa tại vùng núi này, có người con trai tên Lang, tù trưởng bộ tộc Lát, thương người con gái tên Biang, con gái tù trưởng bộ tộc Chil. Do khác bộ tộc nên nàng Biang không cưới được chàng Lang, vì vậy hai người đành lấy cái chết để giữ trọn tình và phản đối luật tục khắt khe. Khi Lang và Biang mất, cha của Biang hối hận đã thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil, Sré...thành chung một dân tộc K'Ho. Từ đó thanh niên nam nữ các bộ tộc dễ dàng yêu nhau, cưới nhau. Mộ hai người dần trở thành hai ngọn núi cao nằm cạnh nhau và dân làng đặt tên cho ngọn núi này là núi Langbiang".
Tượng chàng Lang và nàng Biang trên đỉnh núi
Trên đỉnh Langbiang
Cao nguyên Lâm Viên nhìn từ đỉnh Langbiang
Dưới chân núi Langbiang
Hoa ngũ sắc mọc dại dưới chân núi
Agapanthus blue
Mẹ con người K'Ho
Ở đây có khu vực bán hàng thổ cẩm, mỹ nghệ của người dân tộc. Tôi đã ngắm khá lâu một phụ nữ dân tộc địu con sau lưng đứng trên đỉnh Langbiang, phông nền là núi rừng bao la phía dưới. 80% dân số huyện Lạc Dương này là dân tộc bản địa. Trên đường xuyên qua khu vực này, có nhiều nhà cửa, trường học của người dân tộc. Đúng như lời người hướng dẫn, đời sống người dân tộc ngày nay cũng khá hơn xưa rất nhiều. Có những ngôi biệt thự rất khang trang đẹp đẽ mà chúng tôi đã tưởng đó là biệt thự của người Kinh, nhưng không phải. Ghé thăm bảo tàng dân tộc trên đường, tôi hơi ngạc nhiên vì bảo tàng khá lớn và phong phú, trưng bày nhiều cổ vật, các loại đá quý, gỗ rừng, các di sản văn hóa mỹ thuật của người dân tộc.
Sau chuyến đi Langbiang, chúng tôi trở về thành phố ăn trưa, rồi đến cung Nam Phương hoàng hậu. Một điểm đến khá mới lần này là đi xem "chiếc bàn xoay kỳ lạ".
Ga Đà Lạt


Ga Đà Lạt - nơi bán vé
Mặt tiền Ga Đà Lạt
Buổi chiều lại có mưa nhỏ. Chúng tôi ghé ga Đà Lạt. Đây là nhà ga cổ nhất còn lại của Việt Nam, được xây dựng từ 1932-1936, thiết kế vừa mang hình dáng của đỉnh núi Langbiang, vừa kết hợp với kiến trúc Pháp. Nhà ga vẫn còn giữ nơi bán vé và thân tàu hỏa cổ chạy bằng hơi nước. Riêng chiếc đầu tàu nghe nói đã bán cho người Ý để chưng bày trong bảo tàng của họ.
Đến nhà thờ Domaine de Marie, tên chính thức "Nhà Thờ Mai Anh Tước Hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội", nằm trên đồi Mai Anh đường Ngô Quyền. Là cụm kiến trúc bao gồm nhà nguyện và 2 dãy nhà của tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn, được xây dựng từ năm 1930 đến 1943 theo phong cách châu Âu thế kỷ 17 có kết hợp với kiến trúc dân gian Tây nguyên.
Khi các bạn trong đoàn ra phía sau khu nhà trẻ mồ côi để mua các loại quà tặng do các nữ tu dạy nghề cho các cháu làm, tôi đã đi vào khu nhà nguyện. Không phải giờ làm lễ nên chỉ có vài người đang quỳ đọc kinh ở hàng ghế cuối. Không khí thật trầm lắng. Tuy không có đạo nhưng tôi thường thấy rất ấm áp mỗi lần bước vào nhà thờ. Có một bức tượng Đức Mẹ được tạc theo hình mẫu của một người phụ nữ Việt Nam, do bà phu nhân toàn quyền Đông Dương Decoux dâng cúng nhà thờ vào năm 1943. Phía sau nhà thờ có phần mộ của bà. Không gian thật yên tĩnh, chỉ nghe tiếng mưa rơi trên lá cây trong vườn. Một nữ tu đưa tay ngỏ ý mời tôi bước vào phía sau khu nhà nguyện. Khu vườn mặt trước và bên trong nhà thờ được chăm sóc khá công phu. Qua màn mưa chiều đang rơi, toàn cảnh có nhạt nhòa nhưng màu sắc của mái ngói đỏ, bức tường màu hồng xinh xắn và những bông hoa tươi thắm trong vườn vẫn lộng lẫy.
Nhà thờ Domaine de Marie


Từ đồi Mai Anh nhìn xuống, cảnh thật đẹp làm tôi tưởng đang ở xứ sở châu Âu nào xa xôi. Xa xa nhấp nhô những ngôi nhà mái đỏ, cái cao cái thấp theo đồi núi. Dù không phải mùa hoa nở, hàng cây mimosa lá bạc vẫn đem đến cảm giác rất Đà lạt, nghĩa là một thứ cảm giác chỉ có ở Đà Lạt mới có.
Nhiều lần trở lại Đà Lạt, vẫn thấy thích vì không khí cảnh vật ở đây đã làm cho chúng tôi cảm thấy như trở về thời tuổi trẻ mơ mộng ngày nào. Biết Đà Lạt hay mưa, tôi thường cẩn thận đem theo cây dù to che đủ cho 2 người. Mưa lớn vẫn ướt, nhưng cái thú của những đôi bạn hợp ý là được đi bên nhau dưới mưa. Vừa đi chúng tôi  vừa kể cho nhau nghe nhiều chuyện, rồi ghé lại một hàng sữa đậu nành nóng để ngồi xuống bên đường uống một ly, hay buổi sáng sớm ghé phở Hiền chọn chỗ ngồi ngoài đường ăn tô phở nóng bốc khói kèm chiếc bánh giò cháo quẩy giòn rụm, vừa xuýt xoa vì lạnh, hay gặm ổ bánh mì baguette nóng giòn, món bắp nướng bên đường ... Tất cả vẫn còn từ ký ức ngày xưa đến bây giờ mỗi lần đến Đà Lạt vẫn muốn được thưởng thức lại. Đôi khi hạnh phúc đến từ những điều tưởng như rất nhỏ nhoi đó.
Thành phố trong mưa
Đà Lạt nhìn từ Cung Nam Phương Hoàng Hậu
Phố Đà Lạt chiều mưa
Góc phố Đà Lạt
Viết về Đà Lạt, có rất nhiều đề tài tùy theo bạn khai thác. Một bài viết sơ lược thế này chỉ như một chút sương mù lãng đãng trên đỉnh núi miền cao. Từ chuyện bác sĩ Yersin khám phá cao nguyên Lâm Viên vào năm 1893; đến những huyền thoại, truyền thuyết tình yêu; những rừng thông và đồi núi bạt ngàn của cao nguyên Lâm Viên, những dòng thác, bờ hồ nổi tiếng, những làng dân tộc đầy bản sắc, những làng hoa, vườn hoa tuyệt đẹp; những cảnh chùa yên tĩnh nên thơ... đều là những chủ đề hấp dẫn. Vì vậy mà đã có rất nhiều bài hát, tranh, thơ văn về Đà Lạt. Nếu bạn chưa bao giờ đến Đà Lạt, hãy đến một lần, và có lẽ một lần không đủ, thì vài lần, nhiều lần, sẽ đem đến cho ta nhiều kỷ niệm, gắn kết với khung cảnh thơ mộng của Đà Lạt chắc chắn sẽ làm bạn không thể quên.
Tôi chỉ thêm một lời khuyên nhỏ: Đi Đà Lạt, bạn nên đi... hai mình!.
(*) "Một Chút Gì Để Nhớ" - Thơ Vũ Hữu Định
Hình ảnh: Nguyễn Diệu Tâm
NGUYỄN DIỆU TÂM
Theo http://ngdieutam.blogspot.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...