Bản SONATA dưới ánh TRĂNG
Nhạc sĩ thiên tài Ludwig Van Beethoven là một trong bốn khuôn
mặt cô đơn và đau khổ nhất của thế kỉ XIX - ba người còn lại là Nietzsche,
Dostoievski và Van Gogh. Trong lời khai từ cho cuốn Anh Em Nhà
Karamazov của Fiodor Mikhailovich Dostoievski do Vũ Đình Lưu dịch ra
Việt ngữ (NXB Nguồn Sáng - Sài Gòn, 1972), Nguyễn Hữu Hiệu đã nói: “Cùng
với Nietzsche, Beethoven, Van Gogh, Dostoievski là một trong bốn Kị sĩ Sấm ngữ
của thời hiện đại.”. Tôi nghĩ rằng, cả bốn thiên tài trên đều là những nghệ
sĩ vĩ đại của đời sống, nhưng chỉ có triết gia Nietzsche và văn hào Dostoievski
mới xứng đáng với danh xưng Kị sĩ Sấm ngữ này. Ngôn ngữ âm nhạc của Beethoven
và ngôn ngữ hội họa của Van Gogh làm sao có thể báo hiệu cho buổi triêu dương
hay tịch dương của một thời đại sắp đến?
Tôi đã đọc hầu hết những tác phẩm quan trọng của Nietzsche
và Dostoievski. Họ chính là những con chim báo điềm dữ, là những nhà tiên tri
của thời cận hiện đại. Đi vào khí hậu của họ - nhất là Nietzsche - ta cảm thấy
cô đơn đến kinh người, ta thực sự hoảng sợ vì không còn chỗ bám víu, cảm thấy
mặt đất dưới chân mình dường như sụt xuống và bị rơi vào hố thẳm, vào khoảng
không bao la đến rợn người. Nếu không có một đời sống quân bình và một căn bản
đạo học Đông Phương mà đắm chìm vào những tác phẩm của họ thì ta dễ có nguy cơ
bị “tẩu hỏa nhập ma”, khủng hoảng và điên loạn như chơi.
Trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, vì không qua trường lớp hẳn
hoi mà do tự học và tự nghe nên tôi chỉ là một tay mơ. Với những tác phẩm nhỏ
và dễ thì tôi có thể cảm nhận và hiểu được phần nào, nhưng đụng vào những tác
phẩm lớn lao, hoành tráng thì tôi đành chịu. Trong lĩnh vực hội họa thì tôi
càng mù tịt bởi bên cạnh không có người khải đạo và dẫn dắt mình vào thế giới
đầy màu sắc của những họa sĩ bậc thầy. Đó là khoảng trống đã qua của đời tôi
trong việc hưởng thụ những thú vui tao nhã của loài người.
Về âm nhạc, con tôi có nhiều may mắn hơn. Con tôi được nghe
nhạc cổ điển, học nhạc và chơi keyboard organ từ lúc mới lên 5 tuổi. Khi qua
Canada học Tú Tài Quốc Tế ở bậc trung học, cháu được bà mẹ đỡ đầu trả tiền để
mời một giáo viên dạy riêng về đàn piano. Đến khi sang Mỹ học tại Princeton
University, cháu đã ghi danh để học một lớp sáng tác và một lớp về lịch sử âm
nhạc tại đại học này. Tôi thường lấy câu “con hơn cha là nhà có phúc” mà ông bà
mình hay nói để an ủi về những sự thiếu may mắn của mình trong cuộc đời này.
Vì muốn đi vào khí hậu cô đơn của Beethoven nên cách đây hơn
gần hai mươi năm, tôi đã tập nghe nhạc Beethoven qua một chiếc băng cassette
duy nhất. Lúc bấy giờ âm nhạc cổ điển là thứ khó kiếm vô cùng nên cuối cùng tôi
đành bỏ dở cuộc chơi. Ngày nay nhờ có Internet, tôi có thể nghe được khá nhiều
nhạc của Beethoven và những nhạc phẩm cổ điển từng được hướng dẫn trong cuốn Để
Thưởng Thức Âm Nhạc Cổ Điển Tây Phương của Tiến Bách (Tủ sách Nghệ
Thuật Hiện Đại - Sài Gòn, 1973) nhưng ngọn lửa đam mê trong tôi đã tắt.
Chiều nay - một buổi chiều đầu xuân hơi lành lạnh - cảm hứng
về nhạc Beethoven trỗi dậy và tôi đã nghe lại bản Sonata Dưới Ánh Trăng
(Moonlight Sonata) nhiều lần. Nơi tôi đang ở không được tịch lặng, khung cảnh
cũng không phải là một đêm trăng sáng dịu, nhưng lòng tôi vẫn ngây ngất. Có cả
một câu chuyện huyền thoại về bản Sonata Dưới Ánh Trăng nhưng đó là chuyện
khác. Sonata Dưới Ánh Trăng chính là nỗi khắc khoải cô đơn, là cơn bão lòng, là
con sóng cuộn dâng trong tâm thức; có lúc êm nhẹ thiết tha nhưng có lúc như
trào dâng mãnh liệt - nhất là trong nửa cuối của khúc nhạc.
Thân hữu nào có nhã hứng muốn đi vào vùng khí hậu hơi khắc
nghiệt của Beethoven thì xin cùng tôi lên đường.
Bản SONATA dưới ánh TRĂNG
Beethoven - Moonlight Sonata (FULL)
Trong sự tĩnh lặng của một đêm trăng, ngồi ven hồ hoặc nằm
trên một chiếc thuyền trong lòng hồ Phú Ninh mà được nghe Moonlight Sonata của
Beethoven và Claire de Lune của Debussy thì thú biết
mấy. Hưởng thụ thiên nhiên và âm nhạc như vậy đâu có tốn tiền nhiều, nhưng tìm
đâu ra tri âm để cùng ta thưởng ngoạn?
Tam Kỳ, Tiết Vũ Thủy - 2013
Hồ Phú Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét