Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017

Nhà thơ Hoàng Hưng và những vần thơ cháy lòng

Nhà thơ Hoàng Hưng 
và những vần thơ cháy lòng
Nhiều người cho rằng, không chỉ có thơ, mà trong văn chương, nghệ thuật nói chung, người sản sinh nó không có sự trùi sụt mang tính chất thân phận thì chẳng thể nào có được lấy một câu chứ chưa nói một bài, một tập hay một đời thơ hay. Đã hơn 140 năm, đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói chẳng có sai: Người cùng thì thơ hay.
Sau hơn 30 năm mới có một Lời ngỏ
Hơn ba mươi năm trôi qua, sau khi nhà thơ Hoàng Hưng đã trở lại với đời thường và trở thành một công dân xét về khía cạnh thi ca, vì bài thơ Người về (cùng với bài Mùi mưa hay bài thơ của M.) sau này đã được tuyển vào những tuyển thơ quan trọng như Thơ Việt Nam 1975-2000 của Nxb Hội Nhà văn (2000, 2001), Thơ Việt Nam thế kỷ XX của Nxb Giáo dục (2004) và bài thơ Người về của ông là một trong 100 bài thơ hay nhất thế kỷ của Việt Nam. Tập thơ Hành trình đã đoạt Giải thưởng tác phẩm xuất sắc năm 2006 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Hôm nay tôi đọc lại Lời ngỏ của nhà thơ Hoàng Hưng viết vào mùa thu 2005 vẫn cảm thấy rưng rưng. Và càng thấy nhói đau hơn khi đọc toàn bộ 30 ác mộng của ông, dù tập thơ này vì những lý do khác nhau, đến nay vẫn chưa được xuất bản. Có người bảo Hoàng Hưng mất nhiều, cũng được lắm. Tôi lại không nghĩ thế. Vì nhìn vào bản sơ yếu lý lịch hoạt động sáng tạo văn chương của ông, tôi cho rằng một người tài thơ như Hoàng Hưng cần phải trả một cái giá như vậy mới có thể khẳng định được tài năng cũng như bản lĩnh cả người lẫn thơ.
Hoàng Hưng sinh ngày 24/11/1942 tại thị xã Hưng Yên. Từ năm 1960-1961 ông tình nguyện lên Tây Bắc phục vụ quân đội. Tốt nghiệp Khoa văn, Đại học Sư phạm Hà Nội 1965 rồi về dạy văn cấp III tại Hải Phòng từ 1965-1973, sau đó ông tình nguyện vào Nam làm văn nghệ, nhưng ngành giáo dục giữ lại vì là giáo viên giỏi lớp cuối cấp. Nhưng vì đam mê sang tác nên ông chuyển sang làm phóng viên, biên tập viên báo Người Giáo viên Nhân dân (nay là báo Giáo dục và Thời đại của Bộ Giáo dục và Đào tạo) từ năm 1973-1982. Ông bị bắt giam và tập trung cải tạo từ 17/8/1982- 29/10/1985 vì tội lưu truyền bản thảo viết tay tập thơ Về Kinh Bắc của nhà thơ Hoàng Cầm.
Về sáng tác ông đã xuất bản các tập thơ Đất nắng (in chung với Trang Nghị, 1970), Ngựa biển (1988), Người đi tìm mặt (1994), Hành trình (2005) và nhiều bài viết, bài nói chuyện, tiểu luận, nghiên cứu, trên báo, tạp chí, đài phát thanh trong và ngoài nước. Một số bài thơ đã được dịch và in tại Pháp, Mỹ, Canada, Đức, Hungary, Hà Lan...
Ông đã tham gia dịch và làm chủ biên 100 bài thơ tình thế giới (1988), Thơ Federico Garcia Lorca (1988), Thơ Pasternak (cùng dịch với Nguyễn Đức Dương, 1988), Thơ Apollinaire (1997), Các nhà thơ Pháp cuối thế kỷ XX (2002), 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX (cùng dịch, tổ chức bản thảo, 2004), Mowgli- Người sói (1988, 1989, 1999), Người đàn bà lạ lùng (1990), Từ điển Bách khoa Oxford cho thiếu niên (chủ biên, sắp ra mắt)...
Có thể nói một người có sức làm việc đến mức phi thường kể cả về khối lượng và chất lượng công việc như Hoàng Hưng, mà không bị trời hành mới là chuyện lạ.
Nhà thơ Hoàng Hưng (ảnh tapchisonghuong.com.vn)
“Gà chọi” om càng lâu, đá càng hăng
Có ý kiến cho rằng nhà thơ Hoàng Hưng như sinh ra để bị trời hành. Còn tôi lại nghĩ ông như là một chú “gà chọi”, càng om, đá càng hăng vì ông sinh ra như để hứng cái sự hành của cả trời lẫn đời. Giả dụ rằng không có ba năm (17/8/1982- 29/10/1985) tạm đi công tác ở huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, thì ông lấy đâu một núi tác phẩm sáng tác, dịch thuật và những cuộc giao du khắp nhiều nước trên thế giới như vậy.
Minh chứng là từ năm 1999 thơ của ông đã được giới thiệu ở Nhà Văn hoá Thế giới Berlin. Đến năm 2000 ông đã được Bộ Văn hoá Pháp tài trợ, trao đổi về dịch thơ Apollinaire tại lớp Việt Nam học ở Đại học Paris 7, thủ đô Paris, Pháp. Năm 2002 ông đã tổ chức dịch 4 nhà thơ Việt Nam cho tạp chí Europe (Paris), và 12 nhà thơ Việt Nam cho tạp chí Action Poetique (Paris). Cũng năm đó ông được tham gia đề cử các nhà thơ Việt Nam tham dự Liên hoan Thơ Quốc tế Val de Marne, Pháp, lần VII. Từ năm 2003 đến nay Hoàng Hưng đã đi nói chuyện về Hiện đại hoá thơ Việt Nam tại Trung tâm Đông Nam Á, Đại học Washington, Seatle, Hoa Kỳ, đọc thơ tại Chicago, đọc thơ tại Khoa Viết văn và Trung tâm Thơ, Đại học Quốc gia San Francisco. Trao đổi về tập thơ Ác mộng tại Lớp Nghiên cứu Văn học Việt Nam, Đại học Berkeley...
Chỉ từng ấy công việc thôi, một người không được cả trời lẫn đời hành như nhà thơ Hoàng Hưng chắc chắn là không thể làm được. Thế mới biết ông trời và cuộc đời công bằng thật, chẳng cho ai tất cả và cũng chả lấy hết tất cả của ai. Nhìn vào quãng đường sáng tác và hoạt động văn chương của nhà thơ Hoàng Hưng, tôi có cảm tưởng như cuộc đời này là ông chủ chơi gà chọi thật sự cao tay và chuyên nghiệp, biết chọn mặt gửi vàng, biết chọn những chú gà có tài tung ra những miếng đá có thể làm thay đổi cục diện một cuộc chơi để om, đủ thời gian mới cho ra sàn đấu, khiến không ít bạn thơ phải ngưỡng mộ và ghi nhận một phong cách thơ Hoàng Hưng không trộn lẫn vào đâu được.
Tôi tin rằng, nếu không có thời gian ở miền núi xứ Thanh thì mãi mãi bạn đọc trong nước và quốc tế sẽ không bao giờ được biết thế nào là những ác mộng bằng thơ và nhiều tác phẩm khác của chàng gà chọi Hoàng Hưng. Hãy đọc những câu thơ của Hoàng Hưng:
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày
Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt
Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy
Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối
Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi
Giật mình, một cái vỗ vai
(Người về)
hoặc là:
Ta nung nấu nghìn đêm ác mộng
Đánh chìa vàng mở lối về em
(Ác mộng)
Hay:
Nhai miếng cơm khô giữa nắng
Trệu trạo trong mồm nuốt khó trôi
Bạn giục ăn nhanh không người mắng
Bỗng nghẹn lưng chừng nước mắt rơi...
Và:
1. Thần trí vùng lên đáy huyệt rùng rùng.
Tắt lịm, u mơ, nhòa tỏa.
Lấp lóa vàng son vỗ nhịp.
Đìu hiu.
2. Thân thể nát như tương.
Kiệt quệ lời ca khật khùng râu tóc.
Co quắp nằm chịu trận. Sắt xầm, ngực nghẹn, u âm,...
(Ác mộng)
Rõ ràng là bóng dáng một người thơ hiện sau những chữ thơ vừa kiên gan, vừa hoảng loạn thi sĩ của nhà thơ Hoàng Hưng cách đây hơn 30 năm về trước.
Nếu như được cả trời và đời hành như Hoàng Hưng để có thể làm nên những câu thơ buốt xé tâm can cho đến sau xa như vậy, tôi tin rằng sẽ có không ít người thèm khát và ghen tị với ông. Tôi thấy Hoàng Hưng hoàn toàn có lý khi ông dám nhìn thẳng vào sự thật trong trả lời một nhà báo nước ngoài. Ông nói: Chiến tranh... dù thiêng liêng đẹp đẽ mấy cũng chỉ là thời kỳ bất bình thường của xã hội. Những cái được coi là quy luật của cuộc sống thời chiến chỉ là ngoại lệ so với quy luật phổ biến của đời sống con người. Với nghệ thuật cũng vậy.
Trước sau gì thì người nghệ sĩ bôn ba trên những chốn ngoài mình cũng phải quay về ngôi nhà đích thực của mình là nghệ thuật và đối mặt với nhu cầu sống còn của anh và cũng là thử thách quyết liệt nhất đối với anh: đó là tự do sáng tạo.
Khi người nghệ sĩ tìm được cho mình một cõi tự do sáng tạo, thì trước sau anh ta cũng sẽ làm nên những mùa vàng nghệ thuật bội thu, dù trong quá trình cày cấy trên cánh đồng nghệ thuật ấy có gặp nhiều giông bão hay bất cứ trở lực nào, miễn là không được đánh mất đi tự do, bởi mất nó anh ta sẽ còn đâu thi hứng mà sáng tạo nữa. Và Hoàng Hưng đã cảnh báo rằng: Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo có nghĩa là người viết tự kiểm duyệt mình, nhiều khi ý thức tự kiểm duyệt trở thành vô thức, vô hình trung anh chỉ còn là người thợ gia công sản xuất những mặt hàng theo mẫu mã được đặt sẵn của các báo, các nhà xuất bản, các ban giám khảo giải thưởng.
Tự nguyện để bị tước đoạt quyền tự do sáng tạo cũng là lười nhác sản xuất theo những mẫu mã đã thành công của chính mình, tự copy chính mình, không dám phiêu lưu tìm kiếm chân trời mới, cũng không dám thay đổi và theo dõi những thay đổi bên trong của chính mình.
Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của nhà thơ Hoàng Hưng không chỉ đem lại cho đời những tác phẩm thơ độc đáo, có giá trị và đầy thi hứng sáng tạo, mà còn mang đến cho bạn thơ và những người hâm mộ những bài học quí về một bản lĩnh nghệ sĩ kiên gan trong lao khổ vẫn không ngừng thắp sáng ngọn lửa của lòng đam mê sáng tạo thi ca. Phải chăng đấy chính là ngọn nguồn thành công trên con đường sáng tạo thi ca không chỉ của riêng nhà thơ Hoàng Hưng mà là của chung cho tất cả mọi người.
Đỗ Ngọc Yên
Theo http://vanhocquenha.vn/






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...