Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Sau 200 năm âm nhạc Chopin vẫn còn những bí ẩn

Sau 200 năm âm nhạc Chopin vẫn còn những bí ẩn
Thứ Hai, ngày 22 tháng Hai là kỉ niệm tròn 200 năm ngày sinh Frédéric Chopin. Do vậy cái tên Frédéric Chopin, nhà soạn nhạc nổi tiếng sinh tại Ba Lan và định cư tại Pháp, được nhắc đến thường xuyên hơn trong những ngày này năm nay. Ngày 22 tháng Hai là ngày sinh của Chopin được ghi trong một giấy chứng nhận rửa tội của nhà thờ, còn theo lời của chính nhà soạn nhạc và gia đình thì ông cất tiếng khóc chào đời vào ngày 1 tháng Ba. Thậm chí 200 năm sau ngày sinh của ông, mọi điều có vẻ đơn giản về Chopin thực ra lại phức tạp hơn bề ngoài, kể cả âm nhạc của Chopin là thứ ở trên tất cả.
Các tác phẩm âm nhạc của Chopin - tất cả đều liên quan đến piano, không có bản giao hưởng hay vở opera nào - đầy chất trữ tình và duyên dáng, thi vị và do đó được xem là hữu dụng. Thế nhưng chúng cũng có thể phức tạp về hòa âm và là thách thức về kỹ thuật chơi đàn. 24 bản etude trong hai tập Op. 10 và Op. 25 của ông, còn lâu mới là những "bài tập" đơn giản dành cho học viên, khó chơi đến nỗi một nghệ sĩ piano vĩ đại và chuyên gia Chopin là Artur Rubinstein đã phải tránh chơi một số bản trong số đó. Và chúng có thể được cô đọng tới mức không thể xuyên thấu (hãy lấy chương cuối bản Sonata số hai làm ví dụ: một đám mây vần vũ bằng âm thanh với thời lượng chưa đầy hai phút). Nếu để cạnh nhau, các tác phẩm của Chopin là biểu trưng cho một rào chắn cao chót vót, là cột mốc mà qua đó người nghệ sĩ piano cổ điển được phân hạng - một phần vì độ khó của việc tìm ra cách thăm dò chiều sâu của âm nhạc trong khi nghe thì có vẻ đơn giản.
Phong cách Chopin "đúng đắn" vừa là một dấu hiệu phê chuẩn vừa là đề tài cho một cuộc tranh cãi bất tận. Nó đòi hỏi sự sáng sủa và rõ ràng trong lối bấm phím, đôi khi được Rafal Blechacz, một trong những chuyên gia Chopin lứa gần đây nhất, chứng tỏ trong CD mới gồm hai piano concerto có phần theo thông lệ . Nó đòi hỏi kỹ thuật legato như hát: một ảo giác rằng nghệ sĩ piano đang tạo ra một dòng âm thanh liền mạch như giọng của con người. Điều này đặc biệt đúng trong các bản nocturne không ngừng được so sánh với các vở opera của Vincenzo Bellini, một người bạn của Chopin.
Nhưng phong cách Chopin cũng có thể gợi lên một kiểu bùng nổ bão táp mà Martha Argerich thời trẻ thể hiện trong CD vừa mới phát hành của mình, một bộ sưu tập những bản thu âm cho đài phát thanh chưa từng được phát hành từ năm 1959 đến 1967.
Điều quan trọng nhất và khó nắm bắt nhất là phong cách Chopin đòi hỏi kỹ thuật rubato - thay đổi tốc độ hay tiết tấu vì những mục đích diễn cảm. Vấn đề rubato theo sát việc biểu diễn Chopin. Người ta kể rằng nhà soạn nhạc hoàn toàn tự do khi là nghệ sĩ diễn tấu nhưng không rõ điều này có nghĩa gì: có những dấu hiệu rằng lúc nào ông cũng giữ một nhịp tay trái khá ổn định.
Hơn nữa, nhiều thế hệ nghệ sĩ biểu diễn, theo quan điểm sai lầm rằng tác phẩm âm nhạc là một bức tranh sơn dầu mà trên đó họ sắp sửa thể hiện bản thân, lấy sự ủng hộ tích cực kỹ thuật rubato của Chopin như một chứng chỉ để chơi chậm lại và đẩy nhanh lên gần như tùy ý. Nghe nhiều Chopin - ngay cả trong những trường hợp nghệ sĩ chơi Chopin hay - có thể khiến tôi bị say sóng vì phải nghe quá nhiều câu nhạc bị kéo căng ra như thể đang từ từ lên dốc và rồi lại tuột dốc xuống nháo nhào.
Âm nhạc của Chopin đôi khi đã bị dán nhãn là nhạc nữ tính hoặc "nhạc phòng khách": không hoàn toàn nghiêm túc, không hoàn toàn mạnh mẽ, không hoàn toàn Đức bởi vì nó đi chệch khỏi các quy ước về cấu trúc của trường phái Cổ điển Vienna. Thậm chí hai bản sonata mạnh mẽ cũng không theo thông lệ, chơi nhanh và phóng túng so với các quy ước cấu trúc mà Mozart và Beethoven giữ gìn.
Quả thực một số người bênh vực nhiệt tình của Chopin đã hoàn toàn chuốc lấy quan niệm rằng âm nhạc yếu đuối và cần sự bênh vực, cố gắng nhấn mạnh tính nghiêm túc của nó (và nam tính của nó) bằng cách chơi các tác phẩm theo bộ - trọn vẹn 24 prelude, hay trọn vẹn 24 etude trong Op. 10 và Op. 25 - và do đó tính chúng thành những tác phẩm dài và nặng ký hơn là trò tiêu khiển phòng khách với thời lượng ước chừng ba hay bốn phút.
Quan điểm xem tác phẩm là yếu ớt và ủy mị cũng liên quan đến quan điểm phổ biến rằng Chopin là một bậc kỳ tài lãng mạn nguyên mẫu: xanh xao và sang trọng, phải sống một cuộc đời ngắn ngủi đến bi thảm (ông bị bệnh lao), cần sự chăm sóc của một từ mẫu mạnh mẽ (tình nhân của ông, người nổi tiếng hơn cả qua bút danh văn chương là George Sand), nhận được luồng cảm hứng thánh thần trên phím đàn (dù là một nhà ứng tác xuất sắc thì ông vẫn phải nỗ lực cho các sáng tác của mình).
Dù vậy tác phẩm không yếu ớt. Mặc dầu người ta kể rằng chính bản thân Chopin tránh né cách chơi quá to thì có nhiều chỗ trong đó rền vang như sấm và nhiều chỗ mang tính quả quyết. Nó cũng độc đáo một cách ấn tượng. Không như nhiều nhà soạn nhạc cùng thời, Chopin không nằm dưới ảnh hưởng của Beethvoen. Chẳng hạn như ông ghét cay ghét đắng chương cuối bản giao hưởng số 5 của Beethoven; những tác giả đầu tiên mà ông chịu ảnh hưởng sống ở thời kỳ trước đó, đặc biệt là Johann Sebastian Bach.
Giống như Bach, ông viết nhạc theo bộ: chẳng hạn như 24 Prelude, một bộ gồm các tác phẩm ngắn theo từng điệu thức giống như bộ The Well-Tempered Clavier (Bình quân luật) của Bach. Và âm nhạc cho đàn phím thời kỳ Tiền cổ điển là một ảnh hưởng ở vài thể loại mà ông đã đặc biệt phát triển - ngay cả những bản nocturne, cách biểu hiện tinh hoa của thời Lãng mạn.
Chopin cũng đi tiên phong trong các thể loại khác nữa, như bốn bản ballade: những câu chuyện không lời đủ dài và gây ấn tượng ở vùng giao thoa giữa thể loại thơ giao hưởng và sonata. Đặc biệt là thể loại riêng của quê hương ông là polonaise và mazurka, dựa trên ý niệm các vũ khúc dân Ba Lan, những tác phẩm mãi được giữ như là minh chứng cho lòng yêu nước của nhà soạn nhạc xa xứ. Chopin xem chủ nghĩa dân tộc Ba Lan của mình là thiêng liêng nhưng ông cũng tận dụng niềm hứng thú vĩnh cửu đối với màu sắc dân gian địa phương đã được đưa vào trong concerto "Thổ Nhĩ Kỳ" của Mozart hay các vũ khúc Hungary của Brahms. Chắc chắn là chẳng có chút ẻo lả yếu đuối nào trong bản Polonaise "Anh hùng" giọng La giáng trưởng của ông.
Cũng có cả dấu vết của sự thực dụng trong 19 bản valse của Chopin. Lúc Chopin tới Vienna khi còn trẻ, trước khi định cư tại Paris, ông xem thường thể loại valse, coi chúng là điển hình của một thứ thị hiếu bình dân tồi tệ và phàn nàn về chuyện một nhà soạn nhạc không thể xuất bản cái gì nếu không phải là valse. Có thể ông đã coi khinh thể loại nhưng cũng đủ thực tế để bắt đầu sáng tác valse - chắc chắn là không phải các bản valse mà người ta có thể thực sự khiêu vũ được mà là các tác phẩm khuấy động không khí phòng khiêu vũ, sự quay cuồng của những tà áo váy.
Các bản valse dường như đang có được sự chú ý đặc biệt trong năm kỉ niệm này. Gần đây các bản thu âm mới đã được hai nghệ sĩ đáng giá được biết tới là Alice Sara Ott và Ingrid Fliter cho ra mắt; bộ thu âm kinh điển của Dinu Lipatti từ năm 1950 cũng sắp được phát hành lại vào cuối tháng Ba. Nghe tất cả các bản valse một lúc giống như ăn liền một hộp sô cô la, nó để lại cho bạn cảm giác đắng nhè nhẹ chưa từng có; thế nhưng mỗi bản thu âm này lại có những thế mạnh của nó. Fliter có một lối bấm phím hoa mỹ, nhẹ nhàng và thư thái lôi cuốn tôi một cách bản năng, tuy nhiên cô hơi bị cuốn đi với kỹ thuật rubato, giật và thúc mạnh ở từng câu nhạc. Tiếng đàn của Ott đôi khi nghe cũng cứng rắn nhưng cô có một sự thẳng thắn lành mạnh. Với một âm thanh lớn có cảm giác như bị kìm chế trong bản Grande valse brillante giọng Mi giáng trưởng, cô là hiện thân của tính hoa mỹ hơi non nớt của một thiếu nữ lần đầu dự khiêu vũ. Nếu so sánh thì thấy nghệ sĩ piano Pháp Alexandre Tharaud, người đã thu âm các bản valse vài năm trước, đưa ra một cách tiếp cận lạnh lùng hơn và điềm tĩnh hơn: lối chơi cân đối đáng khâm phục, hơi xa cách và nhiều phần giống một liều thuốc bổ sau quá nhiều xúc cảm.
Các bản valse là mẫu mực cho một trong số những điều khó khăn nhất trong cách chơi Chopin: bước đi trên một sợ dây mảnh mai giữa xúc cảm và tính ủy mị, giữa việc cảm thấy cái gì đó và việc ngoái nhìn lại một cách trìu mến theo cách nó cảm thấy. Chopin báo trước bản "La Valse" của Ravel trong cách biểu hiện nỗi nhớ nhung xứ sở hơi trớ trêu của mình. Các hình thức vũ khúc mà Chopin sử dụng có những ý nghĩa đặc biệt; các tác phẩm của ông là một kiểu dẫn giải về xã hội. Ngày nay nỗi nhớ nhung xứ xở có nguy cơ bao trùm lên mọi điều khác. Một bí mật lớn trong cách chơi Chopin có thể đơn giản chỉ là nhớ rằng chơi nhạc Chopin không thú vị như khi nghe.
Anne Midgette (Washington Post)
Ngọc Anh (nhaccodien.info) dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tản mạn viết

Tản mạn viết Tôi thường rất có cảm hứng viết vào buổi sáng. Cứ sau một ly cà phê, một ấm trà, một đoạn nhạc, có khi là vài trang sách, thì b...