Đích cuối cùng của thi ca
ĐỖ MINH TUẤN
· Khi nhà thơ giống như
thần ái tình phóng những mũi tên ngôn ngữ tới trái tim người đọc để gieo rắc
tình yêu, cái đích của ngôn ngữ thơ ca là cái chết của nó, là sự hoá thân thành
nỗi đau, tình yêu, khát vọng giải thoát và biết bao năng lượng sống mà ngôn ngữ
thơ ca khi đã thức dậy trong lúc nó lặn tắt đi, trở thành "cái
không gì cả". Thơ ca sẽ chưa đi tới đích, nếu nó không làm cho kẻ bị
ngôn ngữ thơ ca làm trúng hương bừng ngộ một khát vọng giải thoát kỏi sự trúng
thương hoan lạc đó. Nhà Phật đã từng dạy đại ý : nếu ta bỗng nhiên bị một mũi
tên từ đâu bắn tới cắm vào vai thì việc đầu tiên là phải rút ngay mũi tên đó ra
chứ không phải ngồi đó mà ngắm nghía mũi tên, băn khoăn với những câu hỏi siêu
hình : mũi tên dài bao nhiêu, làm bằng gì, do ai bắn, bắn để làm gì, bắn từ đâu
tới? Người đọc thơ cũng vậy, nếu ngôn từ của nhà thơ không làm cho anh ta lãng
quên thơ, giải thoát khỏi thơ để sống mãnh liệt hơn, tinh tế hơn thì ngôn từ ấy
chỉ là một mũi tên chưa tới đích. Nó cắm vào tim con mồi mà con mồi không đau,
không chạy trốn, không rút nó vứt đi để băng bó vết thương mà, trái lại, còn để
yên mũi tên ở đó, thích thú chiêm ngưỡng, khoe khoang, như là khiêu khích.
Những câu thơ nằm rõ mồn một trong ký ức là những mũi tên chưa tới đích. Nó
dừng lại giữa đường đi từ trái tim đến trái tim, từ sự sống đến sự sống, lãng
quên nhiệm vụ chính là xả thân, hoá thân thành năng lượng phi ngôn ngữ, thành
vô thức cộng đồng, thành siêu ký ức. Nó còn quá yêu bộ cánh của mình, trưng
diện bộ cánh ngôn từ trên sân khấu trí nhớ như những kẻ đào ngũ, ham chơi.
Khi nhìn ngón tay chỉ
lên mặt trăng, thì những kẻ thiển cận say mê nghĩa bóng sẽ chỉ nhìn vào ngón
tay mà tưởng tượng đó là nòng súng lục hay cái đầu của một con chim; những
người có hiểu biết tối thiểu sẽ vượt qua ngón tay để tìm tới cái đích mà ở đó
ngón tay và hình bóng của ngón tay không có tư cách tham dự nữa. Ngôn ngữ thơ
ca cũng có thể được hiểu bằng nghĩa bóng, nhưng cái đích mà nhà thơ hướng đến
lại vượt thoát khỏi ngôn ngữ và hình tượng ấy. Thứ ngôn ngữ thơ níu tầm mắt của
người đọc vào mình, vào cái bóng của mình là ngôn ngữ thơ ca mang tư cách phản
loạn của Juda, nó coi hình dáng, vẻ đẹp của nó cái bóng của nó cao hơn tất thảy
nên nó sẵn sàng bán rẻ vị Chúa chân lý thi ca để lấy tiền mua son phấn và xiêm
áo trang sức cho chính nó. Nó dừng lại, đào ngũ giữa chặng đường hành hương tới
nươc Chúa, tới Thiên đàng. Có thể nói rằng thứ ngôn ngữ thơ ca ấy đã tới đích
được không? Cho dù nó đã có tiền để mua sự nổi tiếng và ảo tưởng rằng khi đã
nổi tiếng rồi thì nói gì làm gì cũng thành giá trị? Erostrate - kẻ đốt đền - đã
chẳng nổi tiếng đó sao? Nhưng sự nổi tiếng của hắn chỉ là tiếng vang của trái
bom huỷ hoại, đâu có thể là nền tảng của những sáng tạo, cách tân. Chính những
kẻ cách tân chân chính không cần phải loay hoay lột xác, đổi mới, cải chính,
đập phá sự nổi tiếng cũ của mình. Đa số họ thai nghén một nguyên lý mới, một
con đường mới trong tầng tầng thiệt thòi, oan trái và câm lặng, để một ngày kia
xuất hiện lần đầu, trinh trắng và non tơ trong tư cách một thiên sứ, mang một
thông điệp mới của tương lai. Dù có bị đe doạ hoả thiêu, thì những Galilée cũng
sẽ chọn con đường nổi tiếng một lần đầu bằng sự cách tân đầy thách thức nguy
hiểm. Chỉ có ai ngộ nhận lẫn lộn quyền lực và chân lý, đánh đồng quảng cáo và
chân giá trị thì mới gán cho sự nổi tiếng cái vai trò cội nguồn giá trị. Nếu
Picasso nói : "Muốn thể nghiệm gì thì hãy nổi tiếng cái đã" thì
không có nghĩa là ông khuyên muốn xem các kênh truyền hình thu từ anten parabon
ta phải ngôì xem hết những chương trình phát trên kênh đại chúng, cũng không
phải ông khuyên trước khi học lái máy bay phải nổi tiếng ở nghề lái tàu hoả,
lái ô tô. Lịch sử phát minh và cách tân của nhân loại co rút lại trong
mấy năm ta ngồi ghế nhà trường: Đó là khoảng thời gian ta sống tượng trưng với
lịch sử nổi tiếng của loài người. Khi vào đời, ta phải nổi tiếng ở những cách
tân mới mẻ ngày hôm qua chưa có, chứ không phải lại quấy rầy sự lặng im của
thiên hạ bằng những tri thức học trò. Dĩ nhiên, việc trích dẫn lời các thầy
biểu hiện sự tôn kính của kẻ học trò biết tôn sư trọng đạo. Nhưng sẽ là lố bịch
nếu đem vé đường bộ ra so đọ với vé hàng không để hạch sách những người đi máy
bay là những người lậu vé, làm giả vé và hãnh tiến.
Trở lại vấn đề cái đích
cuối cùng của thơ ca, "cái không gì cả" có phải là cái "tắc
tỵ" không? Thơ tắc tỵ cũng là một loại thơ đã quá khứ - nó cũng là những
mũi tên ngôn ngữ cắm vào tâm trí người đọc, và làm người đọc thơ khó chịu.
Nhưng người đọc cứ phải loay hoay đánh vật với nó rất khó rút nó ra, vì những
câu thơ tắc tỵ là những mũi tên có ngạnh, nó cố bám vào ta chứ ta đâu muốn giữ
nó lại để ngắm nghía như những mũi tên đỏm dáng. Rốt cục, thơ tắc tỵ cũng là
một loại ngôn ngữ ăn vạ, cố phô phang bộ mặt nhăn nhó nhâng nháo của nó trước
ta và đòi ta thừa nhận rằng chính nó mới là thơ đích thực. Nó thiếu sứ mệnh,
thiếu lý tưởng, thiếu cội nguồn. Đó là thứ ngữ pháp tự đánh què mình để đòi ưu
đãi với người tàn tật. Nó khác với siêu ngôn ngữ là thứ ngôn ngữ tự nhiên, nhẹ
nhàng như lướt đi bằng bước chân thần thánh. Đó là những mũi tên sắc ngọt xuyên
qua trái tim người đọc và bay biến vào hư vô, chỉ để lại vết thương - nó là
ngôn ngữ hoá thân thành cuộc sống. Đúng là, ta có thể mở sách ra trích dẫn nó,
đọc lại nó trong các cuộc bình thơ, nhưng đó là việc tạo lại hiện trường của
ngành pháp y để giám định tính chất vết thương. Và mỗi lần đọc lại thơ, trích
dẫn thơ là một lần giám định lại cái hiện trường ngôn ngữ đã gây ra thương
tích. Ta không thể lẫn cái hiện trường đã dựng lại - dù bởi chính những hung
khí cũ - với bản thân vụ án.
Tính chất siêu ngôn ngữ
của thơ hay, thơ hiện đại chính là tính chất đối thoại ngỏ của tác phẩm trong
tư cách khối ru bích xoay sẵn gần đủ các màu để trẻ con xoay tiếp một hai vòng
là có thể reo lên tiếng reo hạnh phúc của kẻ đạt tới chân lý thơ ca. Thơ hiện
đại thách đố bằng bản thân cái loạn xạ bên ngoài nhưng hàm chứa chân lý cuộc
sống trong cấu trúc hoàn chỉnh bên trong. Nó làm mệt những người thiếu chủ
động, thiếu kiên nhẫn, thiếu liên tưởng. Nó làm khó chịu những ai muốn tới đích
nhanh để thắng điểm trong cuộc thi ăn thua nào đó. Nhưng giá trị của nó lại
chính là hành trình mò mẫm và dang dở nhưng luôn có đích, cái đích cuối cùng đã
được áp đặt bởi chiều sâu chân lý thơ ca. Chân lý thơ ca chính là một chân lý
áp đặt chứ không phải là thứ chân lý có thể chứng minh - nó giống như mặc khải,
trong Thiên Chúa giáo và Ngộ trong Phật giáo. Chính vì thế mà sau khi Thôi Hiệu
đời nhà Đường đưa ra một cấu trúc ngôn ngữ của ông trong bài Vịnh Hoàng
hạc lâu, những người đến sau ông không ai dám vịnh lầu Hoàng hạc nữa. Không
phải Thôi Hiệu đã chứng minh được mình mang chân lý thơ ca bằng lý lẽ, bằng kiểm
chứng, mà ông đã áp đặt chân lý thơ ca vào họ bằng chính thơ ông. Những nhà thơ
khi sáng tác những kiệt tác, đã đưa ngôn ngữ chạm vào vô thức cộng đồng, hoá
thân thành ký ức văn hoá mà ở đó nó trở thành tâm linh, thành cuộc sống. Chính
vì thế, những bài thơ đích thực không định hình nội dung, nó đã đạt tới
"cái không gì cả" giống như mặt gương trong mà mỗi lần đứng trước nó
ta bắt gặp một hình ảnh khác của mình. Cũng vẫn bài thơ ấy hôm nay đọc ta có
cảm giác khác với cảm giác của lần đọc hôm qua. Nó giống như một thứ ống kính
vạn hoa, chỉ ngần ấy mảnh màu ngôn ngữ thôi mà mỗi khi ta xoay nó lại cho một
hình ảnh khác. Bài thơ chạy trốn ta nhưng không thoát khỏi ta. Ta đuổi bắt bài
thơ với cái vui thú của cuộc ú tim trên ranh giới giữa ý nghĩa và vô nghĩa,
tỉnh và mơ, ý thức và vô thức. Mục đích của thơ là đưa con người vào một cuộc
chơi tưởng tượng, lôi con người vào thế giới của thi nhân, hoá thân thành thi
nhân để lắng nghe những đồng vọng bản thể. Thơ là nhịp cầu liên chủ thể cộng
thông giữa con người với nhau và với đất trời, giữa hư và thực, giữa khoảnh
khắc và vĩnh hằng, giữa nhớ và quên...
Thơ hay, dù là viết bằng
thi pháp truyền thống hay thi pháp hiện đại thì cũng mang tính chất biến ảo
trong veo của tấm gương như thế, nhưng thơ truyền thống là tấm gương đặt trong
buồng mà người ta chỉ có thể đối diện với nó sau khi vượt qua một hành lang hẹp
của lô gích và ý nghĩa. Thơ hiện đại là tấm gương đặt ngoài trời, hơn thế nữa
là tấm gương được cạo bớt thuỷ ngân khién người đọc nhìn vào tấm gương lỗ chỗ ấy
được thấy hình ảnh mình đan dệt với hình ảnh thiên nhiên và kẻ khác sau gương.
Và ta gọi là siêu thực cái hình ảnh một bộ mặt bỗng nhiên có một bông hoa, một
con chó, một chú ốc sên xen vào giữa vầng trán suy tư, nhưng đó là cách gia
tăng dung lượng của cuộc sống trong tấm gương ngôn ngữ. Nhà thơ phải cải tạo
tấm gương này, phá bỏ mặt phẳng ngữ pháp quen thuộc của nó, giảm bớt những ranh
giới ngăn cách con người và vũ trụ, ý thức và vô thức, hình thể với tâm linh
bằng cách tạo ra những khoảng trống ngôn từ, những bước nhảy liên tưởng, những
tự do tham dự - đó chính là một thứ siêu ngôn ngữ. Đã là ngôn ngữ thì hiển
nhiên là có ngữ pháp, nhưng ngữ pháp của siêu ngôn ngữ chính là những liên hệ
bên trong mang tính bản thể, tâm linh. Khi ta nói thơ hiện đại phá huỷ ngữ pháp
(chứ không phải "viết sai ngữ pháp") là ta nói đến sự vượt
thoát khỏi những liên hệ ngữ pháp ở tầng ý thức duy lý, dù là những liên hệ
ngược chiều kiểu chơi chữ và đảo chữ thì cũng vẫn là loay hoay tháo xiềng ngữ
pháp, chưa đạt tới tự do.
Tự do trong thơ hiện đại, ở những tác phẩm hay, không phải là sự tuỳ tiện của nhà thơ mà chính là tự do của tâm linh khi chủ thể sáng tạo mang cảm thức hoà đồng như triết học phương Đông xưa hướng tới hoà điệu với những tiết điệu bất ngờ và kỳ thú của bản thể vũ trụ, ở đó, cái lực hút lôi nhà thơ rẽ ngoặt trong liên tưởng không phải là lực hút của sự tò mò phá phách, dù điên khùng hay tỉnh táo, mà chính là sự mở rộng hồn nhiên của nhân cách theo sự mời gọi thẳm sâu của những tiết điệu vũ trụ bồi hồi, quyến rũ, mênh mang. Chính vì thế mà thứ thơ làm xiếc ngôn từ, tung hoả mù ngôn ngữ để che đậy cái lô gíc duy lý (lô gíc sự việc, lô gíc của ý tưởng) chỉ là thơ giả hiện đại, chưa có nền tảng tâm linh, chưa đạt tới siêu ngữ pháp của sự hoà đồng. Thơ đó cũng chỉ là một loại tượng bê tông cốt thép trong cửa thiền, hoặc là những nén hương điện tử trên bàn thờ, không thấm đượm ký ức cộng đồng sâu thẳm như trong khói nhang dân dã. Thơ hiện đại đích thực mang trong nó cái linh hồn triết học của văn hoá phương Đông truyền thống đằng sau cái vẻ gân guốc rời rạc và loạn xạ của những tập hợp ngôn ngữ có vẻ phi truyền thống. Đó là sự phục hưng văn hoá truyền thống sau thời kỳ bị lai căng ảnh hưởng chủ nghĩa duy lý Tây phương trong những mệnh đề ngôn ngữ thơ rạch ròi, sáng tỏ, phiến diện một chiều và áp đặt, không gần gũi với cảm quan nhiều chiều của nhân dân.
Tự do trong thơ hiện đại, ở những tác phẩm hay, không phải là sự tuỳ tiện của nhà thơ mà chính là tự do của tâm linh khi chủ thể sáng tạo mang cảm thức hoà đồng như triết học phương Đông xưa hướng tới hoà điệu với những tiết điệu bất ngờ và kỳ thú của bản thể vũ trụ, ở đó, cái lực hút lôi nhà thơ rẽ ngoặt trong liên tưởng không phải là lực hút của sự tò mò phá phách, dù điên khùng hay tỉnh táo, mà chính là sự mở rộng hồn nhiên của nhân cách theo sự mời gọi thẳm sâu của những tiết điệu vũ trụ bồi hồi, quyến rũ, mênh mang. Chính vì thế mà thứ thơ làm xiếc ngôn từ, tung hoả mù ngôn ngữ để che đậy cái lô gíc duy lý (lô gíc sự việc, lô gíc của ý tưởng) chỉ là thơ giả hiện đại, chưa có nền tảng tâm linh, chưa đạt tới siêu ngữ pháp của sự hoà đồng. Thơ đó cũng chỉ là một loại tượng bê tông cốt thép trong cửa thiền, hoặc là những nén hương điện tử trên bàn thờ, không thấm đượm ký ức cộng đồng sâu thẳm như trong khói nhang dân dã. Thơ hiện đại đích thực mang trong nó cái linh hồn triết học của văn hoá phương Đông truyền thống đằng sau cái vẻ gân guốc rời rạc và loạn xạ của những tập hợp ngôn ngữ có vẻ phi truyền thống. Đó là sự phục hưng văn hoá truyền thống sau thời kỳ bị lai căng ảnh hưởng chủ nghĩa duy lý Tây phương trong những mệnh đề ngôn ngữ thơ rạch ròi, sáng tỏ, phiến diện một chiều và áp đặt, không gần gũi với cảm quan nhiều chiều của nhân dân.
Chính ký ức cộng đồng,
cảm thức văn hoá của một cộng đồng mới là cái đích của thơ ca, nơi ngôn ngữ từ
đời sống vút lên trong nhịp sống phù du biến ảo của nền tảng văn hoá tâm linh
của đời sống, chấm dứt cuộc đời của ngôn ngữ để bắt đầu cái sứ mệnh cao siêu
của "cái không gì cả" - tên tục của những lực lượng
tâm linh bí ẩn ám ảnh con người và lịch sử như một thứ hiệu ứng của thánh thần
và của bùa thiêng. "Cái không gì cả" đó chính là
siêu ký ức mơ hồ mà dai dẳng, giống như hồn thiếng lẩn quất quanh ta và trong
ta, để mỗi khi nó nhập vào ai đó, sẽ trở thành sức mạnh trần thế giải phóng,
dựng xây và khai sáng. Quả thực là, "cái không gì cả", nếu
hiểu theo nghĩa đó, là cái đích cuối cùng của nghệ thuật thơ ca.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét