Hồ Tấn Nguyên Minh
Trong nền văn học Việt Nam, văn
học Phật giáo chiếm một vị trí khá lớn. Những thiền sư – thi sĩ như Vạn Hạnh,
Viên Chiếu, Khuông Việt, Mãn Giác, Huyền Quang… đã tạo nên dòng thơ Thiền linh
diệu suốt hai triều Lý – Trần. Một dòng thơ mà cho đến bây giờ và chắc chắn mãi
về sau chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp minh triết và tinh thần nhân
văn của nó. Đến thế kỷ XX, một thế kỷ nhiều vinh quang nhưng cũng quá nhiều cay
đắng của người Việt, văn học lại chứng kiến sự xuất hiện của một nhà thơ Phật
giáo: Phạm Thiên Thư – “người hiền sĩ ngồi bên lề cuộc sống ta bà, lặng yên thi
hóa kinh phật”[1].
Đọc thơ ông, ta tìm thấy những điều phong phú và mới lạ về tôn giáo, tình yêu
và thiên nhiên. Giữa một thời đạn lửa, ông bình thản lập cho mình một cõi thi
ca riêng: trong trẻo, trữ tình và đậm chất Thiền...
Bài thơ “Động hoa vàng” là một trong những thi phẩm nổi
tiếng nhất trong cõi thơ Phạm Thiên Thư. Xuất hiện khoảng đầu thập niên 70 ở
miền Nam, bài lục bát 400 câu này là một câu chuyện tình yêu trong sáng, cao
khiết không nhuốm màu tục lụy. Tựa một viên ngọc lung linh huyền ảo, nó dẫn
người đọc tìm về một thế giới tịch lặng, đơn sơ đẫm hương Thiền. Nơi ấy con
người có thể tìm được con đường nuôi dưỡng chân tâm hầu mong một cuộc sống bình
an, thanh thản. Hẳn không mấy khó khăn để nhận ra rằng văn hóa Thiền thấm đẫm
trong từng câu, từng chữ và làm nên nét đẹp thâm trầm, ý nhị cho bài thơ.
1. “ Động hoa vàng” – Cõi thiền hay không gian thoát
tục
Hương Thiền tỏa trong bài thơ “Động hoa vàng” của Phạm Thiên
Thư trước hết ở không gian nghệ thuật. Từ câu chuyện “gã từ quan” coi thường
danh lợi, chán ghét những thị phi, giành giật trong cõi đời mà tìm về nơi thông
xanh suối biếc, nương náu chốn núi rừng, nhà thơ đưa ta đến không gian bát ngát
của động hoa vàng. Động hoa vàng là đâu? Là một động Hoàng Hoa heo hút giữa
biên thùy trong thơ “Chinh phụ ngâm”:
“ Xót người lần lữa ải xa
Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài”
Hay là một thung lũng hoa vàng nào đó trong thực tại. Chỉ
biết đó là không gian mơ ước của những người quá mệt mỏi trước thời cuộc, muốn
tìm về thiên nhiên để thanh lọc tâm hồn mình. Từ động hoa vàng, nhà thơ nói đến
rất nhiều những hình ảnh thuộc về không gian. Đó là: miền tuyết thơm,
suối tơ huyền, suối hoa rừng, cội thu xanh, đồi dạ lan, miền cỏ hoa, bến hoa
tươi, đường lặng im, non xanh, thềm trăng, lưng núi phượng… Tất cả
những hình ảnh sang trọng, thanh thoát mà đơn sơ ấy thuộc về một không gian
thoát tục. Không ồn ào náo động, không phù phiếm lòe loẹt, tất cả ở trong một
trạng thái vắng lặng, thanh bình, nhẹ nhàng, trong sáng, trầm mặc. Đó là không
gian của văn hóa Thiền – không gian tịch lặng, phảng phất nét sabi trong
thơ Hai- cư Nhật Bản:
“Mái lều im
Một con chim gõ kiến
Gõ ngoài trụ hiên”
Đặc biệt, không gian thoát tục ấy là một không gian được phủ
đầy hoa, đầy trăng và tiếng chim. Có đến 38 lần Phạm Thiên Thư nhắc
đến động hoa, thảm hoa, giàn hoa… 15 lần nhắc đến trăng và 32 lần sử dụng hình
ảnh cánh chim, tiếng chim trong bài thơ “Động hoa vàng”. Đó là một đồi dạ lan
trong miền u tĩnh:
“Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan”
là hương hoa trong ấm trà mùa đông:
“Đất nam có lão trồng hoa
Mùa hoàng cúc nở ướp trà uống đông”
hay cánh hoa dại ven đường:
“Bông hoa trắng rụng bên đường
Cánh thơm thông điệp vô thường tuyết băng”
Đó là ánh trăng in dấu giày:
“Người về sao nở trên tay
Với hài đẫm nguyệt thêm dài gót hoa”
hay bóng trăng thanh bình nơi thôn dã:
“Bóng trăng tịch mặc hiên nhà
Thành đàn nảy hạt tỳ bà quyện hương”
Cùng với trăng, hoa là tiếng chim, người đọc có cảm giác
tiếng chim như ngập tràn không gian:
“Tiếng chim trong cõi vô cùng
Nở ra bát ngát trên rừng quế hương”
Đó là tiếng chim linh thiêng theo văn hóa Thiền và đời sống
tâm linh người Việt, là bầy nhạn trắng mùa xuân:
“Mười con nhạn trắng về tha
Như lai thượng trụ trên tà áo xuân”
là con hạc nhuốm màu huyền thoại:
“Hạc xưa về khép cánh tà
Trăng, hoa và tiếng chim, hương hoa thoang thoảng, ánh trăng
nhẹ nhàng, tiếng chim trong vắt làm cho không gian trở nên tịch lặng, linh
thiêng, thấm đẫm thiền vị. Đó là nơi con người có thể lắng lòng lại, thả hồn
vào cõi thinh không để tìm sự bình an, thanh thản. Không gian “Động hoa vàng”
trong thơ Phạm Thiên Thư có nét gì đó tựa cõi Bồng Lai nơi chàng Từ Thức gặp
tiên, tựa suối hoa đào trong “Đào hoa nguyên ký”, tựa không gian trong thơ
Hai-cư:
“Quán bên đường
Các du nữ ngủ
Trăng và đinh hương ”
(Basô – Nhật Chiêu dịch)
2. “Mùa xuân” – Thời gian vĩnh cửu
Nếu không gian của bài thơ “Động hoa vàng” là một không gian
vắng lặng, huyền diệu với ánh trăng, hương hoa và tiếng chim thì thời gian
trong bài thơ là thời gian mùa xuân. Có đến 13 lần phạm Thiên thư nói đến mùa
xuân trong bài thơ này, cũng có nghĩa là thời gian bài thơ chủ yếu xoay quanh
mùa khởi đầu cho một năm, mùa của hạnh phúc và niềm vui. Đó là mùa xuân ở động
hoa vàng, nơi con người sống giữa thiên nhiên để tâm hồn thanh tịnh:
“Mùa xuân bỏ vào suối chơi
Nghe chim hát núi gọi trời xuống hoa”
là mùa xuân ở đầu nguồn con suối, nơi chú cá nhỏ bất ngờ gặp
bóng mây trôi trong nước:
“Có con cá mại bờ xanh
Bơi lên nguồn cội tắm nhành suối xuân
Giữa dòng cá gặp phù vân
Hỏi sao mây bỏ non thần xuống chơi”
Ngay cả khi hoài niệm về tình yêu thì thời gian hoài niệm
vẫn là thời gian mùa xuân:
“Con khuyên nó hót trên bờ
Em thay áo tím thờ ơ giang đầu
Nhớ xưa có kẻ lên lầu
Ngày xuân gieo nhẹ trái cầu gấm hoa”
Thi ca xưa nay thường ưu ái mùa thu hơn bất cứ mùa nào trong
năm. Với gió heo may, với tiết trời se lạnh, với lá vàng rơi, mùa thu dễ chạm
vào những cảm xúc tinh tế nhất của thi nhân. Ấy thế mà suốt cả một bài lục bát
400 câu, Phạm Thiên Thư hầu như rất ít nói về mùa thu mà nói nhiều đến mùa
xuân. Thiền tông quan niệm bậc trí giả khi đã đạt Đạo, hiểu được lẽ vận hành
của tạo vật, thoát khỏi tham, sân, si thì tâm hồn sẽ đạt đến cảnh giới của mùa
xuân an lạc, không còn buồn khổ sầu lo. Mùa xuân trong “Động hoa vàng” cũng là
một mùa xuân như thế. Nó không chỉ là mùa xuân của ngoại giới mà còn là mùa
xuân của tâm tưởng khi con người đã từ bỏ tất cả những giành giật, đua
chen mà tìm tới cõi tịch diệt của Thiền tông. Đó có lẽ là mùa xuân vĩnh
cửu mà Mãn Giác Thiền Sư đã nói đến trong bài kệ nổi tiếng của mình:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”
3. “Gã từ quan” – Nhân vật trữ tình với sự hoà quyện
giữa Đời và Đạo
Chuyện được kể trong “Động hoa vàng” là chuyện của gã từ
quan – chủ thể và cũng là nhân vật trữ tình của tác phẩm. Đó là một chuyện tình
yêu nhuốm Thiền vị khiến bài thơ trở nên đẫm hương Thiền. Thiền học và tình
yêu, hai khái niệm tưởng chừng không thể dung hòa được bởi tình là khổ lụy còn
thiền là giải thoát, tình là lưu luyến còn Thiền là cắt đứt nghiệp chướng. Ấy
vậy mà nhân vật gã từ quan cứ vấn vít nửa đời, nửa Đạo, chơi vơi giữa tình yêu
và Phật pháp.
Nội dung bài thơ là chuyện tình yêu, là những lời yêu Phạm
Thiên Thư gửi đến người tình nhưng Thiền tính lại hiển hiện trong cái nhìn,
trong ngôn ngữ, trong tâm thức nhà thơ:
“Em nằm ngó cội thu xanh
Môi ươm đào lý một nhành đôi mươi
Về em vàng phố mây trời
Tay đơm nụ hạ hoa dời gót xuân
Thì thôi tóc ấy phù vân
Thì thôi lệ ấy còn ngần dáng sương
Thì thôi mù phố xe đường
Thì thôi thôi nhé đoạn trường thế thôi”
Nhân vật trữ tình ngắm người yêu mà suy ngẫm, nào lúc nằm,
nào lúc về, nào hình hài, nào dáng vẻ, nào môi ươm đào lý, nào gót dời hoa
xuân. Thế nhưng tóc ấy chỉ là phù vân, lệ ấy, dáng ấy mong manh như sương khói.
Em đẹp rạng ngời giữa cội thu xanh, giữa vàng phố mây trời nhưng chỉ là
vô thường, là hư huyễn. Đó là nỗi sầu nhuốm vẻ Thiền khi nói đến người yêu.
Có lúc đang nói chuyện Thiền, chuyện “Gối tay nệm cỏ nằm
say/ Gõ vào đá tụng một vài biển kinh” thì những kỷ niệm tinh khôi của tình yêu
chợt ùa về trong tâm tưởng:
“Nhớ xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa”
Để rồi hình bóng người yêu hiện lên trong mắt nhân vật trữ
tình với một vẻ đẹp thánh thiện tựa Quan Thế Âm:
“Áo em phất cõi di đà
Ngón chân em nở cánh hoa đại từ”
Ta có cảm giác đây là một tu sĩ lãng mạn, một hiền giả tìm
về cõi Phật vẫn mang theo mình hình bóng người yêu. Chính sự kết hợp diệu kỳ
của tình yêu và Thiền học đã tạo nên vẻ đẹp vừa nồng nàn vừa linh thiêng chỉ có
trong thơ Phạm Thiên Thư. Chính con vạc đậu bờ kinh cũng ghẹo nhà thơ – nhân
vật trữ tình:
“Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng thưa bác Thiên Thư
Khoác chi cái áo thầy tu ỡm ờ”
Tìm hiểu thi phẩm “Động hoa vàng” của Phạm Thiên Thư ở các
góc độ: Không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, nhân vật trữ tình… Sẽ nhìn
thấy được vẻ đẹp vi diệu, linh thiêng ẩn trong từng câu, từng chữ. Nhìn từ văn
hóa Thiền, “Động hoa vàng” tựa một loài hoa bình dị mà thoang thoảng một mùi
hương dịu nhẹ, thanh tao làm say đắm lòng người. Đó là cõi Thiền tịch lặng, là
ánh trăng thanh bình trong cõi phù sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét