Những thi ảnh từ cảm xúc mộng, sầu, tình trong tập “Tiếng thu”
Hoàng Thụy Anh
Lưu Trọng Lư
(1911-1991) xuất hiện ở giai đoạn đầu của phong trào Thơ Mới. Ông sinh ra ở
làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông tham gia văn
đàn với nhiều thể loại. Về thơ có:Tiếng thu (1939), Tỏa
sáng đôi bờ (1959), Người con gái sông Gianh (1966), Từ
đất này (1971). Về văn xuôi có:Người sơn nhân (1933), Chiếc
cáng xanh (1941), Khói lam chiều (1941), Mùa
thu lớn (1978), Nửa đêm sực tỉnh(1989). Về sân khấu có: Nữ
diễn viên miền Nam, Cây thanh trà (kịch bản cải lương), Xuân
Vỹ Dạ, Anh Trỗi (kịch nói), Hồng Gấm. Tuổi hai mươi (kịch
thơ, 1973). Trong đó, thơ là một trong những lĩnh vực thành công và làm nên tên
tuổi của thi sĩ.
Giữ vai trò là nhà thơ tiên phong trong phong
trào Thơ Mới nhưng chất thơ của ông không Tây như Xuân Diệu,
khôngsầu vạn cổ như Huy Cận, không điên cuồng như
Hàn Mặc Tử… mà có sự đan quyện giữa cổ điển và hiện đại, phương Đông và phương
Tây, hay nói cách khác, thơ ông vừa có vẻ đẹp cổ điển vừa có luồng gió của thời
đại mới. Điều này làm nên cái tôi vừa rạo rực, tràn đầy cảm xúc vừa u buồn, cô
đơn. Trong đó, tập Tiếng thu[1], tập thơ đầu
tay của Lưu Trọng Lư thể hiện rõ nhất về cái tôi trữ tình và phong cách thơ của
ông. Đó là thế giới của cõi mộng, cõi chiêm bao. Đó là tiếng lòng của một “thi
sĩ đa tình và mơ mộng” (Vũ Ngọc Phan) “chỉ sống bằng tưởng tượng” (Trương Tửu),
“sống bằng nội tâm nhiều hơn ngoại giới” (Phan Cự Đệ). Và “Mộng, đó mới là quê
hương của Lư” (Hoài Thanh, Hoài Chân). Bên cạnh chất mộng mơ, cái tình thấm
đượm, thơ Lưu Trọng Lư còn có nỗi sầu bao la, sầu biêng biếc, sầu vô
hạn. Những rung động, những thăng hoa từ cảm xúc mộng, sầu, tình cùng
với trí tưởng tượng phong phú, cộng hưởng, tạc nên gương mặt kì ẩn của bên kia
thực tại.
Chịu ảnh xạ của cảm xúc ấy, những hình ảnh
trong tập thơ cũng trở nên biến hóa, nhòe mờ, hư ảo. Các hình ảnh thơ xuất phát
từ thế giới thực nhưng lại được cảm nhận ở cõi mộng, cõi vô thức. Khám phá một
số hình ảnh thơ xuất phát từ thế giới phi thực, thế giới vô thức là một trong
những căn cứ để khẳng định được chất riêng, đặc sắc của tập thơTiếng thu.
Đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tượng trưng
(symbolisme) ảnh hưởng sâu sắc đến thi ca Pháp, nhưng đến những năm 1935-1945
nó mới thực sự ảnh hưởng đến các nhà Thơ mới Việt Nam. Các nhà thơ như Xuân
Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận, Bích Khê… đều ít nhiều chịu ảnh hưởng
phong cách của Baudelaire. Chủ nghĩa tượng trưng hướng đến: “ý nghĩa của cuộc
sống nội tâm sâu kín, không bị trí tuệ hóa, ý nghĩa của sự thần bí ẩn sau những
bề ngoài, những tương ứng” [2; 837]. Với tinh thần như thế, những người theo
trường phái chủ trương: “sáng tạo ra một thế giới mới: nhà thơ, trở thành người
dự đoán tương lai bởi sự rối loạn của các giác quan, giải phóng sự phát triển
mạnh mẽ của những hình ảnh, sự phát triển này hủy hoại thế giới truyền thống và
đưa ra trưng bày một thế giới mới” [3; 426]. Nghĩa là, họ xem thế giới này chỉ
là cái bóng, còn thế giới bên kia mới là thế giới thực, là bản thể của thế
giới. Họ không tư duy bằng lý tính mà tư duy bằng trực giác, bằng ý niệm. Do
đó, hình ảnh thơ tượng trưng không rõ nét, rất khó để giải thích. Trong tập Tiếng
thu, những hình ảnh được thiết kế, xuất phát từ trạng thái tiềm thức,
vô thức xuất hiện khá nhiều. Bằng cách lắp ghép một yếu tố thực với một yếu tố
phi thực, các hình ảnh thơ ấy phô ra một thế giới mộng ảo, mơ hồ, khó nắm bắt
nhưng đầy cuốn hút, ám ảnh.
Vậy, căn nguyên nào đưa thơ Lưu Trọng Lư có
phần dạt sang địa phận của thơ tượng trưng như thế? Có phải do sự ảnh hưởng của
luồng gió thơ tượng trưng lúc bấy giờ? Hay là xuất phát từ một tâm hồn dạt dào
xúc cảm, mơ mộng của Lưu Trọng Lư? Chúng ta thấy, cõi mộng ăn sâu, chi phối mọi
điểm nhìn cũng như tư duy của người nghệ sĩ. TrongTiếng thu, lớp
từ được lẩy ra từ cõi mộng, cõi mơ xuất hiện khá nhiều (Hôm qua, Giang hồ, Một
chút tình, Tình điên, Còn chi nữa, Thuyền mộng, Im lặng, Chiếc cáng điều, Thú
đau thương, Mộng chiều về, Sứ giả…). Thế giới lệch pha vẽ nên những bức tranh
phi lôgic, huyền ảo, đa nghĩa. Chúng là kết quả của sự xâm nhập “khu vực bí ẩn”
(Mallarmé):nắng mới reo ngoài nội; tóc vướng vần thơ sầu rụng; mây chiều đập
sương, thời gian lặng rớt một dòng buồn tênh; mắt sầu gợn sóng; trăng động
trong cây lá; trăng thu rụng dưới cầu; mộng nở trong lòng sắc đỏ hoe; mùi hương
hàng xóm bay đầy mái đông; nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng; những điệu huyền
bay, lạc khắp thôn; anh chỉ say sưa màu tuyệt diệu…
Thuyền là hình ảnh được lắp ghép sáng tạo trên
cơ sở kết hợp trục ngang và trục dọc, do đó, nó không đơn thuần chỉ là sự hiện
hữu của con thuyền thực mà còn là một con thuyền chở “nội dung thể nghiệm của ý
thức” (Andrey Belyi). Con thuyền trong thơ Lưu Trọng Lư được vận hành, chuyển
biến liên tục. Xuất phát từ cõi thực - con thuyền còn buộcchuẩn bị
khởi hành: sắp trẩy bến thần tiên, vượt qua ba mươi sáu bến
bồng bềnh, bơi trong cõi mộng lồng lộng. Người ngồi trên con
thuyền ấy là khách giang hồ, khách du ngoạn, người tráng sĩ… với khát vọng
thoát ly thực tại, giải phóng cái tôi, vươn đến chân trời tự do, kiếm tìm, tận
hưởng cái đẹp của thế giới bên kia. Từ điểm nhìn ấy, thế giới thực trở nên mờ
nhạt, thay vào đó là sự sống động, bồng bềnh, mê hoặc của thế giới nhiệm mầu.
Khi thời gian và không gian trở nên bất định, chúng hệ lụy đến trường tưởng
tượng của nhà thơ, kéo theo những hình ảnh thơ huyền hoặc, khó tìm ra mã giải:
Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng
Mái tóc buồn thơ cũng buồn theo
Năm năm tiếng lụa xé đều
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Nghiêng nghiêng mái tóc hương nồng
Thời gian lặng rớt một dòng buồn tênh
Các hình ảnh thơ: tóc vướng vần thơ
sầu rụng, mái tóc buồn, mái tóc hương nồng ngỡ
như có sự liên kết nhưng không hề có sự ăn nhập khi đặt cạnh các đối tượng
khác: vầng trăng, vần thơ, tiếng lụa, gió, mùi hương, mái đông.
Chúng đặt bên nhau theo một kết cấu lỏng, rời rạc. Giữa các câu thơ, ý tưởng
cũng bị đứt đoạn, cắt rời. Xếp chồng các chữ, các câu, đoạn vào nhau như thế,
thi ảnh được chọn lựa không dễ dàng lý giải nhưng lại có sức gợi, mê hoặc. Đó
là sự cảm nhận hết sức tinh tế về một quá khứ đã xa vời với người con gái quay
tơ năm xưa gieo vào lòng thi nhân những nỗi niềm khôn nguôi: sầu-buồn-buồn
tênh. Ở đây, sự giảm dần của các từ ngữ chỉ tâm trạng nhằm mục đích khác: đẩy
các thi ảnh, đẩy kí ức trượt dài trong sự mông lung, vô định của thời gian,
nhấn mạnh ý niệm về cái mong manh, hư ảo.
Nắng mới trong bài thơ cùng tên cũng là một thi ảnh cần được thẩm
thấu bằng trực cảm lẫn trực giác:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng;
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,
Lúc Người còn sống, tôi lên mười;
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,
Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.
Hình dáng Me tôi chửa xoá mờ,
Hãy còn mường tượng lúc vào ra;
Nét cười đen nhánh sau tay áo,
Nắng mới được nhìn từ góc độ thực hắt bên sông nhưng
chỉ còn là khoảnh khắc, tất cả đã lùi vào dĩ vãng, do đó, người đọc khó có thể
nắm bắt, định hình thi ảnh nắng mới ở khổ 1. Sang khổ 2, khổ
3, nắng mới của thuở thiếu thời, ngỡ là hư ảo
nhưng lại rất thực, hữu hình: reo ngoài nội, trong ánh trưa
hè, trước giậu thưa. Như thế, thi ảnh nắng mới mở ra một
cách tiếp cận khác: tiếp cận đan xen, chồng chéo giữa quá khứ - hiện tại, giữa
không gian - thời gian và bằng trực giác để phát hiện ý niệm tinh thần về tình
cảm mà tác giả gửi gắm trong đó.
Bài thơ “Tiếng thu” làm nên tên tuổi của Lưu
Trọng Lư. Từ nhan đề cho đến các thi ảnh như: trăng mờ thổn thức, hình
ảnh kẻ chinh phu trong lòng người cô phụ, con nai vàng
ngơ ngác đạp trên lá vàng khô đều được đặt trong thế khập khểnh, kề
cạnh nhưng không liên kết; trong sự huyền diệu, mờ nhòe của không gian và thời
gian. Sức ám ảnh của các thi ảnh này lại nằm ở sự mờ ảo ấy. Sự mờ ảo là con
đường chiếm lĩnh chiều sâu bản thể của mùa thu. Chỉ có thể cảm nhận sự huyền
hoặc, diệu vợi của mùa thu khi thả hồn trong hiện thực thứ hai chứ không phải
là hiện thực thứ nhất. Nói như Trần Đăng Khoa: “Cái hay của bài thơ này không
nằm ở câu chữ. Nó hoàn toàn siêu thoát, là cái hồn phảng phất đâu đó đằng sau
những con chữ rất sáng tỏ mà lại vời vợi mông lung kia. Người ta chỉ cảm thấy
được, chứ không thể nói ra được một cách rạch ròi”[4].
Một “tiếng thu”, lạ, đẹp nhưng buồn, đầy mầu nhiệm, bí ẩn. Người ta đồn rằng,
“Tiếng thu” được viết từ trên quê hương ông. Cái rặng núi sau nhà và hình ảnh
con nai vàng ngơ ngác đã làm day dứt tâm cảm ấp ủ như men tình của ông. Cho
nên, “Tiếng thu” cũng chính là tiếng lòng quê hương của ông vậy. Và cũng là
đóng góp lớn lao cho mảnh đất quê nhà của thi sĩ.
Những biến động về lịch sử, xã hội giai đoạn
đầu thế kỉ XX, kèm theo đó là sự tác động của chủ nghĩa lãng mạn, nhất là sự
ảnh hưởng của văn học lãng mạn Pháp, phong trào Thơ Mới lãng mạn Việt Nam ra
đời, một mặt đáp ứng được sự thay đổi của thi ca trong hành trình đi lên của
nó, mặt khác lại là mảnh đất để các nhà thơ có thể làm mới mình, bộc lộ tiếng
nói tự do của chính mình. Tuy trốn khỏi thế giới thực tại, bay vào thế giới của
vô thức, của giấc mộng mà kiếm tìm cái đẹp, thực hiện khát vọng của mình nhưng
âm hưởng chủ đạo của Thơ Mới vẫn là cái buồn, cái sầu. Có thể nói, các nhà Thơ
Mới đều biết cách tạo dựng cho lâu đài thơ của mình một thế giới sầu riêng
biệt, không ai giống ai. Lưu Trọng Lư đánh dấu con đường thơ đầu tiên của mình
bằng ba thanh âm: mộng, sầu, tình. Ba thanh âm ấy hòa phối nên dáng
vẻ, hồn cốt cho thi ảnh của tập Tiếng thu.
Nửa đời phiêu lãng với con thuyền mơ, ghé bến
Ngân-sơn, bến Trúc-lang, nơi nghìn trùng man mác nhưng thi sĩ
vẫn chưa thỏa mộng giang hồ, máu du tử: thuyền
ơi, neo chưa buồn cắm. Trốn vào cõi mộng nhưng mộng không bền. Vì vậy,
trong tập Tiếng thu, nhà thơ không ít lần nhắc đến tình
cảnh: Giật mình ta thấy bồ hôi lạnh/ Mộng đẹp bên chăn đã biến rồi! (Hôm
qua); Lúc mộng nhìn nhau cười ngặt nghẽo/ Mộng tan, trên gối: lệ hoen
rơi (Mộng chiều về)… Khi chập chờn, chông chênh giữa hai tình cảnh
thực và mộng ấy, chúng ta nhận ra, bên cạnh người-thơ không chút vướng bận, tự
do say đắm với chốn hư ảo là người-thơ sẵn sàng lịm người trong thú đau
thương, đối chất, bộc bạch nỗi u sầu của mình. Nỗi sầu bàng bạc, ngấm vào
từng thi ảnh, từng giai điệu của Tiếng thu: mắt sầu
gợn sóng, sầu biêng biếc, ôm mối sầu vô hạn, sầu
tràn khắp cỏ cây, ngày một thêm sầu… Không chỉ thế, trạng thái
sầu còn được tác giả diễn giải, biểu đạt bằng nhiều góc độ: não nùng,
rượi buồn, buồn tênh, bao la sầu, sùi sụt, thẫn thờ, bi thiết, chua chát, quạnh
quẽ, đau thương, nỉ non, nỗi buồn nghìn dặm, mối sầu u, buồn vời vợi, lòng
buồn, buồn mãi không thôi, thú đau thương, buồn đắm say, lòng trần héo, những
nỗi chua cay, tan tác vỡ,…
Tâm trạng sầu là tâm trạng chung, thường trực
của cái tôi lãng mạn trong Thơ Mới lúc bấy giờ. Nhưng cái sầu của Lưu Trọng Lư
không lẫn vào ai được:
Đã héo lắm nụ cười trong mộng
Đã mờ mờ lắm bóng thân yêu
Đã lam tím cả cánh chiều
Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn
(Thú đau thương)
Mộng tàn. Đau thương. Nhưng với Lưu Trọng Lư,
ông vẫn xem những cảm xúc ấy là thú. Cách viết này vừa lạ nhưng
đồng thời vừa khẳng định bản ngã của nhà thơ. Sẵn sàng đớn đau, xin để
gối nằm yên chỗ cũ thỏa cơn mộng cái giống giang hồ. Đây
chính là cách nhà thơ nới rộng cái sầu và làm nên điệu thơ sầu, riêng,
mới cho tập Tiếng thu. Mặt khác, nhà thơ sầu nhưng không
hoàn toàn bi quan, chán nản, tuyệt vọng, bế tắc, bởi, ẩn chứa bên trong cái sầu
ấy còn là cái tình chân thành, giàu lòng trắc ẩn, yêu thiên nhiên và rất đỗi
tha thiết với cuộc sống của thi sĩ.
Giây phút tỉnh mộng hé mở cái buồn sầu của thi
sĩ nhưng cũng hé mở một tâm-thơ nhạy cảm, tinh tế, nhân ái: Nỗi nhớ mẹ khôn
nguôi (Nắng mới); Sự chia sẻ, cảm thông trước nỗi niềm của người con gái khi
lấy chồng xa (Chị em); Những trăn trở, day dứt, băn khoăn trước những mảnh đời
bất hạnh (Hoa bên đường;); Lòng yêu thiên nhiên (Núi xa); Trân trọng những giá
trị văn hóa cổ truyền của dân tộc (Chiếc cáng điều); Say đắm với tình yêu (Đôi
mắt)… Khi kết hợp với dòng vô thức, với khoảnh khắc của trực giác, cái tình sâu
đậm cũng bị chi phối và tác động đến một số thi ảnh, làm cho các thi ảnh lóe
lên sự diệu kì, gợi cảm. Vừng trăng, hồn thu, hương đêm là
điểm tựa để bừng sáng vẻ đẹp và sự đam mê của tình yêu: “Vừng trăng lên
mái tóc mây/ Một hồn thu lạnh, mơ say hương nồng/ Mắt em là một dòng sông/ Thuyền
ta bơi lặn trong dòng mắt em/ Đàn “nguyệt dạ” hương đêm bay lạc/ Gì buồn hơn
tiếng vạc lưng chừng/ Phép gì khỏi nhớ đừng trông/ Mắt em bỏ túi, vắng lòng đem
soi” (Đôi mắt). Thi ảnh nằm ấp bóng trăng thưa vừa
tràn đầy tình cảm của tác giả, vừa gợi sự đơn chiếc của người quả phụ, rất ấn
tượng: Ai nghe tiếng hát chị đò đưa/ Mà không cảm thương người quả phụ/
Nằm ấp bóng trăng thưa/ Luồn qua song cửa sổ (Điệu hát lẳng lơ). Nhà
thơ còn say sưa màu tuyệt diệu của đất trời, thiên nhiên với
một nỗi niềm u hoài, day dứt: Cảnh đêm khuya trời giá/ Lạnh lùng thay!
ngọc gió Ly-Dao/ Bến Văn giang, khóc trăng sầu (Hồn nghệ sĩ)...
Trong quan hệ tương giao, tương ứng giữa
thực-phi thực, quen-lạ, cổ điển-hiện đại, quá khứ-hiện tại..., từ âm thanh, màu
sắc, ngôn từ... cho đến hình ảnh thơ trong Tiếng thu đều
bị ảnh hưởng bởi sự mờ nhòe, hư hư thực thực. Men theo ba yếu tố: mộng,
sầu, tình, cũng là phương cách để người đọc dùng trực giác mà chiếm lĩnh
những thi ảnh huyền nhiệm của thế giới siêu hình, của thế giới ý niệm.
Như vậy, luồng gió của chủ nghĩa tượng trưng
đã tác động không ít đến thơ của Lưu Trọng Lư. Mặt khác, xuất phát từ một tâm
hồn dạt dào xúc cảm, mơ mộng, các thi ảnh trong thơ của Lưu Trọng Lư, tự thân,
cũng ít nhiều đã vận sắc thái huyền hư. Vì thế, "Tiếng thu" của Lưu
Trọng Lư vừa có sự đan quyện giữa màu sắc lãng mạn và màu sắc tượng trưng, giữa
cổ điển và hiện đại. Nó thể hiện rõ cá tính sáng tạo và phong cách của thi sĩ.
Trong tập thơ, có dăm ba bài bình thường,
thiếu sự chắt lọc, cô động trong cách viết, nhưng người đọc dễ dàng bỏ qua bởi
sự quyến rũ của một thế giới đẹp, huyền hư, bởi một cái tôi lãng mạn, một tinh
thần tượng trưng nhưng hết sức thành thực, cởi mở, giàu tình cảm; bởi những
hình ảnh hết sức mới và lạ của nhà thơ: Tiếng thu, Thú đau thương, Điệu
huyền... Chính Hoài Thanh đã nói: “Tôi biết có kẻ trách Lư cẩu thả, lười
biếng, không biết chọn chữ, không chịu khó gọt dũa câu thơ. Nhưng Lư có làm thơ
đâu, Lư chỉ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy”[5]. Đúng thế,
những cảm xúc tinh tế, giàu tính nhân văn cùng với những hình ảnh thơ đầy tính
biểu tượng, ám gợi ấy đã góp phần khẳng định tiếng nói, vai trò kiện tướng
trong phong trào Thơ Mới cũng như vị trí quan trọng của Lưu Trọng Lư đối với
thi ca Quảng Bình nói riêng và thi ca Việt Nam nói chung.
Quảng Bình, 21-5-2011
-------------------
[1]. Lưu Trọng Lư, Tiếng thu, NXB
Thông tin, 1991.
[2]. Henri Bénac, Dẫn giải ý tưởng văn
chương, NXB Giáo dục, 2005, tr.837.
[3]. Henri Bénac, sđd, tr. 426.
[4]. Hoàng Vũ Thuật, Hữu Phương, Hoàng Bình
Trọng (tuyển chọn), Nhà văn Việt Nam hiện đại Quảng Bình, Chi hội Nhà văn Việt
Nam tại Quảng Bình xuất bản, 2001, tr.335.
[5]. Hoàng Vũ Thuật, Hữu Phương, Hoàng Bình
Trọng (tuyển chọn), sđd, tr.331-332.
[6]. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân
Việt Nam, Nxb Văn học, 2006.
[7]. Lại Nguyên Ân (tập hợp và biên tập), Thơ
Mới 1932-1945: tác giả và tác phẩm, NXB Hội Nhà văn, 2004.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét