Phá Tam Giang - Xuôi đất cố đô
Cố đô Huế là vùng đất có phong cảnh hữu tình không đâu sánh bằng
làm say đắm lòng người với dòng Hương Giang, núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, biển
Lăng Cô, Thuận An… Nhưng không chỉ có thế, vẻ đẹp của xứ cố đô còn được điểm
xuyến bởi vẻ đẹp sẵn sàng làm nao lòng bất cứ ai của vùng sông nước phá Tam
Giang.
Được biết đến như một hệ thống đầm phá nước lợ lớn nhất Đông
Nam Á, Phá Tam Giang với chiều dài 24km, rộng khoảng 52m2, trải dài theo hướng
Tây Tây Bắc - Đông Đông Nam với điểm xuất phát từ đầu nguồn sông Ô Lâu xuôi về
sông Hương và đổ ra biển Thuận An. Chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của
Việt Nam, Phá Tam Giang cung cấp hàng ngàn tấn hải sản mỗi năm và trở thành điểm
đến hấp dẫn với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ vắng lặng thu hút hàng ngàn du
khách đến tham quan chiêm ngưỡng mỗi năm.
Ảnh: Lê Việt Khánh
Mênh mông sông nước phá Tam Giang
LÀM THẾ NÀO ĐỂ TỚI PHÁ TAM GIANG?
Nếu bạn đi Phá Tam Giang từ thành phố Huế, bạn sẽ đi theo đường
Phạm Văn Đồng chạy thẳng quốc lộ 49 hướng ra biển Thuận An. Khi qua khỏi Phú
Dương một đoạn đường trống bạn sẽ tiến vào địa phận của Thuận An, bên tay trái
có tuyến đường mới mở theo hướng đi cầu Ca Cút, bạn chạy thẳng theo đường này
khoảng 1km sẽ qua cầu Thảo Long, bắt qua hạ lưu sông Hương. Khu vực ở đây cũng
là 1 cảnh đẹp đáng để dừng chân lưu lại những tấm ảnh tuyệt vời. Sau đó chạy chừng
4 km nữa bạn sẽ gặp cầu Ca Cút hay còn có tên gọi khác là cầu Tam Giang bắt ngang qua phá Tam Giang.
Ngoài ra bạn còn có thể đi theo hướng từ đường Lê Duẩn gần đại
nội Huế, chạy thẳng một đoạn rồi rẽ trái vào đường Huỳnh Thúc Kháng và đi thẳng
đến làng cổ Bao Vinh. Tại đây bạn theo biển chỉ dẫn để đến thị trấn Sịa, khi đến
được thị trấn Sịa thì hỏi đường đến bến đò Cồn Tộc để đi tham quan phá hoặc qua
bờ bên kia của Phá.
Để có được những trải nghiệm và tiếp cận mọi ngóc ngách trên
toàn bộ chuyến hành trình đến Phá Tam Giang, bạn nên sử dụng phương tiện bằng
xe máy để thoải mái khám phá một loạt các đầm phá dọc theo chiều dài Huế có
phong cảnh và sinh hoạt đời thường khá thú vị. Tại Huế bạn có thể thuê xe máy với
giá từ 120.000 - 150.000/ ngày tùy xe tay ga hoặc xe số.
Ảnh: Trương Quý Quốc Bảo
Mênh mông sông nước phá Tam Giang
THỜI ĐIỂM NÀO TUYỆT NHẤT Ở PHÁ TAM GIANG?
Để có được những trải nghiệm văn hóa thú vị của người dân địa
phương nơi đây, bạn nên đến phá vào khoảng từ tháng 4 đến tháng 7 để được hòa
mình vào không khí nhộn nhịp của mùa thu hoạch hải sản trên Đầm Chuồn và tham
gia lễ hội rước Tổ làng Chuồn vào các ngày 15, 16, 17 tháng 07 âm lịch hàng
năm. Trong thời gian này khi về phá Tam Giang bạn sẽ tận mắt ghi lại những khoảnh
khắc các ngư dân quăng chài kéo lưới giữa hồ, cảnh phiên chợ quê mua bán tấp nập,
tất cả những khung cảnh này nếu bỏ qua sẽ là một thiếu sót vô cùng lớn trong những
chặng hành trình khám phá dải đất miền Trung.
Tùy theo mục đích của chuyến đi mà bạn sẽ sắp xếp thời gian để
tham quan Phá Tam Giang. Tuy nhiên vẻ đẹp lộng lẫy nhất của Phá Tam Giang là thời
điểm bình minh từ 5h30 đến 7h, hoặc vào lúc 16h đến 17h30 là lúc hoàng hôn buông xuống trên Phá Tam Giang. Cả 2 thời điểm này đều mang lại cho bạn những thước ảnh
đáng giá với những cảm xúc lâng lâng khi đứng trước các tuyệt tác của thiên
nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.
Ảnh: Trầnliệthung
Hoàng hôn chiều buông trên Phá Tam Giang
PHÁ TAM GIANG VÀ NHỮNG ĐIỂM ĐẾN HẤP DẪN
Trên hành trình khám phá Tam Giang, bạn sẽ không thể bỏ qua đầm
Chuồn có phong cảnh hữu tình, vừa là nơi chơi được, ăn được và cũng là nơi bạn
có thể ngủ lại một đêm cùng mênh mông sông nước nơi này.
Để tận hưởng được trọn vẹn những vẻ đẹp của đầm Chuồn – phá
Tam Giang, bạn nên khởi hành đi sớm từ 5h sáng, con đường dẫn bạn về đầm Chuồn
sẽ thật sự khiến bạn thấy không phí thời gian mình bỏ ra với những phong cảnh hữu
tình của những ngôi làng cổ với kiến trúc mái đình cổ kính, các ngôi nhà thờ tộc
có chạm trổ rồng phượng. Con đường làng quanh co sẽ dẫn bạn trải qua những cánh
đồng lúa chín vàng ươm kéo dài đến tận đầm Chuồn. Từ đây bạn xuống thuyền để
chiêm ngưỡng phong cảnh và tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày của người dân địa
phương tại đây.
Ảnh: Sondautau
Cuộc sống hằng ngày của ngư dân trên đầm Chuồn
Đầm Chuồn từ lúc bình minh hay đến lúc chiều tà đều mang lại
những gam màu sắc khác nhau, và đứng ở bất kỳ vị trí nào của đầm Chuồn, bạn
cũng sẽ bắt được những khung cảnh tuyệt tác trải dài trên khắp không gian bạt
ngàn của mặt đầm, những chiếc cọc chắn lối hay những ngôi nhà chồ cô độc nhỏ bé
trên sông nước mênh mang, cảnh ngư dân giăng lưới, cảnh buôn bán nhộn nhịp từ
trên thuyền đò đến chợ đều mang lại cảm giác thanh bình nhẹ nhàng trước bức
tranh toàn mỹ mà thiên nhiên ban tặng cho đầm Chuồn. Đến với đầm Chuồn, bất kỳ
thời điểm nào trong ngày, bạn cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên
đầy quyến rũ làm xao xuyến tâm hồn.
Ảnh: ĐứcTrần
Ngư dân đánh cá trên đầm Chuồn
Ngoài ra hiện nay khi đến tham quan đầm Chuồn, bạn còn có thể
trải nghiệm cảm giác ở thử miễn phí trên những nhà chồ tại đầm Chuồn. Nhà chồ
là loại nhà được dựng tạm bợ ngay trên sông để ngư dân làm nơi trú chân khi mệt
mỏi. Chắc chắn bạn không thể nào quên được cảm giác đêm nằm nghe gió thổi ngước
mắt nhìn bầu trời đầy sao trong không gian cô tịch mênh mông của đầm Chuồn.
Ảnh: PhanHoàiLinh
Nhà chồ - nơi dừng chân nghỉ ngơi của ngư dân trên đầm Chuồn
Về phá Tam Giang không chỉ có riêng đầm Chuồn, làng cổ Thái
Dương Hạ còn làm bạn ngạc nhiên đầy thú vị với đình làng là tổ hợp kiến trúc vừa
mang nét uy nghi cổ kính vừa mang lối kiến trúc đặc trưng riêng của miếu đền cố
đô Huế. Đình làng nơi đây được xem là nơi cư ngụ những người đã khuất trong
làng, khi tham quan tại đây bạn sẽ hiểu thêm về ý nghĩa của câu “cuộc sống
dương sao âm vậy”. Điểm ấn tượng khi bạn vừa đến làng cổ Thái Dương Hạ còn là
chùa Thái Quốc, một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất vùng. Tuy là làng
cổ có lịch sử phát triển hàng trăm năm, nhưng trong làng không thiếu bất kỳ dịch
vụ nào từ cơ bản đến hiện đại nhất luôn làm hài lòng khách phương xa đến thăm.
Ảnh: Internet
Đình làng cổ Thái Dương Hạ
Bạn cũng không thể nào bỏ qua rừng ngập mặn Rú Chá, với khung
cảnh ngập tràn sắc xanh rợp bóng hai bên, với con đường có vòm rú chá đan xen
ngay cửa ngõ. Để đến được rừng Rú Chá, bạn phải đi thuyền vào sâu bên trong, bạn
sẽ như bị tách biệt với thế giới bên ngoài. Một không gian thoáng mát, yên bình
với những loại cây ngập mặn như sú, vẹt, mắm, chá.. đã tạo thành một bức tường
cây xanh bao bọc toàn bộ khu rừng, xua tan đi cái nắng gay gắt của mùa hè. Tại
đây cũng có rất nhiều đìa nuôi tôm cá, mỗi khi ánh chiều buông xuống, hàng trăm
loài chim lại ùa nhau bay về làm tổ tạo nên một cảnh tượng tuyệt vời dành cho
du khách tham quan.
Ảnh: Huỳnhtrần Hướng dương
Con đường với cổng vòm Rú Chá
ẨM THỰC ĐA DẠNG VÙNG ĐẦM PHÁ
Hàng trăm loài cá, tôm, cua, ghẹ, sò, ốc…. như lời mời đặc sản
Phá Tam Giang dành cho du khách, trong đó các loại cá nổi tiếng như cá ong, cá
dìa, cá mú, cá nâu và cá kình là những món ngon mà bạn không thể không nếm thử
cùng với việc nhấm nháp ly rượu làng Chuồn nức danh xứ sở cố đô. Giá cả của những
món hải sản nơi đây thì cực kỳ “mềm” đến bất ngờ, như một sự chiêu đãi của vùng
đất đầm phá này dành cho khách phương xa, trung bình mỗi ký ghẹ to chỉ có
100.000 đồng/ kg, tôm đất 100.000 đồng /kg, các loại cá quý hiếm cũng có giá
giao động khoảng 180.000/kg.
Xung quanh khu vực đầm Chuồn, bạn còn có cơ hội thưởng thức rất nhiều đặc sản khác nhau mang đậm hương vị làng quê xứ Huế như bánh khoái cá kình, bánh tét làng Chuồn, bánh canh, bánh nậm, bánh bèo xứ Huế tại các quán ăn ven bờ như Đầm Chuồn hội quán, đầm Chuồn Hương quán, đầm Chuồn lộng gió…
Xung quanh khu vực đầm Chuồn, bạn còn có cơ hội thưởng thức rất nhiều đặc sản khác nhau mang đậm hương vị làng quê xứ Huế như bánh khoái cá kình, bánh tét làng Chuồn, bánh canh, bánh nậm, bánh bèo xứ Huế tại các quán ăn ven bờ như Đầm Chuồn hội quán, đầm Chuồn Hương quán, đầm Chuồn lộng gió…
Ảnh: Trương Hiếu
Bánh khói cá Kình - đặc sản của đầm Chuồn
Việc ca ngợi vẻ đẹp của phá Tam Giang sẽ là không đủ mà bạn
phải một lần đến với phá, bạn mới cảm nhận được hết tâm hồn của người và cảnh vật
nơi đây. Quả thực thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này một bức tranh
sơn thủy mộc mạc, đẹp đến nao lòng, cùng với sự trù phú ưu đãi qua vô vàn món
ngon hải sản hấp dẫn. Có lẽ nếu phải tìm lại những khoảnh khắc bình yên nhất và
những chiều hoàng hôn đẹp nhất trong cuộc đời mình, chắc chắn hoàng hôn trên
phá Tam Giang sẽ là một chiều hoàng hôn không thể nào quên…
Trầm Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét