Nắng đưa lối tôi về
Chân Văn Nghiêm
Niềm vui ngày bé
Được về Làng trong khóa tu mùa Hè năm nay là một cơ hội ngoài mong
đợi của tôi. Mặc dù sau liên tiếp những khóa tu, tôi có nhu cầu ở yên để những
xao động, những lăng xăng trong tôi được lắng xuống. Cái mà tôi ngại nhất là
đoạn đường đi xe từ Paris về Làng. Nhưng rồi đồng hành cùng sư chị, sư em, cuối
cùng tôi cũng đã có mặt tại Làng cho ngày mở cửa của khóa tu mùa Hè.
Về Làng lần này tôi như được cảm nhận niềm vui của những ngày còn
bé, tôi cùng cả nhà lên Tuần, quê ngoại tôi, niềm vui khi gặp lại bụi tre, được
đặt những bước chân thân quen quanh xóm. Năm nay tôi may mắn được ở lại xóm Hạ.
Tôi nhớ lắm con đường từ ni xá ra thiền đường Hội Ngàn Sao, nhớ hồ sen, nhớ
rừng bạch dương xào xạc lá vàng, và đặt biệt là con đường từ xóm Hạ lên xóm
Thượng,… cho nên dù trước đó tôi chưa hề ở xóm Hạ, vậy mà khi xe tới xóm Hạ tôi
thấy mình đang được về nhà. Bây giờ tôi mới cảm nhận rõ lời chia sẻ của thiền
sinh rằng dù đi đường rất mệt, nhưng mỗi khi được về Làng là họ thấy an toàn và
khỏe nhẹ như đây là nhà của mình.
Năm nay tôi được vào gia đình rửa nồi và khử trùng chén dĩa, công
việc không khó nhưng sắp xếp làm sao để có thể trân quý những phút giây về lại
Làng, được ăn chánh niệm và làm việc có hạnh phúc là điều tôi quan tâm. Bởi cái
bao tử của tôi rất dễ nhõng nhẽo mỗi khi tôi ăn không chừng mực và thiếu sự
chăm sóc, quan tâm đến nó. Điều cuối cùng là sự hòa thuận trong gia đình rửa
nồi (tiếng Đức), gia đình dọn dẹp và cắt gọt. Cả ba gia đình hơn 80 người cùng
làm việc với nhau tại nhà ăn và mái hiên nhà ăn.
Sau khi cả nhà chúng tôi ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ ghé Sơn Cốc
chào Thầy, chúng tôi được Thầy mời ăn bánh mì của “Thủ tướng” do chú Long đã
lái xe mang lại nhờ chúng tôi kính dâng Thầy trước giờ chúng tôi xuất phát từ
Paris về Làng. Thầy mở tủ lấy patê để ăn với bánh mì. Giờ phút đó tôi cảm nhận
rõ gia đình tâm linh trong ngôi nhà nhỏ của Thầy. Đó cũng là hành trang cho tôi
đem về Thiền đường, là món quà quý từ quê Thầy.
Hai kỳ thi trong năm
Xe đến xóm Hạ, vừa gặp chúng tôi, quý sư cô ra đón và ai cũng cười
tươi. Các sư em mới từ Việt Nam qua ríu rít chào hỏi. Bây giờ các em giỏi
thiệt, mới ngày nào ngồi trong lớp Việt văn tại Bát Nhã còn nũng nịu hỏi đủ
chuyện mà bây giờ các em phải biết tự học, tự tu, ba bốn chị em nhỏ cùng nấu ăn
cho 200 đến 300 người. Giờ rảnh, các sư em học thêm tiếng Anh, phụ giúp các sư
chị làm thông báo, viết thời khóa, tổ chức Lễ Giỗ Tổ, Lễ Bông Hồng Cài Áo, Lễ
Trung Thu, Lễ Hòa Bình… Nhìn sư em Lộc Uyển lo cho thiền sinh trong công tác
tri khách rất hết lòng mà tôi thấy vui. Trong giờ Y chỉ sư y chỉ muội ngồi
chơi, sư em tâm sự: "Một ngày trong khóa tu, dù bận nhưng em phải có giờ
ngồi yên, giờ tập võ…"
Nhìn sư em Thật Nghiêm mang bảng Im Lặng Hùng Tráng để giữ gìn sự thực tập… Sư em Trăng Huyền Không, Trăng Huyền Diệu ngoài phiên nấu ăn còn giúp sư chị tri khố sắp xếp thực phẩm, thế mà gặp tôi sư em còn cười tươi hỏi: "Sư chị có cần em giúp gì không?" Tôi thầm cảm ơn sức trẻ của các em, nụ cười của các em; những thuở ấy đã cho tôi thêm năng lượng để trở về tự thân, chăm sóc nụ cười của chính mình rồi ra chơi với các bạn thiền sinh. Cái nhu yếu sư chị, sư em lâu ngày không gặp thường mon men rủ rê tôi trốn gia đình pháp đàm để được quây quần bên gia đình xuất sĩ. Ngày thường gặp nhau cũng thấy không đậm đà lắm, nhưng khi có hàng trăm thiền sinh về, khi mỗi sư chị sư em phải tách nhỏ ra để hướng dẫn, chăm sóc thiền sinh mới thấy rõ năng lượng thực tập của mỗi người, sự có mặt của mỗi sư chị sư em lúc này thật cần thiết. Sư chị, sư em tôi thường đùa với nhau rằng: "Khóa tu mùa Hè và khóa tu mùa Đông ở Làng là hai kỳ thi trong năm." Ngày trước chưa biết cách học nên chúng tôi thường học kiểu nước rút, nghĩa là tới kỳ thi là cúi đầu vào bài vở, quên mọi việc xung quanh. Còn bây giờ khóa tu là mùa thực hành dưới sự giám niệm của chính mình và sự quan sát học hỏi của hàng trăm đôi mắt thiền sinh. Đó cũng là một áp lực đòi hỏi chúng tôi phải luyện tập hơi thở, bước chân trở thành thói quen trong những lúc thong thả, “để khi nhật nguyệt còn xa vắng thì đầu hè vẫn có ánh trăng soi.”
Nhìn sư em Thật Nghiêm mang bảng Im Lặng Hùng Tráng để giữ gìn sự thực tập… Sư em Trăng Huyền Không, Trăng Huyền Diệu ngoài phiên nấu ăn còn giúp sư chị tri khố sắp xếp thực phẩm, thế mà gặp tôi sư em còn cười tươi hỏi: "Sư chị có cần em giúp gì không?" Tôi thầm cảm ơn sức trẻ của các em, nụ cười của các em; những thuở ấy đã cho tôi thêm năng lượng để trở về tự thân, chăm sóc nụ cười của chính mình rồi ra chơi với các bạn thiền sinh. Cái nhu yếu sư chị, sư em lâu ngày không gặp thường mon men rủ rê tôi trốn gia đình pháp đàm để được quây quần bên gia đình xuất sĩ. Ngày thường gặp nhau cũng thấy không đậm đà lắm, nhưng khi có hàng trăm thiền sinh về, khi mỗi sư chị sư em phải tách nhỏ ra để hướng dẫn, chăm sóc thiền sinh mới thấy rõ năng lượng thực tập của mỗi người, sự có mặt của mỗi sư chị sư em lúc này thật cần thiết. Sư chị, sư em tôi thường đùa với nhau rằng: "Khóa tu mùa Hè và khóa tu mùa Đông ở Làng là hai kỳ thi trong năm." Ngày trước chưa biết cách học nên chúng tôi thường học kiểu nước rút, nghĩa là tới kỳ thi là cúi đầu vào bài vở, quên mọi việc xung quanh. Còn bây giờ khóa tu là mùa thực hành dưới sự giám niệm của chính mình và sự quan sát học hỏi của hàng trăm đôi mắt thiền sinh. Đó cũng là một áp lực đòi hỏi chúng tôi phải luyện tập hơi thở, bước chân trở thành thói quen trong những lúc thong thả, “để khi nhật nguyệt còn xa vắng thì đầu hè vẫn có ánh trăng soi.”
Tu học thiệt là vui vì có cả “tỷ” thứ để học và lại được học những
điều thực tế như đang thực hành tại phòng thí nghiệm, phải áp dụng và rút ra
kinh nghiệm cho lần sau mới hòa được vào dòng chảy của Tăng thân. Những lúc như
vậy mới thấy nội lực thâm hậu của hơi thở và bước chân, của hải đảo tự thân,
của việc thắp sáng ý thức chánh niệm… cho nên mỗi sư chị, sư em tôi đều phải
tập đứng vững trong vị trí của mình. Tôi thường nhắc tôi rằng: "Mình tổ
chức khóa tu là để hiến tặng sự sống nhiệm mầu cho mọi người, thì tại sao mình
không hiến tặng một ít cho mình, cho ba mẹ, cho anh chị em mình?" Vì vậy
chỉ còn một cách là mình phải học đi, học thở, học nói và học cười cùng với mọi
người.
Một khám phá rất thú vị
Từ khi gặp bước chân của Thầy, tôi đã từng mơ ước được đi những
bước chân như vậy đến sở làm và đi lại trong nhà. Tôi đi tu vì thấy nhu cầu đó
rất thiết thực và tôi muốn mình làm được điều đó. Mỗi lần nhìn các sư em trẻ là
Bồ đề tâm ấy sống dậy. Thế là trong khóa tu này, tôi đã bày ra trò chơi.
Tôi nhủ thầm, nhà ăn xóm Hạ là Quầy thông tin (Reference Desk) và nơi pháp đàm,
phòng ngủ, thiền đường… là những nơi sinh viên cần giúp đỡ. Thế rồi tôi thả
mình trong những bước chân đều đặn của thời khóa. Tôi thấy tôi đi như thế dễ
chịu hơn thói quen ngày trước, đi mà cứ như bị cái điểm đến nó hút mình về phía
trước. Tôi thường mỉm cười khi thấy mình hấp tấp và thường nhớ nụ cười ý nhị
của Thầy về ví dụ bó cỏ xanh non người ta buộc trước mắt con ngựa, hay
con bò tuy nó ra sức chạy tới đám cỏ nhưng không bao giờ ăn được. Thế mà
tôi, một con người đã đứng thẳng lâu rồi, sao tôi cứ chúi đầu chạy tới?
Lời nói ấy như tiếng chuông giúp tôi ý thức tôi là một con người
với quá trình tiến hóa của cột sống. Cho nên tôi phải đi với ý thức sáng tỏ của
loài người có hai bàn chân và cột sống mầu nhiệm. Nhờ đi tu tôi mới may mắn học
được cách đi của loài người văn minh, đi mà không cần tới. Tôi thấy đây là một
khám phá rất thú vị, một trò chơi hữu ích để tôi học đi cho quãng đời còn lại.
Tự nhiên tôi nhận ra tôi đang thực hành và hướng dẫn thực hành ăn cơm, rửa nồi,
lắng nghe và có mặt thay vì giải quyết những thắc mắc, hay hướng dẫn sử dụng
các học liệu cho sinh viên thì tôi nhận ra cách sống này mang lại niềm vui cho
tôi và những người xung quanh tôi. Tôi thỏa lòng cho mơ ước một thời sinh viên
mong muốn tìm ra những Dịch vụ hỗ trợ cuộc sống, hỗ trợ công việc gia đình.
Thời đại công nghệ ngày nay đã chế tạo ra nhiều loại máy móc tân
tiến thay thế việc rửa dọn, tính toán, thống kê và quan sát nhưng vẫn không
bằng sự linh hoạt của con người. Cho nên người ta thường nhờ một người giúp
việc để đáp ứng nhu cầu mình cần và đẻ có thêm thời gian làm những chuyện mình
thích; hoặc để nghỉ ngơi. Vậy mà rốt cuộc cũng thấy không khỏe thêm là mấy và
cũng không vui lên được.
Món hàng xa xỉ
Tôi cảm nhận như mỗi chúng ta đang chơi trò đuổi bắt trong cuộc
sống thường nhật này. Người nào cũng có một mục đích để mong thay đổi cuộc đời
mình ngày một tốt đẹp hơn. Mỗi lúc tôi rửa nồi không có hạnh phúc thì hình ảnh
các em con nhà nghèo lên thành phố tìm việc thường trở về. Hình ảnh các em ngồi
khóc bên Dịch vụ việc làm với những than vãn của người chủ thiệt là khó xử.
Hàng trăm người muốn có việc làm, và hàng ngàn việc cần người làm nhưng lại
không đáp ứng được. Tại các thành phố lớn có khối việc để làm, nhưng cũng lắm
điều cần quan tâm. Tôi nghĩ tình trạng đó chỉ ở những nước chậm và đang phát
triển thôi. Nhưng khi sống ở Paris, khi nghe các bạn trẻ tâm sự giai đoạn tìm
việc, thử việc rồi làm việc cũng là một giai đoạn thử sức với cuộc sống. Tâm
thức của thành phố lớn thường vội vã hơn, có nhiều nhu yếu tế nhị cần được đáp
ứng nên đã làm ra những dòng chảy tâm thức can thiệp vào sự sống. Hạnh phúc
chân thực trở thành một món hàng xa xỉ khó tìm. Để giữ tâm bình lặng, ngắm một
chiếc lá, một bông hoa cũng thiệt là khó. Có chăng đó là công việc của những
người già, họ đã chạy đuối sức trong dòng đời tất bật, bây giờ họ mới nghĩ tới
việc nghỉ ngơi, ngắm nhìn cảnh vật chung quanh mình. Ngôi nhà dưỡng lão bên
cạnh thiền đường Hơi Thở Nhẹ là nơi nghỉ ngơi tuổi già, gọi là một vườn cây của
những ngày nghỉ ngơi. Ở đó có bãi cỏ xanh, có ghế đặt quanh vườn, khu vườn luôn
được dọn dẹp sạch sẽ nhưng hiếm khi thấy có ông cụ, bà cụ nào ra vườn. Một
Retraite, một cuộc dạo chơi cuối đời sao buồn vậy nè? Trong khi đó ở Làng
có rất nhiều khóa tu (rất nhiều Retraite/ Retreat) với rất nhiều người tu trẻ,
có nụ cười tươi, có ánh mắt ngời sáng có thể cùng đi bên nhau trong rừng thu
ngập nắng hay ngồi cùng nhau trong một giảng đường... Thời gian như dừng lại
trong cái sinh hoạt bình dị của việc nấu ăn, dọn dẹp, rửa nồi, ăn, uống, ngủ,
nghỉ và thưởng thức cái đẹp.
Không giống như cảnh tượng về đêm tại nhà ga thành phố. Tôi thấy
thương khi nhìn dòng người cuồn cuộn chảy, họ đi như chạy, mắt vô hồn nhìn mọi
người, tai đeo dây phone như một thứ thời trang. Ui chao, sao mà giống người
máy quá vậy! Tự nhiên tôi rùng mình khi bắt gặp chính mình trước đây. Ai đã lấy
đi thời gian của tôi để người này hối thúc người kia làm việc theo tốc độ của
máy. Ngày trước tôi cứ nghĩ là mình đang đi nhưng mà cái nhịp độ đi đó gọi là
chạy thì đúng hơn. Vì mọi người đều đi như vậy nên tôi không nhận ra, tôi thấy
thật bình thường! Cái tâm thức bình thường của thời đại mới nó hao hao giống
với công nghệ máy móc ngày nay thì phải?
Giật mình khi tiếng còi tàu xuất phát vang lên, hơi thở của tôi
trở về thật sự. Tôi thấy mình như được cứu thoát ra khỏi dòng nước xoáy. Có một
cái gì đó thật thân quen trong tôi, thật gần và thật yên. Tôi ngồi đó và bắt
đầu nghe ngóng những động tĩnh trong tự thân mình. Xao động bên ngoài và sự yên
bình bên trong như hai mặt của một tờ giấy trắng mà Thầy thường đưa lên cho
chúng tôi thấy. Nhưng tờ giấy vẫn là tờ giấy, còn cuộc đời đâu phải tờ giấy nhỏ
xíu trên tay Thầy nên tôi nghe mà vẫn chưa chạm được vào nó. Vậy mà hôm đó tôi
thấy tờ giấy là cuộc đời này.
Nắng lấp lánh bên sông
Tôi đã đem niềm vui của những bước chân đó lấp đầy lối đi dọc dòng
sông Marne. Nắng lấp lánh bên sông thật đẹp, cây xanh thật là xanh. Thỉnh
thoảng chú hạc rụt rè bước nhẹ ven sông, chỉ cần một tiếng động nhỏ là chú duỗi
cánh bay đi. Mấy con vịt trời cứ nhởn nhơ bên nhau và những chú hải âu trắng
đáp xuống dòng sông nhẹ tênh… Cảnh vật thật bình lặng, tôi ghé lại thăm chú nai
bên dòng sông quen thuộc. Tôi hái một nắm lá non tặng chú, chú nai mon men lại
gần. Ái chà! Mới đi có hai tuần mà chú trổ mã thật đẹp. Những hoa đốm trên lưng
chú như hoa nắng vậy đó. Cặp sừng người ta mới cưa bây giờ đã dài ra, mịn màng
lông tơ và bắt đầu cứng. Tôi tự dưng thấy cuộc đời thật ý nghĩa khi nhớ lại tôi
đã từng có những bước chân như vầy bên dòng sông tuổi thơ. Yên bình rong chơi,
thênh thang cõi lòng, nhiều khi tôi còn hát vang cả một khúc sông ngập nắng.
Vậy mà tôi đã quên gia tài tuổi thơ. Giờ đây phố thị như lùi lại sau hàng cây
rủ bóng ven sông. Tôi được trở về với chính tôi, lặng thầm cảm ơn ba mẹ tôi đã
sinh ra tôi trong cuộc đời này và Thầy đã làm cho câu thư pháp “Là mình mình
mới đẹp” như hiển hiện trong thinh không, lung linh trên ánh nước lấp lánh ánh
mặt trời. Tôi lại mỉm cười khi nghe rõ giọng Thầy giải Kiều cho tôi hôm Tết:
“Khéo khéo thì mình cũng thấy nắng, thấy hoa.” Lời dặn dò của Thầy rất sâu mà
tôi cứ tuềnh toàng làm rơi rớt rất nhiều tuệ giác của Thầy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét