· Những vì sao của ánh sáng
Năm 2014 cuộc thi Onkyo 12 tiếp tục được phát
động. Đây là một hoạt động hàng năm của WBUAP đã giúp cho nhiều hội viên có cơ
hội viết về bản thân, thông qua bài viết để thể hiện nghị lực, vượt qua khó
khăn đi tới thành công trong cuộc sống. Cuộc thi năm nay TƯ Hội đã nhận được 41
bài viết từ 24 đơn vị Tỉnh, Thành hội. Ban tổ chức cuộc thi đã lựa chọn 5 bài
viết xuất sắc ở 2 lứa tuổi trên và dưới 26 tuổi. Trong số này, chúng tôi xin
giới thiệu với các bạn 1 trong 5 bài viết xuất sắc được lựa chọn gửi Hiệp hội
Người mù thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bài dự thi của bạn Lê Hương
Giang vừa tốt nghiệp trường THPT Thăng Long – Hội viên HNM quận Hoàng Mai, Hà
Nội.
Hồi mới đi
học, tôi rất thắc mắc vì sao các anh chị trong trường lại viết loại chữ khác
tôi? Nó không được viết nên từ mực mà được tạo ra từ một chiếc bút trông giống
như cây kim khâu lớn. Khi tôi bắt đầu đeo một chiếc kính vừ dày vừa to che gần
hết khuôn mặt để nắn nót tập viết chữ cũng là lúc một số bạn trong lớp dùng cây
kim khâu lớn chậm chạp ấn lên chiếc bảng hình chữ nhật. Tôi cảm thấy rất thích
thú với việc đó vì nó sẽ tạo ra tiếng kêu lách cách, nghe rất vui tai. Cô
giáo gọi loại chữ đặc biệt ấy là chữ Braille. Còn lũ trẻ chúng tôi gọi nó là
chữ nổi vì khi viết xong các kí hiệu sẽ nổi lên, lốm đốm như những vì sao trên
bầu trời. Sau giờ học, tôi lân la bắt các bạn kể lại cảm giác khi được viết chữ
Braille thì các bạn chỉ nói nó rất đau tay. Tôi không tin và bắt đầu tập viết
loại chữ đặc biệt này vào mỗi giờ ra chơi. Ban đầu cũng có chút khó khăn nhưng
sự tò mò và thích thú đã làm tôi kiên trì với nó.
Có lẽ lúc ấy tôi chưa nghĩ tới
việc một ngày nào đó những vì sao này sẽ mang lại ánh sáng cho chính cuộc sống
của mình.
Vừa chập chững bước chân vào cấp II, cũng là
lúc đôi mắt tôi mất hoàn toàn thị lực. Tôi cảm thấy mình xa lạ với cuộc sống
của những người xung quanh, xa lạ với cuộc sống của chính tôi. Điều duy nhất
tôi có thể làm lúc đó là cố gắng nhớ lại các kí hiệu chữ Braille mà mình đã
biết khi theo học lớp phục hồi chức năng và tập luyện nó hằng ngày cho thành
thạo. Nhờ vậy, tôi có thể tiếp tục theo học chương trình lớp 6. Tuy nhiên, thật
không dễ dàng để làm quen với thế giới bóng tối!
Lên lớp 7, tại một buổi giao lưu
với các bạn khiếm thị trong cả nước, nghe các bạn chia sẻ về cách viết chữ
Braille và việc học tập của mình tôi mới chợt vỡ ra chữ Braille không chỉ gói
gọn trong 29 chữ cái và 5 dấu mà chúng ta cũng có thể viết những kí hiệu toán
học phức tạp hay những nốt nhạc bằng loại chữ này. Vậy là việc học tập của tôi
đã trở nên dễ dàng hơn. Tôi thấy mình hoàn toàn có thể theo kịp chương trình
của các bạn bình thường, có những môn tôi còn đạt điểm cao. Sau đó tôi viết vài
lá thư cho các bạn khiếm thị ở miền Trung để cảm ơn họ về kĩ năng viết chữ nổi
mà họ chia sẻ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc học tập cũng như kể cho các
bạn ấy biết nhiều hơn về thành phố tuyệt vời mà tôi đang sống. Khi nhận được
bức thư hồi đáp, những “vì sao” kể cho tôi nghe về cuộc sống của người bạn đồng
tật ở một thành phố rất xa. Điều đó làm tôi bắt đầu có tình cảm với chữ
Braille. Bởi nó không chỉ có ích trong việc học tập mà nó đã tặng cho tôi thêm
nhiều người bạn mới.
Thời điểm khó khăn nhất với tôi
là khi chuyển tới học tại một trường cấp III bình thường – không hề có giáo
viên hay trang thiếp bị giảng dạy dành cho người khuyết tật. Tôi là học sinh
khiếm thị duy nhất ở đó. Và đương nhiên thầy cô rất xa lạ với chữ Braille. Họ
nghĩ rằng chữ Braille là cách ấn nổi những chữ bình thường lên. Và giống như
tôi khi mới làm quen với loại chữ này thầy cô nghĩ rằng chữ Braille chỉ có thể
viết được những chữ cái cơ bản. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi không thể học
như các bạn khác.
Tôi thấy rằng chỉ giải thích
bằng lời thật khó để mọi người có thể hiểu được cách viết của tôi. Bắt đầu từ
tiết học văn, cô giáo đã kinh ngạc khi thấy tôi chép kịp theo lời giảng và đọc
cho cô nghe bài kiểm tra viết bằng chữ Braille ngay tại lớp. Điều tương tự tiếp
tục lặp lại vào tiết học toán, lý, hóa… Và rồi những người bạn bình thường bắt
đầu lân la nhờ tôi dạy cách đọc chữ Braille. Thời điểm tôi tham gia các hoạt
động ngoại khóa của nhà trường chính là cơ hội để tôi giao lưu với nhiều bạn
cùng khóa và các anh chị lớp trên. Nhờ vậy, tôi dễ dàng hòa nhập hơn với môi
trường này và có dịp kể thêm về những “vì sao” của mình. Một thời gian không
lâu sau, thầy cô và bạn bè đã không còn kinh ngạc khi thấy tôi ghi chép đầy đủ
nội dung của một cuộc họp hay viết vài bài báo cho nhà trường nữa. Bởi với họ,
chữ Braille và chữ bình thường đều có chức năng như nhau cũng như hiệu quả công
việc sẽ không hề bị ảnh hưởng bởi lí do khuyết tật.
Cuộc sống của tôi thực sự
thay đổi khi Hội thi KHKT Intel ISEF dành cho học sinh THPT đến Việt Nam năm
2012và tôi đã thử sức với nó bằng đề tài chế tạo máy đếm, phân biệt tiền thật
tiền giả phát âm thanh. Ban giám hiệu một lần nữa lại nghi hoặc về quyết định
của tôi. Tuy nhiên, thầy cô vẫn đồng ý để tôi tham gia cuộc thi này. Tôi lập ra
một kế hoạch nghiên cứu và tìm kiếm tài liệu trong đầu nhưng khi bắt tay vào
thực tế thì nó quả là một thử thách lớn! Bởi các sách chuyên ngành bằng chữ
Braille ở Việt Nam hoàn toàn không có. Tôi phải tra cứu rất nhiều trên
Internet, các trang web và báo chí người ngoài rồi chép lại ý quan trọng ra
giấy. Vài tháng liên tục tôi mải miết với công việc thu thập thông tin, chọn
lọc và thử nghiệm. Cuối cùng, ý tưởng của tôi đã trở thành một bản thiết kế
hoàn chỉnh.
Có mặt tại vòng chung kết
quốc gia, một lần nữa tôi lại nhận ra sự kinh ngạc từ các nhà khoa học trong và
ngoài nước. Họ hỏi tôi làm sao có thể sáng tạo khoa học trong bóng tối? Đó
chính là mục đích khiến tôi quyết tâm tham gia cuộc thi này. Tôi đã cho họ thấy
người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung cũng có thể học tập, làm
việc và thậm chí là nghiên cứu khoa học như những người bình thường. Tôi cũng
chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của người khuyết tật Việt Nam và bày tỏ
hi vọng các nhà sáng chế sẽ có thêm nhiều phát minh hướng đến người khuyết tật
hơn nữa trong tương lai. Tôi đã nhận được rất nhiều lời hứa hẹn, nó chứng tỏ
tôi đã thành công với việc khơi nguồn trong họ ý niệm về cuộc sống hòa nhập cho
tất cả mọi đối tượng. Và tôi hạnh phúc vì điều đó!
Từ sự thành công trong việc học
hòa nhập, tôi trở về trường khiếm thị chia sẻ kinh nghiệm của mình và kể về
cuộc sống tươi đẹp ngoài kia cho các em nhỏ đang học tập tại trường chuyên biệt
Nguyễn Đình Chiểu, tham gia lớp học ngôi nhà nghệ thuật để cùng các bạn khuyết
tật khác “sáng tác” trên những khối đất sét.
Trong một lần nói chuyện, tôi
được biết có một người bạn bằng tuổi tôi sau khi đến thăm đã trao tặng cây
Guitar của mình cho một em bé khiếm thị. Điều đó làm tôi rất cảm động bởi
guitar cũng là niềm đam mê của tôi và tôi nâng niu cây đàn của mình như chính
tâm hồn tôi. Vào ngày sinh nhật của người bạn đó, tôi đã gấp một chú hạc giấy
và đặt vào đôi cánh của nó vài lời chúc bằng chữ Braille. Thật bất ngờ, vào
ngày sinh nhật của tôi 1 tháng sau, tôi nhận được một tấm bưu thiếp bằng chữ
Braille. Người ấy viết: “Tôi đã giải mã được bức mật thư bạn đặt trong con hạc.
Tôi sẽ học chữ nổi để sinh nhật năm sau có thể viết tặng bạn một lá thư dài.
Tôi hứa đấy!”
Bạn thấy không, chữ Braille đâu chỉ thuộc về
thế giới bóng tối, nó có thể giúp mọi người nhận yêu thương và trao gửi yêu
thương!
Tôi mới 19 tuổi. Tôi còn
rất nhiều dự định cho tương lai. Tôi sẽ dùng hành động thực tế và câu chuyện
của chính mình để thay đổi cái nhìn của cộng đồng về người khuyết tật, về cuộc
sống của người khuyết tật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét