Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Cái đẹp trong ngôn ngữ Trịnh Công Sơn

Cái đẹp trong ngôn ngữ 

Trịnh Công Sơn

Có người gọi TCS là thi sĩ. Tôi không cho là như vậy. Ông có làm thơ và trong những câu nhạc của ông, ta nhặt được ý thơ và cả những câu thơ thật đẹp nữa.( Tôi còn nhớ có đọc ở đâu đó, khi được mời đề cử những bài thơ để tuyển chọn vào danh sách những bài thơ hay nhất của thế kỷ 20, một vị giáo sư nổi tiếng đã không ngần ngại đề cử ngay lời của bài "Đêm thấy ta là thác đổ". Sau đây, xin mời các bạn đọc thử 1 bài thơ tứ tuyệt của thi sĩ TCS rồi cho biết ý kiến nhé: "Chỗ em ngồi ngày xưa còn ấm lắm./ Anh gối lên và ngủ 1 giấc dài,/ Em có hiểu đời cho em là mộng./ Để anh về cứ tưởng một là hai" và đây là 2 câu lục bát: "Đường xa mỏng mộng vô thường./ Trái tim chợt tỉnh, tôi nhường nhịn tôi" trích từ "Chùm thơ vô đề" in trong tuyển tập thơ "Chút tình với thức" - Chú thích từ người post bài, LennyTruong).
Thế nhưng ông mãi mãi là nhạc sĩ, không phải là thi sĩ. (Cũng như ông có vẽ tranh, nhưng không phải là họa sĩ). Nếu ông chỉ làm thơ, tôi không chắc ông sẽ được bao nhiêu người biết tên. Không có ông, ta còn nhiều thi sĩ khác.
Nhưng chỉ có 1 TCS thôi. Tôi có đọc ít bài thơ của ông, có bài hay, nhưng vẫn không gây cho tôi ấn tượng nào rõ nét lắm, nghĩa là dưới mỗi bài thơ ông, không để lại dấu ấn đậm nét nào có khắc tên ông. Thế nhưng nhạc của ông thì đúng là nhạc TCS. Dường như chỉ khi ông viết lời nhạc, cái thi hứng mới trào ra, những lời ấy như hóa thành thơ và nhạc lẫn thơ bay lên. Người nghe đôi lúc khó phân biệt những câu dưới đây là nhạc hay thơ, là thơ hay nhạc, vì nhạc thơ, thơ nhạc quyện lẫn vào nhau: "Ta vẫn mong, ta chờ mãi trên từng ngày quạnh hiu./ Ta vẫn mong em về đây, cho đời bày cuộc vui..." (Rừng xưa đã khép). "Vườn năm xưa em đã đến, nay trăng quá vô vi./ Giọt sương khuya rụng xuống lá, như chân ai lần về..." (Nguyệt ca). "Ta nghe nghìn giọt lệ, rớt xuống thành hồ nước long lanh... (Như cánh vạc bay). "Những giọt mưa, những nụ hoa, hẹn hò gặp nhau trước sân nhà..." (Bốn mùa thay lá). "Sau lưng ngày con gái. Môi son đừng biếng lười. Cho ta còn mãi mãi. Chút mùi phấn hương bay..." (Yêu dấu tan theo). Lời TCS hay đến mức, ở 1 đôi bài, nhạc không bắt kịp lời. Gặp phải những bài như thế, tôi vẫn cứ tiếc, và đôi lúc nghĩ rằng, ông ghép nhạc vào lời hơn là ghép lời vào nhạc. Những "Nắng thủy tinh", "Như cánh vạc bay", "Ru ta ngậm ngùi", "Yêu dấu tan theo", "Nguyệt ca", "Đêm thấy ta là thác đổ"...là những bài thơ hơn là những bài nhạc. "Nắng thủy tinh" hoặc "Nhìn những mùa thu đi" chẳng hạn, là những bài đẹp cả về lời thơ lẫn ý nhạc. Những nốt nhạc mềm mại rót xuống ở cuối câu "đưa em về nắng vương nhè nhẹ..." nghe sao mà "nhè nhẹ" thế. Và tiếng hát Khánh Ly, Lệ Thu quấn quýt, đan quyện vào nhau đã luôn luôn là những tiếng hát của 1 mùa nào lãng mạn, ru tôi trong chiếc nôi đời êm ái, nhìn những cụm mây mùa thu bay đi, bay đi.

Trong nhạc TCS, không phải chỉ có thơ, mà còn có cả tranh vẽ nữa. Và những bức tranh sinh động của ông cũng thể hiện qua những lời nhạc giàu hình ảnh, có khi chỉ là những nét ký họa, có khi là những bức tranh cảnh vật đầy màu sắc, có khi là những bức chân dung của..."Người về soi bóng mình, giữa tường trắng lặng câm..." hoặc những tranh tĩnh vật như "...thấy đời là những quán không, bàn im hơi bên ghế ngồi..." và còn có cả những bức vẽ trừu tượng nữa. Thử dạo qua 1 vòng phòng tranh TCS: "Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay, bờ xa mời gọi. Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ, vỗ cánh mặt trời..." (Nhớ mùa thu Hà Nội), "Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng. Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me..." (Tuổi đời mênh mông), "Trong lòng phố, mưa đêm trói chân, dưới hiên nhìn nước dâng tràn, phố bỗng là dòng sông uốn quanh..." (Em còn nhớ hay em đã quên). Một vài bức tranh khác đòi hỏi cần có chút tưởng tượng: "Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô. Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa..." (Rừng xưa đã khép), "Dòng nước mắt sẽ bay trong trời, làm cơn mưa rớt trên chăn gối, lời cỏ cây hát trên da người..." (Hãy khóc đi em). Có rất nhiều những bức vẽ giàu hình ảnh và màu sắc như vậy. Cái đẹp, cái hay, có khi chỉ nằm ở 1 dòng chữ trong câu hát, như là chữ "suốt" trong những câu hát dưới đây chẳng hạn: "Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì..." (Một cõi đi về), "Gọi tên em mãi suốt cơn mê này..." (Hạ trắng), "Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy..." (Hạ trắng), "Hãy nghiêng đời xuống, nhìn suốt 1 mối tình..." (Để gió cuốn đi), "Lá hát như mưa suốt con đường đi..." (Em còn nhớ hay em đã quên), "Rọi suốt trăm năm 1 cõi đi về..." (Một cõi đi về). Chữ "suốt" ở câu trên hay đến vậy lại bị 1 số ca sĩ đổi thành "xuống" thì quả là "nỗi đau phiền muộn" cho những người yêu nhạc TCS. Hát sai 1 chữ, làm hỏng 1 câu nhạc, có khi cả 1 bài nhạc.
Có những bài nhạc, tôi chắc là TCS thích, vì vẫn nghe ông nhắc đến, nhưng lại ít có người hát, ít có người nghe. Có khi ông muốn nói nhiều quá, người nghe lại ít chịu nghe. Những bài hát được ông lồng vào những triết lý, những thiền vị chẳng hạn, dường như ít được thành công, hiểu theo nghĩa ít được phổ biến. Người nghe dễ đón nhận hơn, nếu chỉ 1 vài nét chấm phá và 1 chút thiền vị : "Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ..." (Ru em) hoặc "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ..." (Mưa hồng). Cái đẹp còn ở những lời tả tình, tả cảnh về 1 quê hương, 1 nơi chốn thân quen trong mỗi trái tim người Việt: "Chiều trên quê hương tôi, có những chốn riêng cho mọi người, những con đường lứa đôi, những góc hè phố vui..." (Chiều trên quê hương tôi) hoặc " ...quê nhà đó năm xưa có em, có bóng dừa, có câu hò, có con đò chở mưa nắng đi..." (Em còn nhớ hay em đã quên).
Thật khó mà viết được những lời đẹp đến vậy, nếu không có trái tim nặng trĩu tình yêu quê hương. "TCS đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của 1 đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền..." Văn Cao đã viết về ông như vậy. "Đời gọi em biết bao lần", "Vì tôi cần thấy em yêu đời" và "Tuổi đời mênh mông" nữa...là những bài hát thể hiện cái đẹp của lòng nhân ái.

Ngôn ngữ TCS quả đã làm giàu đẹp thêm cho kho tàng tiếng Việt hoặc ít ra có thể nói mà không sợ lầm, ông là người viết lời đẹp nhất cho những ca khúc. Những lời đó trước đây và cả về sau nữa, tôi tin vậy, chưa từng có ai viết và cũng không ai bắt chước, không ai làm giả được. Nếu có hàng mạo hóa, người nghe sẽ nhận ra ngay những TCS "giả". Như thế thì cái chết của ông, ít nhiều cũng gây nên những mất mát và thiệt thòi, ít ra là đối với những người có cái nhìn khách quan về những đóng góp của ông. Tất nhiên không phải mọi ca khúc TCS đều hay cả. Có 1 số những bài hay, 1 số những bài trung bình, có bài chỉ nhặt ra được 1 câu, 2 câu, có bài không được kể là nhạc, vì không bắt nguồn từ 1 cảm xúc nào hoặc được làm theo "đơn đặt hàng" như bài hát về công trình xây đắp thủy điện Trị An: "Dòng điện như dòng sông, cho đời 1 tấm lòng..." chẳng hạn. Cũng nói đến dòng sông, cũng nói về tấm lòng, nhưng người nghe thấy gượng ép, giả tạo. những bài hát ấy không tồn tại được, không được ai hát. Chúng biến mất ngay khi vừa mới ra đời và không được người đời nhắc tên.
Nghe nhạc TCS, giống như là nhấm nháp từng ngụm cà phê hay từng ngụm trà nhỏ. Từng ngụm nhỏ thôi, để nghe được cái hương vị đậm đà chầm chậm, từ từ thấm vào đầu lưỡi. Nghe nhạc TCS là phải nghe trong những lúc thư thả, không bận rộn, nghe "không cần vội vã", nghe với "trái tim thật thà", để nghe được từng câu, từng chữ, từng lời nhạc khe khẽ, nhẹ nhàng, len lỏi, luồn lách vào mọi ngóc ngách trong cơ thể, thấm vào từng mạch máu và chạm khẽ đến trái tim. 
(Trích từ bài viết "Gió trời xin ngủ bình yên" của Lê Hữu).
Để kết thúc bài viết này xin mời bạn nghe một bài hát của TCS 
 Theo chutluulai.net
Nghe những tàn phai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...