Lâu nay, nhắc tới hai từ “nghệ thuật” người ta thường nghĩ
ngay tới những gì xa vời thậm chí xung đột với lao động và cuộc sống. Chẳng thế
mà cái bi kịch cửu trùng đài bị đốt thành tro, Vũ Như Tô lên đoạn đầu đài vẫn
là một nhức nhối muôn đời. Nhưng thực tế, nghề viết luôn là một một lao động cực
nhọc kể từ khi thai nghén, ấp ủ đến lúc lúc hạ bút công bố một văn bản nghệ thuật;
cả ở xây dựng cấu trúc đến ký thác ý tưởng và lựa chọn chất liệu ngôn ngữ. Nếu
trong quá khứ, nghệ thuật bắt nguồn từ thực tiễn lao động thì lao động nghệ thuật
mãi mãi là những tận hiến âm thầm, kiên gan và đắng đót.
Nghệ sĩ chân chính là người luôn muốn vượt qua những giới hạn
của sự trung bình, của cái đang có để vươn tới những “đỉnh”, những đột phá. Khi
xưa thi nhân Đỗ Phủ từng nói; “ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu” (dùng chữ không
khiến người kinh, chết cũng chẳng yên). “Chữ” ấy là gì nếu không phải là những
sáng tạo kiểu “sánh ngang với hóa công, bền với trăng sao, đời đời ngưỡng mộ”
(Vũ Như Tô) hay nói như Mayakovsky (1893-1930) về cái giá để có những thi phẩm
nổi tiếng: "Làm thơ là cần một phần nghìn milligram quặng chữ".
Âm thầm viết trong những nỗi đau
Hẳn những ai đã trót mê đắm với nghệ thuật trữ tình kì diệu
và chót bước vào ngôi đền thơ sẽ không quên những câu thơ ai oán mà thao thiết,
đắm say. Đó là khi lòng tin vào lí tưởng chính trị sụp đổ, nước Sở suy tàn
nhưng khúc sở từ vẫn trỗi dậy mạnh mẽ từ đống tro tàn ấy. Nhưng với các nhà thơ
Việt Nam, nỗi đau của cá nhân luôn gắn với sinh mệnh cộng đồng, sự mất mát của
một miền quê gắn với khát vọng giải phóng đất nước. Trong nỗi đau làng bên kia
dòng sông Đuống rơi vào tay giặc, Hoàng Cầm vẫn vượt lên bi lụy mà thăng hoa với
hình tượng làng quê với những giá trị văn hóa sâu đậm:
Ai về bên kia sông Đuống
Cho ta gửi tấm the đen
Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên
Những hội hè đình đám
Trên núi Thiên Thai
Trong chùa Bút Tháp
Giữa huyện Lang Tài
Gửi về may áo cho ai
Chuông chùa văng vẳng nay người ở đâu?
Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu, về đâu?
Trong thời đại cả dân tộc đang đứng trước cuộc chiến sinh tử,
chủ nghĩa anh hùng lên ngôi nhưng nỗi đau mất mát người vợ đầu gối tay ấp cũng
không vì thế mà bị che lấp, người lính vệ quốc quân tìm đến thơ để vượt lên nỗi
đau:
Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
Từ trong nỗi đau ấy, với bản lĩnh văn hóa và tình yêu đời,
các nhà văn đã hóa giải những mất mát thành kết tinh, nỗi đau thành những giá
trị sống dồn tụ trong những biểu tượng, thi tứ làm đẹp thêm tâm hồn con người.
Kể từ khi nghệ thuật (nói chung và văn chương nói riêng) manh
nha xuất hiện trong lịch sử nhân loại, hình bóng con người đã trở thành hiện thực
trung tâm. Trong Thần thoại, sử thi các dân tộc viết về quá trình hình thành vũ
trụ, tộc người, miền đất. Trong đó, các vị thần- nhân vật trung tâm- đã hàm chứa
những thịnh nộ, hờn ghen, đắc ý, lầm lỗi… đầy tình người. Để rồi từ đó, bao thế
hệ cầm bút, ở mọi dân tộc, triều đại, mọi nền văn hóa đều lấy con người làm tâm
điểm, làm khuôn thước và mục tiêu để văn chương cứu dỗi, hoàn thiện….
Cùng đau đáu một nỗi buồn mất nước, nhưng nếu như các bậc chí
sĩ hướng đến các cuộc khởi nghĩa, xuất dương thì giới văn nhân trăn trở với những
“căn bệnh” đang ngấm ngầm hủy hoại tâm hồn dân tộc. Âm thầm với “Ký sự việc
làng” ghi chép lại những thói tật chuộng háo danh, câu nệ, Ngô Tất Tố đã cất
lên tiếng nói phản biện xã hội. Trong khi đó Nam Cao, Tô Hoài, Thạch Lam, Kim
Lân… lại âm thầm đến với đời sống nơi thôn dã để ngợi ca bản chất lương thiện,
khát vọng sống của những người nông dân bị áp bức, bị bần cùng hóa hay chót rơi
vào bi kịch lưu manh hóa. Những lao động âm thầm ấy đã tạo ra được những hình
tượng người nông dân chân thực đến từng tên gọi (Đĩ Chuột, Thị Nở, Mõ…) đến từng
nghi thức, phong tục để rồi đã có giai đoạn họ bị hiểu lầm là bôi bác hình ảnh
người nông dân, hạ thấp tầm vóc những chủ nhân của nền văn minh nông nghiệp bằng
ám ảnh về miếng ăn, cái đói… Thế hệ những nhà văn cầm bút sau đó vẫn tiếp tục
miệt mài khắc họa những còn người với tự vấn sâu của Kiên (Nỗi buồn chiến
tranh- Bảo Ninh); Giang Minh Sài (Thời xa vắng- Lê Lựu); Lão Khúng (Phiên chợ
Giát- Nguyễn Minh Châu)… Dẫu đang viết về những hiện tượng đương thời nhưng phải
mất nhiều năm tháng, giới phê bình, bạn đọc và dư luận xã hội mới nhận ra những
đóng góp ấy. Bởi thế đã nhiều người trong số họ đã nhẫn nhịn chờ đợi sự thức tỉnh,
đón nhận của người đọc.
Nói đến lao động sáng tạo của nhà văn, không chỉ có những cuộc
xâm nhập thực tế, tìm kiếm chủ đề, ý tưởng mà còn cả những âm thầm cách tân, đổi
mới trên trang viết. Đó là khi nhà văn giúp cho thể loại được trường tồn bằng
những đổi mới nghệ thuật. Nếu Tình già của Phan Khôi đã từng bị phê
phán, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách bị chê trách thì đến các thế hệ nhà
văn sau này như Nguyễn Minh Châu đã mạnh dạn dẹp bỏ những thói quen nghĩ và viết
cũ (dẫu đã đạt tới thành tựu) để mở ra những nhận thức lại bằng dáng người đàn
bà lẫn vào màn sương hồng lừa dối nơi xóm chài. Là một Nguyễn Duy mạnh mẽ đưa
vào “cây đàn” lục bát cũ những khúc thức mới của giọng điệu suồng sã của cảm hứng
giải thiêng với những ví von táo bạo: Bà và mẹ như cánh cò cánh vạc/ Ông
và cha man mác kiếp trâu cày (Về đồng); Hai mà một một mà hai một
mình (Mỗi). Là những cách tân của Trần Dần, Lê Đạt, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn
Việt Hà… để văn chương Việt không bị hụt hơi trên hành trình thời gian cùng đồng
hành với những bước tiến mới của tâm hồn dân tộc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét