Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Yêu thương mọi người


Yêu thương mọi người

Hoàng Tá Thích
Một ngày bỗng thấy, yêu thương mọi người
Mọi người đã tới, vây quanh cuộc đời
Từng giờ tiếc nuối, chia tay ngậm ngùi
 

(Vẫn nhớ cuộc đời) 
TTO - Suốt đời anh Sơn luôn thích có bạn bên mình, hay nói cách khác, anh không thể sống mà thiếu tình bạn. Bạn bè của anh ở khắp nơi trên thế giới, tuy không phải tất cả đều là thâm giao, nhưng đa số là tình bạn trong sáng và bền vững. Mọi người đến với anh vì lòng ngưỡng mộ tài năng, yêu anh vì tính cách đặc biệt và quý anh ì tấm lòng nhân ái. 
Ngay từ hồi trẻ, anh cũng đã có nhiều bạn, những giao du không thể không có đối với một người nghệ sĩ đa tài và nổi tiếng khá sớm. Thân thiết nhất lúc bấy giờ gồm có Ngô Kha, Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Bửu Ý, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Cung … là những văn nghệ sĩ cùng thời và đồng trang lứa mười tám, đôi mươi. Họ thường lui tới gặp gỡ, đọc cho nhau nghe những vần thơ mới làm xong hay thảo luận một câu chuyện văn chương. 
Thỉnh thoảng, anh Sơn đạp xe đến xưởng vẽ của Đinh Cường ngồi nhìn bạn lên màu trên khung vải và làm quen với hội họa từ đó. Bạn thân của anh thời kỳ ấy còn là những Ng.C.Đàm, H.D.Lễ, những L.K.Cương …, tuy không trong giới văn nghệ nhưng có tâm hồn nghệ sĩ. Bạn anh còn là một người tên Đỉnh ẩn cư tận trên dãy Pyrénées giữa Pháp và Tây Ban Nha, thỉnh thoảng gọi điện cho anh kể về đời sống đơn độc của mình trên triền núi, chỉ làm bạn cùng con chó trung thành. Hay N.C.Trung, giáo sư toán học ở Đức, thỉnh thoảng gửi thư cho anh không phải bàn chuyện khoa học mà chỉ là những vần lục bát vừa làm xong. Bạn anh còn là cặp vợ chồng bác sĩ Chi - Hoàn, từ khi định cư ở Cananda chưa một lần về lại Việt Nam nhưng lúc nào cũng quan tâm đến chứng dị ứng trên da mặt của anh. 
Bạn anh cũng là một N.C.Phú ở Pháp luôn bận bịu với công việc nhưng không bao giờ quên gửi quà vào đúng ngày sinh nhật 28 tháng 2 cho anh. Mấy chục năm về trước, ngày Ngô Kha hy sinh cho lý tưởng cách mạng, anh đau đớn vì mất một người bạn thâm giao. Khi Lưu Kim Cương bỏ mình trong bom đạn, anh cảm khái nhớ đến nhiều bạn bè khác đã lần lượt ra đi vì chiến tranh. Nhiều người nghĩ rằng ca khúc “Cho một người vừa nằm xuống” anh viết riêng cho Lưu Kim Cương. Thật ra không phải hoàn toàn như thế. Anh viết cho bao nhiêu bạn bè cả hai bên đã nằm xuống trong cuộc chiến dai dẳng này. Là một sĩ quan cao cấp trong quân đội miền Nam, nhưng Lưu Kim Cương đến với anh không phải bằng chức tước hoặc uy quyền mà bằng tấm chân tình, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ một người nghệ sĩ trẻ. Nhiều lúc muốn gặp anh, Lưu Kim Cương phải cho một chiếc xe quân sự đi tìm, vì biết chẳng những anh không bao giờ tự ý đến gặp ông, mà còn vì lý do anh tránh đi lại nhiều để khỏi bị rắc rối do tình trạng trốn quân dịch. 
Có lần Lưu Kim Cương đã đề nghị tặng anh danh hiệu “sĩ quan không phi hành” để khỏi bị những rắc rối với quân cảnh ngoài đường phố. Nhưng anh đã nhẹ nhàng từ chối với lý do thoạt nghe rất buồn cười: “Lỡ gặp phải sĩ quan nào cao cấp hơn muốn làm khó dễ bắt phải chào mà mình không thích chào thì còn …. rắc rối hơn”. Tính khí khái của anh khiến họ Lưu càng quý trọng hơn, ngược lại anh cũng rất mến Lưu Kim Cương vì mối chân tình ấy. Sau năm 1975, khá nhiều bạn bè anh rời khỏi đất nước. Bù lại, anh có thêm một số bạn từ miền Bắc vào, như các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Sáng; các nhà thơ Xuân Diệu, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, rồi nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân hay nhà nghiên cứu Hoàng Thiệu Khang …Tất cả đều đã biết tiếng tăm Trịnh Công Sơn qua những ca khúc vang vọng khắp hai miền đất nước trong thời kỳ chiến tranh, nay họ đến tìm anh và trở thành những người bạn mới. Rồi anh gặp Nguyễn Tuân và cả hai nhanh chóng trở thành đôi bạn vong niên. 
Nhà văn lão thành đánh giá cao ca từ trong những nhạc phẩm của anh, mà một người giàu chữ nghĩa như ông vẫn cho rằng khó có thể tìm thấy ở một nhạc sĩ khác. Còn anh nể nang Nguyễn Tuân về phong cách hào sảng, lúc nào cũng lịch sự, nho nhã. Những lúc cùng ngồi với nhau bên ly rượu, anh luôn say sưa lắng nghe người bạn già kiến thức vô cùng phong phú này ca tụng những món ăn ngon khắp cả ba miền đất nước. Mấy năm sau, anh có thêm một người bạn vong niên là nhạc sĩ Văn Cao, bậc đàn anh mà lâu nay anh vẫn mong ước được gặp mặt. Lần đó anh ra Hà Nội tham dự một đại hội âm nhạc và đã bỏ về nửa chừng để đến thăm Văn Cao đang ngã bệnh. Yêu tài và mến đức nhau, cả hai chóng trở nên thân thiết mặc dù tuổi tác khá cách xa. Với thời gian, Nguyễn Tuân rồi Văn Cao lần lượt ra đi. Anh gặm nhấm những tiếc thương trong lòng. Nhưng cái chết khiến anh bị chấn động nhiều là của anh Hoàng Thiệu Khang. Anh Khang chuyên về mỹ học nên thường cùng anh luận bàn về cái đẹp, những điều nên thơ trong cuộc sống. Gần như chiều nào anh Khang cũng ghé nhà chuyện trò với anh Sơn một lúc sau giờ làm việc.
Có hôm rảnh rỗi anh ngồi đến khuya, nhờ đó anh Sơn có dịp vẽ cho anh một bức chân dung. Tuy quen nhau chưa đầy mười năm, nhưng tình thân giữa hai người càng ngày càng sâu đậm. Buổi chiều hôm ấy anh Khang điện báo tin bị mệt nên không đến chơi. Chứng huyết áp – căn bệnh nguy hiểm mà anh vẫn rất coi thường – đã quật ngã anh ở cái tuổi mới trên 60. Khi nghe tin dữ, anh Sơn ngồi bất động hàng giờ trên chiếc ghế bành trong phòng khách, nhìn mãi lên chiếc máy lạnh trên tường mà không tin rằng bạn mình đã vĩnh viễn không còn. Chiếc máy lạnh này anh Khang vừa đem đến đổi chiếc máy cũ cho anh Sơn không lâu. Một sự ra đi khác cũng khiến anh hụt hẫng là cái chết của Thái Bá Vân, người chỉ hơn anh khoảng vài tuổi. Thái Bá Vân vào tìm anh Sơn không bao lâu sau ngày đất nước thống nhất. Tuy Hà Nội - Sài Gòn cách trở, thỉnh thoảng anh Thái Bá Vân mới vào Nam, nhưng mối giao tình vẫn ngày càng thắm thiết. Đôi khi nhớ bạn, anh Sơn gửi vé máy bay mời bạn vào chơi. Mỗi lần hội ngộ, rượu không bao giờ vơi, chuyện nói với nhau không bao giờ cạn. Hôm được tin Thái Bá Vân qua đời, anh Sơn cũng đã ngồi hàng giờ trước ly rượu với một nén nhang và chiếc ly thứ hai bên cạnh dành cho người quá cố. 
Lúc này, khi đã bước vào độ tuổi tri thiên mệnh, những mất mát thật là một gánh nặng vì hơn bao giờ hết anh rất cần có những người bạn tâm giao. Nếu thời kỳ trước năm 1975 có rất nhiều người thuộc mọi giai cấp, kể cả những quan chức, tướng lĩnh của chế độ cũ yêu thương anh bằng một tình bạn thuần túy, thì thời kỳ sau năm 1975 cũng có rất nhiều người thuộc đủ thành phần trong xã hội ngưỡng mộ tài năng mà yêu mến Trịnh Công Sơn với sự chân thành. Nhưng những bạn bè cũ đã ra đi thì không biết được gì về đời sống của Trịnh Công Sơn sau ngày đất nước thống nhất, ngược lại những người bạn mới lại không biết rõ cuộc đời anh trước đó. Những lúc buồn, anh hay để tâm trí quay về thời còn trẻ và chỉ ước ao có được một người bạn thuở xa xưa bên cạnh để cùng nhau tâm sự, nhắc nhở những kỷ niệm đã qua. Bạn bè cùng thời không còn lại bao nhiêu, Bửu Chỉ, Bửu Ý đều ở cả ngoài Huế, Đinh Cường thì xa xôi cả nửa vòng trái đất, Bùi Giáng giờ đây đã không còn. Nhưng nếu có Bùi Giáng thì chắc cái huyên náo không ngừng của thi sĩ độc đáo ấy cũng sẽ làm cho anh thấy mệt mỏi. Ở tuổi 50, anh cần sự tĩnh lặng. 
Những lúc cảm thấy quá cô đơn, anh thường bắt điện thoại gọi bất cứ người nào quen biết. Rất may, những bạn trẻ như Phạm Phú Ngọc Trai, Huỳnh Thiện, Huỳnh Phi Long, Sâm Thương… lúc nào cũng sẵn lòng bỏ thì giờ để đến với anh. Tuy hầu hết không phải là nghệ sĩ nhưng họ đều quý thương anh, xuất phát từ lòng ngưỡng mộ ban đầu và về lâu dài chính là từ sự trải lòng của anh đối với bạn bè.Trong số này, có thể nói Phạm Phú Ngọc Trai là người có nhiều kỷ niệm nhất với anh Sơn. Dù chỉ hơn 10 năm quen biết, anh đã xem Trai như một người bạn thâm giao, còn Trai quan tâm chăm sóc anh chẳng khác nào ruột thịt. Những dịp đang viễn du xứ người, bận rộn đến đâu anh cũng dành thì giờ viết thư về cho Trai, dù chỉ vài dòng thăm hỏi. Nhìn bức chân dung anh vẽ cho Trai, mọi người có thể thấy được tình cảm anh đối người bạn này. Xưa nay anh ít khi viết nhạc cho một người bạn trai, nhưng “Sóng về đâu?” là bản nhạc anh Sơn viết tặng riêng Trai. Đó là vào một buổi tối trên bãi biển Nha Trang, trong tiếng sóng vỗ ầm ì vào bờ cát anh tưởng như nghe được tiếng thở dài của người bạn trẻ đang đương đầu với con sóng lớn của cuộc đời. Anh lâm râm niệm một câu kinh Bát Nhã: Yết đế, Yết đế, Bala yết đế, Bala tăng yết đế, Bồ đề, Tát bà ha ! Và thầm thì với biển: “Biển sóng, biển sóng, đừng xô (bạn) tôi, đừng xô (bạn) tôi ngã dưới chân người”. 
Bình thường trong bữa ăn, Huỳnh Phi Long lúc nào cũng được anh quan tâm. Bất cứ lúc nào anh cần sự có mặt của một người bạn bên cạnh chỉ để nói chuyện gẫu, thì Sâm Thương hay Lữ Quỳnh đều sẵn sàng có mặt. Cũng có những người bạn rất thân nhưng lại không thường gặp nhau dù cùng ở trong một thành phố. Họa sĩ Nguyễn Trung chẳng hạn. Anh quý chất nghệ sĩ thực sự của người bạn tài hoa này và vẫn tán dương vẻ sang trọng của tranh Nguyễn Trung, kể cả tranh trừu tượng. Ngược lại, Nguyễn Trung nhận định dù không được đào tạo chính quy nhưng Trịnh Công Sơn là một họa sĩ đích thực, chưa kể chính nhờ không qua trường lớp mà anh có thể đưa lên khung vải những ý tưởng của mình một cách tự do. Hoặc những giao tình của anh với những bạn bè như Trần Trọng Thức, Lý Quí Chung, Nguyễn Công Khế, mà mỗi lần nhắc đến họ anh đều bày tỏ lòng quý mến sâu sắc. 
Trong những ngày sức khỏe anh kiệt quệ, không thể tự lo cho mình được, thì các em trai em gái trong gia đình thay nhau chăm sóc anh. Nhưng thỉnh thoảng, anh cũng thuận để cho Huỳnh Thiện đút cơm, cho thấy anh rất quý thương người bạn trẻ này. Ngược lại Huỳnh Thiện lúc nào cũng hết lòng vì anh. Anh luôn luôn tỏ ra thân ái và lịch sự với tất cả mọi người, ngay từ lần đầu tiên gặp gỡ. Có lần sau buổi thăm viếng, một thanh niên trẻ đã xúc động nói: “Em không ngờ lại có ngày được ngồi đối diện với chú Sơn và được chú chuyện trò như một người bạn”. Trịnh Công Sơn là như thế. Mặt khác, anh cũng chịu khó chia sẻ với bạn bè, chẳng hạn người ta có thể bắt gặp - trong một góc quán nước nào đó dưới phố - anh ngồi yên lặng chăm chú lắng nghe người bạn tên Xu tâm sự. Còn Đoàn Khoa vẫn giữ một kỷ niệm đẹp với anh Sơn từ khi người đạo diễn này còn chưa thành danh. 
Trong lần gặp gỡ tình cờ tại một quán nước, Đoàn Khoa được giới thiệu với anh Sơn. Hôm ấy Khoa khiêm tốn ngồi im lặng bên ly nước cam lắng nghe câu chuyện rôm rả giữa những bậc đàn anh. Sau đó mọi người kéo nhau về nhà anh Sơn tiếp tục vừa uống rượu vừa trò chuyện. Anh Sơn bảo người nhà đi mua một chai nước cam cho Đoàn Khoa, vì anh chú ý nãy giờ chỉ mình chàng trai trẻ ấy không uống rượu. Điều này khiến Đoàn Khoa hết sức xúc động và nhớ mãi không bao giờ quên. Không phải chỉ với Đoàn Khoa anh Sơn mới tỉ mỉ như thế mà đó chính là tính cách của anh. Khi nghe bạn bè kể việc một đại gia có căn nhà to lớn lộng lẫy, anh trầm trồ thán phục; nghe nói về một người tài năng xuất chúng trong bất cứ lãnh vực nào, anh đều lấy làm thú vị; ai đó bàn chuyện một doanh nhân thành công giàu có ức triệu, anh cũng lắng nghe. 
Nhưng khi chính những nhân vật đó ngồi trước mặt thì anh cư xử với họ niềm nở và thân tình không khác bất cứ một người bạn nào lâu nay vẫn thường đến chuyện trò với mình. Có lần một người bạn ở xa lâu ngày không gặp, khi về nước đã mời anh đến nghe buổi nói chuyện về một đề tài triết học khá mới mẻ. Hỏi cảm tưởng của anh sau khi tham dự buổi nói chuyện này, anh cười: “Trong hàng ngàn câu chuyện lạ lẫm mà họ nói, dẫu sao mình cũng thu lượm được một vài điều chưa biết”. Anh Sơn là như thế, lúc nào cũng khiêm tốn và chịu lắng nghe, lại luôn luôn nhã nhặn, lịch sự với mọi người. Ngay cả với bạn bè thân thiết nhau lâu năm, hiếm khi thấy anh mặc áo quần ngủ để tiếp khách đến chơi nhà. Hồi trẻ, anh Sơn vẫn thích rày đây mai đó để có cơ hội gặp gỡ nhiều người. Ở cái tuổi cần có bạn bè nhất anh lại ít di chuyển vì sức khỏe không cho phép. Nhưng vẫn không thể thiếu bạn bè. Thường gọi điện mời anh Tương Lai đến để thảo luận về một suy nghĩ mới. Hay vui vẻ lắng nghe Thanh Tùng hát một đoạn nhạc vừa mới sáng tác. Thú vị với một Mạnh Đạt với cây accordeon – đôi lúc làm phiền giấc ngủ hàng xóm – biểu diễn vài ca khúc anh đã sáng tác từ rất lâu mà chính anh cũng đã quên. 
Cảm thấy êm ả với tiếng kèn saxo thổi bài “Hạ trắng” hay “Tiến thoái lưỡng nan” ngay khi Mạnh Tuấn chưa bước chân hẳn vào nhà. Đôi khi có khá nhiều người biết chơi piano ngồi quanh, nhưng những lúc hát cho bạn bè nghe ở nhà thì anh chỉ muốn kiến trúc sư Trần Minh Tâm hoặc Bùi Thân Thiện Khanh đệm đàn cho mình. Trong những ngày không thể uống rượu được nữa, anh vẫn bảo người nhà chuẩn bị sẵn sàng nước đá và soda cho bạn bè sắp đến chơi, rồi thoải mái ngồi nhìn Huỳnh Phi Long, Từ Huy, Bảo Phúc … nhấm nháp chút rượu. Không được uống rượu thật là một hình phạt đối với anh. Một điều chắc chắn là lúc nào anh cũng thèm rượu như thèm bạn bè. Nhưng rượu thì có thể đành đoạn dứt bỏ, chứ bạn bè thì không. Đó là một trong những tiến thoái lưỡng nam của anh, bởi vì dù không phải bạn bè đến với anh chỉ nhằm mục đích uống rượu, nhưng rượu là thứ không thể thiếu lúc họ ngồi với nhau. 
Bửu Chỉ khi quá chén thường ăn nói bừa bãi đôi khi làm nhiều người không vui, nhưng riêng anh chỉ ngồi cười. Bởi dưới mắt anh đó không phải là một đệ tử lưu linh đang say mèm mà vẫn là một Bửu Chỉ từ hơn 20 năm qua lúc nào cũng ở cạnh anh, người từng cắm cúi vẽ minh họa cho các tuyển tập Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời của anh mấy chục năm về trước. Ngày mồng một tháng tư, Bửu Chỉ đã từ Huế bay vào gục trên quan tài anh mà khóc như một đứa trẻ. Giờ thì họ đã hội ngộ ở nơi xa xôi ấy. Anh không cần phải rót một ly rượu để tưởng nhớ người đã khuất. Kể cho hết những bạn bè của anh Sơn, thực chẳng phải dễ dàng. Còn biết bao nhiêu người bạn trong mọi lãnh vực, tuy không thường đến với nhau, nhưng luôn luôn giữ lòng thương yêu ngưỡng mộ đối với anh. Bởi dù họ có kém anh mười lăm mười bảy tuổi, anh cũng đều gần gũi. Hay lớn hơn mười lăm mười bảy tuổi, cũng là bạn vong niên tri kỷ. Nguyên tắc của Trịnh Công Sơn là hễ ai thương yêu mình thì mình cũng quý trọng người đó. Thật ra, trong đời anh cũng gặp phải vài người bạn bỗng nhiên trở mặt. Và anh cũng đã từng từ chối mời rượu một người trước đó vốn rất thân thiết. Anh cũng có lần sắp sửa hạ bút ký tên trên một bức thư gửi cho bạn bè tuyên bố chấm dứt quan hệ với một người bạn thân khác. 
Anh lại từng phàn nàn về một người bạn tưởng rất thân thiết không ngờ đã ngỏ ý không muốn thấy anh ngồi thản nhiên uống rượu trước mặt họ. Nhưng cuối cùng anh lại thở dài với hai chữ “thôi kệ” quen thuộc, để rồi nhanh chóng quên đi những muộn phiền và không bao giờ giữ mối hiềm khích trong lòng. Cũng như chẳng bao giờ anh có thể đoạn tuyệt với người nào trước đây đã từng là bạn. Anh có thể nuốt vào lòng một nỗi đắng cay để sau đó hồn hậu nở một nụ cười nhân ái với mọi người. Đó chính là tính cách Trịnh Công Sơn. Vô chiêu thắng hữu chiêu. Những người đã có lúc làm anh phiền lòng, vì nhiều lý do – đôi khi chỉ vì chút danh vọng hảo – lại quay về với anh. 
Không bao giờ anh nhắc đến chuyện cũ. Nếu tình yêu là một thứ hạnh phúc thì bạn bè là một nhu cầu quan trọng trong suốt cả cuộc đời anh. Khi tình bạn đạt đến mức sâu sắc cao độ thì giữa Lưu Chính Phong và Khúc Dương chẳng còn nhìn nhau là tà hay là chính, sự khác biệt đã được hóa giải giữa hai tâm hồn đồng thanh, đồng điệu, đồng cảm để chỉ còn lại một khúc Tiếu ngạo giang hồ thâm sâu tri kỷ, không phân biệt tuổi tác, không câu nệ vị trí xã hội hay tài năng. 
tuoitre.com.vn


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tết bên Nga của nhà văn Việt Lại sắp Tết nữa rồi đây. Lại thêm một lần mẹ quê hương trông ngóng. Biết bao giờ được sum vầy trong cái Tết...