Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Quỳnh Giao & Ca khúc Phạm Duy

Quỳnh Giao & Ca khúc Phạm Duy

Tiếng hát Quỳnh Giao
            "Trở Về Thôn Cũ            
Trong số các ca sĩ của chúng ta, nổi tiếng ở trong nước từ trước 1975, ra khỏi nước sau 1975, vẫn còn tiếp tục hát, có lẽ Quỳnh Giao là người ít tuổi nhất.
Nhưng, trong buổi trình diễn chung mới đây, nhân dịp kỷ niệm 50 năm hát của Mai Hương, trước số khán giả đông nghẹt hội trường của nhật báo Người Việt, Kim Tước đã nói một câu hài hước rằng, ban hợp ca “Tiếng Tơ Ðồng” của họ, [gồm Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao], nay có thể gọi là ban “Tiếng Tơ Bạc” được rồi. Ðiều ấy, cũng có nghĩa là cái người ít tuổi nhất kia giờ cũng không còn trẻ nữa

Song phải thấy Quỳnh Giao đứng trên sân khấu, nói chuyện, ứng phó với khán giả, với thái độ chững chạc - mới thấy “tuổi tác” có cái đẹp riêng. Chẳng hạn khi xuất hiện trong một tiết mục [sau] - bận một bộ đồ mới, màu vàng điểm hoa hơi sặc sỡ với một chiếc khăn cùng màu “rất điệu” vắt ngang trên tóc, khán giả cười ồ. Quỳnh Giao đã quay xuống hỏi: “Có phải quý vị cười vì Quỳnh Giao thay áo không”. Thay áo? Thật khéo. Câu nói đã lấy được hết cảm tình của khán giả. Tự nhiên người ta quên cả cách ăn mặc chỉ trước đó vài phút có thể người ta cho là hơi “xí xọn” giờ lại thấy nó có vẻ gì đó duyên dáng!
Có những tiếng hát, nghe rồi, khi gặp người hát, người ta có cảm tưởng, giữa người hát và tiếng hát, có một cái gì đó sai lạc.
Tiếng hát Quỳnh Giao hợp nhất với khuôn mặt và cả vóc dáng người hát.
Nghe và xem Quỳnh Giao hát, người ta có thể thấy ngay rằng, người như thế ắt tiếng hát phải như thế.
Mong manh. Trong sáng. Dịu dàng.
Có người cho rằng giọng hát Quỳnh Giao hơi mỏng.
Ðó là điều người ta có thể thích hay không thích.
Nhưng cái vẻ sang trọng và kỹ thuật điêu luyện của tiếng hát thì không ai có thể phủ nhận được.
Hai CD sau cùng vừa hoàn tất của Quỳnh Giao “Trở Về Thôn Cũ” và “Tình Khúc Phạm Duy” ghi dấu sự đổi thay thật sự của giọng hát Quỳnh Giao.
Như trái đã đủ chín, rượu đã đủ nồng.
Không phải chỉ vì ảnh hưởng của thời gian mà còn do những đổi thay, vui buồn của cuộc sống làm nên nữa.
Tiếng hát khoan thai hơn, dịu dàng hơn.
Người ta càng thấy rõ cái vẻ mỏng manh của giọng hát Quỳnh Giao vừa là khuyết điểm vừa là ưu điểm.
Nó không chuyên chở được những đam mê bốc cháy, nhưng lại làm cho người ta hiểu được cái đẹp, cái mong manh của đời sống.
Tham dự buổi trình diễn kỷ niệm 50 năm hát của Mai Hương, có sự tham dự của Quỳnh Giao và Kim Tước người ta ghi nhận hiện tượng này: Thính giả của họ là những thính giả đặc biệt, dù đông đảo như thế, nhưng hình như không có một người nào dưới 40 tuổi. Nhiều nhất vẫn là những người ở quanh tuổi với người hát.
Thật cảm động khi thấy quanh những hàng ghế khán giả, giữa những mái đầu hoa râm, và cả bạc trắng nữa, luôn có những tiếng lẩm nhẩm hát theo ca sĩ.
Họ thuộc gần hết các bài ca sĩ hát.
Ca sĩ hát sai cho dù chỉ một từ trong phần lời ca chắc chắn đủ gây cho họ sự khó chịu.
Họ đến đấy không phải chỉ để nghe hát mà còn muốn chia xẻ với người hát và cả tác giả nữa cái hay, cái đẹp của tác phẩm, những tang thương biến đổi của lịch sử, vì những tác phẩm ấy đã nằm sâu trong lòng họ, nhắc lại với nhau một quá khứ chung đã mất và những ngày còn lại.
Họ đến đấy để gặp lại nhau và cả để biệt nhau nữa. Như người xưa tới thăm hoa và biệt hoa vì hiểu rằng “thất thập tam nhân nan tái đáo”, một người 73 tuổi khó còn có lần trở lại...
Người hát, người nghe và một số tác giả, đã cùng tạo ra một thế giới riêng, có thể như thế.
Cái thế giới đó đã khô cạn, người đã chết, cảnh đã thay đổi, đã biến mất, tình cảm xa lạ, không có gì hấp dẫn và dính dấp với họ, họ nhập vào đấy để làm gì?
Ðó là một thực tế.
Chấp nhận thực tế ấy là chấp nhận một sự đứt rời với quá khứ.
Nhưng nếu các tác phẩm ấy rồi vẫn sẽ còn tồn tại, như nó từng tồn tại, và “người sau” có lúc chợt thắc mắc tự hỏi không biết “người xưa lưu luyến ra sao nhỉ”, họ có thể tìm và nghe lại Quỳnh Giao, để hiểu điều đó và để biết người đồng thời yêu và trình diễn những tác phẩm ấy thế nào.
Vì, Quỳnh Giao là một trong những người đáng tin cậy đấy.
Nguyễn Ðình Toàn
Huỳnh Công Bình @ 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luậ...