Những nhánh rong xanh trên dòng sông tuổi nhỏ
Buổi sáng, khi mặt trời chưa thức dậy, hắn đã ở ngoài vườn, tỉa cành tưới
nước, vuốt ve những cụm hoa đang khoe sắc. Mấy chậu hoa sứ nở ngào ngạt hương.
Hương hoa sứ thơm dịu dàng như một thiếu nữ trang đài đứng trên lầu mộng. Hắn lượm mấy nụ hoa mới rụng dưới cội đưa lên
mũi hít thở nhẹ nhàng. Mùi thơm dịu ngọt cho hắn một cảm giác thật dễ chịu và lấy
làm tiếc là nó không giữ được lâu như
những
loại hoa khác. Hắn bỗng mỉm cười nghĩ tới câu “hồng nhan bạc mệnh”! Hương hoa
sứ thanh khiết nhưng mong manh như một người con gái trang đài xinh đẹp.
Hôm
nay đã là ngày thứ Sáu trong tuần! Hắn có cảm tưởng như hắn chỉ vừa chào ai đó
trong ngày thứ Sáu… một hai hôm trước! Thứ Sáu đâu mà rộn rịp thế nhỉ? Thứ Sáu
đại diện cho một tuần lễ sắp hết mà càng lúc thấy nó tới nhanh hơn mình tưởng!
Tâm lý con người cũng vẫn quanh quẩn như vòng trầm luân của đời sống, như bánh
xe nước ở mấy chặng sông Trà, sông Vệ năm xưa: con nít vô tư, hồn nhiên mong
chóng lớn, người lớn sợ thời gian, người già thích trở lại cái thuở hồn nhiên
vô tư lự! Nghĩ tới cái thời “vô tư lự” lòng hắn bồi hồi chạnh nhớ những kỷ niệm
xưa dù có nhiều vết tích cũng đã lờ mờ sương khói.
Nhà
hắn bên bờ xe nước sông Vệ, nơi hắn thường bơi lội với lũ bạn sau những buổi
tan trường. Học mới lớp một, lớp hai mà hắn đã “bơi lội như rái” – theo lời kể
của Mẹ hắn mỗi lần cùng Mẹ ôn lại chuyện xưa. Dưới chân bờ xe nước thường có
nhiều tôm càng, cua xanh và cá bống mú. Cá bống sông Trà, sông Vệ mà kho rim
tiêu, ăn với cơm nóng thì tuyệt cú mèo. Dòng sông này đã cho hắn khá nhiều kỷ
niệm thuở thiếu thời. Một lần vô ý bị cua kẹp dưới đáy nước, hắn hét tướng lên
làm nước tràn vô miệng, uống cành hông, từ dưới đáy ngoi được lên mặt nước
tưởng như thời gian ngưng lại, may mà không bị chết đuối! Cũng dòng sông này đã
cướp mất của hắn một người cô yêu quý! Đó là dịp kỵ giỗ hàng năm của đại gia
đình bên Nội. Cô hắn cũng còn rất trẻ, thích bơi lội, biết anh em hắn bơi giỏi
nên mỗi lần về là rủ đi tắm sông. Sự tin tưởng của cô đã bị phản bội khi dòng
nước nhận chìm cô vì chân cô bị vọp bẻ, và anh em hắn cũng suýt chết đuối theo
bà cô giã từ cuộc đời đầy bi lụy! Cũng dòng sông này anh em hắn đã từng nhặt
những trứng vịt rơi rải rác nằm sâu dưới dòng nước, trên mặt cát mỗi buổi sáng
khi những đàn vịt nuôi, hàng ngàn con được lùa qua; hay những đêm trăng thanh
gió mát mang chiếu ra trải trên bải cát trắng phau, nghe người lớn hò đối đáp
rồi cùng ngủ qua đêm với các anh chị hàng xóm. Hắn cũng nhớ Mùa Vu Lan năm nào
đó rất xa trong ký ức, giọng ca cao vút của một chị huynh trưởng, trong đoàn
Phật tử, hát trong đêm văn nghệ trên khán đài lộ thiên nằm trên mặt cát trắng
bên dòng sông Vệ. Hắn nhớ hoài giọng hát và gương mặt đó với bài hát Mục Kiền
Liên… Đìu hiu gió bóng chiều rơi theo lá thu, có đàn chim bay vấn vơ, chuông
chùa xa đưa huyền mơ! Mục Kiền Liên đứng nhìn cảnh đêm dần lan, nhớ Mẹ xót xa
tâm hồn, bóng Mẹ biết bây giờ đâu… Không biết là vì vóc dáng của chị đoàn trưởng,
hay là vì ánh sáng huyền hoặc của đêm trăng rằm hôm đó mà từng lời ca, từng
dáng điệu in hằn lên tâm khảm hắn như một tỳ vết dễ yêu mỗi khi nghĩ đến, nhớ
về!
Dòng sông này cũng còn một kỷ niệm nguyên xi những lần hướng dẫn gia đình chạy
nấp máy bay oanh kích của giặc Pháp, hoặc các trận đụng độ giữa Việt Minh và
Pháp trước ngày đất nước chia đôi, trong các hầm cát bên bờ sông gần nhà hắn mà
phía trên của hầm cát là những cụm xương rồng và cây lưỡng long tua tủa gai
nhọn. Những hầm cát này đã được lũ trẻ con hàng xóm, bạn bè của anh em hắn cùng
đào móc chơi đùa với nhau sau những giờ tan học, hoặc để tránh những cơn nắng
hạ khắc nghiệt một thời. Dòng sông này cũng là nguồn thực phẩm nuôi sống cho
anh em hắn và biết bao nhiêu gia đình ở hai bên ven sông…
Khi
Ba Mẹ hắn quyết định đưa đàn con đi tìm vùng đất hứa ở miền Nam trong chiến
dịch khẩn hoang lập ấp, anh em hắn đã bỏ ra mấy
ngày, ngồi hàng giờ nơi chốn ấy để thì thầm những lời ly biệt, để gửi lại những
tiếc nuối khôn nguôi! Cái quyết định rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, xa lìa gốc
gác, mồ mả tổ tiên đã bao đời gầy dựng để xuôi Nam “vì tương lai con cháu” của
Ba hắn là một biến cố trọng đại cho gia đình và giòng họ. Cái quyết định đã gây
sững sờ không những cho giòng họ mà còn cho cả xóm làng. Ba hắn đã thuyết phục
một số bà con và những bạn bè thân cận cùng “đi lập nghiệp” ở một nơi chốn chỉ
biết qua giấy tờ và lời thuyết phục từ các cấp chính quyền. Người ta xầm xì,
bàn qua tán lại cho là “đi về chốn rừng thiêng nước độc” khiến một số gia đình
thay đổi ý định, kẻ ở người đi! Cho tới lúc này, ngồi đây viết những dòng này,
hắn cũng cảm nhận cái quyết định của Ba hắn thời đó là một quyết định “dữ dội”,
là một sự can đảm phi thường, là một sự liều lĩnh có tính toán! Hắn chợt nhớ
nghĩ đến người cha thân yêu, hắn càng cảm phục sự nhìn xa thấy rộng của Người,
cái quyết tâm dũng cảm của Người, và càng biết ơn Người!
Nói
đến thời kỳ khẩn hoang lập ấp, hắn nhớ ngay đến hai dãy nhà tiền chế nằm hai
bên con lộ đất đỏ mù trời duy nhất được ủi vội để chào đón những gia đình mới
tới! Lúc đoàn xe vận tải nối đuôi đổ người xuống, sau mấy ngày di chuyển vô
cùng vất vả trên đoạn đường dài từ miền Trung mịt mù xa lơ xa lắc, hắn không
biết là khoảng thời khắc nào, chỉ nhớ mặt trời đã nằm sâu dưới những tàng cây
đầy kỳ bí mà chung quanh là núi rừng dày đặc hoang vu! Có tiếng khóc bất an của
một vài người đàn bà và em nhỏ hòa cùng tiếng côn trùng và chim muôn kêu rả
rích tạo nên những khúc nhạc thê lương ảm đạm! Những gốc cây trơ trụi còn sót lại
chỏi lên khắp nơi, những đống cây khô khổng lồ được xe ủi gom vào từng hàng dài
càng làm cho cảnh vật thêm phần u tịch! Hắn nhớ như in vẻ mặt chịu đựng của Mẹ
hắn, dấu vội đi những giọt nước mắt lăn dài khi vừa đẩy cửa bước vào một trong
hai căn nhà dành cho gia đình hắn. Căn nhà khá rộng nhưng mái lợp bằng tranh,
vách ngăn bằng lá. Mẹ nghẹn ngào nói với đàn con “các con ráng chịu khổ một
thời gian, chắc chắn mình sẽ được chính phủ giúp đỡ để tạo dựng một đời sống ổn
định hơn cho tương lai của các con”!
Hắn
nhớ quá thời gian tân khổ nơi này… những cánh đồng hoang vu mênh mông mầu mỡ,
những khu rừng bát ngát vô tận, những rừng mai bạt ngàn mỗi khi xuân về tết
đến. Những hồ ao, đồng lầy đầy ắp cua cá, con sông La Ngà lặng lờ chứa đựng dư
thừa thủy sản… rồi những ruộng lúa mênh mông, những rẫy bắp, nương đậu xanh
mướt một màu, rộng bao la cũng theo thời gian cùng với sức người hiên hữu khắp
nơi. Rừng rậm và thú dữ càng ngày càng bị đẩy xa, xa tận tầm nhìn… Đặc biệt mỗi
khi lên mùa nào đậu, nào bắp, nào lúa tràn ngập khắp nhà từ trước tới sau, từ
trong ra ngoài, vun tràn từng đống lớn. Thế mới thấy cái quyết định của Ba hắn
là đúng đắn chứ không như những ngày đầu đầy ân hận! Tuy nhiên, hắn vẫn thấy
khổ ơi là khổ cho những nhà nông! Trong thâm tâm hắn đã có ý nghĩ “một ngày nào
đó mình sẽ lìa xa”… Nhớ ơi là nhớ Cánh đồng lớn, khu rừng Mai, con sông La Ngà,
ngọn Đồi Bảo Đại với những hàng cây vú sữa rợp bóng dọc theo con đường trôn ốc
từ dưới lên tận đồi cao nhưng nay đã không còn chủ…
Hắn
chợt nhớ ngày đầu tiên khai trương khu trường Trung Học Công Lập đệ nhất cấp Võ
Đắt. Anh em hắn là một thành phần trong loạt học sinh Trung học đầu tiên vào
học trường này. Ngày cắt băng khánh thành, anh em hắn được mặc đồng phục toàn
trắng, trông rất oai nghiêm đứng hàng giờ dưới trời nắng chang chang. Mặc bộ đồ đặc biệt này lòng hắn sung sướng
xiết bao, hắn thấy như mình lớn hẳn ra, đi đứng trang nghiêm, nói năng chững
chạc. Ở nhà, hắn đã phải đứng xoay qua xoay lại “cho Mẹ nhìn ngắm thanh niên
của Mẹ một lúc”. Hắn chợt nhớ quá những khuôn mặt thân thương cùng hắn chia sẻ
những nỗi vui niềm buồn của một đời học sinh trên cái xứ đất đỏ buồn tênh xa
cách thị thành! Nào Tươi, nào Thành, nào Hiền, nào Tư, nào Ánh, nào Thu, nào
Hạnh… nay kẻ còn người mất… người phương này kẻ tận mờ xa!
Hình
bóng Tươi bỗng nhiên xuất hiện. Tươi là thằng bạn thân nhất từ những ngày khốn
khó đầu tiên. Hai đứa cứ quấn quít nhau từ trường về nhà, từ ruộng qua rẫy. Đi
đâu, làm gì cũng có hai đứa. Rất lâu năm, hai đứa thường chụm đầu đánh cờ tướng
mà bao giờ hắn cũng thua, có may mắn lắm cũng chỉ thí quân theo kiểu lưỡng bại
câu thương để thủ huề. Tươi nói “làm sao mầy đánh lại tao được, tao nghĩ trước
tới bảy nước cờ”. Hắn nói với Tươi “mầy cũng có đánh lại tao đâu, tướng thư
sinh của mầy chỉ cần ba mươi giây là tao cho chổng vó lên trời”! Mỗi lần nghe
hắn nói vậy Tươi chỉ cười! Tươi không thích tập võ mặc dầu Ba hắn sẵn sàng dạy
võ cho nó. Ba hắn chỉ dạy võ cho mấy anh em trai trong nhà mà thôi, dứt khoát
không nhận dạy người ngoài, mà Tươi là trường hợp ngoại lệ, thế mà nó không
chịu học mới tức chứ! Cũng vì cái tài đánh cờ của nó mà hắn cũng được hưởng lây
khi đi đấu với các người lớn tuổi ở nhiều chỗ khác nhau trong thôn xóm hoặc các
làng lân cận. Chiến thắng là những phần quà bánh tình cờ. Vâng, chỉ là những
bánh kẹo tầm thường nhưng thời đó, nơi chốn đó đã là một ưu đãi! Bù lại thì hắn
cũng giúp bảo vệ cho Tươi những lần gặp những người thua cờ nổi nóng. Mà cái vụ
bị nổi nóng, đập bàn cờ, hoàn đi hoàn lại, cãi tới cãi lui luôn là chuyện
thường tình!
Sau
khi học xong lớp Đệ Tứ, Tươi với hắn tạm chia xa, vì hoàn cảnh gia đình đặc
biệt nên Tươi không cùng lên tỉnh thành với hắn và một số bạn học cùng lớp, mặc
dù Tươi học rất khá. Tươi ở lại với ruộng vườn cho đến năm 17 tuổi thì tình
nguyện gia nhập Địa Phương Quân. Hắn không nhớ rõ Tươi làm chức vụ gì nhưng lâu
lâu lại đưa lính đi huấn luyện ở tỉnh lỵ Bình Tuy. Có một lần, trong dịp nghỉ
hè, hắn về thăm gia đình thì gặp lúc Tươi phải đưa lính đi. Tươi chạy chọt cách
nào không biết mà hắn được cùng Tươi đi máy bay về tỉnh cùng với mấy chục người
lính mới. Phải nói đó là lần đi phi cơ đầu tiên trong đời nên hắn rất vui và
hồi hộp lẫn hãnh diện.
Sau
khi làm xong công vụ, hai đứa tới ở trọ nhà anh Cát, một người bạn vong niên
trong lính của Tươi. Buổi tối hôm đó là một đêm trăng tỏ, anh Cát rủ hai đứa
mang đầy đủ mùng mền chiếu gối, lò nướng, cần câu… đi câu và ngủ trên biển! Hắn
nghe hấp dẫn quá chịu liền. Thế là ba anh em tất bật chuẩn bị cho chuyến đi
chơi đêm trên thuyền và trên biển. Anh Cát không quên ghé một tiệm tạp hóa mua
theo mấy lít rượu trắng. Đêm hôm đó là một đêm nhớ đời. Câu được con nào nướng
con đó trên lò than hồng, gió mát trăng thanh, chén anh chén chú cụng suốt, xỉn
hồi nào không hay. Khi thức dậy vào buổi sáng vẫn thấy con thuyền lênh đênh,
loanh quanh trong vùng vịnh cách bờ khá xa mà Tươi và anh Cát vẫn đang ngủ ngáy
tưng bừng! Ở Bình Tuy có một vùng biển rất đặc biệt. Từ bờ ngó ra Hòn Bà xa xa
là một vùng rộng lớn nhưng rất an toàn vì dòng nước chỉ chảy vòng vòng bên
trong vịnh, quanh năm sóng yên gió lặng. Phải nói chuyến đi này là một kỷ niệm
khó quên. Lòng hắn vẫn luôn bồi hồi xao xuyến mỗi khi nghĩ về!
Hắn
lại nhớ Thanh, đứa con gái 16 tuổi như nụ hoa quỳnh vừa chớm nở, hương sắc dịu
dàng. Hắn quen Thanh trong những sinh hoạt của gia đình phật tử tại địa phương.
Tuổi thiếu niên thuở ấy rất hồn nhiên, trong sáng. Mà người lớn dường như không
ai để tâm phân biệt nữ nam như bây giờ. Có một lần cắm trại tại khuôn viên
chùa, cả nam lẫn nữ cùng cho ngủ chung trong một “căn lều cộng đồng”, nằm như
xếp cá mòi. Cả nam lẫn nữ theo lệnh Thầy được nằm chung với nhau, chỉ cần quay
đầu ngược lại nhau. Hắn và Thanh nằm ở giữa. Lúc chưa ngủ hai bên vẫn nghịch
ngợm đạp chân nhau, nói cười vô tư lự đi vào giấc ngủ. Lúc gần sáng, khi tiếng
chuông mõ khai kinh làm hắn giật mình tỉnh giấc, hắn mới phát giác ra cô bé
đang ôm hắn ngủ ngon lành! Đứa con gái 16 tuổi đã trổ mã dậy thì như một đóa
hoa xuân phơi phới đang gác tay gác chân lên người hắn! Tự nhiên cả người nổi
gai lạnh với cảm giác nhột nhạt khắp châu thân. Hắn cảm thấy nhịp tim loạn xạ,
thở hít khó khăn vì hương tóc nồng nàn quyện với mùi thịt da con gái làm hắn
ngất ngây ngây ngất, nửa muốn gở ra, nửa muốn ôm chằm. Đầu óc phấn đấu kịch
liệt cố nghĩ tới những điều trong sáng. Hắn tự nói cho hắn biết là mình đang ở
chùa, là một phật tử thuần thành, là phải tôn nghiêm giới luật! Hắn lẩm nhẩm
lặp đi lặp lại năm điều tâm nguyện của người thanh niên Phật tử: “Phật tử quy y
Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện; Phật tử mở rộng lòng thương, tôn
trọng sự sống; Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật; Phật tử trong sạch
từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm; Phật tử sống hỷ xả để dũng
tiến trên đường đạo”! Hắn băn khoăn tự hỏi không biết Thanh vô tình hay cố ý,
và càng lúc càng run hơn! Có lẽ sự run rẩy của hắn và tiếng chuông mõ công phu
cũng đã làm cho Thanh thức giấc! Hắn thấy Thanh tự động buông ra và xoay người
về hướng khác! Hắn thở phào như trút được gánh nặng dù sự nuối tiếc vẫn lâng
lâng. Hắn nhanh lẹ ngồi bật dậy, ra ngoài sân chạy một vòng chùa để cố quên và
dấu sự bẽn lẽn!
Mặc
dù sau đó cố tránh mặt nhau một thời gian – có thể là tại vì đã có tình ý, và
cũng muốn tránh cho nhau những cảm giác ngượng ngùng – nhưng tình cảm của hai
người ngày càng thân thiết hơn. Tới một ngày kia, trong buổi sinh hoạt tuần lễ
cuối cùng, hắn thông báo với đoàn là sắp đi học xa, Thanh mới tìm cách nói cho
hắn biết là chiều hôm sau sẽ để phong thư trên đầu cây chuối thứ tư trên con
đường chạy xe đạp nối liền hai xóm nhà. Sáng hôm sau hắn kín đáo leo lên cành
mít cao, lén viết thư tình rồi nôn nao chờ đợi buổi chiều để trao đổi. Buổi
chiều đang ngồi trước sân ngó mong ra ngõ, hắn thấy Thanh chạy xe đạp ngang qua
mà không hề ngó vào như mọi lần. Chờ cho Thanh đi khuất một lúc sau, hắn lấy xe
đạp chạy qua con đường nhỏ. Hắn tới cây chuối thứ tư, ngó trước ngó sau mới dò
tìm phong thư ẩn dấu. Phần thì hồi hộp, phần lo có người đi qua, tim hắn đánh
như trống làng mà tìm mãi vẫn không thấy thư đâu cả. Hắn trở lại đầu đường và
đếm số lại, nhưng vẫn không tìm thấy thư của Thanh. Đang ngẩn ngơ, bối rối hắn
mới kịp nghĩ hay là cây chuối thứ tư đếm từ bên kia sang? Quả đúng như thế,
phong thư được gói ghém rất cẩn thận để phía trong bẹ chuối khuất tầm nhìn. Hắn
để thư hắn vào thế chỗ rồi đạp xe ngang nhà Thanh. Thấy Thanh đứng trước hiên
nhà, hắn nhẹ gật đầu và quay mặt về phía sau ý nói có thư chỗ đó. Thế là nguyên
tuần lễ còn lại, ngày nào cũng lặp đi lặp lại bài bản cũ cho đến ngày hắn khăn
gói lên xe đò đi về Long Khánh trọ học. Lúc xe lăn bánh hắn mới thấy bàn tay
Thanh kín đáo vẫy chào!
Nhớ
về những ngày trọ học ở Long Khánh thì không thể không nhớ một cuối tuần cùng
Tư và Thành rủ nhau chạy xe đạp về Võ Đắt. Đoạn đường hơn ba mươi cây số với
đồi giốc chập chùng, rừng cây cao rậm, cọp beo không thiếu… với chiếc xe đạp
“typical one speed” thời đó nặng chình chịch… thế mà ba đứa quyết định “thử”
một chuyến ra sao! Hôm đó trời mưa lất phất, ba đứa đang hân hoan đổ giốc sau
khi cặp giò tê tái vượt lên một con giốc dài. Đang ngon trớn bỗng cả bọn xanh
mặt, thắng gấp, dùng cả gót giày ép vào bánh xe vì phía trước không xa có một
con voi to cao dềnh dàng đứng chắn lối đi. Theo kinh nghiệm người đi rừng dạy
lại, ba đứa từ tốn dẫn xe vừa run vừa đi lùi lên đầu giốc… chờ một thời gian
khá lâu cho con voi đi khỏi mới ngó trước ngó sau, phóng nước đại qua truông.
Nói tới Long Khánh không thể không nhớ những vườn cà phê, sầu riêng, chôm chôm
sai trái của mấy người bạn học bản xứ. Nhớ nửa trái sầu riêng con bé nhà hàng
xóm khép nép để ở góc bàn học rồi chạy biến về nhà vào một buổi trưa khi hắn
đang ngồi ôn luyện bài thi. Nhớ gia đình anh chị Ngữ đã cho ăn cơm tháng suốt
mấy năm dài. Nhớ những lần đi biệt tăm cả tuần không dám đụng tới bát đũa vì sợ
thịt chó! Hắn đã học được cái tính “không nên giận ai quá 15 phút” của anh Ngữ.
Nhớ anh chị với nụ cười nhân hậu, tấm lòng bao dung luôn luôn khuyến khích hắn
trong việc học hành!
Nhớ
những mũi kim thêu hai con chim yến bay song song trên vùng núi nhỏ ở góc chiếc
khăn “mouchoir” trắng mà cô em gái của thằng bạn học chung lớp thẹn thùng gửi
tặng khi hắn từ biệt về học Saigon.
Cũng vì sự tích này mới nảy sanh ra một bút
hiệu mà theo thời gian mất đi dấu sắc (vì có người phê bình chữ “Yến” nghe yếu
xìu)! Nhớ tới hãng kem đậu xanh
ngon tuyệt vời ở đầu ngõ nhà trọ là nơi lũ học trò xa nhà tụ tập sau những buổi
cơm chiều. Nhớ giọng rao hàng của ông Tàu già bán bánh bò bánh tiêu mỗi xế trưa
qua xóm, nhớ tiếng gõ lóc cóc hằng đêm của xe bán hủ tíu dạo bên đường của một
ông Tàu khác mà hắn vẫn nghĩ chưa có đâu ngon bằng… nhớ ơi là nhớ!
Ôi
những kỷ niệm vẫn bám theo hắn cả đời, thật gần nhưng cũng thật xa, xa tít mù
trong tiềm thức! Có phải không khi nhìn bóng chiều rơi người ta thường nhớ về
những bình minh có muôn sắc muôn mầu, tiếc những giọt sương long lanh trên đầu
cánh lá?! Câu tiếng Pháp trong bài Triết học hồi còn lớp 12 làm cho hắn nhớ
hoài: “Chúng ta không bao giờ có được tâm hồn của buổi chiều hôm nay” (nous
n’aurons jamais plus l’âme de ce soir), có thể rất đúng nhưng sao mỗi khi chạnh
nhớ về những ngày thơ ấu lòng hắn cũng bâng khuâng rung động, cũng xao xuyến
bồi hồi! Tai vẫn như nghe tiếng kẻo kẹt của bờ xe nước, mắt vẫn mơ màng thấy lũ
con nít đứng trên bờ cao nhảy tùm xuống dòng sông tuổi nhỏ, mũi vẫn thoang
thoảng mùi hương thơm của lúa chín, mùi rạ nặc nồng cuối mùa gặt…
http://thovanyenson.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét