Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Nàng Sen - Biểu tượng của sự thanh tao

Nàng Sen - Biểu tượng của sự thanh tao

Trên đất nước mình nơi nào cũng có hoa sen, nhưng tôi cho rằng sen ở Hồ Tây mang tới cảm xúc thăng hoa hơn hết cho mỗi người khi đặt chân tới nơi này.
Biểu tượng của sự thanh tao
Tôi đã có một thời gian sống ở Hà Nội và sau này thường ghé thăm khi có dịp, tôi hay đến Hồ Tây để thưởng ngoạn cái không gian đẹp hiếm có của đất trời ban tặng cho Thủ đô "Ngàn năm văn vật". Có lần, trong giấc ngủ tôi mơ thấy mình đang bay là là trên một cánh đồng hoa sen, bên dưới là những đóa hoa sen nở rộ, mùi thơm ngan ngát đến nao lòng. Sáng hôm sau thức dậy, ngước nhìn qua cửa sổ, xa xa, tôi thấy một đầm sen mênh mang phủ kín mặt hồ. Thì ra, đêm qua Nàng Sen đã ướp hương cho giấc mơ của mình. Và tôi:"Anh khướt say một chiều thu quyến rũ Tây Hồ mong một con sóng lăn tăn nhưng mặt nước vẫn vô cùng phẳng lặng. Trời trong xanh có thể đếm được những cọng mây lang thang về phương trời vô định. Xa xa cây liễu rủ như mái tóc em buông xõa xuống mặt hồ để đáy nước lung linh in bóng...".
Khi đến mùa sen ra hoa, sen xanh mướt, vô vàn những chiếc lá xen vào nhau, màu xanh, màu hồng, màu trắng tạo nên một bức tranh sống động mà không một nét bút của danh họa nào có thể mô tả nổi. Hoa sen khiến đất trời thêm dịu mát, nhất là trong những ngày hè oi bức. Nhưng sự hưng thịnh của thời đại nào rồi cũng đến hồi suy thoái, hết mùa, sen tàn, hoa lá xơ xác gieo vào lòng người một nỗi buồn vô cớ. Không còn nổi trên mặt hồ nhưng sen không chết, sự sống của loài hoa này nén lại trong củ, âm thầm dưới đáy hồ thủ thỉ cùng với những lớp bùn để đợi đến ngày vọt lên mà khoe sắc với thế gian.
Mùa sen nở lộng lẫy đem đến niềm vui tươi mới, còn khi sen tàn lại cho người ta những phút giây ngẫm nghĩ ngậm ngùi về thân phận con người, về cuộc đời, về vòng tuần hoàn sinh tử trong cõi nhân gian. Sen như một biểu trưng cao cả của phẩm giá con người, đó là sự bền bỉ, âm thầm chịu đựng đợi đến một ngày bung nở giữa cuộc đời, hiến tặng cho cuộc đời những tinh túy của đất trời mà sen hấp thụ được.
Phảng phất hương vị trà sen
Sen Hồ Tây đẹp nổi tiếng, cả hình hài và những giai thoại mà con người đã thêu dệt, thi vị như khi ta ngắm nhìn và nhấm nháp vị trà ướp hương sen ấy. Trong mùa sen sớm, ta có thể thưởng sen vào buổi sáng tinh sương để thẩm thấu cái khí vị "dâm đàm" đã thành tên một thời của cái hồ huyền thoại. Hoặc vào buổi chiều muộn, khi ông mặt trời biến mất sau làn khói bạc bao phủ mặt hồ, để thấu nhập cái khí vị Đường thi, như một nguồn cảm hứng, thi sĩ Cao Bá Quát khi xưa đã ví "Tây Hồ chân cá thị Tây Thi" (Tây Hồ đẹp chẳng khác gì Tây Thi cả). Khi trời về khuya, gió hồ lộng thổi và ánh trăng phản chiếu xuống mặt hồ như dát bạc. Lúc ấy là cõi u minh của sương khói, làn hương của Nàng cũng chỉ còn thoang thoảng bởi bông sen đã kịp cụp cánh nhốt con chim mải mê sờ soạng nhụy hoa... Nhưng ta có thể thấu thị sâu sắc hết vẻ đẹp quyến rũ của sen. Đó là sự chiêm ngưỡng một vẻ đẹp khi ta nhắm mắt lại mà ngắm nghía trong suy tưởng, sen sẽ hiện lên trong bát ngát mặt hồ như những nàng Tiên động tình.
Trọn vẹn nhất là qua đêm trong lều canh, sớm mai tỉnh dậy đón bình minh, sảng khoái tận hưởng những cảm xúc êm dịu và chiêu những ngụm chè sen ngọt ngào... Người hái sen luôn bắt đầu công việc từ rất sớm để hái được những bông sen mới nở với hương thơm toàn vẹn nhất. Người ướp trà cũng đến rất sớm, họ loại bỏ những cánh hoa, lấy phần nhụy, còn gọi là gạo sen để dành ướp. Trà sen Tây Hồ là đặc sản của Hà Nội. Khi đến mùa sen, thỉnh thoảng, qua các ngõ phố Hà Nội lại ngan ngát mùi hương sen dịu dàng. Và Hồ Tây, từ xa xưa cho đến ngày nay, yếm thắm và sen hồng là hình ảnh của thơ, ca, nhạc, họa...
Một mùa sen nữa lại đi qua. Nhưng mãi mãi trong lòng hồ kia loài hoa ấy vẫn tồn tại. Nó ẩn mình như một minh chứng của sự bất diệt. Cũng như con người vậy thôi, mọi sự đều sẽ đi qua, chỉ có phẩm giá là còn lại trên thế gian này.

Theo làng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...