Theo dòng đời
(Đọc "Làm thế nào
ra khỏi những giấc mơ"
Nxb Hội Nhà văn, 2011)
Nguyễn Chí Hoan
VanVN.Net - Tập tuyển
lần thứ ba hằng năm này những truyện ngắn từ Tuần báo Văn nghệ, có hai mươi
truyện; như vậy xét về tỉ lệ thì cứ khoảng hơn hai tuần chọn được một truyện
nổi trội đáng để lưu giữ thành tuyển. Như thế liệu đã thoả đáng chưa? Tôi nhớ một
nữ biên tập viên của tủ sách truyện ngắn hay ở Mỹ từng viết rằng bà giữ lại một
hồ sơ riêng có lẽ tới hàng trăm truyện ngắn, đáng lưu ý hay đặc sắc ở
nhiều mức độ khác nhau, dù không đưa được vào tuyển tập hằng năm nhưng không hề
đáng bỏ qua chút nào. Phải chăng đó cũng là một tình hình chung cho những ký ức
chăm chú với truyện ngắn Văn nghệ của bạn đọc hay của các biên tập viên chuyên
trách?
Hai mươi câu chuyện của một năm trước kể với
chúng ta những gì?
Không có những câu chuyện nông thôn thuần tuý
nữa: Ân nhân của Nguyễn Đức Hậu kể một quan chức đầu tỉnh khi hưu trí mới tìm
về làng thăm gia đình cơ sở đồng thời là bạn chiến đấu của ông ta thời du kích
kháng Pháp, mà người vợ anh này đã chịu đựng trận đòn tra khốc liệt để bảo vệ
ông dưới hầm bí mật trong nhà họ, trận đòn với trò cưỡng bức khiến người đàn bà
suốt đời không sinh nở được nữa..., và niềm ân hận muộn màng khiến ông ta nhận
ra thấm thía cái khoảng “im lặng và ghẻ lạnh”(tr.19) vây quanh mình chính là
cái khoảng vô ơn sinh ra từ những im lặng và ghẻ lạnh mà ông ta đã gieo rắc khi
còn bôn ba trên hoạn lộ; Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu của Nguyễn Quốc Trung
kể một cách cô đọng, xuất sắc cái nông thôn bị đô thị nuốt chửng “cứ như cá
quăng lên khỏi nước!” (tr.73) , chỉ còn món tiền đền bù giải toả và không nghề
nghiệp, “chỉ còn cách bán thân mình mà sống”(tr.76), sa vào cảnh nhàn cư bất
thiện, và bất ổn – “... đừng có tưởng dân mất ruộng này tay không bất lực muốn
làm gì cũng được đâu.”(tr.86); Phấn hoa vàng của Phạm Thanh Thuý chọn câu
chuyện có tính biểu trưng về một người nông dân chân chất nhẫn nại trồng cả một
rừng đồi, biến khoảng đất trống đồi trọc thành nơi đất lành chim đậu nhưng rồi
bị gạt ra khỏi rừng cây và vườn chim đó một cách tàn nhẫn, nhường chỗ cho thầu
khoán khai thác dịch vụ câu cá giải trí và kéo theo nạn săn bắn bừa bãi hạ sát
vườn chim...; Trăng làng Nhân Mục của Đoàn Ngọc Hà với giọng hài hước đã nhuốm
uể oải và chút đắng cay kể về nỗ lực bất thành của một câu lạc bộ bô lão đấu
tranh nhằm giữ cho con đường làng lát gạch từ cổ xưa khỏi biến thành một con
đường bê tông rốt cục chịu chung số phận với ngôi đình cũng cổ xưa bề thế của
làng đã bị bê-tông-hoá trước đó.
Một số cảnh báo vài năm gần đây về sự biến mất
hay suy giảm những câu chuyện nông thôn trong văn chương nước nhà như vậy đã có
thêm một chứng từ trong tuyển tập này. Nó cho thấy hiện tình và vấn đề của nông
thôn đối mặt với đô thị hoá mà không “hiện đại hoá”. Hơn đâu hết, các vấn đề
như thế trong văn học mang bộ mặt con người cụ thể, sinh động và bởi vậy mà đạt
tới chiều sâu một cách tự nhiên. Tình trạng nông thôn bị “ghẻ lạnh”- quên lãng
về mặt tinh thần hay bị khai thác vô tội vạ về các nguồn tài nguyên, dất đai,
nhân lực – đồng thời đi đôi với việc xói mòn bản sắc văn hoá vật thể, như những
câu chuyện kể trên cho thấy, là một nguồn cơn của nhiều tình trạng “xuống cấp”
xã hội nói chung; bởi một vấn nạn chung mà các truyện ngắn này đều chạm tới: sự
phá vỡ từ các nền tảng khác nhau tính gắn kết cộng đồng, bao gồm trong đó tinh
thần trách nhiệm cộng đồng và sự chia sẻ một lương thức chung, truyền thống,
lành mạnh về việc sống làm người.
Vừa tương ứng vừa trái ngược với những câu
chuyện nông thôn nói trên, những câu chuyện chú mục vào đời sống con người ở đô
thị trong tuyển tập này biểu thị phê phán đầu óc thị dân manh mún gốc gác tiểu
nông xưa đồng thời với những giấc mơ cá nhân chủ nghĩa nhợt nhạt, bấp bênh.
Bữa tiệc gà tây của McAmmond Nguyễn Thị Tư kể
một ông “giáo sư tiến sĩ” (tr.32) người Canada nhân chuyến du lịch hội thảo mà
bất đồ rơi vào cuộc tình “say nắng” với một đàn bà bán dạo đĩa CD ở Hải Phòng;
chuyện kể dài dòng một cách thiếu thiện cảm, nhất là bởi không đưa đến cái bất
ngờ nào: rút cục thì có vẻ người đàn bà nông thôn kiếm ăn nơi đô thị đã chăm
bẵm đến nơi đến chốn cả thể xác, tâm hồn và túi tiền của ông Tây già ngây thơ;
và nếu có một hàm ý phê phán nào đó ở đây thì nó cũng đã rơi tõm vào cái khoảng
chênh văn hoá mà đô thị nào cũng giăng sẵn.
Chúng ta cần suy nghĩ về điều này của Nguyễn
Thị Thu Huệ lại làm mới một cách khá bất ngờ vấn đề bản sắc cá nhân dưới một
góc độ từng nhiều năm được ưa chuộng như biểu hiện lãng mạn trí thức: chàng
nghệ sĩ bị “Em” bỏ; nhưng nàng bảo “Em không bỏ anh. Em đi vì có còn anh nữa
đâu.”(tr.68) - anh là hoạ sĩ được đào tạo bài bản, mà cứ suốt đời an phận
nhởn nhơ với một chức vụ hành chính... Có lẽ thực là “Chúng ta cần suy nghĩ về
điều này”, tuy nhiên còn trên một tầm mức khác, khi mà những tháng năm “nóng”
tăng trưởng đã sản sinh một số lượng vượt trội nghệ sĩ và trí thức thiếu hụt
bản sắc.
Đợi mặt trời của Nguyễn Xuân Hưng lạc quan nhẹ
nhõm kể câu chuyện tản mạn về một nhóm quay phim loay hoay tìm cách lên sân
thượng một khách sạn tư nhân ven biển để có góc máy tốt, phần nào gần với câu
chuyện trong Biển vỡ của Triệu Văn Đồi kể nhân vật nhiếp ảnh gia tên Tào dồn
hết tâm lực chớp được một khoảnh khắc kỳ lạ hình ảnh Tháp Ponagar ở Nha Trang
mà anh ta cảm nhận là “như vừa chạm vào một điều gì đó thiêng liêng, huyền bí
... gần như cấm kỵ của đấng siêu nhiên.” (tr.22); điểm tương tự ở hai câu
chuyện này là đều có sự xuất hiện bất ngờ của nhân vật nữ xinh đẹp hoặc với một
tình yêu đẹp; và cuộc tao ngộ những cái đẹp hiển nhiên như thế - cái đẹp thuộc
về nghệ nghiệp với cái đẹp trần tục nhân sinh - ở truyện của Nguyễn Xuân Hưng
có vẻ hớn hở tươi mát trong khi ở truyện của Triệu Văn Đồi lại gây ảnh hưởng
tai hại, cho dù truyện có ý gán nó cho tác động bí ẩn không chứng giải được của
“đấng siêu nhiên” kia; và đằng sau những câu chuyện như thế dường lấp ló một
phần bộ mặt thời thượng của sở thích về những cái đẹp thoáng qua, những cái bí
ẩn siêu nhiên có tính tô điểm cuộc sống.
Và cái bí ẩn không dùng cho tô điểm, mà để
biểu hiện tính huyễn hoặc của một “thực tại ảo” ở đời sống đô thị hiện hành –
như trong Phân thân của Kiều Bích Hậu, kể chuyện một cô trưởng phòng quảng cáo
thuộc một tạp chí về thời thượng tiêu dùng chỉ vì quên đóng máy tính cá nhân
khi bất chợt ra ngoài mà đến nỗi để sinh ra một “cô” ảo, khiến “cô” này làm
những việc cô chỉ mới cân nhắc trong ý nghĩ, và do đó mà tự bộc lộ “bí mật” mồi
chài kinh doanh trước đối thủ cạnh tranh là một đồng nghiệp...
ở đây thì bản thân những tình huống huyễn hoặc
kiểu như vậy là món ưa chuộng của nghệ thuật giải trí. Làm thế nào ra khỏi những
giấc mơ? của Đinh Thị Như Thuý chọn hẳn một lối kể với bối cảnh tượng trưng và
phi thực, với các mô-típ quen thuộc như cô gái trẻ nghèo dị tật có nhiều tâm
sự, tâm hồn trắc ẩn, gia cảnh éo le, đầu óc hướng thượng và nhạy cảm tâm
linh,v.v. Lối kể đó thoát ly thực tại nhân danh sự đào xới một “cái tôi” thuần
nhân văn, thuần giá trị, và tựu trung chính là một kiểu giấc mơ ban ngày – cái
giấc mơ đặt câu hỏi về ước muốn tự vượt thoát chính mình.
Tương phản với đời sống tượng trưng đó là đô
thị thực tại của những nỗi buồn phát sinh từ đối chọi chuyện cơm áo với chuyện
tình cảm hay mơ ước, những hoài niệm, những khao khát không thoả mãn thúc đẩy
người ta gắng sống cuộc đời như Một khoảng xanh lớn dần của Vũ Minh Thuý, luôn
luôn có sự an ủi của cái đẹp dĩ vãng, cũng như trong Mắt huyền của Nhật Tuấn,
Mắt quỷ Medusa của Trần Dũng.
Và một chủ điểm luôn được nói đến suốt nhiều
năm: thân phận; mà ở đây ta có thể thấy những biểu thị hiếm hoi trong Cố nhân
của Trần Thuỳ Mai và Vực tàn hơi của Phạm Thuận Thành.
Đó là những truyện ít ỏi trong tuyển tập này,
cùng với truyện của Nguyễn Quốc Trung, biểu đạt những xung đột thật sự chạm đến
phạm vi số phận.
Cố nhân kể câu chuyện một ông quan hưu trí gặp
lại cô người tình mối tình vụng trộm khi trước kia đương chức, một cuộc gặp bất
đắc dĩ vì ông muốn nhờ “cố nhân” nay đã là một nữ doanh nhân thành đạt dùng ảnh
hưởng của cô ta để “chạy án” cho con gái một ân nhân của gia đình ông. Truyện
đượm màu cảm thán hận tình éo le, cũng khá thời thượng, song khai thác được nổi
bật một giai thoại nàng Kiều thời thị trường sử dụng nhan sắc với những từng
trải kiểu “Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần” làm những bàn đạp thăng tiến vào
giới tinh hoa xã hội.
Vực tàn hơi giản dị và bi thảm hơn, chuyển tải
một xung đột thân phận gay gắt hơn khi kể câu chuyện hai cựu binh trẻ thời
chiến tranh biên giới phía bắc – Tín và Sung – trở lại khu vực tác chiến
cũ trong vai trò “cửu vạn” làm thuê cho cánh chủ buôn lậu xuyên đường biên.
Cuộc mưu sinh gắt gao lận đận dồn nhân vật Tín đến chỗ chứng kiến cái chết thê
thảm của đôi vợ chồng nhân vật Sung do tai nạn trong khi tải hàng, cái chết
điển hình đến mức khiến bờ vực mà Sung rơi xuống trở nên địa danh “Vực tàn
hơi”...
Truyện ngắn nói trên được đặt ở vị trí kết
thúc tuyển tập đã để lại ấn tượng thành công của tập sách bởi nó có thể khiến
người đọc phải ngẫm nghĩ. Tuy nhiên số truyện như vậy còn ít. Và hầu như ta
thấy ở đây những lát cắt một tình trạng chung của truyện ngắn đuơng thời hoặc
nặng về kể lể hoặc thoát ly vào cõi riêng huyễn hoặc mơ hồ của hư cấu mà không
thoát khỏi giản lược sơ sài, thiếu ý tưởng thật sự thực chất.
Một đặc điểm đáng suy nghĩ ở chỗ các truyện
ngắn đương thời ít khi dụng công khám phá đi sâu một điều gì, có vẻ dễ dàng hài
lòng với tình trạng đi sau đời sống để kể lại, dẫu là kể lại rất nhanh chóng
nóng sốt đến mức rơi vào ngôn ngữ báo chí “tân văn”.
Có lẽ một trong những nguyên nhân của tình
trạng đó chính là ở ngôn ngữ văn học – ngôn ngữ với đầy đủ ý nghĩa này – của
các truyện ngắn. Người đọc hẳn khó tìm được một cảm giác sửng sốt thú vị hay ám
ảnh về câu cú, về hành văn và trần thuật ở rất nhiều truyện ngắn đương thời.
Không phải chỉ vì thiếu một độ cầu kỳ cần thiết về văn chương, mà rất thường
khi ta thấy ngôn ngữ lời kể không đem lại cảm giác rằng ngôn ngữ ấy, lời kể ấy
đã được lọc qua một trải nghiệm tri thức, một trải nghiệm nội tâm thật sự của
người viết.
Tuy nhiên, hầu hết truyện ngắn ở đây có thể
thoả mãn nhu cầu giản dị trước tiên của người đọc: nhu cầu thấy được một câu
chuyện. Và dầu có thế nào, qua những lời kể ấy vẫn hiện lên một chân dung những
ngày ta đang sống, hiện lên những cái nhìn rất khác nhau vào ký ức chung và
riêng, cũng như, hiếm hoi hơn, những cái nhìn từ ký ức nào đó dõi vào chúng ta.
Và hẳn là không có cách nào khác những người
đọc chúng ta vẫn cứ dành thời gian trên dòng chuyện kể xuôi theo dòng đời,
trong khi vẫn luôn hy vọng bắt gặp những câu chuyện nào đấy bỗng hiển lộ một
sức mạnh thẩm thấu vào cõi tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét