Thứ Tư, 13 tháng 8, 2014

Lễ Vu Lan và xả tội vong nhân

 Lễ Vu Lan và xả tội vong nhân  

       NGUYỄN HÙNG VĨ
·    PV: Thưa nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, ông cho biết ý nghĩa của lễ Vu lan bồn vào rằm tháng Bảy này?
NHV: Ba chữ "Vu lan bồn" là chuyển âm Phạn đọc Ullambana, nghĩa Hán dịch là Đảo huyền, nghĩa tiếng Việt làTreo ngược. Tất nhiên, Ullambana trong tiếng Phạn được dùng với nghĩa bóng để chỉ nỗi khổ của những người bị đọa vào kiếp Ngạ quỉ ở cõi Diêm phù đề, chịu nỗi đau như người ta bị treo ngược vậy. Hai chữ Đảo huyền trong chữ Hán, với nghĩa bóng mở rộng, chỉ nỗi đau khổ thống thiết nói chung, nhà Nho cũng hay dùng. Hai chữ Treo ngược trong tiếng Việt thường chỉ mang nghĩa đen mà thôi. Tiếng mình nó vậy. Cũng có sách giải nghĩa hơi khác nhưng đó là các dị nghĩa xuất hiện trong quá trình truyền bá Phật giáo.
Tín ngưỡng Vu lan bồn có từ văn hóa cổ xưa của Ấn Độ, trước cả khi Phật giáo ra đời. Trong sử thi cổ đại Mahabharata người ta đọc thấy nhiều lần nhắc tới việc hành lễ Vu lan bồn rồi. Như vậy, Phật giáo đã tiếp thu nền tảng tín ngưỡng đó và điển phạm hóa thành pháp hội và ghi thành truyền thuyết trong Kinh tạng của mình. Tuy nhiên, không loại trừ sự tích hợp rộng lớn hơn vì ta thấy trong văn hóa Hi La, thời gian này (tháng tám, tháng August, cũng là tháng xá tội cho phạm nhân - tháng giữa Ấn Độ, phương Tây, và Trung Hoa có sự xuất nhập phức tạp trong lịch sử). Một cội nguồn đa nguyên (từ trước) và một vận động đa dạng (về sau) chính là những điều phải tính đến khi tìm hiểu nó. Khi đã vào Kinh tạng của Phật giáo, nó thường được kể theo truyền thuyết Mục Kiền Liên cứu mẫu. Mục Liên là đệ tử bậc nhất của đức Phật, người đã từng cùng đức Phật đi giảng đạo, ông tu hành đạt đến Đại A la hán. Mục Liên dùng thiên nhãn của mình thấy được mẹ bị đầy xuống cõi Diêm phù làm kiếp Ngạ quỉ, đau khổ, đói khát. Thương mẹ, ông đưa thức ăn nhưng đến miệng lại hóa ra lửa. Ông cầu đức Phật bày cho cách cứu mẹ. Đức Phật dạy đến rằm tháng bảy, mùa chư tăng tự tứ (hết hạ) thì làm năm trăm mâm cỗ cung dưỡng 10 phương. Ông làm vậy và mẹ ông, bà Thanh Đề, xả hết 10 tội bà mắc khi tại thế để lên được cõi trời Đâu Suất. Từ đó mà có pháp hội Vu lan bồn. Vì bà Thanh Đề có hai tư cách: làm Mẹ và làm Ngạ quỉ nên cứu mẹ cũng là cứu Ngạ quỉ, điều này là quan trọng khi hiểu chữ Hiếu trong đạo Phật nói chung.
PV: Trong quá khứ người ta thực hành lễ Vu lan như thế nào?
NHV: Ở phương đông, trên đất Trung Hoa, theo truyền thuyết, thời nhà Lương đã mở hội Vu lan bồn để báo ân đức cha mẹ tổ tiên, sau đó nhà Đường thì phát triển mạnh mẽ ra chốn dân gian. Ở Việt Nam, chắc thời Bắc thuộc cũng đã hành lễ nhưng sách vở ít ghi lại. Thời Trần chắc chắn đã có lễ vì trong bài tựa sách Khóa hư lục, Trần Thái Tông đã mở đầu thiết tha bằng nỗi thương cha nhớ mẹ mà tìm đến đạo khóa hư. Chắc chắn Vu lan bồn kinh và kinh luật về hiếu hạnh đã phổ biến. Kinh chắc là đi kèm với lễ. Bởi ảnh hưởng đậm đà của Nho giáo mà trong pháp hội Vu lan, người ta trọng chữ hiếu với cha mẹ và tổ khảo bảy đời. Điều đó là đúng trọng tâm nhà Phật nhưng chưa đủ, mà có phần hẹp hòi.
Để báo hiếu cha mẹ, người ta thực hành 2 loại hiếu theo lời Phật dạy là "Hiếu thế gian" và "Hiếu xuất thế gian". Hiếu thế gian là cung dưỡng cha mẹ cơm ăn, nước uống, chỗ ở nơi nằm, chữa bệnh thuốc thang, tiện nghi sử dụng... Hiếu xuất thế gian là đưa cha mẹ vào lễ nghi giáo hóa, đi chùa đi chiền, bỏ điều ác làm điều thiện để khi chết được siêu sinh tịnh độ. Đến cha mẹ bảy đời đã mất thì làm lễ cúng dàng xá tội vong nhân để được vãng sinh. Nhưng chữ Hiếu nhà Phật không những sâu sắc mà còn hết sức quảng bác. Đức Phật đi hành giáo, gặp đống xương khô thì tỏ lòng xót thương mà nói, đây chính là cha mẹ ta. Đạo Phật dạy chí lí là: Chúng sinh trong lục đạo đều là cha mẹ ta. Lục đạo là sáu thế giới gồm Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh, A tu la, Người và Trời. Chúng ta là CON (về thể chất và tinh thần) của chúng sinh lục đạo đó. Vậy, con với cha mẹ thì phải hiếu. Thành thử người ta cúng cô hồn (A trà tì, một loại chúng sinh trong Ngạ quỉ), Người ta phóng sinh (chúng sinh trong Súc sinh), người ta thực hành kiêng kị trong mùa là để khỏi xâm phạm chúng sinh - cha mẹ ta. Đó cũng là Hiếu hạnh vậy. So với cái "Tam bất hiếu" của Nho giáo trong Lễ kí và trong Mạnh Tử thì chữ Hiếu trong Phật giáo quảng đại thần thông hơn nhiều. Tuy một mà muôn, tuy muôn mà một.
PV: Vậy, lễ xưa và lễ nay có gì khác nhau?
NHV:  Xưa và nay cũng phức tạp. Thời nào, nơi đâu cũng "người ba đấng, của ba loài" cả. Người ta nhận thức, hành động là theo kì vọng của mình và có tính mục đích. Kì vọng và mục đích mà là Tham, Sân, Si thì đó là tai họa, nghiệp chướng của giá trị văn hóa. Còn hướng đến Phật tâm, Phật hạnh thì luôn luôn tốt đẹp. Rất tiếc là trong thời buổi hiện nay, một bộ phận không nhỏ, từ nghi lễ đến tu hành đều vướng vào lầm lỗi. Chiếm biển nước người, mút dầu ruột đất cho hết, cho cạn kiệt để thỏa tính "hiếu đại", ganh đua tăng trưởng, phô phang tiện nghi hơn người thì lễ lạt mà làm gì. Còn những người hướng đến hòa bình xanh, đến bảo tồn đa dạng sinh thái, văn hóa thì trở nên  yếu ớt. Ông Nguyễn Duy kêu lên trong thơ rằng: "Người tốt nhiều hơn sao kẻ xấu mạnh hơn. Những người tốt ta cần liên hiệp lại..." là ông ấy ngấm Phật lắm đấy nhé.
PV: Ông vừa nói đến chữ Hiếu nhà Phật, nhưng không phải ai cũng rõ?
NHV:  Chữ Hiếu nhà Phật, như tôi đã nói, sâu sắc và quảng đại. Muốn hiểu nó, ta đem so với chữ Hiếu Nho gia, đặc sản Trung Quốc. Cũng là triết lí nhân sinh thôi nhưng nhà Nho quan niệm "Tam bất hiếu" như sau:
A ý khúc tòng, hãm thân bất nghĩa ( Tùy ý bố mẹ mà dấn vào điều bất nghĩa - đó là thứ một)
Gia bần thân lão, bất vi lộc sĩ (Nhà nghèo cha mẹ già mà không làm quan lấy lộc về - là bất hiếu thứ hai)
Bất thú vô tử, tuyệt tiên tổ tự ( không vợ, không con, nên đứt mạch cúng tế tổ tiên - là bất hiếu thứ ba).
Như vây, Nho giáo, vốn là đạo dạy cho đàn ông làm quan, nên chữ Hiếu thật bó buộc. Còn chữ hiếu Phật giáo từ Hiếu thuận mở rộng đến Hiếu sinh cho muôn vật trong vũ trụ này. Các vua sáng đời Trần, vốn dùng Nho để quản trị quốc gia, khi uyên thâm Phật học, họ ngấm Hiếu đạo sâu sắc nên hướng về tu hành. Đó là bước thoát Nho, cũng là thoát Trung đáng suy ngẫm.
PV: Nhiều người nhà lầu xe hơi máy bay làm lễ báo hiếu, theo ông, vậy có quá lãng phí không?
NHV:  Không phải là quà đắt hay rẻ mà tiền đó từ đâu ra, tặng với mục đích gì và với kì vọng gì. Tôi đọc báo thấy viết: Ông Chu Vĩnh Khang bên Tàu, giàu địch quốc mà nghe nói đưa mẹ đi nuôi, để mẹ tự tử trong nhà thì là Hiếu cái nỗi gì vậy. Hiếu tâm là Phật tâm, Hiếu hạnh là Phật hạnh vậy. Đó chẳng là bài học nhãn tiền sao?! Đạo Phật bao dung, tùy hoàn cảnh mà hành lễ, lấy cái tâm hưỡng nguồn, hướng thiện làm chính.
PV: Vậy chúng ta nên tặng bố mẹ băng quà gì thì thích hợp?
NHV: Trước hết ta tặng bằng sự sám hối của lòng mình. Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày. Cái sự đời đó thì cần sám hối. Ta tặng cha mẹ bằng sự cố gắng và tử tế của lối sống của chúng ta với tất cả mọi người, cả thế gian và thiên nhiên.
PV: Trên thế giới thì như thế nào ạ?
NHV:  Ở đâu cũng có người thế này thế nọ. Phật giáo đang có sức lan tỏa trên thế giới. Tôi thấy những phong trào hòa bình, những phong trào bảo vệ trái đất, bảo vệ tự nhiên, bảo vệ đa dạng văn hóa trên thế giới, họ có một tầm tri thức, tâm nhân văn rất cao và đầy tính Phật. Con người là con, là tinh hoa của vạn vật, có thế, Phật giáo mới mở rộng chữ hiếu đến thế. Ta nên gạn đục khơi trong mà tu dưỡng thêm mọi mặt. Đó là tốt nhất.
PV: Để thực hành hiếu hạnh, một kì lễ Vu lan đã đủ chưa?

NHV: Luôn thực hành trong đời sống. Còn một kì lễ Vu lan là đủ rồi. Vì lễ là ngày kỉ niệm, ngày nhắc nhớ. Một năm có 365 ngày mà lắm lễ quá thì lấy đâu ngày làm ăn, phấn đấu. Giỗ chạp gia đình, hội làng hội chùa, cơ quan đoàn thể, phong trào xã hội, tổ chức chính quyền, quốc gia quốc tế .v.v. Tôi nghe truyện cười nói đất nước Cu Ba anh em nhiều hội lắm thì phải. Lãnh đạo Nhà nước lên đài nói: “Thôi! Đừng nhảy nữa. Đừng hội nữa. Lam việc đi!”. Thế là nhân dân đổ luôn ra đường nhảy và hát ca: "Đừng hội nữa, đừng nhảy nữa, làm việc đi". Ngày nào cũng vậy. Đúng là cảnh “thái bình thịnh trị”.

Em Lễ Chùa Này - Đức Tuấn ft. Ngọc Tuyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...