Một khúc yêu thương
Trần Thị Mỹ Thương (SV ĐH KHXH & NV
TPHCM)
“Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh...”. Mỗi khi bài
hát ấy cất lên, lòng tôi lại rung lên những xúc cảm vô cùng mãnh liệt. Đó là nỗi
nhớ nhung da diết, sâu lắng của một người con xa quê nhớ về vùng đất mẹ, nhưng
đó cũng là nỗi lòng của tất cả những ai được sinh ra và lớn lên ở nơi đây.
Quê hương tôi - Hà Tĩnh - nằm bên dòng sông
La hiền hòa bao năm vẫn chảy vẫn bồi, tưới mát cho vùng đất khát cháy vì gió và
cái nắng khắc nghiệt của miền Trung. Quê tôi nằm tựa lưng bên dãy Trường Sơn
hùng vĩ ngóng trông về vùng biển Đông rộng lớn như gửi lời nhớ lời thương và mỗi
chúng tôi vẫn tự hào khi mang làn da rám nắng, giọng nói nằng nặng nhưng ấm áp
tình người níu chân những ai vô tình đến thăm. Và để lại trong lòng họ những ấn
tượng sâu đậm khi trở về. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng là một trong số đó. Một
khúc tâm tình của người Hà Tĩnh của ông đã ra đời.
Vâng, chỉ thế thôi là mô, tê, răng, rứa mà
sao nhớ sao thương đến vô bến vô bờ “Tình sâu nghĩa nặng biển ta lại nhớ rừng,
nên chỉ giữa đồng bằng (mà) gió ngàn bay về tìm âm vang sóng vỗ” để nhắn nhủ mỗi
người nhớ đến quê hương mỗi lúc đi xa... Đó là Đồng Lộc, Khe Giao, Đèo Ngang,
Linh Cảm... những con đường anh hùng, những địa danh lịch sử đã sống mãi trong
sử sách nước nhà mà những thế hệ đi trước đã đổ bao xương máu để giữ gìn cho
chúng tôi hôm nay được tự do cắp sách tới trường... quê hương, ở đó có gia
đình, bè bạn có những kỷ niệm của thời ấu thơ và những dấu ấn khó phai trong cuộc
đời của mỗi người.
Những ngày đầu mới vào TPHCM, tôi đã rất ngạc
nhiên khi có nhiều người ở đây lại thuộc ca khúc này. Trong suy nghĩ của tôi
lúc đó, tôi chỉ hình dung rằng nó là một bài hát nổi tiếng nhưng không ngờ lại
có nhiều người yêu mến đến như vậy. Khi tôi đưa thắc mắc này hỏi một bác người
Hà Tây, bác đã cười mà nói rằng: chẳng có gì lạ cả, tôi cũng xa quê và nhớ quê
hương mình. Bài hát này tuy không viết về quê hương tôi, nhưng lại giúp tôi gửi
gắm được tâm sự đó. Còn một thanh niên người TPHCM lại làm tôi ngạc nhiên khi
nói: Tôi không chỉ biết về Hà Tĩnh mà còn biết rất nhiều nhân vật lịch sử sinh
ra ở quê bạn, anh kể cho tôi nghe về những ca khúc mà anh biết: Hà Tĩnh mình
thương, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Mời anh về Hà Tĩnh...
Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh - Thu Hiền
Anh thú nhận với tôi là chưa bao giờ đến Hà
Tĩnh nhưng sau này nếu có dịp nhất định anh phải ra một lần cho biết. Và phải
chăng Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh cũng là một khúc yêu thương của mỗi
con người không chỉ của tôi, bạn mà là mỗi con người Việt Nam khi nhớ về quê
hương mình. Đó là động lực thúc đẩy mỗi chúng tôi biến ước mơ thành hiện thực để
xây dựng quê hương đất nước, để sống và yêu thương cả những quê hương khác trên
đất nước này nhưng vẫn đau đáu trông về quê mẹ mỗi lúc chiều lên hay nghe một
giọng nói thân thương gần gũi.
Nhong nhong nhong, cậu làm con ngựa!
Song Anh (Quận 3-TPHCM)
Lần đầu tiên tôi làm con ngựa cho đứa cháu
lên hai của mình cưỡi trên lưng, tôi lại phát cáu vì con bé cứ giãy nảy ngọng
nghịu hét toáng “không giống ba”. Bực bội, tôi cũng dằn dỗi bảo “giống ba thì
tìm ba mà chơi” rồi dắt xe dong thẳng, mặc tiếng khóc thét của con bé.
Không như mọi lần mẹ tôi gọi với theo, mất
nhiều ngày sau, khi gần như tôi chẳng còn nhớ gì thì bố tôi lại gợi chuyện. Bố
bảo, nếu tôi không đủ kiên nhẫn chơi với con nít thì về phòng mà nghỉ chứ đừng
làm con bé và cả nhà khó xử như thế nữa. Tôi đâu biết, suốt hôm xảy ra sự việc,
con bé cứ khóc ngằn ngặt đòi “ba về chơi nhong nhong với con”, mà ba mẹ con bé
lại vừa chia tay nhau, vất vả lắm cả nhà mới “lôi” được hai mẹ con quay về đây.
Cùng một nhà nhưng chẳng mấy khi tôi gặp cháu
mình. Sáng tôi đi làm, con bé chưa thức, đêm tôi về nó đã ngủ say. Một đêm, tôi
ngang qua phòng chị, thấy chị đang loay hoay pha sữa cho con. Tôi xin lỗi về
chuyện cũ và “đánh bạo” hỏi chị về “con ngựa giống ba” mà con bé từng nói. Chị
bảo cũng chẳng biết nữa, mà chỉ nghe tiếng cười giòn tan của con bé khi “con ngựa
ba” sau một lúc bò quanh phòng thì ngã lăn quay ra rên hừ hừ... như trong bài
hát. Rõ rồi!
Ngay hôm sau tôi lên mạng tìm xem bài hát rồi
ghé nhà sách mua đĩa nhạc Xuân Mai có bài Nhong nhong nhong của nhạc sĩ Thế Hiển
về nghe, lẩm nhẩm hát theo. Những bài hát đồng ấu ngày xưa sống lại trong tôi
sau bao năm tôi ngỡ mình chưa từng trải qua tuổi thơ! Chẳng mấy chốc, hai cậu
cháu tôi có vô khối trò chơi từ mấy bài đồng dao trong các băng đĩa nhạc thiếu
nhi sau này tôi mua cho con bé. Nhưng con bé vẫn say sưa với trò cưỡi ngựa “lọc
cà lọc cà lọc”, để cả hai cùng “ngã lăn đùng”, hay “bốn vó lăn quay” để rồi con
bé lại “thỏ thẻ bên tai, con thương “cậu” con ngoan thật nhiều, ngựa “cậu” lại
cõng con nhong nhong”. Tự bao giờ con bé đã đổi lời bài hát, mặc dù nó vẫn nhớ
và mong “ngựa cha” ghé ngang thăm đôi lần, để lại cùng chơi trò nhong nhong. Và
mỗi tối tôi cũng tranh thủ về nhà sớm hơn để được thấy con bé chạy ra tận cổng
khoe “hôm nay con ngoan, ăn hết cháo, uống hết sữa mà không bị “ọi”... Cậu chơi
nhong nhong với con nhé?”. Chắc chắn thế rồi và cậu sẽ mãi là con ngựa để cô
cháu đáng yêu của mình luôn “vui thỏa tiếng cười”.
Nhong Nhong Nhong - Xuân Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét