Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Vũ Thành nhặt cánh sao rơi

Vũ Thành nhặt cánh sao rơi

Từ lâu, khi trời vào Thu là Quỳnh Giao lại nhớ đến một số nghệ sĩ đã quá vãng của tân nhạc. Có lẽ vì Phạm Ðình Chương sinh vào Tháng Mười Một và mất vào 01 Tháng Tám. Hay vì Vũ Thành, vĩnh biệt chúng ta vào ngày 15 Tháng Mười? Gần đây hơn cả, có Giáo Sư Nguyễn Phụng, giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ.
Trong số này một người có những cống hiến đáng kể nhất mà ít được biết tới chính là Vũ Thành.
Phạm Ðình Chương là người có quần chúng, có rất đông bạn hữu, hàng đêm có nơi thi thố tài nghệ. Vậy mà mới chỉ 15 năm sau, nhiều người đã quên, hoặc nhớ sai về ông.
Ðọc một tờ báo trong nước viết về một CD mới gồm bảy ca khúc của ông và nhắc đến một số bài tiêu biểu với những tiếng hát tiêu biểu “của một thời đã qua”, thí dụ như Hội Trùng Dương với tiếng hát Thái Thanh, Xóm Ðêm với Lệ Thu và Ðôi Mắt Người Sơn Tây với Thái Hiền. Quỳnh Giao bỗng thương Hoài Bắc Phạm Ðình Chương và nền tân nhạc. Người viết có lẽ không được nghe nhạc mà chỉ được nghe kể lại. Phạm Ðình Chương từ biệt chúng ta chưa lâu lắm mà đã được nhớ lại như vậy, nói gì đến Vũ Thành?
Ca khúc Phạm Ðình Chương qua tiếng hát Thái Thanh thì phải là Người Ði Qua Ðời Tôi, phổ thơ Trần Dạ Từ. Tiếng hát Lệ Thu với Phạm Ðình Chương thì Nửa Hồn Thương Ðau là tuyệt chiêu. Hội Trùng Dương là một trường ca chỉ có thể hát với cả một ban hợp ca, ban Thăng Long với hòa âm của Phạm Ðình Chương là nhất.
Còn Ðôi Mắt Người Sơn Tây? Người hát ca khúc phải là đàn ông, và hát hay nhất không ai bằng Hoài Bắc. Cháu của ông là Thái Hiền mà có hát Phạm Ðình Chương thì Quê Hương Là Người Ðó, thơ Du Tử Lê, mới là bài hay nhất. Hay mà có khi chưa hợp với khẩu vị chính trị ở nhà...
Còn Vũ Thành? Ở nhà nhiều người không biết đã đành. Ngoài này, có người lầm ông với Vũ Thành An.
Vũ Thành sáng tác không nhiều, khoảng hai chục bài, trong đó có nhiều bài là nhạc không lời nên bị lỗ. Muốn trình bày các nhạc khúc ấy, như Cạn Một Hồ Trường hay Thụy Khúc - sáng tác cuối cùng trước 1975 - thì phải cả một ban nhạc. Tiền đâu và ai nghe?

Nhạc có lời thì ngoài Giấc Mơ Hồi Hương mà ai cũng có thể nhớ hoặc hát, lại thường hát sai, theo nhận xét của chính ông, các bài khác đều thuộc loại bất hủ, nhưng đòi hỏi trình độ của người hát: Nhặt Cánh Sao Rơi, Nhớ Bạn, Say Nhạc Canh Tàn, Gió Thoảng Hương Duyên, Gửi Áng Mây Hàng, Tình Xuân, v.v... Bao giờ đông đảo người nghe có thể hiểu và yêu được nhạc Vũ Thành thì chúng ta có còn giữ được các tác phẩm ấy không?
Nhắc đến Vũ Thành nhiều người hồ nghi không biết trong khi ấy, bên kia sân khấu, bên trong hậu trường của thời xưa, đồng nghiệp của ông thì ai cũng nhớ đến Vũ Thành với sự quý mến. Ông khó tính với âm nhạc và với chính mình nhưng cực kỳ nhã nhặn và liêm chính với người và việc.
Bên dân sự, Vũ Thành là trưởng phòng văn nghệ của đài phát thanh Sài Gòn và có thể hái ra tiền khi đưa nhạc thương mại lên cho bằng trị giá của tấm phong bì gửi gấm. Nhưng ông từ chối tất cả, sống rất đạm bạc vì lòng ông vuông vức như một khuông nhạc kẻ sẵn. Ngoài đồng lương công chức, ông gẩy đàn và thổi sáo cho các ban nhạc để kiếm thêm tiền.
Bên quân đội, ông là trung tá trưởng ban quân nhạc của phủ tổng thống. Thời chinh chiến, thiếu gì người muốn khoác áo kaki cầm kèn làm vì để khỏi cầm súng? Ðừng tìm đến Vũ Thành, vô ích.
Nỗi đam mê cho chính ông là viết nhạc thì Vũ Thành viết rất ít, cân nhắc từng lời với từng giai điệu. Mỗi ca khúc của ông lại là một phiến kim cương lóng lánh. Vũ Thành là người trong ba năm liền đã đoạt giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật, bộ môn âm nhạc, mà chẳng nói ra nên giờ này không còn mấy ai nhớ.
Ông thành công nhiều hơn trong nỗi đam mê cho nghệ thuật: có Vũ Thành, đài phát thanh Sài Gòn có các ban nhạc nổi tiếng của Nghiêm Phú Phi, Hoàng Trọng, Văn Phụng, có những chương trình Phạm Duy, Anh Ngọc, Nguyễn Ðình Toàn, những tiết mục giờ này nhiều người còn nhớ, như Văn Học Nghệ Thuật của Trần Dạ Từ, Phan Lạc Phúc, như Trước Ðèn Ðọc Sách của Mai Thảo, những vở kịch có giá trị của Vi Huyền Ðắc hay Ðinh Xuân Hòa. Sài Gòn một thời trở nên thanh nhã cũng nhờ những người khó tính như ông.
Công phu nhất là những nỗ lực của Vũ Thành để gây dựng được các dàn nhạc đại hòa tấu, giúp Việt Nam góp mặt với năm châu thế giới. Có ảnh hưởng lâu dài và rộng rãi nhất chính là nỗ lực hòa âm và phối khí các ca khúc trình bày cho người nghe hơn là cho người xem.
Sáng tác một ca khúc, nhạc sĩ chỉ cần một dòng nhạc và lời ca. Khi trình bày, người ta cần cả phần hòa âm cho ban nhạc và cho người hát. Một số nhạc sĩ đã có thể vừa viết ca khúc vừa soạn lấy hòa âm, như Phạm Ðình Chương, Hoàng Trọng hay Cung Tiến. Nhiều người khác thì chuyên viết hòa âm, như Nghiêm Phú Phi hay Hồ Ðăng Tín hoặc Lê Văn Thiện, Lê Văn Khoa. Trong số này, Vũ Thành là người soạn hòa âm với kích thước công phu nhất vì chiều sâu văn hóa lẫn nghệ thuật âm nhạc.
Hơn bốn mươi năm về trước, Vũ Thành đã xin ngân sách chính phủ và cùng bằng hữu chọn ra 200 ca khúc hay nhất của Việt Nam để viết hòa âm cho các ban nhạc trình bày. Nhờ vậy mà trình độ tân nhạc thời ấy lên đến tột đỉnh. Kho tàng ấy có khi chẳng còn. Khi Anh Ngọc được ra khỏi nước, hành trang của ông là một số cuốn băng ghi âm các ca khúc đã được Vũ Thành hòa âm thời ấy. Muốn biết thế nào là nhạc hay lời đẹp, Quỳnh Giao nghĩ rằng ta hãy cố tìm và nghe lại các ca khúc này.
Vũ Thành là người âm thầm làm cho tác phẩm của người khác trở nên hay hơn. Ông là người muốn nhặt cánh sao rơi cho cả một thời.
Sau 1975, ông sống như người ẩn dật tại miền Ðông Hoa Kỳ. Sao đã rơi tan tành, chỉ còn những mảnh vụn tứ tán ông không thể nhặt được nữa. Lúc cuối đời, ông lâm trọng bệnh, tai đã hỏng, mắt bên phải bịt dải khăn đen vì không điều chỉnh được hướng nhìn, thanh quản bị hư, ông vẫn thều thào nói về nhạc và chỉ nói về nhạc.
Vũ Thành là tay guitar cứng cỏi và cũng là cây sáo điêu luyện từng ngồi “ghế đầu” của dàn nhạc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam. Truyện Kim Dung có một đoạn cảm động trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Hai người, một đàn một sáo, cùng tấu lên một khúc cuối trước khi lìa đời. Vũ Thành rất thích truyện ấy và tin rằng Kim Dung am hiểu sâu sắc về âm nhạc.
Quỳnh Giao thì tin rằng Vũ Thành đã một mình một đàn một sáo tấu lên một khúc cho đến khi sao rụng rồi thong dong bước qua cõi khác. Ðau buồn nhất là cho những người còn lại.
Không còn nhớ đến cánh sao rơi, đành chơi với mấy mảnh thủy tinh vụn...
Quỳnh Giao



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Vũng đằm của thần Rồng Thuở Ông Chày Bà Chày tạo lập trời đất chưa bao lâu, bánh pa còn biết đánh trống, bánh dày còn biết thổi khèn(1),...