Mùa xuân ngẫu hứng thi ca
Đoàn Ngọc Minh
Một mùa xuân nữa lại về. Hoa cỏ
bừng thức sau ngày đông tháng giá. Mận, lê, đào chúm chím nụ. Cỏ cây mướt mát
xanh tươi thả hương ngọt cho đời. Mùa xuân cho tâm hồn ta thư thái, xua đi mỏi
mệt những tháng ngày nhọc nhằn, vất vả... trên sườn non, con gái con trai tìm đến
nhau bằng câu sli, câu lượn, bằng điệu khèn ấm cả đất trời. Nhà nhà đầy ắp tiếng
cười trong vắt của con trẻ.
Mùa xuân còn là mùa ngẫu hứng thi ca, bằng những câu thơ giàu xúc
cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ Non nước Cao Bằng, của những trăn trở, ước
vọng thắp lên từ thơ. Mùa xuân dâng cho vạn vật sắc thắm tươi xinh xen lẫn tiếc
nuối của một thời trẻ trung hò hẹn...từ xa xưa các bậc tiền nhân đã để lại cho
con cháu tục lệ của những ngày Tết - một tục lệ riêng có của đồng bào dân tộc
Tày, Nùng ở vùng núi, đó là sự tri ân, báo đáp lại cha mẹ, ông bà bằng tình
cảm, bằng vật chất. Tục lệ này đã được nhà văn - nhà thơ Hữu Tiến cao hứng: Sáng mồng hai tết/Con trai cùng
con dâu/Đưa cháu về bên ngoại/Đem theo con gà thiến béo tròn/Và chai rượu thật
ngon/Con cháu ra cửa/Cái vui vợi đi chút ít...
Bức tranh trên mô tả cảnh gia đình nhỏ của đứa con trai vui vẻ,
háo hức dắt nhau về quê ngoại, cùng cái lễ nho nhỏ những gà, rượu... ngược lại,
căn nhà trở nên trống vắng chốc lát bởi vắng tiếng cười của lũ con cháu..., cha
mẹ đang vui đấy, chợt như hẫng hụt, chợt thoáng buồn. Ngày xuân vốn là ngày mọi
gia đình quây quần đoàn tụ, đầy ắp tiếng cười. Người đọc cũng lây chút buồn ấy
cùng tác giả. Nhưng, nỗi buồn không đọng lại lâu vì: Sáng mồng hai tết/Con gái và
con rể/Đưa cháu về bên ngoại/Mang theo con gà thiến béo tròn/Và chai rượu thật
ngon/Con cháu vào cửa/Tiếng cười lại đầy nhà... (Tục lệ).
Tục lệ của người Tày, Nùng là ngày mồng hai Tết, thường con trai
phải cùng vợ sắm cái “lễ” về bên ngoại để cùng ăn bữa cơm, con gái cùng chồng
về nhà bố mẹ đẻ cũng sắm “lễ” như vậy! Tục lệ này thật đáng trân trọng và cần
được bảo tồn gìn giữ. Nó không chỉ là niềm vui, là nguồn động viên đối với bậc
sinh thành, mà còn thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc vùng, miền. Có lẽ, đây
chính là nét đẹp ngày xuân tạo cho tác giả cảm xúc thăng hoa, bằng ngôn từ dễ
hiểu, dí dỏm, nhà thơ vẽ nên bức tranh thật sinh động, thật ý nghĩa và sâu sắc.
Với nhà thơ Ngô Lương Ngôn,
ngày xuân là tình yêu của đôi lứa, của bầy én trở về rộn rã bầu trời sau mùa đi
tránh rét, là phiên chợ tình đầu năm của con trai, con gái miền núi sau bao
ngày chờ mong, nỗi nhớ đong đầy trong gan ruột. Đọc thơ Ngô Lương Ngôn, ta vui
cùng niềm vui của hình ảnh trong câu thơ, nao nao khi tiết xuân trở lại: Ờ nhỉ sao em chỉ mỉm cười nhìn nhau mà ngỡ giấc mơ thôi/Vèo vèo
cánh én bay từng cặp/ụp oạp chép hồng ghép lẻ đôi/Phiên chợ ngóng chờ lo chẳng
gặp/Ngày xuân đón đợi nhớ khôn nguôi/Hoài trong gan ruột như thiêu đốt/Mấy lúc
gặp sao chỉ mỉm cười. (Ờ nhỉ)
Người con trai gặp người con gái, cái xốn xang của lâu ngày không
gặp, cái cháy bỏng trong lòng rất muốn ngỏ cùng nhau. Trên trời, bầy én vèo vèo
lượn, những chú cá chép hồng từng đôi trong tranh... bao nhiêu mong ngóng, đợi
chờ... vậy mà gặp em, sao em chỉ mỉm cười. Ờ nhỉ? Chỉ hay
chữ mở đầu bài thơ, đã thấy đôi lứa không chỉ mỉm cười, ngượng ngùng nhìn nhau,
họ bỗng thấy trong bối cảnh được gặp lại sau bao thương nhớ đến cháy bỏng mà
chỉ mỉm cười... Ờ nhỉ như thế có đúng với lòng mình không? Ta hiểu, sau cái mỉm cười đầy
ý nghĩa ấy, là cả sự khao khát, sự đam mê của tình yêu đôi lứa đang bùng cháy.
Người miền núi là vậy, mộc mạc, sâu sa song cũng vô cùng đằm thắm.
Trong Tình xuân của Đoàn Ngọc
Minh, ta lại bắt gặp một giọng thơ theo thể tự do, đó là cái nao buồn của năm
hết tết đến! Mỗi xuân về, quy luật lại lấy đi một chút trẻ trung của con người
và vạn vật, trong tâm khảm, ai cũng mong đợi ngày xuân để được vui, được xum
họp, và ngơi nghỉ sau cả năm mệt nhọc mưu sinh cuộc sống. Mùa xuân là mùa của
con gái con trai gặp gỡ trong phiên chợ, của trẻ con được may áo mới, mùa của
chồi non lộc biếc đơm cành. Tác giả đã “trách” dẫu không đợi sao mùa xuân cứ
về? Trách người yêu trở về dù không mong đợi! Song đó chỉ là cái cớ “trách” hết
sức vu vơ, tự dối lòng mình: Ta không đợi/Xuân cứ về... dẫu
biết tự dối lòng/Dẫu biết vắng hơi ấm của người/Ta sẽ như con thú lạc bầy giữa
ngàn xa.../Ta sẽ héo khô như cánh đồng hạn hán... (Tình xuân). Thi sĩ là vậy. Điều mà bình thường ta không
thể nói ra trong cuộc tình dang dở, nhưng thơ lại trải lòng một cách tinh tế,
cả những điều thầm kín, sâu sa nhất, và Đoàn Ngọc Minh đã thể hiện thành công
trong phép ẩn dụ này.
Nhà văn Hoàng Triều Ân bằng thể
thơ lục bát khá nhuần nhuyễn đã viết về mùa xuân trên đường về Bản Dao. Tâm
trạng bồi hồi, bâng khuâng khi cánh én vỗ trong biển sương, gió ngàn như reo,
như hát trong cái nắng chói lòa trong vắt của tiết xuân: Đường lên đỉnh núi Ben Le/Lòng bâng khuâng lạ trông về cố hương
trời xuân én vỗ biển sương/Gió ngàn reo hát vầng dương chói lòa.../Nắng xuân
nẩy lộc ngàn xanh/Đảng về dân chúng lập thành Bản Dao/Bếp nhà thanh thản khói
cao/Định cư đường đỏ dẫn vào mùa xuân...Páo dung giọng hát xa ngân... (Páo Dung). Con đường về bản là con đường
mới, nhờ ơn Đảng, người Dao đã có đường ô tô lên tận đỉnh núi cao. Trên sườn
núi, quây quần những chòm nhà, tác giả ví bản Dao đẹp tươi như hoa như cành.
Người dân tộc Dao sống đầm ấm bên nhau, không còn cảnh du canh du cư, lác đác
những căn nhà thẳm sâu, chót vót trên núi cao. Đâu đó, vọng về tiếng hát páo dung ngân nga của những cặp trai gái
Dao, đang gọi tìm nhau để giao duyên.
Nhà thơ Ngô Ngọc Khánh ca ngợi
mùa xuân qua thể thơ vần năm chữ. Thể thơ này tạo sự nhẹ nhàng cho người đọc,
vừa dễ hiểu, dễ đi vào lòng người. Bức tranh xuân của Ngô Ngọc Khánh cũng đưa
người đọc về quê hương anh, một vùng núi của Cao Bằng, đó là nụ đào chúm chím,
vàng tươi cành quất...hương thơm cỏ dại cùng cái tinh khiết, yên ắng đến mức
tác giả “nghe” được cả chồi non trỗi dậy, rồi tiếng khèn gọi bạn tình đến say
lòng.Tác giả đã thể hiện rất tinh tế về khung cảnh trong sáng đến diệu kỳ của
mùa xuân xứ núi: Đã chúm chím nụ đào/Đã vàng
tươi cành quất.../Nghe chồi non trỗi dậy/Tha thiết cùng mùa xuân.../Vẳng tiếng
khèn ái ân/ Gọi bạn tình xuống chợ/Say nồng trong hơi thở/Ta trao nhau mùa xuân... (Mùa xuân)
Thời gian gần đây, bạn đọc nhận thấy nhà thơ Bế Thành Long đã phá cách trong lối viết của mình! Thơ Bế Thành Long đôi khi khiến người đọc
khó hiểu... vì Bế Thành Long hay triết lý, mung lung, ẩn dụ. Nhưng chứa đựng ở
phía sau là cả một hồn thơ trong vắt đến lai láng, một tình yêu đến thuần khiết
và tự nhiên. Đó là tình yêu phố phường, bến nước, vườn cải vàng dập dờn bướm
lượn, người mẹ chờ con về trong mái nhà xưa vách đất... một người con gái lẻ
loi, một mùa chim én trở về:
Mùa xuân/Non nước rộng qua mưa
qua nắng/Chim én vẫn bay về.../Mẹ chờ như ngọn khói đồi xa.../Sông Hiến dằng
dặc nhớ/Phố Thầu lá bàng rơi/Bến nước Vườn Cam vẫn đợi.../Hoa cải vàng và bướm
trắng rờn/Em lẻ loi... (Chim én vẫn bay về).
Mùa xuân đã về, xin có vài lời
bình một số bài thơ viết về mùa xuân của các hội viên Hội Văn học nghệ thuật
tỉnh. Hy vọng mùa xuân mới tràn ngập sức sống, tràn ngập tình yêu thương đến
với tất cả mọi người. Xin chúc các nhà thơ sẽ có thêm những phút giây thăng hoa
cho tác phẩm của mình giàu bản sắc, giàu sáng tạo và ý nghĩa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét