Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

J.S.Bach - Âm nhạc của quá khứ, hiện tại và tương lai

J.S.Bach - Âm nhạc của quá khứ, 

hiện tại và tương lai

      Dân tộc Đức luôn tự hào với ba vần “B”, đó là Johann Sebastien Bach, Ludwig Van Beethoven và Johannes Brahms. Trải qua bao thế hệ, dưới ngòi bút của các nhà lý luận phê bình âm nhạc, kể cả các nhà âm học, trong số tác phẩm của các nhạc sỹ hàng đầu thế giới, có thể nói, tác phẩm của J.S.Bach luôn được xem là chuẩn mực nhất không chỉ về cấu trúc, sự hài hòa giữa giai điệu và hoà âm mà còn bảo đảm tính logic trong tư duy âm nhạc phù hợp với nhiều giai đoạn phát triển lịch sử của loài người.
            Nói một cách khác, hiếm có tác phẩm của nhạc sĩ nào được thán phục gần như tuyệt đối và được đánh giá là “Âm nhạc của mọi thời đại” như âm nhạc của Bach. Chính vì vậy mà tác phẩm của J.S.Bach luôn là đề tài thảo luận và nghiên cứu của các trường phái âm nhạc và cho tới nay, tác phẩm của ông luôn xuất hiện trong danh mục các tác phẩm bắt buộc tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế.
            Johann Sebastien Bach được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc tại thành phố Eisenach (Đức) năm 1685. Qua nhiều thế hệ, gia đình ông đã có rất nhiều nhạc sĩ nổi tiếng. Ông là nhạc sĩ suốt đời luôn gắn bó với nước Đức với một cuộc sống rất giản dị. Cuộc đời của ông không có nhiều biến cố, âm nhạc của ông lúc sinh thời ít được phổ biến rộng rãi, thậm chí còn bị cho là khó hiểu... Từ 15 tuổi, J.S.Bach đã tham gia trong các dàn hợp xướng của nhà thờ, nhạc công violon và đặc biệt ông chơi đàn organ nhà thờ rất giỏi. Từ năm 38 tuổi đến cuối đời mình (1750), J.S.Bach đã sống và làm việc tại Leipzig. Chính tại đây, nhiều tác nổi tiếng và bất hủ của ông đã ra đời.
            Trong số các nhạc sĩ vĩ đại của thế giới, J.S.Bach là người viết nhiều thể loại âm nhạc nhất, trong đó, các thể loại âm nhạc liên quan đến nghệ thuật thanh nhạc như thanh xướng kịch (oratorio), messa, đại hợp xướng (cantata)...
            Nhắc tới J.S.Bach, chúng ta không thể bỏ qua bộ “Bình quân luật” viết cho đàn clavecin (một loại đàn piano cổ) của ông. Tác phẩm này gồm 2 tập với 48 prelude và fugue (mỗi tập có 24 prelude và fugue). Có thể nói, đây là một công trình “khoa học” của Bach, trong đó, ông đã hệ thống lại một cách hợp lý theo hệ thống thứ tự các dấu hóa thăng - giáng, kết hợp những thành tựu âm nhạc của quá khứ và hiện tại, nhạc thế tục và giáo hội, từ nhạc dân gian đến nhạc chuyên nghiệp... Với Bach, âm nhạc phức điệu đã được hoàn chỉnh mà đỉnh cao là những bản fugue. Những vẻ đẹp huyền bí trong âm nhạc của Bach đã tạo cảm hứng cho nhà soạn nhạc người Pháp Ch.Gounod, người đã viết thêm phần giai điệu và đặt lời trên nền nhạc nguyên bản tác phẩm prelude cung C-dur của    Bach trong “Bình quân luật cho piano” tập I với tên gọi “Ave Maria”.
Một trong những biểu hiện hoàn hảo và trọn vẹn nhất về âm nhạc viết cho dàn nhạc của Bach là “Những bản concerto Brandebourg”, những liên khúc Partita, những tác phẩm hòa tấu thính phòng... chúng không chỉ có giá trị như một di tích nghệ thuật trong nền khí nhạc thế kỷ 18 mà còn có giá trị đặc biệt về mặt lịch sử: đó là tính chất kịch tính rõ ràng, sự cải biên trong tác phẩm và nâng cao kỹ thuật diễn tấu cho dàn nhạc giao hưởng, mở ra con đường mới cho phong cách “Giao hưởng cổ điển”.
            Đối với các tác phẩm viết cho khí nhạc của J.S.Bach, toccata được viết theo lối phóng tác tự do, nhịp độ nhanh, thường nặng về phần luyện ngón và phô trương kỹ thuật. Chúng ta có thể nhận thấy “nét đặc trưng riêng” của thể loại này qua tác phẩm “ Toccata & Fugue” cung Ré thứ của J.S.Bach.
     Âm nhạc của J.S.Bach dù viết ở bất cứ thể loại nào, cho bất cứ giọng hát hay nhạc cụ nào cũng đều mang âm hưởng của cây đàn organ lớn, giống như âm nhạc của Beethoven luôn có âm hưởng của dàn nhạc giao hưởng, nhạc của Chopin lại có âm hưởng của cây đàn piano. Tuy nhiên, âm nhạc của J.S.Bach đến thế kỷ 20 được tiếp nhận không đơn thuần chỉ là một tác phẩm cổ điển...ở đây, âm nhạc của J.S.Bach được chơi với một phong cách tự do, phóng khoáng, thậm chí còn chơi theo phong cách nhạc jazz...
Người ta thường cho rằng: Âm nhạc của đất nước nào, dân tộc nào thì chỉ có nhạc sĩ của đất nước ấy, dân tộc ấy mới có thể diễn cảm và lột tả được nó. Tuy nhiên, âm nhạc vốn là “chiếc cầu nối ngắn nhất” trong giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Qua một lăng kính khác, một cách nhìn nhận và thể hiện âm nhạc của J.S.Bach theo phong cách hiện đại.           Nhạc trưởng - nhạc sỹ người Mỹ Bobb McFerrin đã rất thành công trong việc tổ chức các show diễn âm nhạc của J.S.Bach dưới nhiều phong cách thể hiện khác nhau tại nhiều nước trên thế giới.
     Có thể nói, âm nhạc của J.S.Bach đã vượt qua những hạn chế lịch sử của mọi thời đại, là một trong những nhân tố sáng tạo nên những truyền thống, là ngọn nguồn không bao giờ cạn trong sự phát triển của nền nghệ thuật âm nhạc của nhân loại cho đến hôm nay...
Thạc sĩ Hoàng Điệp (Theo GDX)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Từ một trang văn Trang Thế Hy

Từ một trang văn Trang Thế Hy “Tiếng sấm Đồng Khởi” Bến Tre (1960) âm vang dai dẳng dồn dập nhiều năm khiến chế độ cộng hòa đương thời còn...