Tình yêu trong nhạc Trịnh Công Sơn
"Mùa xuân thay lá mùa đông, để nghe chim hót chuyện tình..." (Thành
phố mùa xuân). Câu hát ấy là một trong những câu tôi thích trong ca khúc TCS.
Có hai lý do: thứ nhất, câu ấy làm nhớ tới câu thơ ngày xưa của Vũ Thành
"Đàn chim về hót trong thành phố / Kể chuyện hai người xa cách nhau".
Thứ hai nữa, đây là một câu hiếm thấy trong những câu viết về tình yêu trong nhạc
TCS: có mùa xuân, có cây lá đâm chồi nẩy lộc, có chim hót líu lo kể chuyện
tình. Tình yêu trong nhạc TCS có 1 khí hậu riêng, có 1 bộ mặt khác, không giống
như những ca khúc viết về tình yêu của những người viết nhạc khác. Dường như
ông ít khi viết về 1 cuộc tình nào trọn vẹn, tròn đầy, ông chỉ viết phần cuối
hoặc về 1 tình yêu đã mất.
Cứ đọc thử cái tựa của những bài hát là đủ thấy: "Cuối cùng cho 1 tình
yêu", "Hãy khóc đi em", "Tình nhớ", "Tình
xa", "Tình sầu"...Ông viết về những hạnh phúc buồn bã, những nỗi
vui ngậm ngùi, những bất an, bất trắc của những cuộc tình không may. Những kẻ
yêu nhau trong nhạc TCS có vươn tay về phía nhau nhưng không chạm tay vào
nhau được. Nghe nhạc TCS cũng là nghe những lời đau xót, những nỗi dằn vặt,
giằng xé, dày vò, những "mưa quanh chỗ nằm", những "đêm đổ xuống
đời ta", "đêm thì thầm tiếng buồn"...Ở những lời ông viết, ta
đọc thấy những lần chia tay, những nỗi chia lìa: "Từng người tình bỏ ta
đi như những dòng sông nhỏ..." (Tình xa), "Dù ngày mai em như chim
bay, bỏ quên đây 1 người..." (Hãy cứ vui như mọi ngày), "Từ lúc đưa
em về, là biết xa nghìn trùng...(Như cánh vạc bay), "Đâu ngờ tình như lá
úa, khiến tôi chia lìa từng giấc mơ..." (Trong nỗi đau tình cờ).
Ông cũng có những lần tự thú trong tình yêu, trái tim ông quá đỗi yếu mềm đến
độ lắm lúc ông rất muốn quên đi 1 hình bóng mà vẫn không sao quên được.
"Tưởng rằng đã quên" chỉ là "Tình nhớ" nối dài. Chỉ có
khác 1 điều, "những bước chân mềm mại đã đi vào đời người" ở
"Tình nhớ" đã đổi thành "chợt từng bước em là từng mũi đinh cuồng
điên" ở "Tưởng rằng đã quên". Ông đã phải thú nhận: "Tưởng
rằng có thể quên đi dễ dàng 1 cuộc tình, nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được".
Trái tim ông cũng đầy những mảnh vá. "Mượn cuộc tình này để xóa cuộc
tình kia chỉ là 1 sự vá víu cho tâm hồn," ông nói, "những mảnh vá ấy
chỉ đủ để làm phẳng lặng bên ngoài mà thôi...". Có lúc, ông thật hồn
nhiên trong tình yêu: "Tôi đã yêu em như trẻ thơ...", hoặc
"tôi đã yêu em bao ngày nắng, tôi đã yêu em bao ngày mưa, yêu em bên đời
lặng lẽ..., yêu em trái tim thật thà" (Trong nỗi đau tình cờ).
Cách yêu của ông cũng có vẻ hơi khác thường. Ông yêu thật từ tốn, thật chậm
rãi, không phải vội vàng, như người ngồi nhấm nháp và thưởng thức từng ngụm
trà nhỏ hoặc ngồi nhìn từng giọt cà phê rớt xuống "Yêu em không cần vội
vã, yêu trong nỗi vui đợi chờ" (Trong nỗi đau tình cờ). Thậm chí còn có
những khi "yêu em yêu thêm tình phụ, yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ"
(Ru em) nữa. Những lời lẽ nghe dịu dàng, nhẹ nhàng và đơn sơ như vậy, nhưng lại
có bao nhiêu là vết thương. Những vết thương sâu mà ông gọi là..."vết
thương hồn nhiên". Những nỗi đớn đau mà ông gọi là..."niềm đau ngọt
ngào" hay "nỗi đau tình cờ" (trong khi ông cũng biết chắc là
khó mà ngọt ngào hay tình cờ nổi). Trong lòng ông luôn luôn dâng lên nỗi khát
khao muốn được đi lại từ đầu, muốn được yêu thêm 1 lần nữa, muốn được bắt đầu
lại 1 chuyện tình với trái tim mới biết yêu. Ông khẩn khoản: "Cho tôi đi
xây lại chuyện tình..." (Xin cho tôi), những chuyện tình chắc hẳn đã để
lại trong ông rất nhiều hối tiếc.. Trong những tình khúc TCS, tình yêu vừa là
mật ngọt, vừa là mật đắng, "mật ngọt trên môi, mật đắng trong đời".
Tại sao lại như vậy? Người viết những ca khúc ấy không có lời giải thích, chỉ
nghe ông nói: "Con người không thể sống mà không yêu. Có người yêu thì hạnh
phúc, có người yêu thì đau khổ. Nhưng dù đau khổ hay hạnh phúc, con người vẫn
muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại". Những chuyện tình ông viết thường
là những chuyện tình lặng lẽ, không sóng gió, không sôi nổi, nhưng không phải
là không đắm say nồng nàn. "Tôi xin là cây xa, đứng nhìn em rực rỡ. Tôi
xin làm nụ cười, chờ em giữa đôi môi. Tôi xin làm mộng nhỏ, em vừa giấc ngủ
say..." (Vì tôi cần thấy em yêu đời). Trong nhạc tình TCS, không có những
lời thề non hẹn biển, mà chỉ có "ta gặp tình cờ như là cơn gió" và
những lời hẹn thề "chỉ là những cơn mưa". Cũng không có những lời
thở than sướt mướt "duyên kiếp lỡ làng", mà chỉ có những lời cố làm
ra vẻ hửng hờ, dửng dưng như "ừ, thôi em về..." hoặc là "em về
hãy về đi, ta phiêu du 1 đời...". Chuyện gì cũng cho là tình cờ, như cơn
mưa bất chợt, vội vàng đến, vội vàng đi. Ngay đến cả tuổi thọ của những chuyện
tình, xem ra cũng chẳng dài lâu, chỉ "mong manh như nắng" và
"thoảng như gió vội". "Ta gặp tình cờ như là cơn gió..."
(Hoa vàng mấy độ), "Em ra đi như thoáng gió thầm..." (Tạ ơn). Tình
đến lặng lẽ, "tình đi âm thầm, lạnh lùng như dấu chim", trong khi
ông còn ngồi lại đó, "bên đời hiu quạnh", khi mà hạnh phúc đã khô
queo như 1 dòng suối cạn, nhưng vẫn cứ mong đợi hoài những giấc mơ sẽ không
bao giớ đến. "Ta vẫn mong, ta chờ mải trên từng ngày quạnh hiu. Ta vẫn
mong em về đây cho đời bày cuộc vui..." (Rừng xưa đã khép).
Ông cũng hay nói về những giấc mơ. Một bài hát có những lời và hình ảnh thật
là đẹp nhưng lại ít được người nghe ờ đây đón nhận (ở đây tức là ở hải ngoại
- chú thích của người post bài), chỉ vì có những câu mà người ta không muốn
nghe chút nào, chẳng hạn "em ra đi nơi này vẫn thế, lá vẫn xanh trên con
đường nhỏ, vườn xưa vẫn có tiếng mẹ ru, có tiếng em thơ, có chút nắng trong
tiếng gà trưa..., hay "thành phố vẫn có những giấc mơ..." (Em còn
nhớ hay em đã quên).
Nghĩ cho cùng, chẳng ai ngăn cấm được những giấc mơ. Ngay cả khi thân ta bị
giam hãm tù đày, những giấc mơ vẫn còn được tự do. Người ta đã mơ và cuộc sống
không thể nào thiếu được những giấc mơ. TCS có 1 cái tội mà ngay chính ông
cũng khó lòng tha thứ cho ông được (vì có tha thứ rồi cũng sẽ tái phạm): đó
là ông đã có những giấc mơ (chẳng hạn giấc mơ về thành phố mà ông đang sống
và giấc mơ nối được 1 vòng tay lớn). Ông đã sống cùng những giấc mơ đó và chết
cùng những giấc mơ đó. Chính những giấc mơ đó chứ không phải ai khác, không
phải điều gì khác, đã khiến ông bị oán ghét. Nhưng ông không thể nào đổ lỗi
cho những giấc mơ, mặc dù ông phải trả giá cho những giấc mơ ấy. Đã có người
nào đó nói rằng, ca khúc TCS là "những bản tình ca không có hạnh
phúc", tôi nghĩ, đấy còn là những bản tình ca về những giấc mơ rạn vỡ.
"Sống mà giữ mãi trong lòng những hờn oán thì cũng nặng nề...Ta biết tha
thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn",
ông nói vậy, và ta cũng nhận là đúng thôi. Khi còn sống, trong những năm cuối
đời, ông có được lắm kẻ yêu và cũng nhiều người ghét. Ông nhận được cả những
lời ngợi ca và những câu nguyền rủa để cho ông thấy "những con mắt thù hận,
cho ta đời lạnh câm..." (Những con mắt trần gian).
Yêu và ghét cũng như tốt và xấu, 2 mặt của cuộc sống, có khi chỉ là một. Những
người ghét ông, là bởi vì trước đó, họ đã trót yêu ông quá đấy thôi. Nếu
không yêu ông lắm, người ta đã không ghét ông nhiều đến vậy. Tình yêu biến
thành tình hận. Ông giống như 1 người tình phụ bạc vậy. Đúng là do lỗi ông
thôi, ông không thở than vào đâu được. "Đời tôi ngốc dại, tự làm khô héo
tôi đây..." (Chiếc lá thu phai), ông cũng chẳng từng đấm ngực tự thú đó
sao. Nhưng cũng đâu có phải vì mối hận tình đó mà tấm nhan sắc kia bỗng trở
thành xấu xí, những bản tình ca kia chẳng còn ai muốn nghe. Còn những người
yêu ông thì lại càng yêu ông hơn sau ngày ông lặng lẽ rời bỏ "một cõi đi
về" này.
Thế còn về phần ông, vì ông đã nói được những lời trên, tôi chắc ông cũng chẳng
cay đắng, hờn trách chi cuộc đời. Một người từng có những lúc "chuyện
trò với lá cây" thì khó mà có thể giận hờn ai được. "Đời cho ta thế",
ông đã nói trong 1 ca khúc. Có nghĩa là, dẫu có hay dở, tốt xấu thế nào, ông
cũng sẵn sàng và vui vẻ mở gói quà tặng của cuộc đời. TCS, ông là ai vậy?
"Tôi biết rõ rằng, tôi chỉ là 1 loài chim nhỏ hót chơi trên đầu những ngọn
lau", ông nói. Nếu không muốn nghe những lời chim hót, tôi chắc cũng chẳng
ai đành lòng ném đá xua đuổi để con chim nhỏ ấy phải bay đi nơi khác.
Tôi có người bạn, nghe tin TCS mất và thấy nhiều người tỏ lòng thương tiếc
người nhạc sĩ tài hoa ấy thì anh ta nhún vai nói: "Chẳng nên bi lụy thái
quá. Có những kẻ chết nhiều lần trước khi chết thật. Cái tin này chẳng qua chỉ
là xác nhận lại 1 cái chết từ năm 75 mà thôi". Thế nhưng sau đấy, có 1
lúc nào đó, tôi nghe được từ miệng anh ta câu hát vu vơ: "Tình mong manh
như nắng, tình còn đầy không em?..." Như vậy là anh ta bỏ TCS, chứ TCS
đâu có bỏ anh ta. Tôi nghĩ là chúng ta sẽ dễ dàng quên TCS thôi, nếu 1 ngày
nào đó không còn ai hát nữa những câu nhạc tình vu vơ như vậy. Chắc là phải đợi
cho đến lúc ở quanh ta không còn có những cặp tình nhân, không còn có những kẻ
yêu nhau và phụ nhau, cũng không còn ai muốn nói với ai những lời tình tự ngọt
ngào. Và nếu như thế, cuộc sống sẽ buồn tẻ biết là chừng nào.
Nghe nhạc TCS, có được chút hạnh phúc là có ông chia sớt, san sẻ cùng ta những
nỗi vui, niềm đau. Ông nói hộ ta những điều ta muốn nói. Ông cũng bày tỏ, thổ
lộ dùm ta những tình cảm sâu kín nhất trong ta. Khi nghe những lời ông tự vỗ
về, an ủi, ta như cũng được vuốt ve xoa dịu. Trong những ca khúc TCS, ông đã
vừa nói với ông lại vừa nói với ta nữa. Nhạc TCS, như vậy, cũng có thể được gọi
là những "tự tình khúc", như là tựa 1 bài hát của ông vậy.. Có ai
trong mỗi chúng ta lại không có 1 chút TCS theo cái nghĩa đó.
Chỉ cần một chút thôi (nói theo chữ ông hay dùng), cũng đủ giúp ta có lúc tạm
quên đi cái gánh nặng "đời cơm áo". Vậy thì cũng nên cám ơn ông lắm
chứ, vì ông đã gánh nhẹ dùm ta những nỗi phiền muộn của đời sống.
Và cũng vì chút lẽ công bằng, biết đâu lại chẳng khiến ông phải ân hận mà rút
lại lời trách móc nhẹ nhàng "đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng".
Và cuộc đời như thế, cũng sẽ đẹp thêm lên một chút.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét