Tết xưa và kho báu tuổi thơ
Ông ngẩng cao đầu lên trời, cười ha hả, trông rất khoái chí, ngầm bảo với các con, đầu năm phải cười cho may mắn...
Những
ngày cuối năm, khi cái nắng hanh hao hiếm hoi của mùa đông nhuộm đầy áo phố,
mọi người đổ xô ra đường, khác hẳn những ngày mưa rả rích. Bức tranh Tết đang
phác thảo những nét vẽ đầu tiên bằng các hàng quán trưng bày nhiều mặt hàng,
màu sắc... và những tấm băng rôn chào đón năm mới giăng trên các nẻo đường.
Nhưng chị chỉ thật sự nhận ra điều ấy sau khi bị găm lòng mình vào cái khoảnh
khắc vừa đi qua không lâu.
Dưới cái nắng nhợt nhạt, lạt thách, một người phụ nữ với dáng đi
thất thểu, vừa dắt con vừa cầm xấp vé số đến mời mọc: "mua dùm cái vé chị
ơi". Sau cái lắc đầu của mình, chị nhận được một vẻ mặt vô cảm. Người phụ
nữ quay mặt, xốc nách đứa bé gầy ọp ẹp lên hông, vừa đi vừa hôn vào má nó chùn
chụt, thủ thỉ: "con gái cố đợi thêm ít bữa, mẹ kiếm đủ tiền sẽ mua áo mới
cho con kịp đón Tết nghe". Sau câu nói ấy, cộng với ánh mắt cô bé nhìn
chằm chằm không chớp qua bờ vai người mẹ, chị có cảm giác, mình vừa làm vơi đi
phần nào niềm háo hức về cái Tết sắp tới trong đôi mắt ngây thơ của bé. Ngẫm
lại mình, tự hỏi, chị háo hức điều gì khi Tết đang ùa về mà lòng quay quắt
những ngày xưa?
Xưa, nhà chị rất nghèo nên Tết với chị luôn là một điều gì đó
quá đỗi tuyệt diệu. Bởi vì chỉ có Tết, anh em nhà chị mới có quần áo mới, được
nghe tiếng pháo nổ rộn rã, được ăn những món ăn ngon. Và thích nhất vẫn là cảm
giác được nhận bao lì xì, những tờ tiền mới cứng, mệnh giá rất nhỏ nhưng lại
cho chị một niềm vui lớn. Như thể, chị có cả một kho báu quý giá, cất kỹ trong
rương, lâu lâu lôi ra ngắm nghía và cười tít cả mắt, chứ tuyệt nhiên, chị không
dám xài.
Chị vẫn nhớ, vào những ngày cuối năm, ba chị thường treo sẵn một
dây pháo trên cột trụ sắt ở bên phải mép hiên nhà. Đến khuya, cả nhà cùng nhau
đặt mâm cỗ cho đêm giao thừa. Khi đồng hồ vừa điểm sang khoảnh khắc đầu tiên
của năm mới là lúc ông châm lửa dây pháo, chúng thi nhau nổ đùng đoàng hòa
chung với không khí hân hoan của cả xóm. Tiếng nổ giòn tan, xác pháo bung mình,
bay tứ tung, rợp đỏ cả một góc sân. Chỉ vào chúng, ba chị thường dặn: "Mấy
đứa không được quét sân nghen, lộc đấy, lộc đấy". Rồi ông tìm mọi cách pha
trò, có khi là kể những câu chuyện tiếu lâm mà ông đọc đâu đó, sau đó, ông
ngẩng cao đầu lên trời, cười ha hả, trông rất khoái chí, ngầm bảo với các con
đầu năm phải cười cho may mắn, cho phơi phới cái lòng, cho xôm cửa nhà, cho rộn
làng rộn xóm.
Xong xuôi, ông gọi cả nhà lại, quây quần bên mâm cơm. Nói là mâm
cơm chứ thật ra nó gồm mấy đĩa xôi trắng, vài chén chè đậu xanh cùng đĩa trái
cây và dăm cái bánh kẹo. Mẹ chị đặt trước mặt mỗi người một chén chè, dịu dàng:
"Ăn chè cho ngọt ngào, cả năm yêu thương tràn đầy nghen mấy đứa".
Ngày ấy, chị bé xíu xiu, chẳng hiểu ý mẹ là gì, chỉ cố ăn cho mau để chuẩn bị
sang giai đoạn tiếp theo, giai đoạn trao nhau những phong bao lì xì. Vì nhà chị
có thông lệ, ai trong gia đình đã kiếm ra tiền sẽ mừng tuổi cho những người
khác, lần lượt từ người lớn tuổi nhất. Và vì chị là con út nên luôn được nhận
nhiều nhất. Ý nghĩ đó luôn khiến chị thấy thích thú.
![](https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgVfFMMnHdxtTEWT9KEs6VyVaskOTBpU0xC1dxONxMhAwfx7DQo7cLlEI6WgoEzACjf05D7jboA2ospKdctdWIGOqRm53Z0H-5ruHytg-84an_xjqLXAKTxjssMILxUesolsidlg8NRH_Md/s1600/he1bb93-tay-thu.jpg)
Mùa đông năm ấy, những cơn mưa xứ Huế kéo dài, từng đợt rét thi
nhau ghé thăm, lạnh buốt, ba chị ngã bệnh nặng. Những cơn đau chạy đua với thời
gian, túc tắc từng giọt, từng giọt một, đếm ngược theo những ngày giáp Tết. Đêm
giao thừa, mẹ và các anh em trong nhà lặng lẽ cùng nhau soạn mâm cỗ, ba chị nằm
im lìm trên giường, đôi mắt dính ghèn, nhòe nhoẹt nước, thi thoảng thở hắt ra.
Không có tiếng pháo nổ, không có những câu chuyện tiếu lâm, không có điệu cười
ha hả như mọi năm, chỉ có màn đêm, tiếng bước chân rất khẽ và những đợt gió
rượt đuổi nhau thắt quặn lòng.
Vẫn như mọi năm, ba chị gọi mọi người lại, quây quần bên cái
giường được thay thế bộ bàn ghế nơi phòng khách, cùng nhau ăn chén chè đậu xanh
rồi bắt đầu mừng tuổi. Ông lần lượt trao cho tám thành viên trong gia đình mỗi
người một phong bì đỏ chót. Những lời chúc xen kẽ những lời dặn dò ngắt quãng
trong những cơn ho đục ngầu. Đến khi mẹ và các anh chị mừng tuổi lại, lần đầu
tiên, ông nhẹ nhàng đẩy những chiếc phong bì ấy về chỗ cũ, ngầm bảo: "ba
đã không còn tuổi nữa, các con hãy giữ lại tuổi cho mình và cố gắng sống thật
tốt".
Mọi người lại đẩy ngược phong bì về phía ông như thể đang cố níu
kéo ông với cuộc đời lâu hơn nữa. Nhưng ông vẫn từ chối, dứt khoát trao trả về
phía họ rồi cố nhoẻn miệng cười thật tươi nhưng đôi mắt nhắm nghiền, lắp bắp:
"Bây buồn chi, tao đang thấy phơi phới cái lòng, bấy nhiêu năm, tuy hơi
cực khổ nhưng tao thỏa mãn và thanh thản, bây cười lên cho năm mới còn làm ăn
chơ". Mọi người ai nấy cũng nhoẻn miệng cười, những nụ cười méo xệch, xấu
xí, quắt queo rồi cùng nhau quay mặt đi, những giọt nước mắt lạnh lùng rơi ra,
rụng xuống, tan vỡ.
Tháng ba, rét nàng Bân kéo đến, lạnh lẽo đưa ba chị một mình về
nơi xa tít tắp mù khơi, bỏ lại tuổi cho mẹ và các anh em chị. Một cái Tết lại
thấm thoát về, chị lục lọi cái rương kho báu của mình, những tờ tiền giấy mệnh
giá nhỏ đã úa màu theo thời gian. Màu úa ấy đã được nhuộm bởi mồ hôi, sương
gió, nhuộm bởi tiếng pháo, những câu chuyện cười, những điệu cười ha hả, lời
chúc... của ba chị vào những ngày Tết. Kho báu của chị, giờ trở thành kho báu
của kho báu. Tuổi thơ của chị đã mãi mãi ở lại đó. Nấm mồ ba chị, cỏ đã mọc
xanh rì.
Ngoài trời, những hạt mưa đang lất phất bay, Tết chảy về qua
từng góc phố. Chị mồ côi, vẫn chưa kịp một lần mừng tuổi ba mình...
Hồ Tịnh Thủy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét