Những nét đặc sắc của nghệ thuật tiểu thuyết Phùng Quán
Phạm Thị Thu
Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam từ năm 1945 đến
năm 1988 không nhiều, các tác phẩm đáng được ghi nhận là: Vùng mỏ (Võ Huy Tâm),
Xung kích (Nguyễn Đình Thi), Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc); Con trâu (Nguyễn
Văn Bổng), Vượt Côn Đảo, Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán); Sống mãi với thủ đô
(Nguyễn Huy Tưởng), v.v... Trừ một số cuốn như: Nỗi buồn chiến tranh, Những
mảnh đời đen trắng..., còn tất cả được viết theo phương pháp hiện thực xã hội
chủ nghĩa.
Trong dòng chảy nói trên, Phùng Quán đã để lại
tiếng vang với tiểu thuyết Vượt Côn Đảo (1955), tái bản hàng
chục lần, được giải thưởng Văn học Việt Nam năm 1954, tiểu thuyết ngàn trang
Tuổi thơ dữ dội (1988), được tái bản lần thứ chín. Tìm hiểu về tiểu thuyết
Phùng Quán đang còn là một vấn đề mới mẻ. Chúng tôi xin nêu ba khía cạnh đặc
sắc về nghệ thuật tiểu thuyết của Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội .
1. Nhà văn Nguyễn Khắc Phê trong bài Sự
thật từ ngòi bút Phùng Quán nhấn mạnh: “Ngay cả trong những tác phẩm
nổi tiếng như Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội, mặc
dù tiểu thuyết là một thể loại văn học cho phép nhà văn thả sức tưởng tượng và
hư cấu, Phùng Quán vẫn tận dụng tối đa nhân vật, chi tiết có thật ngoài đời”.
Năm 1954, Phùng Quán được phân công vào nhóm phóng viên báo Quân đội có mặt tại
địa điểm trao đổi tù binh ở Sầm Sơn. Khi nhìn thấy những người con gái bị thực
dân Pháp cầm tù ở Côn Đảo trở về, “trên làn da trắng xanh rạng ngời, dọc ngang
những vết sẹo đan chéo. Những vết sẹo sâu hoắm bị kìm sắt nung cháy. Nhiều chị
mất cả hai núm vú, những vết lở loét trên bẹn, trên đùi. Tất cả những người
chứng kiến đều rùng mình”. Đau thương hơn cả là sự hy sinh để dành cho nhau sự
sống mong manh giữa trùng dương trong chuyến vượt ngục của những tù nhân Côn
Đảo. Còn sự xúc động nào hơn những điều ấy. Trong lúc nhiều “cây đa, cây đề”
trong làng tiểu thuyết e ngại, dè dặt viết về “đề tài” mất mát đau thương của
cách mạng, thì nó lại được trào ra từ trái tim đồng cảm của người chiến sĩ tuổi
đôi mươi Phùng Quán. Và anh đã viết câu chuyện đau thương ấy trên một tập giấy
học trò bằng một xúc cảm rất mạnh mẽ. Tác phẩm này đã tạo nên một “cơn
sốt Vượt Côn Đảo” trong các đơn vị bộ đội và nhân dân. Nó góp phần vào việc hun
đúc tinh thần đấu tranh của nhân dân Miền Nam chống Mỹ. Những hoàn cảnh
và nhân vật mà Phùng Quán mô tả trong Vượt Côn Đảo không khác gì nhiều cuộc
vượt ngục của các chiến sĩ công sản bị tù đày ở Côn Đảo. Nhưng tiểu thuyết Vượt
Côn Đảo của Phùng Quán không chỉ mô tả một cuộc vượt ngục cụ thể, mà là sự tổng
hợp, hư cấu để có cuốn tiểu thuyết vừa khái quát vừa đầy xúc động.
Trong Vượt Côn Đảo, Phùng Quán đã xây dựng một
số tình huống gay cấn. Như việc quyết định lựa chọn cái chết để cho mọi người
được sống như tình huống sau: “Nước chảy vào thuyền nhiều quá... Anh Cả quyết
định: “Thuyền nặng quá, ném tất cả vũ khi xuống bề”. Nước vẫn chảy vào mỗi lúc
một nhiều hơn. Với tình hình này chỉ một tiếng đồng hồ nữa là sẽ chết hết. Giờ
phút này phải đòi hỏi sự hi sinh. Anh Cả hội ý với Du và cuối cùng quyết định
“Cần năm đồng chí hi sinh để cho thuyền nhẹ bớt”.v.v..
Những nhân vật thiếu niên mà Phùng Quán xây
dựng trong tiểu thuyết Tuổi thơ dữ dội chính là nguyên mẫu của
các thiếu niên đội trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân, Huế, nơi mà Phùng Quán đã
từng chiến đấu suốt một thời tuổi thơ của mình. Đối với đề tài tuổi nhỏ anh
hùng, hình như với Phùng Quán không mất thời gian suy nghĩ và lựa chọn mà nó đã
ăn sâu vào máu thịt, vào gan ruột của ông khi kí ức tuổi thơ hiện về. Chúng tôi
đã gặp bác Vĩnh Mẫn, năm nay 81 tuổi, một người bạn thân, cũng là một
chiến sĩ liên lạc cùng trung đoàn Trần Cao Vân với Phùng Quán năm xưa, hiện
đang còn sống khỏe mạnh ở Huế, bác đã nói: “Quán viết Tuổi thơ dữ dội,
để trả nợ tuổi thơ đầy gian lao nhưng cũng hết sức tự hào của mình và bạn bè
đất Huế, Quán viết để tri ân và tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống cho quê
hương khi tuổi đời mới mười ba, mười bốn... Quán viết để nhắc nhở lòng mình hãy
kiên định với niềm tin vào cuộc sống, vào sự thật và chân lí...”.
Trong Tuổi thơ dữ dội , đã
nhân vật đã được đổi tên, nhưng tính cách của từng người thì giống ngoài đời.
Cũng có người còn nguyên tên gọi như Trung đoàn trưởng Hà Văn Lâu... Những câu
chuyện rất thật trong ký ức Phùng Quán đã thành biểu tượng văn chương ám ảnh.
Phùng Quán đã miêu tả súc tích quá trình tham gia chiến đấu và hy sinh của bốn
nhân vật tiêu biểu là Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen,... và một loạt các nhân
vật khác như: Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát. Mừng lập chiến công dẫn đường cho
các chiến sĩ đi đánh “ngôi lầu kiên cố của thằng thực dân cáo già Lơ-bơ-rít”.
Mừng nhờ người đưa lá tầm gửi về cho mẹ rồi tiếp tục theo bộ đội rút lên chiến
khu, tại chiến khu em làm liên lạc. Mừng phát hiện âm mưu ăn cắp bản đồ của Kim
điệu - gián điệp trà trộn vào chiến khu. Mừng cố ngăn chặn nhưng không được và
bị cả chiến khu nghi là Việt gian. Em hy sinh khi giúp bộ đội giật bom giết
địch lúc quân Pháp siết chặt vòng vây vào chiến khu Hòa Mỹ.
Quỳnh “sơn ca” là con trai của phó tổng trấn,
giỏi chơi đàn, bỏ nhà đi Vệ quốc đoàn. Em trở thành quản ca của đoàn. Trước
cuộc đánh bom dinh của Lơ-bơ-rít, Quỳnh đạp phải miểng chai vỡ nhưng vẫn cố sức
đi theo, trời tối em bị lạc đường, rơi xuống hố sâu được Mừng cứu mang về trại.
Vết thương của em nhiễm trùng nặng, Quỳnh phải nằm điều trị ở viện quân y. Tại
viện quân y em mang tiếng đàn và tiếng hát của mình phục vụ những bệnh nhân
khác, em sáng tác bài hát “Sông Ô Lâu kháng chiến” cổ vũ tinh thần đấu tranh
của bộ đội và viết một vở nhạc kịch về bạn Mừng đi tìm thuốc cho mẹ. Bố mẹ
Quỳnh nhờ người lên chiến khu xin cho Quỳnh về để đưa sang Thụy Sĩ ăn học. Uất
ức trước những việc làm phản quốc của gia đình, Quỳnh vỡ tim mà chết và được chiến
khu làm lễ mai táng.
Lượm là nhân vật chiếm tỉ trọng lớn trong câu
chuyện, sinh ra trong gia đình cách mạng nòi. Cha của Lượm bị bắt và đày ra Côn
Đảo rồi chết ở đó rồi tên ông được đặt cho một con đường dưới Côn Đảo. Lượm gia
nhập Vệ quốc đoàn rồi được cử về trinh sát bám địch trong thành phố Huế
chung với Đồng râu, Kim điệu và Tư dát và kết bạn với Tặng, trinh sát địa
phương. Sau thời gian hoạt động trót lọt, Kim điệu bị bắt và khai hết về đội
khiến Đồng râu bị giết và Lượm bị bắt vào tù cùng với Thúi - một em bé bán kẹo
vừng bị giặc tưởng nhầm là Tư dát, Kim điệu quay sang làm điệp viên cho giặc.
Sau hai lần vượt ngục không thành thì bị chuyển sang nhà lao Thừa phủ. Lượm và
Thúi kết hợp với Lép sẹo - một tay anh chị nhí cùng ở tù và lập kế hoạch vượt ngục
lần ba. Rút kinh nghiệm hai lần trước, Lượm làm “cỏ-vê” (lao động phục dịch
không công) cho một công sở và chiếm được cảm tình của cai ngục và quan
chức, lợi dụng sơ hở của địch, Lượm cài Lép sẹo và Thúi vào làm chung với mình.
Lần này em đã tẩu thoát thành công, xong việc Lép sẹo muốn hoàn lương và cả ba
cùng Lượm tìm đường về chiến khu.v.v..
Khi bị nghi oan là gián điệp, Mừng đau đớn vô
cùng, em cố thanh minh với mọi người nhưng chẳng ai tin em... Mừng bị thương
nặng nhưng cũng cố nói với Trung đoàn trưởng: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt
gian nữa anh hí!”. Lời cầu xin khẩn thiết cuối cùng của người chiến sĩ thiếu
niên mười ba tuổi đời, yếu ớt và nhỏ gần như một hơi thở. Có phải đó chính chân
dung Phùng Quán?
2. Ở Việt Nam, bi kịch không là thể loại văn
học - sân khấu theo quan niệm cổ điển mà chỉ có một số vở tuồng hoặc kịch nội
dung tư tưởng có chứa yếu tố bi kịch. Có thể coi Vũ Như Tô của
Nguyễn Huy Tưởng là một ví dụ. Hay trong truyện Đời thừa và Chí
Phèo của Nam Cao cũng có những yếu tố bi kịch. Riêng Phùng Quán thì
khác. Tất cả tiểu thuyết của ông đều là văn chương bi kịch, một đặc trưng khó
thấy ở các tác giả tiểu thuyết cùng thế hệ. Đó là bi kịch cách mạng.
Ta đau lòng trước sự hi sinh của Bằng, Chức, lão
Học... Rùng rợn trước cái chết của Bổn). Bằng ngồi trên thuyền vượt Côn Đảo để
về đất liền, vì thuyền bị bục vải, nước tràn vào nhiều quá nên chỉ huy cần năm
người hi sinh để cho thuyền khỏi bị đắm, Bằng đã xung phong. Sự hi sinh của
Bằng giữa biển khơi để đem lại sự sống cho mọi người (Vượt Côn Đảo). Trong Tuổi
thơ dữ dội có cảnh tượng: “...Cả Mặt trận thành Huế phút chốc rung lên trong
tiếng gầm nổ dữ dội của các loại súng đạn cầu vồng. Nửa giờ sau, như không thể
chịu nổi sức nổ dồn dập, quyết liệt của quân ta, một cột lửa đỏ khé vụt dựng
lên chính giữa trung tâm khu vực bọn Pháp đóng. Cột lửa mỗi lúc dựng cao hơn,
tỏa rộng, chiếu đỏ rực cả bầu trời thành phố. Thân hình trần trụi, nhỏ bé mà
lẫm liệt của Quỳnh, người chiến sĩ thiếu niên đứng chon von trên đầu bọn giặc,
cùng với cây cột thép thu lôi, mỗi lúc càng thêm lồ lộ rực rỡ trên cái nền đỏ
chói chang dữ dội ấy, tưởng như chính lửa đã tạc khắc lên... Và đây là cái chết
của Quỳnh: Gương mặt em vụt trở lên xanh lét, cả hai vành tai cũng xanh. ...Cả
những dòng nước mắt sáng lòa, đầm đìa trên hai má em cũng đang hát khi hát đến
hai câu cuối cùng: Sông Ô Lâu đôi bờ trắng tóc lau... Toàn thân em run bắn. Cặp
mắt mở to bỗng dại đi ánh lửa cảm hứng rực sáng trong đáy mắt em vụt tắt ngấm
như một ánh chớp. Và em ngã nhào từ trên sạp nằm xuống đất, bất ngờ đến nỗi
không ai kịp đưa tay ra đỡ... Đó là một cái chết lạ lùng, đột ngột, dữ dội của
người chiến sĩ mới mười ba tuổi.
3. Sinh ra trên đất Huế, ngôn ngữ Huế đã ngấm
vào máu thịt Phùng Quán, nuôi dưỡng tâm hồn ông. Trong Tuổi thơ dữ dội,
lớp từ ngữ địa phương Huế đã góp phần rất lớn cho sự thành công của tiểu thuyết
Phùng Quán: “Trước ngày Huế nổ súng kháng chiến, dân trong thành phố được lệnh
tản cư hết về các vùng quê... Đồng bào nhao nhao hỏi anh lính gác: “Đêm
qua quân ta mần ăn có khá không anh?. “Nện tụi Tây ở vị trí mô mà súng, lựu đạn
nổ như rang bắp cả đêm rứa?”. Mừng trốn vào Vệ quốc đoàn cũng thật bất
ngờ làm cho bọn trẻ trong đội phải xôn xao bàn tán: “Không biết hắn lọt vô giữa
đội mình lúc mô mà tài rứa hè?”.v.v...
Mặc dù cùng viết về một đề tài, người anh hùng
giữa Vượt Côn Đảo và Tuổi thơ dữ dội, vẫn có những
khác biệt dễ nhận thấy. Ở Vượt Côn Đảo cách kể chuyện cách
viết còn sơ lược, cốt truyện không khỏi giản đơn, tâm lý nhân vật chưa khắc họa
đúng mức... Sở dĩ vậy là do ở Vượt Côn Đảo tác giả sử dụng vốn
sống gián tiếp, đây lại là tác phẩm đầu tay của ông khi mới 22 tuổi. Nhưng Vượt
Côn Đảo đã từng là người bạn theo các chiến sĩ trên mặt trận, là “cuốn
sách gối đầu giường” của họ. Còn đến Tuổi thơ dữ dội, tác giả lấy
cảm hứng từ chính cuộc đời mình với biết bao sự trải nghiệm trên đường đời sớm
chông gai, cơ cực. Ở một tay nghề đã đến độ chín, ngôn ngữ, bút pháp cũng như
nghệ thuật kết cấu trong tiểu thuyết này đã có những tiến bộ vượt bậc, hấp dẫn
và đấy triết lý nhân sinh.
Có lẽ không phải bây giờ mà còn lâu về sau,
chiến tranh vẫn là một đề tài lớn. Những trang văn của Phùng Quán cho đến ngày
nay, bất chấp biến động thời cuộc, vẫn mang lại những giá trị lịch sử - thẩm mĩ
thực sự có ý nghĩa với độc giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét