Trần Đình Hượu
Vào những năm 10 của thế kỷ XX, Tản
Đà bước vào văn đàn khá lập dị: ông đưa cái tôi ra khoe khoang trước mọi người.
Đầu tiên là bộc bạch những đau khổ riêng, than thở, mơ màng, vẩn vơ không dấu
diếm, tiếp đó là đem bản thân ra làm nhân vật tiểu thuyết, bộc bạch những mơ
ước ngông cuồng và cuối cùng bàn luận mọi chuyện với một thái độ tự do và trịch
thượng. Về mặt văn học, Tản Đà thả lỏng cho sự suy nghĩ và trí tưởng tượng tha
hồ bày đặt: “Chẳng lề chẳng lối cũng văn chương”. Tư thế của Tản Đà là tư thế
của một người ngông nghênh, không kiêng kỵ, bất chấp mọi lề thói, luật lệ. Công
chúng thành thị hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng trong xã hội lúc đó không ít
người khó chịu về sự phá phách, biểu thị khuynh hướng đòi thoát khỏi cái gò bó
cua xã hội phong kiến đó. Đó là thời điểm xuất hiện của cá nhân, của chủ nghĩa
cá nhân mang tính chất tư sản.
Trong đo thị phong kiến trước đây, đã có người tài tử. Họ
chống lại cái gò bó của chế dộ phong kiến phương Đông. Mơ ước cuộc sống tự nhiên,
nhân đạo của họ cũng biểu hiện thành đòi hỏi yêu đương tự do, chống lễ giáo.
Chế độ phong kiến phương Đông không chừa mảnh đất tự do cho tầng lớp thị dân,
cho kinh tế hàng hoá phát triển. Người tài tử ở đô thị phản ứng với xã hội rồi
cũng rút vào quên lãng trong lối sống cuồng phóng và tư tưởng hư vô của
Đạo gia. ở nước ta, với sự hình thành nền kinh tế có tính chất tư bản chủ
nghĩa của chế độ thực dân, cái tôi, chủ nghĩa cá nhân có tính chất tư sản mới
ra đời. Cái tôi, chủ nghĩa cá nhân không xuất hiện trên cơ sở một nền kinh tế
hàng hoá phát triển cao, một cuộc đấu tranh của tầng lớp thị dân có lực lượng
chống đối để phá bỏ quyền sở hữu kinh tế phong kiến, quân quyền và thần quyền,
đòi thừa nhận quyền sở hữu cá nhân, quyền tự do bình đẳng về chính trị, tự do
tư tưởng như ở châu Âu. Không gắn với đấu tranh giai cấp về kinh tế, chính trị,
tư tưởng, nó chỉ đòi hỏi quyền được thoả mãn những nhu cầu tự nhiên của con
người đang bị “xã hội luân thường” và quan niệm “con người chức năng” kìm hãm
bằng lễ giáo. Con đường khẳng định cá nhân trong thực tế lúc đó hình thành từ
hai phía: từ nhận thức về chính trị, mỗi nười là dân của nước đến quan niệm
người công dân và từ nhận thức mỗi người đều là người, mà đến quan niệm cá
nhân. Không có điều kiện thực tế là nền kinh tế, tổ chức xã hội tư bản chủ
nghĩa và cuộc đấu tranh giải phóng về mặt xã hội, ít người nhận ra một thực thể
thống nhất là “cá nhân công dân” trong một tổ chức xã hội và nhà nước hiện đại.
So với con người chức năng trong xã hội luân thường, con người cá nhân – công
dân của xã hội tư sản thuộc một phương thức sản xuấtcao hơn, tiến bộ hơn. Nhưng
cái tôi, chủ nghĩa cá nhân đầu thế kỷ của con người không được quan niệm là cá
nhân – công dân trọn vẹn ra đời không phải là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai
cấp chống phong kiến mà lại nhờ ân huệ của của kẻ thù dân tộc. Nó không xuất
hiện với sức mạnh, chí khí, lòng tự hào của người có chính nghĩa, chiến thắng,
có nhuệ khí, muốn tổ chức lại thế giới hợp với yêu cầu của mình mà với sự lo
âu, chịu đựng một sự day dứt nhục nhã thu vén để yên phận, tìm thoả mãn những
nhu cầu trước mắt. Cái tôi, chủ nghĩa cá nhân đó phản ánh vào văn học thành
những nhân vật trong cuộc sống chỉ đòi hỏi có yêu đương tự do, có một cuộc sống
thoải mái nhỏ hẹp, thành cái trữ tình bi luỵ, thành xu hướng lãng mạn, ngay từ
khi mới ra đời đã tiêu cực, trong văn học tư sản nước ta trước cách mạng tháng
Tám.
Tản Đà là nhà Nho, ra phố phường làm nghề viết văn và tiểu
tư sản hoá. Trong lúc giai cấp tư sản chưa trưởng thành để có tiếng nói của giai
cấp. Tản Đà riêng mình đã từ cái tôi tài tình của người tài tử chống lễ giáo
trong đô thị phong kiến trước đây, phát triển thành cái tôi yên phận, đòi hưởng
thụ. Cái tôi đó chỉ là cái tôi của nhữngcas nhân tài tình chưa muốn ly khai hẳn
với xã hội luân thường, chưa phải là chủ nghĩa cá nhân của giai cấp tư sản,
nhưng trong lúc đầu, nó thích hợp với tầng lớp thị dân mới ra đời trong các
thành phố tư bản chủ nghĩa.
Vẻ hào nhoáng rộng rãi của xã hội tư sản làm cho người tài
tử lầm tưởng có diều kiện tự do, có cơ hội thuận lợi để thực hiện những ước mơ
của mình. Nhưng ngoài cách làm thuê và bán chác thì tài tình lại không
tìm được con đường nào khỏi nhục nhã để phát triển! Thực tế phũ phàng đó làm họ
thất vọng vì ê chề mà còn làm họ điêu đứng thất bại vì:
Ngày xanh như ngựa, đầu xanh bạc,
Chán cả giang hồ, hết cả ngông.
(Tiễn ông công lên chầu
Trời)
Với nền kinh tế hàng hoá, người tài tử vốn tự hào về cuộc
sống thanh bạch, cuồng phóng cũng không thể chịu được cảnh nghèo khổ.
Tản Đà là một nhà thơ và cũng là một nhà thơ trữ tình. Nhưng
cái tôi mà Tản Đà đem bộc bạch không còn là cái tôi đạo đức (cũng là cái ta đạo
lý) trước đây mà là cái tôi đa tình có màu sắc chủ nghĩa cá nhân. Cái tôi đa
tình là chỗ gặp gỡ giữa Tản Đà và giai cấp tư sản. Từ chỗ đó, ông mở đầu cho
khuynh hướng lãng mạn thoát ly trong văn học tư sản. Nhưng mặt khác, trong thơ
văn Tản Đà cũng bộc bạch cả những nỗi bực bội, bất mãn của nhà Nho đối với xã
hội tư sản. ở điểm đó, ông cũng nói những điều cay cực bất công trong cuộc đời
và gặp tiếng nói của nhân dân, văn chương trào phúng, văn chương tố cáo xã
hộicuar các nhà văn đang chuẩn bịcho chủ nghĩa hiện thực phê phán ra đời.
Văn học của thời đại đứng trước một sự lựa chọn tất yếu: chủ
nghĩa hiện thực hay chủ nghĩa lãng mạn. Tản Đà đã đến sát sự lựa chọn đó và
đứng giữa ngã ba đường.
Trong thành thị tư bản chủ nghĩa, Tản Đà đã trở thành nhà
văn nhà thơ nói về “cái tôi” nhưng Tản Đà vẫn giữ quan niệm văn học Nho gia.
Ông coi chức năng của văn học chân chính là giáo huấn, là truyền đạt một đạo
lý, chứ không phải là phản ánh một thế giới khách quan. Tư tưởng văn học là một
bộ môn nghệ thuật cũng đã xuất hiện. Ông nói “thơ là một thứ mỹ thuật” nhưng
cũng là chỉ để chơi, tản vưn mới là chỗ tinh tuý. Nhà văn phải biết đủ lối.
Thiếu một loại – ví dụ như kịch – là “chưa đủ tư cách văn sĩ”. Tản Đà viết đủ
loại, vừa muốn”làm nhà triết học phương Đông” đem thiên lương giáo hoá cứu vớt
nhân loại, lại vừa muốn viết nhiều thơ ca và từ khúc để “tri âm ai đó mới say
vì tình”. Đó không chỉ là tham vọng của một tài năng phong phú đa dạng mà còn
là biểu hiện của một quan niệm văn học: Văn bao trumg tất cả.
Tản Đà tự hào “văn đã giàu thay lại
lắm lối” (hầu Trời), đánh giá Đài gương, Lên sáu, Đàn bà Tàu cao
hơn cả thơ ca nhưng bộ phận văn chương giáo huấn không chiếm một tỷ lệ
lớn trong sáng tác của ông: trong thực tế sáng tác, người tài tình chi phối, bộ
phận giáo huấn teo lại. Ông viết nhiều mẫu nhàn tưởng, tản văn – châm ngôn, ngụ
ngôn, bút ký triết học bằng văn xuôi. Ông viết truyện ngắn, bình luận trên báo
chí và từ năm 1916 đã viết quyển tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử văn xuôi
Việt Nam. Tản Đà đã học tập truyền thống đặt chuyện, kể chuyện của văn học
phương Đông mà viết chuyện ngụ ngôn và tiểu thuyết. Nhưng nội dung trữ tình làm
cho những truyện đó nghiêng về thể ký, người viết lợi dụng truyện để tự do bộc
lộ nhiều hơn. Văn xuôi Tản Đà viết bằng một thứ ngôn ngữ văn học đang đi gần
với tiếng nói thông tục nhưng vẫn là thứ thơ – văn xuôi. Câu văn xuôi Tản Đà
chen đệm những đoạn biền ngẫu đọc lên trầm bổng, có nhạc điệu ; những đoạn tả
cảnh thường là thơ – văn xuôi hay chen vào những đoạn thơ. Đó là một cố gắng
bước đầu xây dựng ngôn ngữ văn học dân tộc. Bước đầu, vì nếu so sánh với việc
ghi chép khẩu ngữ của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của thì văn xuôi Tản Đà là
ngôn ngữ văn học dân tộc vì đó là ngôn ngữ phát triển trên cơ sở khẩu ngữ, nghệ
thuật hoá theo văn học truyền thống phương Đông, chứ chưa có dấu vết ảnh hưởng
của văn học Pháp như thứ ngôn ngữ văn học thịnh hành quãng chục năm sau đó.
Tài năng chính của Tản Đà là thơ ca. ít người có cái vốn am
hiểu về nghệ thuật như Tản Đà. Là một người học trò đi thi, Tản Đà chuẩn bị chu
đáo, thông thạo văn thơ phú lục và văn chương chữ Hán. Giống một nhà Nho phong
nhã lớp trước, ông cũng thông thạo ca trù, thơ song thất và lục bát. Nhưng Tản
Đà hơn các nhà Nho lớp trước vì ở vào một hoàn cảnh đặc biệt – tôi muốn nói tới
vai trò của bà mẹ- ông thông thạo cả tuồng chèo và dân ca. ở địa hạt dân ca,
Tản Đà nắm vững không những các làn điệu nông thôn của nhiều địa phương mà còn
nắm vững các loại ca khúc có tính chất chợ búa đô thị trong các môi trường ăn
chơi. Ông am hiểu ca khúc Việt Nam mà cũng hiểu cả từ khúc Trung Quốc. Trong
dân ca, lời hát gắn với nhạc điệu, kỹ thuật diễn xướng. Không am hiểu nhạc điệu
và thực tế diễn xướng thì lời vưn đặt có thể rất hay mà vẫn không có sức rung
động vì không lột được cái “thần” của mỗi thể loại đẻ ra trong điều kiện diễn
xướng với cái môi trường và công chúng cụ thể. Tản Đà vốn có văn chương mà lại
mà lại am hiểu làn điệu nghệ thuật diễn xướng mà là của nhiều thể loại khác
nhau của nhiều địa phương khác nhau. Điều đó có tác dụng rất lớn đến sự hình
thành tài năng, đến việc cách tân thơ ca của ông.
Trong lịch sử, nghệ thuật thơ ca Việt Nam phát triển theo
khuôn mẫu thơ ca Trung Quốc. Các nhà thơ lớn của dân tộc đều cố gắng làm cho
nền thơ ca có tính nhân dân, có tính dân tộc bằng cách hấp thụ nghệ thuật dân
ca hoặc là nhạc phủ, từ khúc Trung Quốc hoặc là dân ca Việt Nam. Họ đã làm cho
thơ ca Việt Nam phong phú hơn cả về nội dung và nghệ thuật. Đó là con đường Hàn
Thuyên, Nguyễn Trãi, Đặng Trần Côn, Phan Huy ích, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương,
Nguyễn Công Trs, Nguyễn Khuyến đã đi và để lại cho dân tộc những cống hiến to
lớn. Mỗi nhà thơ đó đều bọ hạn chế trong điều kiện phát triển đương thời của
thơ ca dân gian, ngoài ra nói chung, họ còn bị hạn chế vì truyền thống thơ phú
– văn học cử tử – mà họ rèn luyện rất công phu, vì đời sống và quan niệm sống
nhà Nho làm họ khó hoà mình vào quần chúng để có vốn sống nghệ thuật. Trong
công việc kết hợp văn chương bác học và văn chương bình dân, nhà Nho thường có
trình độ tư duy cao và kinh nghiệm gọt rũa nghệ thuật của văn chương bác học,
nâng cao nội dung và nghệ thuật của văn học dân gian. Họ làm cho thơ nôm tề
chỉnh hơn, được tổ chức chặt chẽ hơn, lời nói phong nhã hơn, nhưng không kể
những trường hợp thành công đặc biệt, họ cũng thường làm cho văn nôm trở thành
uyên bác, lắm điển tích, xa quần chúng, và thường có nhược điểm không thích hợp
với diễn xướng, không giữ được cái thần của dân ca. Tản Đà có cái may mắn hơn
các nhà Nho lớp trước vì ông chưa thâm nhập văn cử tử đến thành nếp, chưa bị nó
đầu độc nặng nề. Giữa hai nguồn văn chương văn thơ phú lục và dân ca thì rõ
ràng nguồn dân ca ở ông chiếm ưu thế. Nếu nhìn sự cách biệt giữa văn thơ phú
lục và dân ca là sự cách biệt giữa quý tộc và nhân dân, giữa nhà Nho và
nông dân; sự cách biệt giữa ca dao với ca trù, sảm, lý là sự cách biệt giữa
nông thôn và chợ búa đô thị thì ta thấy sự am hiểu rộng rãi của Tản Đà là
hình ảnh xoá bỏ những sự cách biệt đó. Điều đó làm cho Tản Đà thành một nhà thơ
của cả dân tộc.
Sự am hiểu dân ca làm cho phong thi và từ khúc cảu Tản Đà có
nghẹ thuật rất cao, Tản Đà gọi các ca dao của mình là “phong thi”. Hãy đọc:
- Người ta có vợ có chồng,
Em như con sáo, trong lồng kêu mai
Má đào gìn giữ cho ai?
Răng đen đen quá cho hoài luống công!
- Anh đi để vợ anh nhà
Lấy ai đầm ấm đậm đà cho anh
Tài trai chẳng lấy công danh
Chữ danh xem với chữ tình mà hơn!
Anh đi lẽo đẽo đường trường
Công danh chẳng thấy, nhưngx thương cùng sầu!
Lại đây ăn một miếng trầu,
Ta gặp đúng cái tình tứ duyên dáng của ca dao. Những câu
phong thi duyen dáng như vậy đã không còn mộc mạc như ca dao, nhưng không bị
hơi hướng uyên bác của văn chương nhà Nho làm hỏng. Đọc phong thi Tản Đà ta
cũng khó nói là ca dao hay thơ. Cái tinh nghịch của văn học dân gian cũng được
ông tiếp thu. Ta hãy nghe bài hát sẩm:
Chúng xô anh xưa chẳng biết nơi nào?
Ông trời xô đẩy, anh phải sinh vào cái chốn nhân gian.
Thẹn vì tình mà ngơ mắt với giang san.
Công danh chẳng có, cũng sẩm oan nó hào.
Bấy lâu nay anh nghe tiếng má đào
Mà thề có thấy (một cái) cô nào thì anh cũng đui!
Nói đây cho chúng chị em cười.
Anh đây nào phải cái con người thong manh.
Yêu nhau ta chẳng liếc cũng tình
Tình tứ và tinh nghịch vốn là hai nét đặc sắc của dân ca của
người lao động Việt Nam giàu tình cảm và yêu đời. Nắm được những nét tinh hoa
đó, Tản Đà đã lột được cái thần của dân ca trữ tình. ở từng thể loại lý, ca
trù… Tản Đà cũng đều đạt nghệ thuật cao như vậy. Trong dân ca có loại ca dao
nông thôn và loại ca khúc của các môi trường đô thị. Tản Đà viết thoải mái, tự
do và đạt đến chỗ thần tình của cả hai thể loại.
Với cái vốn am hiểu sâu sắc các thể loại thơ ca, Tản Đà sáng
tác đủ lối làm cho thơ ca ông đủ các giọng điệu, câu thơ hầu như đủ loại dài
ngắn rất khác nhau. Với cái vốn đó, Tản Đà cũng đã làm cho các thể lục bát,
song thất có nhiều cách chuyển giọng, ngắt câu; nhạc điệu nhờ đó giàu có hơn
hẳn trước. Với cái vốn đó Tản Đà cải tạo ngay được cả điệu thơ thất ngôn vốn
nghiêm trang gò bó. Đọc thơ thất ngôn của Tản Đà, cái không gò bó về ý tứ, tình
cảm hài hoà tự nhiên với cái không gò bó về vần điệu, niêm luật. Không phải Tản
Đà phá bỏ, không tôn trọng thi pháp nhưng với ngôn ngữ và nhạc điệu mới, việc
đối thanh, đối ý, phân đoạn, niêm luật không gây ra cảm giác chia cắt, đối chọi
làm ta vấp váp. Tản Đà đã tổng hợp được nhạc điệu của các thể loại thất ngôn,
ngũ ngôn, lục bát, ca trù với các loại dân ca, từ khúc sáng tác góp phần làm
cho thơ ca có âm điệu dân tộc và phong phú hơn trước. Tản Đà đã chọn đúng con
đường hợp quy luật để phát triển thơ ca dân tộc. Đó là con đường đã có kinh
nghiệm của các thi hào xưa, nhưng ông mở rộng địa bàn khai thác dân cằt khúc để
thêm kinh nghiệm và di sản cho các nhà thơ lớp sau. Khi phong trào Thơ mới xuất
hiện, nhiều người quá say mê với việc với việc bắt chước Chương Pháp, sáng tác
một thứ thơ ca khác với truyền thống. Con đường bắt chước có tạo điều kiện cho
thơ ca Việt Nam đi đến một giai đoạn mới, nhưng ít lâu sau nhiều người đã nhận
ra thiên hướng mất gốc, xa lạ với dân tộc dẫn đến nghèo nàn và không ít người
lại trở lại con đường học tập, khai thác thơ ca truyền thống của Tản Đà . Họ
học được ở Tản Đà không ít.
Tản Đà cũng sử dụng vốn nghệ thuật phong phú của mình để
dịch Kinh thi, Nhạc phủ và Đường Thi. Kinh thi, Nhạc phủ là những thể loại dân
ca cổ ở Trung Quốc. Tản Đà dịch ra ca dao.
Từ bài thơ bốn chữ trong nguyên văn:
Yến yến vu phi
Si chi kỳ vũ
Chi tử vu quy
Viễn tống vu dã
Chiêm vọng phất cập
Khấp thể như vũ
Tản Đà dịch sang lục bát:
Kìa đâu cái én lượn lờ,
Ai về đường ấy xa đưa tới đồng.
Đồng không đứng lại ta trông,
Trông theo chẳng thấy đau lòng tiễn
đưa.
Khóc dầm nước mắt như mưa…
Ngã tâm phỉ thạch,
Bất khả chuyển dã.
Ngã tâm phỉ tịch,
Bất khả chuyển dã.
Mà ông dịch:
Chiếu xưa cuốn dễ như không,
Lòng ta phải chiếu? Mà mong cuốn
đầu.
Đá kia thời có người lăn
Lòng ta phải đá? Mà vần được chăng?
Dân ca của nước này dịch thành dân ca của nước khác và ta cũng
khó mà nghĩ đó là văn dịch.
Thơ Đường không phải là dân ca. Tản Đà đã lựa chọn nhiều thể
loại khác nhau: lục bát, song thất, thất ngôn… để dịch cho thích hợp. Có khi
ông dịch thất ngôn ra thất ngôn:
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.
Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm hiện,
Điểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi.
(Đỗ Phủ – Khúc giang)
Nợ tiền mua rượu đâu không thế?
Sống bảy mươi năm đã mấy người ?
Bươm bướm luồn hoa phơ phất lượn.
Chuồn chuồn dỡn nước lửng lơ chơi.
Hay
: Phong cấp thiên
cao, viên khiếu ai
Chử thanh sa bạch, điểu phi hồi
Vô biên lạc mộc tiêu tiêu hạ
Bất tận trường giang cổn cổn lai
(Đỗ Phủ – Đăng cao)
Gió mạnh, trời cao, vượn rúc sầu,
Bến trong, cát trắng, lượn đàn âu.
Lào rào lá rụng, cây ai đếm
Cuồn cuộn sông dài, nước đến đâu.
Có khi ông dịch ngũ ngôn sang song thất:
Nhân sinh vị kỷ tử gian
Bất năng vong kỳ thân,
Sở tu giả y thực,
Bất quá bão dữ ôn
(Tặng
nội thị)
Người chưa biết lúc nào còn sống,
Chẳng ai mà quên bỗng được thân.
Cái ăn cái mặc là cần,
Cũng sao no ấm qua lần là xong.
Nhưng thể loại ông dùng nhiều nhất vẫn là lục bát:
Thử địa nhất vi biệt
Cô hồng vạn lý chinh
Phù vân du tử ý,
Lạc nhật cố nhân tình
(Lý Bạch – Biệt hữu nhân)
Nước non này chỗ đưa nhau
Một xa muôn dặm biết đâu cánh hồng
Chia phôi khác cả mối lòng .
Người như mây nổi kẻ trông bóng tà.
Thu phong tiêu sắt , thiên khí lương,
Thảo mộc dao lạc, lô vi sương
Quần yến tư quy, nhạn nam tường,
Niệm quân khách du tự đoạn trường.
Khiểm khiểm tư quy luyến cố hương.
(Nguỵ văn đế)
Hơi may gió lạnh trời thu
Cỏ cây lay rụng, sa mù làn sương
én về nhạn lượn nam phương
Nhớ thương đứt ruột, vì chàng chơi
xa.
Sốt gan mong nhớ quê nhà
ở chi đất khách la đà hỡi anh?
Người dịch không chỉ giữ được nguyên
ý bài thơ. Tản Đà nắm được cả hồn thơ trong nguyên tác. Bài dịch hầu như không
bị phụ thuộc vào nguyên tác mà trở thành một sáng tác mới giống nhau như hai
giọt nước. Kinh thi, Nhạc phủ, Đường thi là những di sản quý báu của thơ ca
Trung Quốc và ảnh hưởng rất nhiều đến thơ ca Việt Nam. Tuy có quan hệ chặt chẽ
như vậy giữa hai nền thi ca, các nhà Nho Việt Nam trước đây đọc từ nguyên văn,
chỉ một ít bài được Phan Huy Vịnh, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến… dịch ra
tiếng Việt. Với tài năng cua Tản Đà, kinh thi, Đường thi mới được dịch sang
tiếng Việt, trong đó có những bài như Hoàng
hạc lâu của Thôi Hiệu, Trường
hận ca của Bạch Cư Dị, nhiều bài của Lý Bạch đã được dịch
với trình độ nghệ thuật rất cao. Sau Nguyễn Du, Tản Đà lại đem thể lục bát ra
thử thách và chứng minh khả năng rất to lớn của thể loại thơ ca dân tộc đó.
Tản Đà rất quan tâm đến nghệ thuật. Đọc những đoạn ông phân
tích, bình giảng thơ văn mình, ta thấy ông cân nhắc lựa chọn công phu từng chữ,
từng ý, từng câu, từng đoạn. Không phải Tản Đà gọt rũa làm cho câu thơ gò gẫm
cầu kỳ, mà ngược lại, ông làm cho câu thơ hài hoà giữa nội dung và hình thức,
trở nên bình dị, sáng sủa. Ngôn ngữ trong thơ Tản Đà rất chọn lọc; nhưng nhiều
cách nói của nhân dân lại được ông đưa vào thơ ca làm cho thơ ông gần nhân dân
hơn thơ ca xưa.
Dịch “Sinh
ly biệt”, Tản Đà viết:
Sung mơ ăn khó, ai ơi!
Sung ăn thời chát, mơ thời chua sao!
Chưa bằng sống biệt ly nhau
Ruột gan chua chát lại đau bội phần.
Hay dịch hai câu:
Quân sủng ích kiều thái,
Quân liêm vô thị phi
(Tây
thi vịnh)
Mà ông dịch:
Vua yêu càng lắm vẻ hay
Tản Đà thông thạo tiếng nói của quần chúng và qua thực tế
sáng tác đã xây dựng ngôn ngữ văn học của mình trên cơ sở tiếng nói đó.
Tản Đà cũng dùng điển tích nhưng ông ít dùng loại chữ nghĩa
của Kinh truyện sử sách, mà thường dùng những điển tích quen thuộc, có tính
hình tượng, gợi cảm, tính chất uyên bác.
Với Tản Đà, ta gặp một “hồn thơ còn mãi như nhường trêu ai”
của Hồ Xuân Hương mà ta cũng gặp một thứ văn chương “lời lời châu ngọc, hàng
hàng gấm thêu” như ở Nguyễn Du.
Cố gắng của Tản Đà làm giàu cho thơ
ca dân tộc, chuẩn bị cả về mặt nội dung cả về mặt nghệ thuật cho Thơ mới ra
đời. Thuyển chọn Thơ mới những năm 1932 – 1940 trong Thi nhân việt nam, Hoài Thanh đặt Tản Đà vào
một vị trí đặc biệt: mỗi nhà thơ đàn anh chứng giám cho cuộc họp mặt của một
hội Tao đàn lớp sau. Nếu không có Tản Đà thì các nhà Thơ mới như Thế Lữ, Lưu
Trọng Lư, Xuân Diệu giữa đất nước và tổ tiên trở thành lạc loài… Tản Đà là dấu
nối giữa họ và các nhà thơ lớp trước. Trong lịch sử, nếu không có Tản Đà thì
Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ cũng sẽ trở thành những hiện tượng cá
biệt nhất thời. Có Tản Đà, chúng ta sẽ thấy một mạch thơ từ cuối thế kỷ XVIII
đến phong trào Thơ mới. Xuân Diệu nói về công của thi sĩ Tản Đà: “Lễ nghi đạo
đức trói buộc con người Việt Nam trong bao nhiêu lâu; hồn thơ ngạt giữa gông
cùm, trái tim bị đè không dám đập, cuộc sống thu chặt lại giữa khuôn pháp bất
nhân. Lần đầu tiên, Tản Đà dám vơ vẩn, dám mơ mộng dám cho trái tim và linh hồn
được có quyền sống cái đời riêng của chúng” ( Ngày nay). Hoài Thanh tìm ra giữa Tản Đà và
các nhà thơ mới chỗ gặp gỡ “tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ một nỗi khát
vọng thiết tha, nỗi khát vọng thoát ly ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái
khô khan của khuôn sáo” (Thi nhân Việt Nam, Tr.5).
Người tài tử trong Tản Đà gặp người tư sản trong các nhà thơ
mới. Người tài tử trong thành thị tư bản chủ nghĩa đã xích lại khá gần nhưng
“lốt y phục, lốt tư tưởng” vẫn không hoà làm một với người tư sản.
Không phải chỉ thơ ca Tản Đà mới là dấu nối với giai
đoạn văn học 1930 – 1945. Bằng cách nói cái nếm trải của riêng mình, Tản Đà đã
chuyển sang nhìn cuộc sống, nói về cuộc sống cụ thể bình thường của con người
trong xã hội. Điều đó làm ông gặp gỡ các nhà văn lớp sau. Nguyễn Tuân, Nguyễn
Công Hoan – những nhà văn tiêu biểu của giai đoạn sau đều thấy mình gần gũi với
Tản Đà.
Cả giai đoạn 1905 – 1925, văn học
Việt Nam trải qua một bước chuyển biến rất lớn. Sự đổi thay xẩy ra bằng hai con
đường: các nhà Nho rút kinh nghiệm từ trong văn học truyền thống, cách tân nghệ
thuật và các thanh niên Tây học mô phỏng văn học Pháp để nói nội dung mới của
thời đại. Trong tình hình văn học Việt Nam tiếp xúc với văn học hiện đại, hai
con đường đó là tất yếu và nhanh chóng gặp lại nhau. Tản Đà đi theo con đường
cách tân văn học cổ. Bám chắc vào truyền thống nghệ thuật, vào ngôn ngữ dân tộc
nên Tản Đà đã là “một thi sĩ rất An nam, có thể nói là hoàn toàn An nam” (Xuân
Diệu – Công của thi sĩ Tản Đà).
Con đường đưa Tản Đà thành một nhà thơ dân tộc không phải là
con đường yêu nước, viết thơ ca yêu nước mà là vốn sống rất dân tộc, cả trong
cuộc đời bình thường, cả trong ngôn ngữ, nhạc điệu thơ ca.
Hoài Thanh quy cho Tản Đà vinh dự
“dạo bản đàn mở đầu cho một cuộc hoà nhạc tân kỳ đương sắp sửa” (Thi nhân Việt Nam). Cuộc hoà nhạc tân kỳ về
sau không có cái hoà âm mà Hoài Thanh lúc đó dự liệu. Nhưng Tản Đà vẫn có công
đóng góp cho cuộc hoà nhạc tân kỳ. Tản Đà vì thế xứng đáng có một vị trí trong
lịch sử văn học dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét