1.
“Người thơ phong vận như thơ ấy”- Hành trình thơ và đời Hoàng Hưng
Ông rã suốt một năm
đi dọc sông Dương Tử để quên đi bệnh tật và lo âu, Cao Hành Kiện đã hoàn tất Linh
Sơn, kiệt tác đưa ông đến giải thưởng Nobel danh giá. Trước đó gần ba trăm
năm, lang thang trên con đường sâu thẳm tìm kiếm vẻ đẹp tinh thần Nhật Bản,
Basho trở thành hành giả – thi nhân, người mà đến nay vẫn được xem
là biểu tượng cho sức sống kỳ diệu của thơ Haiku, của hồn thiền Nhật Bản.
Hành trình của mỗi nhà
thơ đều ghi dấu những suy tư dấn thân và được đúc lại trong mỗi con chữ, trang
thơ. Tôi hình dung Hoàng Hưng cũng là một trường hợp như thế; nhất là khi đọc Hành
trình của ông, tác phẩm ra đời vào năm 2005 và được giải thưởng thơ
của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006.
Hành
trình mang trong nó một tư
chất Thiền rõ rệt. Vì thế, tập thơ gợi cho tôi cảm giác an lạc mà vẫn “chưa
xong”, hài hòa mà “vẫn đang” …; tập thơ quá nhiều nỗi niềm, nhiều thành tựu đậm
đặc và cũng có những suy tư dang dở, những thể nghiệm sẽ phải đắn đo thêm, thậm
chí cả những ý thơ như còn trong kén, chưa hiện rõ vóc dáng và cấu tứ ám ảnh
vốn là thế mạnh của Hoàng Hưng.
Chất “hành hương”
trong tập thơ mới nhất của Hoàng Hưng tạo ra một mạch ngầm cảm thụ cho độc giả.
Vì thế, có người thấy tập thơ Hành trình là “khúc cuối của ba
cuộc hành trình song song”: làm thơ, dịch thơ và đọc thơ vòng quanh thế giới.
Nguyễn Thụy Kha thì nghĩ: “Hành trình thơ Hoàng Hưng là hành trình bền bỉ và
kiên định suốt hơn 40 năm qua”. Có người lại đọc thấy trong thơ Hoàng Hưng một
“hành trình tâm linh” tìm đến với giấc mơ “tràn ánh sáng”… Tôi cho rằng riêng
với nhà thơ Hoàng Hưng, Hành trình là cách gọi tên sự sống –
sự sống muôn màu bên ngoài và sự sống thẳm sâu trong cõi tinh thần.
Những gì có trong Hành
trình, theo tôi, cũng có trong những tập thơ trước của Hoàng Hưng. Tập
thơ này không phải là lời tổng kết một giai đoạn sáng tác, không phải mở ra một
cái gì khác cho riêng nhà thơ, không phải chuyển từ trạng thái “ngựa biển” ào
ạt sang cái thì thầm sâu lắng nơi cửa Thiền, không phải đi từ hướng ngoại tới
hướng nội, … Tất cả chỉ đơn giản là lời trò chuyện về những chuyến đi. Có những
chuyến đi đầy háo hức và đợi chờ. Có những chuyến đi chỉ toàn là ác mộng và mất
mát. Có những chuyến đi mơ màng và đau đớn của tình yêu. Cũng có những chuyến
đi rất nhiều dấu hỏi…
Thơ Hoàng Hưng, khởi
từ Đất nắng (1970) đến Ngựa biển (1988), Người
đi tìm mặt(1994) và mới đây là Hành trình, chỉ có một phẩm
chất: đó là khả năng “đi cùng” với thơ ca một cách chân thành, sâu sắc. Cái “đi
cùng” ấy, tôi thích hình dung nó giống như sự “dấn thân”, “thấm thía”, “đầy
ứa”. Những người bạn trong thơ ông, nói cho cùng, là bạn đời, bạn tình, bạn
thơ; những câu chuyện của ông, nói cho cùng, là chuyện thơ, chuyện tình, chuyện
đời. Có gì khác nữa đâu. Ông dành cả đời cho thơ, và đời người cũng lẫn vào đời
thơ. Và những gì ông kể lại, thì thào với người đọc, chính là những ám
ảnh thơ ca trên mọi nẻo đường đời.
Đường
phố hôm nay mùa đông
Sao
áo em mùa hạ?
Những
sọc áo xanh cuộn sóng
Em
mang trên ngực biển đầy.
Biển
những ngày hè đẹp lắm
Ngày
nào tìm biển ta say.
Nhưng
mùa hạ đã ra đi
Chân
trời xa không ngấn nắng
Sao
em còn mang áo mỏng
Có
còn mùa hạ nữa đâu.
Sao
em làm lòng ta đau
Nhớ
ngọn lửa hè đã tắt.
Những câu thơ ngắn
giàu ám ảnh như thế vẫn đeo bám đời thơ Hoàng Hưng. Số phận những câu thơ giàu
cách tân đó tiếp tục nối dài những tranh cãi và hứa hẹn cho những chân trời thơ
khác. Sau này, đến tập Hành trình, chất ám ảnh ấy càng đầy đặn
hơn. Có thể xem nhiều bài thơ trong Hành trình là “thơ thiền
hiện đại” được chăng; nghĩa là trong ý thức sâu xa, thơ ông đã tương đắc một
cách đặc biệt với những sáng tác của các thiền sư cách chúng ta cả ngàn năm.
Thơ thiền hiện đại không phải là mảnh đất dễ gieo trồng tâm linh, bởi nó còn
chịu sự xô đẩy của cảm thức hiện đại. Phải chăng vì thế, vẫn còn đôi chỗ trong
tập thơ Hành trình này một chút “thu xếp” chưa thật nhuần nhụy
giữa sự ồn ào và tĩnh lặng, giữa phá cách trầm trọng và kinh điển khắt khe.
Ám ảnh của các tu sĩ
năm xưa là lời nhắc nhở chứng ngộ, là cách con người tham dự vào sự giải thoát
cho chính mình. Trong thế giới thơ Hoàng Hưng, một đôi bài chỉ đơn giản là sự
chắt lọc ám ảnh đời mình thành sợi tơ vàng sáng tạo. Con kén quằn quại trong
tinh thần ông là những câu hỏi không có điểm dừng với đời sống, với thân phận.
Một trong những bài thơ được yêu mến nhất của Hoàng Hưng trong tập Người
đi tìm mặt cũng nằm trong dòng chảy ám ảnh kỳ lạ đó:
Người
về từ cõi ấy
Vợ
khóc một đêm, con lạ một ngày
Người
về từ cõi ấy
Bước
vào cửa người quen tái mặt
Người
về từ cõi ấy
Giữa
phố đông nhồn nhột sau gáy
Một
năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai
năm còn mộng toát mồ hôi
Ba
năm còn nhớ một con thạch sùng
Mười
năm còn quen ngồi một mình trong tối.
Một
hôm có kẻ nhìn trân trối
Một
đêm có tiếng bâng quơ hỏi.
Giật
mình một cái vỗ vai.
Bài thơ đã lấy đi
nhiều giấy mực của văn giới. Nhà thơ cũng tâm sự: bạn đọc trong và ngoài nước
chia sẻ với ông rằng, bài thơ có thân phận của nhiều con người ở nhiều xứ sở
khác nhau, bài thơ là nỗi bất an của thời đại. Dày đặc hơn nỗi cô đơn, cao rộng
hơn nỗi tủi buồn, bài thơ không dừng lại ở tâm tình số phận. Nó là cái gì sâu
hơn cảm xúc; cái tứ thơ này, nói như Hoài Thanh bàn về thơ Hàn Mặc Tử, khen hay
chê cũng đều nhẫn tâm. Bởi đó chính là những nỗi niềm sống trải của nhà thơ đột
ngột lên tiếng từ một chuyến đi kỳ lạ đau đớn của cuộc đời. Tù đày, hay hơn thế
nữa, cũng neo đậu lại nơi tâm hồn con người vết thương của tồn tại, vết thương
ở xứ loài người.
Đúng như lời bộc bạch
của nhà thơ, hành trình thơ ông chỉ chăm chú kiếm tìm, gọi tên
những bất an ở tầng sâu của tâm hồn. Một tiếng ac-cooc chiều Matxcova cũng lay
động tiếng khóc một thời tuổi trẻ. Một tiếng quạ kêu ở Calcutta đủ kéo quá khứ
thiêng liêng vào trong cõi đời chật hẹp náo động. Những ngày mưa Bangkok gợi
lên cảm tưởng về những chuyến đi vô nghĩa lý… Nỗi niềm bất an ấy còn hiện diện
trong những câu thơ về sự sống, cái chết. Đó là một ngày sinh nhật giữa “vườn
thú xác xơ thu”, giản dị và buồn bã. Đó là dự cảm miên man về cái chết, từ cái
chết tinh thần đến sự kết thúc thân xác:
Còn
tôi sẽ chết cách nào đây
Chết
mòn chết mỏi
Trước
màn hình tivi?
Chết
dần mỗi sáng trong bài múa tham sinh tập thể?
Chết
nghìn lần trong mắt em?
Không.
Cái chết ấy tôi không chịu nổi.
Tôi
ước mình chết trong một chuyến đi…
(Cái chết)
Chết trên hành trình,
điều ấy có khác gì tâm niệm “đi cùng thơ cho đến chết”. Nhiều tác gia lớn đã
chết trên hành trình. Đó là Basho, là Tolstoi, là Nguyễn Bính…, những tâm hồn
đi cùng mưa gió của đời, chết trong rét mướt bất ngờ và sống sót mãi với văn
chương của họ. Vậy nên, chết trên hành trình cũng là một ẩn dụ đẹp. Đó là tư
tưởng của thơ, chí khí của thơ.
Những ám ảnh mới trong
thơ Hoàng Hưng lại tiếp tục xô đẩy nhau trong tập thơ dày đặc những chuyến đi
của ông: chỉ một cái “máy mắt” cũng trở thành “một đời chớp đông”, những đỉnh
cao đối nghịch nhau đầy ẩn dụ: dãy Himalaya tuyết vàng kim – nơi ẩn tu nghìn
năm bên cạnh những cao ốc chọc trời đảo Manhattan, New York chứa đầy hy vọng và
hiểm nguy; sông Hằng linh thiêng hằn lên bóng xác con trâu mộng trong dàn thiêu
quá khứ rồi đột ngột xuất hiện trong cảnh tình chen chúc mới:
Tràn
xuống sông bày người ngũ sắc
Xin
nước sông rửa sạch tội tình
Lão
du-già sát đầy mình tro tử thi vừa nguội
Ướp
xác phàm bằng hương liệu sắc – không.
Tôi nghĩ rằng đây là
những câu thơ hay nhất trong bài Sông Hằng. Chuyến đi đầy tính chất hành hương về cõi Phật của nhà thơ Hoàng
Hưng hẳn đã kịp ghi tạc nhiều biến chuyển tinh thần và làm “vụt hiện” nhiều ý
tưởng tài hoa, sâu sắc của ông. Hình ảnh những tu sĩ thời hiện đại “ướp xác
phàm” bằng thứ tro sinh tử vô thường khiến tôi cảm nhận khả năng “ký sự”,
“tốc ký” của nhà thơ về các bí ẩn văn hóa từ góc nhìn đời thường, nóng
bỏng. Khi ấy, thơ ca có được tiếng nói hồn nhiên sâu thẳm của nó trước thực tại
– điều mà người đọc nhiều thế hệ đã bắt gặp và ngỡ ngàng khi đối diện với những
trang viết quá sức đau đớn và chân thành của Boris Pasternak, của Apollinaire,
hay Emilly Dickinson…
Viết bằng ám ảnh, tin
vào cảm giác, sẵn sàng mở rộng, học hỏi không ngừng, người thầy giáo dạy văn
Hoàng Hưng năm xưa, anh lính hồn nhiên năm xưa, kẻ bị lưu đày hay “thọ nạn nghề
nghiệp” vào một buổi chiều, nhà thơ “lang thang” trên những lục địa nhiều màu
da … , tôi hy vọng, vẫn tiếp tục nhẫn nại mang đến cho người yêu thơ những tâm
tình mới, suy tư mới và cả những thể nghiệm ngang tàng, bạo liệt chỉ có ở những
nhà thơ tin sâu thân phận thơ ca của mình.
2-
Sức sống tinh thần trong hành trình sáng tạo của một nhà thơ – trí thức
Tôi đọc thấy những cụm
từ như thế này trong các bài bình luận thơ Hoàng Hưng: “giác quan chính trị”,
“kiến giải”, “thời sự lớn”, … Nhà thơ Hoàng Hưng còn được biết đến với vai trò
một dịch giả tài hoa, có uy tín. Vốn liếng chừng ấy: những quan sát tinh tường,
những dự cảm thiên phú, khả năng ngôn ngữ, ngoại ngữ vững vàng, tất cả tạo nên
một Hoàng Hưng nhà thơ, dịch giả, nhà báo. Và sâu sắc hơn, tôi nghĩ, ông là một
nhà thơ – trí thức.
Ít nhất trong thơ ông,
tôi đọc thấy nhiều thao thức chỉ có ở những kẻ “ăn phải bả thiêng liêng”, quen
cật vấn mình, quen hỏi trời hỏi đời, quen không khí đối thoại da diết với những
tâm hồn lỗi lạc, quen thấy mình bất lực trước chân trời xa, trước biển cả, quen
với không gian lý tưởng và tuyệt vọng não nề, quen với đòn chí mạng của cuộc
đời đánh vào những kiếm tìm “xa xỉ” của tinh thần. Phẩm chất trí thức trong thơ
Hoàng Hưng tạo nên đẳng cấp một nhà thơ hiện đại, đúng hơn là nhà thơ đương
đại. Ông chẳng ngần ngại tưởng nhớ Lorca và Ginsberg trên phố phường Times
Square, âm thầm gọi hồn Apollinaire giữa nước Pháp, và mai mỉa cả Nữ thần Tự do
nơi biển trời New York:
Trăm
con tàu lượn đến chào nàng nhưng không đến gần nàng được
Tự
Do! Tự Do! Một đời khao khát phút này nàng vẫn cách xa.
Ông kể về chuyến đi ở
nhà trọ Rovaniemi để chờ ánh sánh Bắc cực. Bài thơ gọn gàng đơn sơ nhưng cái
kết cục chẳng hề bình thường, nếu không nói là lạ lùng.
Người
ta bảo ánh sáng thiêng rửa sạch tâm hồn
Bắc
Cực Quang chỉ hiện ra cho những người tốt số
Nhưng
đời anh rủi lắm hơn may
Bắc
Cực Quang chờ suốt đêm không gặp.
Anh
đã ngủ thiếp đi
Và
giấc mơ anh tràn ánh sáng.
Những câu thơ cuối
cùng có cái
gì đó rất gần gũi với câu chuyện Nhà giả kim của Paulo Coelho. Chàng trai trẻ Santiago theo đuổi giấc mơ tìm kho báu của mình trong một chuyến đi mộng ảo. Ngòi bút ma thuật của Paulo Coelho đột ngột đưa chàng trai trở lại miền đất cũ ban đầu – nơi kho báu đã nằm ở đấy từ rất lâu. Thật đâu có khác gì người đàn ông trong bài thơ tìm ánh sáng thiêng. Giấc mơ ấy của nhà thơ là điểm kết nối thực tại lồng lộng với không gian tinh thần. Cái giấc mơ tràn ánh sáng là quá đủ cho một Bắc Cực Quang, hay chẳng thể nào là Bắc Cực Quang?… Tôi thích cái phấn khởi đầy bi kịch này.
gì đó rất gần gũi với câu chuyện Nhà giả kim của Paulo Coelho. Chàng trai trẻ Santiago theo đuổi giấc mơ tìm kho báu của mình trong một chuyến đi mộng ảo. Ngòi bút ma thuật của Paulo Coelho đột ngột đưa chàng trai trở lại miền đất cũ ban đầu – nơi kho báu đã nằm ở đấy từ rất lâu. Thật đâu có khác gì người đàn ông trong bài thơ tìm ánh sáng thiêng. Giấc mơ ấy của nhà thơ là điểm kết nối thực tại lồng lộng với không gian tinh thần. Cái giấc mơ tràn ánh sáng là quá đủ cho một Bắc Cực Quang, hay chẳng thể nào là Bắc Cực Quang?… Tôi thích cái phấn khởi đầy bi kịch này.
Thơ Hoàng Hưng là mối
giao hòa đặc biệt giữa thời sự và tâm linh, mơ mộng và thực tại,
nóng bỏng và chán chường… Tôi hiểu thơ đi giữa nhiều đối cực, không riêng gì
thơ Hoàng Hưng. Nhưng tôi tâm đắc cách giao hòa của thơ ông. Nói theo cách của
Tam Lệ: “Ông đã để chính cuộc đời mình thành tấm lọc lớn. Như một thứ phim đặc
biệt, chỉ ghi lại những gì từ một “bước sóng” riêng”:
Giữa
cánh rừng xêxan
Tôi
bắt gặp lũ trẻ trong làng
Đùa
vui trên đống rác thải du lịch
Những
tràng hoa phoi bào trên tóc
Trên
mình gấm vóc giấy màu
Chúng
nhảy nhót hò reo
Như
chưa từng đói khát.
Các
em hãy tới bên ta
Nhảy
múa trên những ưu phiền của ta
Trên
mình ta rác rưởi phù hoa (…)
(Trong rừng Xêxan)
Trò chơi con trẻ ở một
xứ sở nghèo túng trên đống rác thải được chụp lại qua ống kính Hoàng Hưng. Và
rồi tiếng nhảy nhót hò reo ấy lại trong sáng hơn biết dường nào khi ông hạ bút
“mình ta rác rưởi phù hoa”. Một phóng sự bé tí nhưng chất chứa…
Bắt nhịp với đời sống
đang sống, du nhập cho được cái khoảnh khắc có thật của cõi người, dọn ra đủ
món đời thường, triết lý và phản biện, hồn thơ Hoàng Hưng không chỉ đồng vọng
nỗi niềm “sầu sát đãng chu nhân” (buồn đến chết lòng người đi thuyền) của Lý
Bạch mà còn cất cánh lên những chân trời gai góc hơn.
Chó
đen rin rít những điều khó hiểu
Hồn
ai đang lang thang trong đêm?
(…)
Chó
đen sùng sục suốt đêm
Nỗi
ngứa ngáy tiền kiếp
Phát
điên vì không nói được
Sau này đến tập Hành
trình, con chó đen tội nghiệp ngứa ngáy hóa thành đàn chó rừng đầy hăm
dọa và bí hiểm:
Suốt
đêm thao thức hồ nghi
Tiếng
chó rừng có thật, không có thật?
Tiếng
vô minh
Hú
lên lừa mị trên đường ta đi tìm sự thật?
(…)
Bỗng
mắt mắt mắt mắt
Chi
chít mắt xanh
Nhìn
ta trong bóng đêm.
Im
lìm.
Từ hình ảnh con chó
ngứa ngáy tiền kiếp đến đàn chó hóa thành “mắt mắt mắt mắt”, tôi nghĩ thơ Hoàng
Hưng đã gặp gỡ với thơ ca thế giới ở khả năng biểu tượng hóa mạnh mẽ, rất thời
sự mà vẫn quyến rũ ẩn dụ. Không biết ông có chia sẻ với tôi rằng, đó là một
thành tựu, là “thuật giả kim” mà ông học được từ các bậc thầy thơ ca, hay từ
chính cuộc đời mà ông đã trải nghiệm một cách tan nát và nhọc nhằn.
“Thơ hiện đại mà súc
tích như cổ thi”, “trong sáng cổ điển”, “tả bóng ra hình”, “công lực công
phu”…tôi rất muốn mượn những lời bình này của Vũ Quần Phương, Vân Long, và
những bạn thơ khác viết về Hoàng Hưng để nói thêm phẩm chất Đông – Tây kết hợp
trong hành trình sáng tạo của nhà thơ. Rõ ràng có hai khuynh hướng được phát
triển khá tinh tế trong dòng mạch sáng tác thơ Hoàng Hưng. Một là chịu sự tác
động của tinh hoa văn học nước ngoài như Pháp, Mỹ, hay châu Âu nói chung (phần
này quá nhiều người bàn đến), khuynh hướng thứ hai thể hiện rất rõ chất thơ
phương Đông, đặc biệt của Nhật Bản (phần này có vẻ mới). Tôi cảm nhận chất
Haiku trong thơ Hoàng Hưng qua những bài thơ dài ngắn khác nhau, trong những tứ
thơ đột ngột và gợi cảm, trong những ý tình và cách chắt lọc ý tưởng:
Vươn
ra nắng
Mọc
những đôi cánh lá
Trong
veo
Hoàn toàn mang phẩm
chất một bài Haiku: đẹp, đơn sơ, cụ thể, và cũng tràn trề không gian…
Một bài khác tôi đặc
biệt yêu thích:
Thầy
vào như hơi gió
Tăng
đoàn rạng rõ tuệ quang.
An
tịnh – mỉm cười
Đã
về – đã tới
Bây
giờ – ở đây
Tự
do ngay phút này – hoặc không bao giờ nữa.
(Bậc Thầy)
Nếu thơ “vụt hiện”
trước đây trong tập Ngựa biển vẫn mang nhiều dáng dấp “thí
nghiệm”, “phác thảo” (theo tôi là vậy) thì chất “vụt hiện” ở một số bài thơ
trong tập Hành trình, tôi nghĩ, đã tìm thấy “căn cơ” trưởng
thành, nhất là trong bài thơ vừa nêu. Bản thân tôi có quá trình tìm hiểu thơ
thiền nên cũng cảm nhận hương hoa đôi chút về thể loại thơ ca đặc biệt này. Với
bài Bậc thầy, tôi chỉ có thể nói: ở một góc độ nào đó, bản thân
nhà thơ cũng có tư chất “bậc thầy”, ít nhất là ở khả năng cảm hiểu sâu sắc và
mãnh liệt cốt lõi vẻ đẹp tôn giáo trong thơ. Hồn bài thơ là hồn thiền. Đó là
bài thơ về khoảnh khắc, “chơi” khoảnh khắc: khoảnh khắc bậc Thầy xuất hiện,
khoảnh khắc an tịnh, khoảnh khắc chứng ngộ, và khoảnh khắc hiểm nguy chết người
(không bao giờ nữa).
Con đường tìm kiếm đầy
đam mê và quyết liệt của nhà thơ Hoàng Hưng cũng đến hồi sáng tỏ. Thơ ông cho
thấy lối đi mới rất riêng, chạm được phong cách sáng tác hiện đại châu
Á. Tôi nói điều này vì nghiệm thấy cảm nhận của tôi có thể chia sẻ được với
Paul Hoover, nhà thơ Mỹ đương đại – người đã làm một phép so sánh con người
tinh thần trong thơ Hoàng Hưng giống với người đàn ông trong tiểu thuyết nổi
tiếng Người đàn bà trong cồn cát của nhà văn Nhật Bản Abe
Kobo. Có lẽ khi phát hiện phẩm chất hiện đại châu Á của thơ
Hoàng Hưng, ông Paul Hoover cũng chưa hình dung thơ Hoàng Hưng còn có những
khía cạnh khác tương đắc kỳ lạ với Abe Kobo. Trong khi nhiều người phỏng vấn
nhà thơ Hoàng Hưng đã đặt vấn đề “người đi tìm mặt” ra sao, thì trong văn học
thế giới, mô hình “tìm mặt” đã là một chủ đề lớn. Người cười của
Victor Hugo là một ví dụ. Trở lại Abe Kobo, tôi thích so sánh khái niệm “tìm
mặt” của Hoàng Hưng với khái niệm “Khuôn mặt người khác”, cũng là tên tác phẩm
của Abe Kobo, tác phẩm đã góp phần đưa nhà văn Nhật hiện đại bậc nhất này lên
hàng tác gia thế giới. Cuốn tiểu thuyết viết về người đàn ông loay hoay với sự
“biến dạng” cùng những triết lý về ý nghĩ khuôn mặt mình trong cuộc sống, trong
tình yêu. Điều này cũng nằm trong chuỗi suy tưởng mà nhà thơ Hoàng Hưng muốn
gửi gắm ở tập thơ Người đi tìm mặt:
Đêm
xuống rồi
Ta
lẻn
Đi
tìm mặt mình
Đi
tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình
(…)
Mặt
tôi trong gió cuốn
Mặt
tôi trong nắng đốt
Mặt
tôi trong lá ngón
Mặt
tôi còi vọng cô liêu
Mặt
tôi bàn tay ôm ấp
Mặt
tôi đá núi im lìm
Mặt
mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm (…)
(Người đi tìm mặt)
Ngoại trừ bài thơ rất
rõ tứ này, tôi có cảm giác tập thơ “tìm mặt” dường như dừng lại ở ý thơ, ở niềm
hưng phấn và phát hiện một chiều sâu nào đó; nó chưa được khai triển thành tứ,
hay đúng hơn chưa phải là nòng cốt tư tưởng của tập thơ mà nó mang tên.
Chất thơ Hoàng Hưng
dường như vẫn phải gắn với sự sắc sảo hồn nhiên và ấm nóng, hơn là sự sắc bén lạnh
lùng theo kiểu những nhà tư tưởng hiện sinh hay “phá phách”. Trong tâm thế này,
tôi rất chú ý đến hai bài thơ Cửa sông và Tuyết sơn của
Hoàng Hưng trong tậpHành trình.
Và tôi phát hiện cái
“không thể” trong thơ Hoàng Hưng như một tiếng khóc sâu. Mong ngắm Bắc cực
quang mà không thể. Chờ ngắm núi tuyết mà không thể. Muốn lên đỉnh Bài thơ mà
không thể. Phấp phỏng chờ đợi đường đổi ngày trên máy bay cũng không thể… Tôi
đã hiểu vì sao trong đêm trở về sau chuyến phiêu bạt bất ngờ, bên người bạn đời,
nhà thơ đã viết: “Ước nằm nghe mưa rồi chết” (Mùi mưa hay bài thơ của M.). Không còn thay đổi được. Không còn biết làm
thế nào. Không biết phải chịu đựng điều gì. Không biết vì sao đã phải chịu
đựng. Và cái cồn cát nơi cửa sông lại trào lên một ám ảnh ma rợn:
Ta
bước lên một chợ cá sắp tàn
Cồn
cát trắng lửng lơ giữa biển
Đến
hết cồn này mình sẽ thành con trẻ
Cởi
ba lô vứt lại giữa những mảnh ván thuyền
Đến
hết cồn này mình sẽ sang kiếp khác.
Em
ngập ngừng một giọt lệ trên mi
Đời
sống này buồn mà đẹp quá (…)
Ta
cứ đứng phân vân trên cồn cát
Các
bạn chài đã đi hết rồi
Những
chiếc thúng rập rờn ngoài cửa biển
Còn
hai chúng mình
Đi
thôi
“Nỗi quằn quại của đời
anh, ngòi bút anh đang nói với chúng ta đôi điều mới lạ về số phận con người”
(Hoàng Cầm). Bài thơ Cửa sông lặng lẽ trôi qua tay tôi, nhưng
giờ đã ở lại trong lòng tôi với một nỗi buồn “tiền kiếp”, một đam mê “tiền
kiếp”. Buồn và đam mê cuộc đời này. Cửa sông cửa biển ấy là cửa ngõ của rất
nhiều đôi lứa, nhiều định mệnh, đưa đẩy và úa tàn, chấm dứt và mênh mang. Tôi
nhớ Herman Hess với Shiddhartha (được dịch ra tiếng Việt là Câu
chuyện dòng sông). Thái tử Tất Đạt, người thành Phật dưới cội bồ đề hơn hai
ngàn năm trước, được Herman Hess mô tả trong những biến cố tan tành của dục
lạc. Và con đường tâm linh của Người vang trong tiếng nói sâu thẳm nơi dòng
sông nhân loại. Câu chuyện dòng sông là câu chuyện của đau khổ được giải thoát.
Còn “Cửa sông” của Hoàng Hưng là giải thoát hay chấm hết, là “đi” hay “về”, là
“sống” hay “chết”?… Có nhiều người đọc thơ đã yêu cái “bối rối” vô bờ ấy.
* * *
Về cuối đời, nhà thơ
Chế Lan Viên viết:
Nửa
thế kỷ tôi loay hoay kề miệng vực
Leo
lên những đỉnh tinh thần chất ngất…
Tôi có niềm tin rằng
những người sống còn với thơ ca trước sau vẫn là kẻ hành hương lên các đỉnh
tinh thần. Cõi sáng tạo bắt họ hiến tế chính niềm vui nỗi buồn của mình, gửi đi
biền biệt những thao thức xa xôi về bao nhiêu phi lý. “Cuốn sổ đoạn trường” ấy
chắc là đã có tên nhà thơ Hoàng Hưng. Hành trình đời, hành trình suy tư gân
guốc và tha thiết là tiếng nói thầm thì trong thơ ông. Tôi tin đó là sức mạnh
bền bỉ hồn thơ Hoàng Hưng. Tận tụy và liều lĩnh, ông đã phó thác mình cho những
chuyến đi vô tận của thơ ca và cuộc đời – những chuyến đi quá nhiều sóng gió
rủi may, nhưng cũng không ít vàng ròng sáng tạo!
TP.
Hồ Chí Minh, đầu xuân 2008-2010
Tư
liệu tham khảo
* Các tác phẩm Hoàng
Hưng: Ngựa biển (NXb Trẻ
1988), Người đi tìm mặt (NXB Văn hóa Thông tin, 1994), Hành trình (Hội Nhà văn,
2005) và một số bài phỏng
vấn Hoàng Hưng trên các báo, tạp chí, …
1.
Hoàng Hưng đi tìm mặt – Hoàng Cầm, trích trong Văn xuôi Hoàng Cầm, NXB
Văn học, 1999.
2.
Nỗi ngứa ngáy tiền kiếp trong một cuộc chuyển giao tài sản hư vô và cuộc truy
tìm khuôn mặt Hoàng Hưng,
Nguyễn Đỗ, lời bình trong Người đi tìm mặt, NXB
Lao động, 1994
3. Vùng Hoàng Hưng,
Nguyễn Hữu Hồng Minh, đăng trên Talawas 2003
4.
Hành trình thơ Hoàng Hưng –
Nguyễn Thụy Kha, tạp chí Sông Trà, số 14/ 2006
5. Người đi tìm mặt,
Thụy Khuê, RFI, 1994
6. Ngựa biển, Thụy
Khuê, RFI, 1988
7.
Thơ đến với người và thơ đi tìm mình, Phong Lê, in trong Văn học trong hành trình tinh thần của con người, NXB Lao động, 1994.
8. “Hành trình” đến
giấc mơ “tràn ánh sáng” – Nhật Lệ
9.
Vụt hiện của con thạch sùng –
Tam Lệ, in trên trang web Tiền vệ
10.
Thời sự lớn từ một bài thơ nhỏ – Vân Long
11.
Hành trình Hoàng Hưng – Vân Long, 2006
Người
làm thơ khó tính, Ngô Văn Phú, in
trong Duyên nợ văn chương, Hội Nhà văn, 2002
12.
Người về – Vũ Quần Phương
13.
Người đi một cuộc hành trình (tài liệu tác giả cung cấp)
14.
Người đi tìm mặt”, người đi tìm … thơ – Nguyễn Thị Minh Thái, trích trong Đối thọai mới với văn chương, NXB Hội Nhà văn 1996
15.
Người chỉ đếm đến một, Thanh Thảo, lời bình
trong Người đi tìm mặt, NXB Lao động, 1994
16.
Người về – một bài thơ xuất sắc của nhà thơ Hoàng Hưng- Nguyễn Anh Tuấn
17. Thư của Paul
Hoover (Nhà thơ, Trường Đại học Columbia, Chicago – Chủ biên tạp chí New
American Writing) gửi GS. Tom Nawrocki, Khoa Anh Ngữ, CCC, tháng 1- 2003
18. Thư của Robert
Creeley, Nhà thơ Mỹ, đồng chủ tịch Viện Hàn Lâm thơ Hoa Kỳ gửi Hoàng Hưng năm
1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét