“Lửa Thiêng” của Huy Cận – “Mang mang thiên cổ sầu”
Hà Thủy Nguyên
“Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu
Những nàng tiên dần chết
Mơ mộng thuở xưa đâu”
(Trích “Ê chề” – Huy Cận)
“Mang mang thiên cổ sầu” là
cảm hứng xuyên suốt trong tập thơ “Lửa thiêng” của
Huy Cận. Không dục tính, không điên rồ đập phá, chỉ một cảm giác mênh mang
không thể diễn tả. Một nỗi buồn phảng phất từ ngàn xưa trong tiền kiếp xa xôi.
Mặc dù Đinh Hùng nhắc đến tiền kiếp rất nhiều, nhưng Huy Cận mới là người mô tả
nỗi tiếc nhớ ngàn xưa một cách đẹp đẽ, mơ hồ như sương khói và phảng phất nỗi
buồn vô định.
“Lửa thiêng”!
Lửa! Huyền bí của vũ trụ! Người Thiên Chúa giáo tin rằng lửa là nguyên tố đại
diện cho tinh thần Thượng Đế. Bái Hỏa giáo của Zarathustra tôn thờ Lửa và thông
qua lửa để mở con đường tới Thượng Đế. Lửa là ánh sáng, linh hồn cũng là ánh
sáng. Dường như có một sợi dây liên hệ nào đó giữa Lửa và linh hồn. Bởi thế, “Lửa
thiêng” chính là linh hồn… Tập thơ này không được viết nên bằng cảm
xúc, tư duy, những cơn điên, hay các cách tân nghệ thuật, tập
thơ này là tiếng nói của một “linh hồn nhỏ”.
“Trước Thượng Đế hiền từ tôi sẽ đặt,
Trái tim đau khô héo thuở trần gian.
Tôi sẽ nói:
“Này đây là nước mắt,
Ngọc đau buồn, nguyên khối vẫn chưa tan, “
Trái tim đau khô héo thuở trần gian.
Tôi sẽ nói:
“Này đây là nước mắt,
Ngọc đau buồn, nguyên khối vẫn chưa tan, “
Một cách mơ hồ, chàng trai Huy Cận mới đôi mươi đã cảm thấy
nỗi đau không thể lý giảI, một sự hụt hẫng không thể lấp đầy. Dường như nỗi đau
này có từ quá khứ xa xưa nào đó và truyền tới tận bây giờ. Nhưng nỗi đau ấy,
không phải “đau nỗi đau chó cắn, buồn nỗi buồn mất tiền”, không
phải thứ đau buồn đời thường. Roberto Assagiolie, nhà phân tâm học siêu thức
người Ý, trong cuốn sách “Sự phát triển siêu cá nhân” của mình
gọi đó là “khủng hoảng tiền tâm linh”. Ông cho rằng, con người luôn
có một cảm giác thiếu hụt trong tâm hồn, thế nên mới cần quyền lực, tiền tài,
danh vọng, tình dục, cuồng tín, từ thiện… để lấp đầy khoảng trống này. Nhưng
khoảng trống này không thể lấp đầy theo những cách ấy, vì sự thiếu hụt là do
mất kết nối với phần siêu thức- một cái gì đó rất linh thiêng, có thể gọi
là Toàn Thể, có thể gọi là Thượng Đế, có thể gọi là Tồn Tại, hoặc bất cứ thừ gì
bạn thích… Nghệ sĩ là những người chấp nhận sự thiếu hụt này và mong muốn tìm
lại nó. Bởi thế, như Hamvas Béla nói, thi sĩ gánh vác một sứ mệnh thiêng liêng.
“Hỡi Thượng Đế! tôi cúi đầu trả lại,
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang.
Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái!
Nhận tôi đi, dầu địa ngục, thiên đường.”
Linh hồn tôi đà một kiếp đi hoang.
Sầu đã chín, xin Người thôi hãy hái!
Nhận tôi đi, dầu địa ngục, thiên đường.”
(“Trình bày”)
Như Roberto Assagiolie phân tích, trạng thái này của Huy Cận
đang ở mức độ bị dồn vào chân tường, lúc ấy con người chỉ có hai lựa chọn: Hoặc
nhảy vọt để bước vào sự thức tỉnh tâm linh, hoặc quay trở lại với đời thường.
Đó chính là “Sầu đã chín”, và ông mong muốn một bước nhảy vọt về
tinh thần. Bước nhảy vọt ấy sẽ dẫn ông về với Thiên Đường bị đánh mất trong
Kinh Thánh, nơi ông không còn phải chịu đựng sự chán nản của trần gian. Đôi khi
đau khổ còn đáng quý hơn cả sự chán nản.
Có thể nói rằng linh hồn Huy Cận lúc ấy đã rơi vào cảm giác
vô định và hư không. Không có niềm vui, không có niềm tin, không mục đích,
không lý tưởng, không tham vọng, hết thảy đều vô nghĩa, đều “Quanh
quẩn”:
“Đời nhạt tẻ như tàu không đổi chuyến!
Đứng xem ngoài hay quay gót nhìn trong
Cùng thuộc rồi bàn ghế ở trong phòng,
Và trong đó: những hồn quen biết quá! “
Đứng xem ngoài hay quay gót nhìn trong
Cùng thuộc rồi bàn ghế ở trong phòng,
Và trong đó: những hồn quen biết quá! “
(“Quanh quẩn”)
Cả bài thơ “Quanh quẩn” là sự buồn chán
trong tẻ nhạt, là nỗi sợ sự lặp đi lặp lại của bánh xe thời gian, nỗi sợ tầm
thường. Ông chỉ biết “chờ gió mới nhưng cửa đều đóng kín”.
Vô định! Lang thang! Rồi lạc lõng! Không thể hợp nhất! Một
câu thơ ông nhắc lại hai lần:“Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài“, một
lần trong bài “Nhớ hờ”, một lần trong “Tràng giang”.
Sông và trời nhìn liền thành một dải, nhưng đó chỉ là ảo giác, trên thực
tế, chúng không thể chạm vào nhau. Nỗi nhớ ở đây có nguyên nhân từ một sự mất
kết nối hoàn toàn, Sự mất kết nối ấy khiến trong tâm trí ông chỉ còn sự lạc
lõng, và đương nhiên, thấy vạn vật đều lạc lõng.
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng. “
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng. “
Huy Cận thay vì đi tìm Thượng Đế như một kẻ tử vì đạo, ông
đã lao vào tình yêu, nhưng không phải tình yêu nam nữ. Những bài thơ tình của
ông êm tai nhưng đều rất nhạt nhẽo. Nhưng những bài thơ về “Tình Trai” (tên
một bài thơ của Xuân Diệu) lại rất gợi cảm. Bài thơ“Ngủ chung” của
Huy Cận có thể được coi là bài thơ hiếm hoi ẩn ý về mối quan hệ đồng tính:
“Ôi rét! Đêm nay mấy học trò
Ngủ chung giường hẹp, trốn bơ vơ.
– Có hồn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ.
Ngủ chung giường hẹp, trốn bơ vơ.
– Có hồn vạn thuở buồn đơn chiếc
Có lẽ đêm nay cũng ngủ nhờ.
…
Nệm là hơi thở, da: chăn ấm,
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn ?”
Xương cọ vào xương bớt nỗi hàn ?”
Có lẽ không thể gọi trường hợp của Huy Cận là mặc cảm
Narciss. Trạng thái đồng tính của ông khiến ta nhớ đến lý thuyết của Plato.
Plato cho rằng ngày trước con người là một thể thống nhất, bao gồm Nam-Nữ, Nữ –
Nữ, hoặc Nam-Nam. Để dễ cai trị, Zeus tách con người thành các nửa, và vì
thế các nửa này thường có xu hướng tìm kiếm nhau (nhưng gặp được hay không lại
là chuyện khác.) Đồng tính, ở đây là mối quan hệ Nam- Nam, còn được Plato đề
cao hơn cả mối quan hệ Nam – Nữ, vì cho rằng chỉ có mối quan hệ này là thuần
khiết và mang tính tinh thần. Huy Cận có một tình cảm sâu sắc như thế dành cho
Xuân Diệu. Ông luôn coi Xuân Diệu là một nửa của mình, đến cuối đời ông còn
viết “Hồi ký song đôi” để kể lại những hồi ức về Xuân Diệu và mình. Huy Cận cô
độc, không một bóng nàng thơ, nhưng lại có chàng thơ Xuân Diệu:
“Chiều nay đây nửa thế kỷ hai mươi,
Viết dăm câu tôi gửi lại vài người
Những thế hệ mai sau, làm bè bạn…
Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận,
Gọi gió trăng mà thỏ thẻ với lời trên,
Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên
Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu.”
Viết dăm câu tôi gửi lại vài người
Những thế hệ mai sau, làm bè bạn…
Hỡi ai đó, có nhớ lòng Huy Cận,
Gọi gió trăng mà thỏ thẻ với lời trên,
Rất thương yêu, xin nhớ gọi giùm tên
Rất an ủi của bạn chàng: Xuân Diệu.”
(“Mai sau” – Huy Cận)
Tuy nhiên Huy Cận khác với Xuân Diệu ở chỗ, ông là
người lưỡng tính. Bởi vậy, tình yêu của ông dành cho Xuân Diệu không phải chỉ
mang tính dục mà là một mối quan hệ tinh thần, như hai nửa linh hồn ghép lại
với nhau. Nhưng rắc rối ở những ngăn trở của “thân thể”
“Tôi đâu biết thịt xương là sông núi
Chia biệt người ra từng xứ cô đơn. “
Chia biệt người ra từng xứ cô đơn. “
(Trình bày)
Tình trạng không thể tiếp cận, không thể gắn chặt, không thể
hòa làm một này chính Xuân Diệu cũng gặp phải. Ông đã viết trong bài “Xa
cách” của mình:
“Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng.
Em là em, anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.”
Em là em, anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.”
Huy Cận cũng trải nghiệm nỗi ám ảnh của cái chết. Điều đáng
sợ của cái chết không phải sự đau đớn, mà là nỗi sợ đơn độc, nỗi sợ rơi thẳng
vào hư vô. Bởi những kẻ mắc phải “nghiệp đi hoang” như Huy Cận, không niềm tin
để bám víu, một kết quả không thể tránh khỏi là tự mắc kẹt trong hố thảm của
chính mình.
“Bỏ chung chạ để nằm khô một bóng;
Chẳng ai vào an ủi nắm bàn tay:
Khổ bao nhiêu cho một kẻ hằng ngày
Tìm thế giới để làm khuây lẻ chiếc!”
Chẳng ai vào an ủi nắm bàn tay:
Khổ bao nhiêu cho một kẻ hằng ngày
Tìm thế giới để làm khuây lẻ chiếc!”
hay
“Hình dáng cuộc đời từ đây xa tắp.
Xe tang đi, xin đường chớ gập ghềnh!
Không gian ôi, xin hẹp bớt mông mênh,
ảo não quá trời buổi chiều vĩnh biệt! “
Xe tang đi, xin đường chớ gập ghềnh!
Không gian ôi, xin hẹp bớt mông mênh,
ảo não quá trời buổi chiều vĩnh biệt! “
(“Nhạc sầu”)
Bài “Nhạc sầu” là một trong những bài thơ
hay nhất tả về cái chết của phong trào Thơ Mới. Một khúc ca ảo não, cô quanh,
đơn chiếc! Không còn chấp nhận sự mênh mông nữa, mà Huy Cận phải kêu lên: “không
gian ôi, xin hẹp bớt mênh mông”. Lạnh! Quạnh quẽ! Suy tàn! như một ngày tận
thế… Đó là không khí bao quanh cái chết.
Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, trong tập phê bình văn học
“Mắt Thơ” của mình đã có một nhận xét rất tinh tế rằng ở thơ Huy Cận là một cảm
giác “nhớ không gian”. Nếu Xuân Diệu bị ám ảnh về thời gian, nên
luôn “Vội vàng” thì Huy Cận có một nỗi ám ảnh với không gian.
Với những ai đã đọc hết những bài trong “Lửa thiêng” sẽ đều
hình dung ra một không gian mênh mông, quanh vắng và lạnh. Không gian trong thơ
Huy Cận không phải là một không gian có thể đo đếm được mà là sự vô tận. Có lẽ
nào chăng, “lửa thiêng” tỏa ánh sáng đến đâu thì cảm nhận
không gian đến được đó… nhưng vẫn không thể trốn tránh được nỗi sợ hãi bóng tối
ngoài kia. Chẳng phải là có lần ông thốt lên “Không gian ôi, xin hẹp
bớt mông mênh” đó sao?
Đặc biệt trong các bài thơ về mưa, nỗi ám ảnh không gian
càng dằn vặt Huy Cận. Hãy thử tưởng tượng cảnh trong căn gác trọ chật hẹp vào
những đêm mưa, đơn chiếc một mình. Tiếng mưa lộp độp ở bên ngoài như gợi nhắc
về một bóng tối miên viễn không thể nắm bắt. Tiếng mưa đêm như tiếng gõ của của
bóng tối vậy. Trong một đêm như thế, Huy Cận viết:
“Mưa giong buồn sợi xuống lơi lơi,
Lạnh của không gian thấm xuống người.
Rơi rớt về đây muôn hướng gió;
Lòng sầu vạn dặm gió mưa phơi. “
Lạnh của không gian thấm xuống người.
Rơi rớt về đây muôn hướng gió;
Lòng sầu vạn dặm gió mưa phơi. “
(Mưa)
hay
“Đêm mưa làm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la”
(Buồn đêm mưa)
Nỗi “nhớ không gian” này có thể hiểu là nhớ
cái cảm nhận không gian, rằng không gian ấy có tồn tại thật, chứ không phải sự
vô định của bóng tối. Khi bị trôi đi trong vô định, khi không thể lấp đầy, khi
không thể với được thiên đàng, lúc ấy chúng ta mới run rẩy mong chờ một cái gì
đó giới hạn. Ở trong bài “Mưa”, Huy Cận “luồn tay nhỏ hứng
không gian”. “Không gian” là một dạng ảo giác, và bởi vì nhận thấy rõ
ảo giác ấy, nhận thấy rõ rằng bản chất thế giới là vô tận, nên thi sĩ luôn cần
một sự chạm, một giới hạn có thể tiếp xúc.
Trong bài thơ “Tràng giang”, Huy Cận gọi giới
hạn đó là “quê” hoặc “nhà”. Cả bài thơ ông nói về
sự lạc lõng của những thực thể nhỏ bé như “củi”, “thuyền”, “tiếng làng
xa vãn chợ chiều”, “chim nghiêng cánh nhỏ” giữa sự bao la của “tràng
giang“, của một không gian bị kéo dãn đến mức siêu thực:
“Nắng xuống, chiều lên, sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”
Đến cuối bài thơ, ông đột ngột nhớ “nhà”. Xưa
nay chúng ta vẫn tưởng đó là tâm trạng nhớ quê, nhưng ai cũng có thể thấy, đặt “quê
nhà” ở hoàn cảnh này thật sự không liên quan. Và thường thì Huy Cận
cũng chẳng bao giờ “nhớ nhà” trong các bài thơ khác của mình, nếu có nhớ, ông
chỉ nhớ thiên đàng.
“Lòng quê dợn dợn vời con nước
Hai câu này lấy ý từ bài thơ “Hoàng Hạc lâu” của nhà thơ đời
Đường Thôi Hiệu:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”
(Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai) – Bản dịch của Tản Đà
Quê hương trong thơ Thôi Hiệu thật sự là nhớ quê, bởi trong
cả bài thơ ông đều nói về sự li biệt, sự xa khuất. Nhìn khói sóng trên sông mờ
mịt, không còn cảm nhận thấy giới hạn, không thấy được đường chân trời… không
thấy được đường về quê, nên mới hỏi “Nhật mô hương quan hà xứ thị?”. Nhưng Huy
Cận thì không bị cản trở bởi “sương khói” nhưng lại thèm khát “nhà”, thèm chút
một “niềm thân mật”, thèm một sự giới hạn, thèm được lấp đầy khoảng
trống.
Một điều đáng tiếc của Huy Cận là ông đã không thắp sáng hơn
nữa ngọn “lửa thiêng” của một kẻ đơn độc thần thánh. Ông đã
giác ngộ Cách mạng, tham gia Đảng Cộng Sản và trở thành Bộ trưởng Bộ Văn hóa
Thông tin, thành viện sĩ viện hàn lâm thế giới. Ông đã trốn chạy bóng tối của
chính minh, thay vì trở thành thi sĩ thiêng liêng ông đã chọn trở thành thi sĩ
nhân dân. Có đôi lần, ngọn “lửa thiêng” le lói xuất hiện trong những lúc ông
nhận ra “câu hỏi lớn không lời đáp”(Các vị La Hán chùa Tây
Phương), để rồi cuối đời chỉ còn biết nhìn lại trong một tiếng thở dài:
“Mải sống quanh năm với tháng năm
Như quen áo mặc, chiếu giường nằm
Ngỡ năm tháng cũng là da thịt
Rượu mạnh thời gian ta sủi tăm
Mai đây trần trụi đi về đất
Năm tháng như là chiếc áo phơi
Quên ở ngoài vườn, ao lặng lẽ
Có hoa râm bụt cúi mình soi”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét