Thứ Tư, 1 tháng 6, 2016

Một góc trời hoài niệm

Một góc trời hoài niệm
NGUYỄN SƠN 
“... Gọi tên em mãi trong cơn mê này, mình nhớ thương nhau”. khi những câu hát cuối cùng vang lên, khi tiếng nhạc và lời ca lặng vào khoảng không trống vắng, tôi chợt bừng tỉnh sau phút giây hoài niệm về em. đã lâu lắm rồi, tôi mới được nghe lại tình khúc Riêng một góc trời của Ngô Thụy Miên qua giọng ca trầm ấm, tha thiết của Tuấn Ngọc, từng câu hát, từng điệu nhạc như vô tình đưa tôi vào hoài niệm của những ngày đã qua.

Riêng một góc trời - một trong những ca khúc gắn với tên tuổi ca sĩ Tuấn Ngọc
Giờ đây, ở một góc nhỏ trong quán cà phê vắng vào một buổi trưa, không hiểu sao tôi lại nhớ về em da diết, nỗi nhớ đã từ lâu bẵng đi nay trở về đầy tiếc nuối. Tôi thẫn thờ nhìn ra khoảng sân đầy nắng trước mặt, lòng đầy suy tư “Tình yêu như nắng, nắng đưa em về bên dòng suối mơ, nhẹ vương theo gió, gió mang câu thề xa rời chốn xưa...”. Tình yêu của tôi và em như những giọt nắng kia, có lúc tha thiết ấm nồng như những tia nắng sớm, nhưng cũng có lúc phai nhạt như màu nắng lúc chiều về. Em đã đem đến cho tôi làn gió mát xoa dịu tâm hồn đang khao khát được yêu. bằng tình yêu trong sáng, em đưa tôi vào cõi mơ, một cõi mơ dành cho cả hai đứa, nhẹ nhàng, đằm thắm như những nốt nhạc kia. Và... chính em lại ra đi, mang theo lời yêu thương ngày nào về bên ấy, bỏ lại nơi xưa chỉ còn riêng tôi lẻ bóng “ Người vui bên ấy, xót xa bên này, thương hình dáng ai, vòng tay tiếc nuối, bước chân âm thầm nghe giọt nắng phai... Em đã xa tôi, tôi vẫn chơi vơi riêng một góc trời”.
Riêng một góc trời 
Ngô Thụy Miên - Tuấn Ngọc
Nhìn dòng thời gian trôi từ lúc em đi, trong khoảng lặng dài đó, đã có lúc tôi tưởng quên được em, nhưng không, bây giờ tôi mới biết nỗi nhớ bấy lâu tưởng chừng quên ấy nay vẫn còn dai dẳng trong tôi. “Người yêu dấu, người yêu dấu hỡi, khi mùa xuân về qua chốn nay... Tìm đâu thấy, tìm đâu thấy nữa, khi mùa đông về theo cánh chim bay, là chia cách đôi nơi, là hạnh phúc rã rời, người ơi”. Giọng ca trầm ấm ấy đã vút lên theo cao trào của bài hát, phải chăng Ngô Thụy Miên lẫn ca sĩ Tuấn Ngọc như muốn đưa người nghe đến đỉnh điểm của nỗi nhớ, làm cho hoài niệm tình yêu chợt thức dậy trong lòng mọi người? Và phải chăng dĩ vãng đã xa lại chợt về qua sự giao hòa tuyệt vời giữa lời ca và tiếng hát? Ngô Thụy Miên đã khéo léo giao hòa cả bốn mùa tình yêu vào bản nhạc nhưng sao ta thấy trầm buồn quá, như đưa ta vào giấc mơ, với hy vọng mỏng manh “Một mai em nhé, có nghe thu về trên hàng lá khô, ngàn sao lấp lánh hát câu mong chờ em về chốn xưa’’ dẫu biết đó chỉ là giấc mơ. bài hát khép lại với nỗi tiếc nuối muốn gào thét theo nhịp con tim đang rung lên nỗi bồi hồi, chợt thấy lòng băng giá tự lúc nào “Gọi tên em mãi, trong cơn mê này, mình nhớ thương nhau”...
Cảm xúc dâng trào, cảm xúc lại vội vàng ra đi khi không gian im lắng trở lại. Nhìn ra xa, những giọt nắng đã dịu đi, không gian thoáng đãng hơn. Riêng một góc trời là đây sao? tôi chợt nghĩ và khẽ mỉm cười vu vơ.
Thắp sáng tình thương
Nguyễn Thị Thu Hoa (TPHCM)

Nhạc sĩ 
Minh Khang, 
tác giả ca khúc 
Đứa bé
Với tôi, ca khúc Đứa bé có ý nghĩa hơn một ca khúc bình thường mỗi khi nghe, bởi cũng giống như nhạc sĩ Minh Khang, tôi đã chứng kiến ánh mắt buồn của một đứa bé, đứa bé chỉ của riêng tôi...
“Trong đêm một bàn chân bước, bé xíu lang thang trên đường...". Lần đầu tiên nghe bài hát, ùa về trong tôi là một kỷ niệm buồn. Tối ấy, anh và tôi vui vẻ trò chuyện trong một quán nước sau một tuần làm việc và học tập căng thẳng. Một bé gái tay mang túi tre chứa đầy những cây kẹo kéo trắng ngần đến gần mời anh mua. Tôi mỉm cười lúc cô bé quay sang nhìn tôi, cô bé cũng nhoẻn miệng cười, ánh mắt long lanh niềm vui. Nụ cười ấy làm bừng sáng khuôn mặt đen nhẻm vì nắng của em. Thế mà anh nhất định không mua. “Anh có thể mua cho em bất cứ thứ gì nhưng không phải là hai cây kẹo vớ vẩn kia, ăn vào chỉ tổ hại người”, anh thanh minh sau khi lớn tiếng đuổi cô bé đi. Tôi chỉ còn kịp nhìn thấy ánh mắt vụt tắt niềm vui của cô bé khi bước nhanh chân ra khỏi quán, hòa vào dòng người ngược xuôi trên phố. Tôi buồn vì anh vô tâm quá, tôi đòi mua kẹo đâu phải vì tôi thích ăn kẹo, chúng tôi đang vui sao anh nỡ dập tắt niềm vui của một đứa bé.
Nghe bài Đứa bé, tôi tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc. Hiện rõ trong tôi hình ảnh cô bé ngày nào với hai cây kẹo kéo xinh xinh, về một lời hứa tôi chưa thực hiện dù đã đưa ra khi tôi mỉm cười lúc cô bé nhìn tôi. Thành công của bài hát, theo tôi chính là ở ca từ mộc mạc, bình dị nhưng rất có sức gợi hình nên dễ đi vào lòng người. Khi bài hát vang lên cũng là lúc hiện ra trước mắt người nghe hình ảnh những đứa bé đang lang thang kiếm sống ở từng góc chợ, con đường, trong đó chắc chắn có cô bé kẹo kéo của tôi. Sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nếu để ca sĩ nào đó một mình thể hiện ca khúc này. Sự kết hợp giọng hát của 60 nghệ sĩ đã tạo thành chiếc cầu nối yêu thương cứ lan tỏa, lan tỏa mãi. Lời kêu gọi về lòng nhân ái, về trái tim con người Việt Nam ngân vang tha thiết cuối bài hát bằng tất cả tình cảm của những người nghệ sĩ có tâm huyết với người, với đời. Một bài hát tập trung được sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, nhất là khi bài hát ấy lại là lời nhắc nhở về trách nhiệm xã hội đối với thế hệ tương lai của đất nước, trách nhiệm của tất cả mọi người chứ không của riêng ai.
Hãy để bài hát này mãi vang lên như một giai điệu tình thương và chúng ta hãy đáp lại lời kêu gọi thiết tha này bằng những hành động thiết thực để một ngày không xa, không còn bắt gặp quanh ta những đứa bé lang thang kiếm sống như thế. 
Đứa bé   
Minh Khang - Nguyễn Huy
Theo http://maivang.nld.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...