Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Nhớ "Chiều mưa đường số 5" của Thâm Tâm

Nhớ "Chiều mưa đường số 5" 
của Thâm Tâm
Chiều mưa đường số 5
Chiều mưa đồng rạ trắng
Đất tề sông quạnh vắng
Ngồi kín dưới nhà gianh
Nghe gió lùa ắng lặng
Chiều mưa đường số 5
Đôi mắt sao đăm đăm
Chứa cả trời mây nặng
Miền Việt Bắc xa xăm?
Ôi núi rừng thương nhớ
Rét mướt đã hai năm!
Chiều mưa ngàn hoa nở
Hoa phới bay mùa xuân
Bếp sàn gây ngọn lửa
Chén trà ngát tình dân
Chiều mưa lùa các cửa
Ngày bộ đội hành quân
Mẹ già không nói nữa
Nước mắt nhìn rân rân...
Ôi đâu rồi sơn nhân
Đâu rồi anh du kích
Chiều mưa manh áo rách
Vác súng vượt lên đèo
Giao thông qua mũi địch
Đâu rồi “nhình” với “a”
Tiếng cười reo khúc khích
Đón chiến sĩ quay về
Sau trận đi phục kích
Chiều mưa giã gạo mau
Chầy tập đoàn thình thịch
Ôi núi rừng thẳm sâu
Trung đội cũ về đâu
Biết chăng chiều mưa mau
Nơi đây chăn giá ngắt
Nhớ cái rét ban đầu
Thắm mối tình Việt Bắc
(Thâm Tâm)            
Lời bình:
Chuyện nào rồi cũng kết thúc, nhưng sau khi kết thúc rồi còn gì gửi lại cho những năm tháng tiếp theo, đó mới là điều đáng nói. Gần sáu mươi năm trôi qua mà đọc lại Chiều mưa đường số 5 của Thâm Tâm vẫn thấy ấm áp bồi hồi. Một số tuyển thơ, một số người giới thiệu bài thơ cho rằng bài thơ được sáng tác 1946. Nhưng theo Nguyễn Tuấn Khoa (con trai của nhà thơ) thì bài thơ được viết năm 1948 trong một chuyến công tác vùng địch hậu Liên khu III. Trong bài thơ nhà thơ có viết: Ôi núi rừng thương nhớ/ Rét mướt đã hai năm, cũng như nhiều chi tiết khác thì e rằng bài thơ được viết năm 1948 mới đúng.
Bài thơ phảng phất như thể ngũ ngôn cổ phong mà đặc sệt một không khí của thơ ca kháng Pháp. Từ đất tề sông quạnh vắng đến hình ảnh người du kích với manh áo rách vác súng vượt lên đèo... với tiếng chày tập đoàn giã gạo rập ràng trong chiều mưa nơi rừng núi... Những gì trong những hình ảnh bình dị ấy cứ tỏa lên làm sống dậy không khí của một thời. Đã có bao bài thơ viết về mưa nổi tiếng: Buồn đêm mưa của Huy Cận. Trời mưa ở Huế của Nguyễn Bính ...
Thâm Tâm có cách viết riêng độc đáo của mình. Hình như khi nào chưa phát hiện được điều gì mới mẻ độc đáo nhà thơ không làm thơ. Cho nên thơ Thâm Tâm để lại không nhiều mà mỗi bài đều gửi lại những suy nghĩ tình cảm, giọng điệu khó quên. Từ một chiều mưa giá lạnh, hoang vắng đến rợn người trên đất tề đã làm thức dậy những ấn tượng về những chiều mưa nơi núi rừng Việt Bắc giữa tâm hồn nhà thơ. Một chiều mưa xuân: Chiều mưa ngàn hoa nở... Một chiều mưa mẹ già tiễn bộ đội hành quân: Chiều mưa lùa các cửa... Rồi Chiều mưa giã gạo mau... Những chiều mưa có khoảng cách về không gian, thời gian được gọi về kết lại thành một bài thơ  hoàn chỉnh giống như những hạt ngọc mến thương kết lại với nhau thành xâu chuỗi. Mỗi chiều mưa là một nỗi nhớ thương về cảnh về người nơi chiến khu kháng chiến. Chiều mưa nào cũng có những phát hiện tinh vi. Trong chiều mưa xuân “ngàn hoa nở”, “hoa phới bay mùa xuân”. Hồn xuân từ ngàn hoa nhẹ nhàng bay lên lan tỏa cả núi rừng chỉ gửi lại chút hương tình nồng ấm nơi chén trà với ngọn lửa vừa “gây” trên bếp sàn. Bà mẹ tiễn bộ đội hành quân “chiều mưa lùa các cửa”, như sự trống vắng ở trong lòng. Rồi trong lặng lẽ hiện lên “nước mắt nhìn rân rân”. Có nỗi nhớ đằm xuống, có nỗi nhớ âm thầm cất lên thành lời: Đâu rồi anh du kích... Đâu  rồi “nhình” với “a”... Đơn vị cũ về đâu...
Mỗi câu hỏi là một ấn tượng, một nỗi mến thương thắm thiết trong lòng. Từng câu hỏi làm hiện lên những con người thân thương mà hình bóng như được tạc vào trong những chiều mưa. Là người du kích Chiều mưa manh áo rách/ Vác súng vượt lên đèo/ Giao thông qua mũi địch, đầy ấn tượng về những gian khổ, mà anh dũng quật cường. Phía sau câu hỏi bật lên tiếng cười trong trẻo đón bộ đội trở về trong chiến thắng. Nhìn thấy mưa rơi xuống trong chiều, nghe tiếng chày giã gạo mau... nhà thơ như dành cả tâm hồn để cảm nhận mến thương cuộc sống. Những chiều mưa được kết lại làm hiện lên bức tranh đời thường trong cuộc sống kháng chiến ở chiến khu Việt Bắc bấy giờ. Gian khổ, rét mướt, nhưng ấm cúng nặng tình nặng nghĩa. Tất cả đã trở thành ấn tượng mến thương không phai trong tâm hồn nhà thơ. Với Chiều mưa đường số 5 thơ Thâm Tâm đã thực sự bước vào thế giới thơ ca của một thời đại mới: Thơ ca kháng chiến chống Pháp. Cũng như những bài thơ thất ngôn ngũ ngôn nổi tiếng của mình, nhà thơ có lối gieo vần rất riêng góp phần tạo nên giai điệu riêng của thơ Thâm Tâm, nhà thơ thường sử dụng những thanh trắc cao hoặc những thanh trắc không cao không thấp tiếp nối với những phù bình thanh. Cứ như thế nối tiếp trong suốt bài thơ. Rồi bất chợt một thanh trắc thấp như rơi xuống cắm sâu vào cảm giác khó quên. Lối gieo vần ấy khi như đưa vút lên, khi gợi ra cảm giác chơi vơi bồng bềnh, khi thì như giọt sương gieo nặng xuống tâm tư, để lại một dư ba khó tả. Như gặp lại một vầng trăng cũ, mà ánh trăng vẫn rạng rỡ, ấm cúng lạ lùng bởi cái tình, cái nghĩa sâu đậm dành cho cuộc sống con người.
Chiều mưa đường số 5 là một bài thơ hay của nền thơ kháng chiến chống Pháp. Năm 1940, Thâm Tâm viết Tống biệt hành, tiễn một người bạn quyết tâm giã biệt gia đình ra đi vì chí lớn trong đời... Mấy năm sau nhà thơ lại lên đường đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Không hiểu người bạn của nhà thơ đưa tiễn ngày ấy có trở về hay không? Còn nhà thơ mãi mãi nằm lại trên một nẻo đường kháng chiến. Ông qua đời ở Việt Bắc, mảnh đất mà ông từng ấp iu thương nhớ những chiều mưa. Nhà thơ đã đi và đã đến.
Quy Nhơn tháng 8/2006
Trương Tham
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Viet Nam Thu Quan Trangchính Trang Truyện Trang Thơ Nhạc Online Phim Online Tranh Ảnh Ẩm Thực Tiếng Việt Diễn Đàn VNTQ T...