Lòng anh chạm lá chua me
chạnh buồn
Em gái đi lấy chồng
Đưa dâu qua chiếc cầu
tre
Lòng anh chạm lá chua me
chạnh buồn
Nắng run trên cánh chuồn
chuồn
Ngõ sâu như sợi chỉ luồn
buộc quanh
Tuổi em như hoa dành
dành
Hương bay đã mắc tơ mành
nhện giăng
Ao người ta nước dung
dăng
Vầng trăng em cất lên
bằng vó thưa
Giấc mơ ủ xuống gáo dừa
Hoa cau còn rụng, vại
mưa còn đầy
Đường trơn cây cỏ dang
tay
Quang trành gót nhỏ đỡ
gày đồng xa.
Em ơi, từ độ vắng nhà
Cá rô kho mặn ăn ba bốn
ngày!
Màn lưa thưa gió
heo may
Chắc là mẹ ngủ đêm nay
chập chờn...
Lời bình của nhà thơ Lâm
Xuân Vi
Mai Văn Phấn là nhà thơ
luôn gây được ấn tượng với độc giả trên thi đàn. Những năm tám mươi của thế kỷ
trước, anh đã có những bài lục bát rất độc đáo, được nhiều người hâm mộ chép sổ
tay, chuyền nhau đọc. Rồi cả dũng khí dấn thân cho những tìm tòi đổi mới thi
pháp những năm gần đây, anh cũng đã có những đóng góp, làm sôi động đời sống
văn học.
Là người gần gũi thân
tình, cùng quê hương, tôi hiểu Mai Văn Phấn từ khi còn là một quân nhân mới
nhập ngũ. Trải qua bao ngành nghề, bao thăng trầm và những dịch chuyển qua năm
tháng cho tới nay, nhà thơ vẫn là người nhiệt huyết tài hoa, sống “có đạo”,
nhân hậu, ân tình, cá tính, bản lĩnh và sau trước. Một trong những chi tiết nhỏ
khảng định cho nhận định của tôi, đó là tình thương yêu của anh dành cho người
em gái, được thể hiện trong bài thơ “Em gái đi lấy chồng”.
Cặp câu mở của bài thơ, đã
chứa chất tâm sự và ngổn ngang tâm trạng của người anh trai – nhà thơ Mai Văn
Phấn với em gái mình. Phải là người anh thương yêu em gái lắm, và cũng
phải vào thời khắc, hoàn cảnh, trạng huống đặc biệt lắm mới thốt được lên câu
thơ ấy.
Em gái đến tuổi thành
duyên, thành hôn thì mừng chứ sao lại buồn? Mừng là lẽ đương nhiên. Nhưng là
anh trai “quyền huynh…” nguời vốn dĩ rất thương yêu em gái, đứng trước bước
ngoặt của cuộc đời em, buồn lo lắm chứ. Em đi làm dâu nhà người, với bao lạ
lẫm, bỡ ngỡ khó khăn, đang chờ đợi phía trước, chưa biết em mình rồi sẽ ra sao?
Em vẫn “có lớn mà chưa có khôn” liệu có sớm thích nghi, có được quan tâm chỉ
bảo dạy dỗ nâng đỡ ân cẩn không…? Tâm trạng anh trên con đường đưa em về nhà
chồng, Đưa dâu qua chiếc cầu tre/ Lòng anh chạm lá chua me chạnh buồn. Đọc
câu thơ sao cứ thấy rưng rưng, anh chạnh buồn, nỗi buồn ấy như được lây sang,
nhân lên trong lòng người đọc. Phải là qua cây cầu tre lắt lẻo cheo leo mới có
sức lay động thế, chứ nếu nhà thơ viết qua cây cầu hiện đại vững chãi, tôi dám
chắc câu thơ sẽ non lép và bị trôi tuột. Đấy là sự khéo léo, tài hoa trong cách
chọn hình tượng, trong sử dụng nghệ thuật ngôn từ, là tình thương yêu em tự đáy
lòng anh. Cái lá chua me mơ hồ bay tới “chạm” được vào tâm trạng, không biết có
vị gì mà ai cũng cảm được hết cái chát đắng đến day dứt. Chính cái thiêng
liêng, huyền diệu của thơ lại nằm ở chỗ không rõ ràng này. Con đường dẫn em tới
nhà chồng: Nắng run trên cánh chuồn chuồn/ ngõ sâu như sợi chỉ luồn
buộc quanh. Sao như có gì xa xôi lạ lẫm, khúc khuỷu, mong manh lắm? Không,
đó chỉ là vì quá thương em mà anh lo xa, tưởng tượng ra vậy. Chỉ có sự lo lắng
quá mức, mới linh cảm thái quá viết nên câu thơ đẹp, buồn, tinh tế nhẹ nhàng,
như có, như không vậy. Tình thương, nỗi lo lắng với biết bao dự cảm về tương
lai cuộc đời em, cứ thế trào dâng cảm xúc, tràn lên câu chữ. Còn non nớt dại
khờ, ở nhà mình em đang được chiều chuộng, nương nhẹ như hương hoa. Thế mà nhà
người ta lại đang đặt vào em với biết bao kỳ vọng, bao công việc nặng nhọc phải
lo toan gánh vác? Em lại cứ hồn nhiên, mơ mộng viển vông, mọi suy nghĩ hiểu
biết mới chỉ quẩn quanh giấc mơ ủ xuống gáo dừa/ Hoa cau
còn rụng vại mưa còn đầy hay Ao người ta nước dung dăng/ Vầng
trăng em cất lên bằng vó thưa. Như thế bảo anh không lo sao được?
Nhưng mọi lo lắng của anh giờ cũng chẳng thể giúp gì được em, chỉ còn biết tâm
niệm ước ao. Đường trơn cây cỏ dang tay/ Quang trành gót nhỏ đỡ gày đồng xa.
Em đi đã vậy, còn nỗi nhà
cũng chẳng hơn chi, cảnh thiếu hụt trống vắng mới đáng sợ làm sao? Mọi nền nếp
trật tự, như bị xộc xệch đảo lộn, thậm chí đến cả bữa ăn giấc ngủ, cũng chiếu
lệ qua ngày, Cá rô kho mặn ăn ba bốn ngày. Những câu thơ khác
ẩn dụ, tinh tế, hư ảo bao nhiêu, thì câu thơ này, lại cụ thể chi tiết mộc mạc
đến dị biệt bấy nhiêu. Chính sự khác biệt ấy đã làm nên một chỉnh thể đa diện
sinh động, bởi hồn vía ngôn từ. Cứ như thế mạch buồn cảm động được đẩy cao mãi
cho đến khi bài thơ khép lại.
Dẫu thương yêu lo lắng
cho em gái đến tột cùng, nhưng tới câu kết nhà thơ lại dành nói về mẹ. Đó là
đạo lý, là tình cảm thiêng liêng hợp lô gíc. Bởi đối với mẹ, con gái mới là
người được mẹ sẻ chia, bù trì gần gũi nhất.
Nỗi xót xa thương cảm
mẹ, là lòng hiếu thảo thường trực trong anh, như bản năng trỗi dậy. Đó cũng là
câu kết rất có hậu, đầy nhân bản, mà bạn đọc nhiều thế hệ đã và sẽ đón nhận sẻ
chia, với tất cả lòng ngưỡng mộ chân thành dành cho thi sỹ./.
Thịnh Long, ngày 11 - 5
– 2010
(Rút từ tập sách “Làm
nên giọt khát” của Lâm Xuân Vi, Nxb,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét