Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Hoa xuân trong tĩnh lặng: Đọc tập thơ trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang

Hoa xuân trong tĩnh lặng: Đọc tập thơ 
trong tĩnh lặng của Trần Thị Huyền Trang
Sau Huyền tích Kinh xưa, viết chung với nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng cũng xuất bản trong năm 2005, Trần Thị Huyền Trang tiếp tục ra mắt bạn đọc tập thơ Trong tĩnh lặng (Nxb Hội Nhà văn). Đã lâu lâu mới gặp được một tập thơ như thế. Đọc tập thơ tôi có cảm giác sau những ngày mưa dài ở miền Trung chợt gặp lại vệt nắng ấm bên thềm.
37 bài trong tập khá đều tay. Tưởng như nhà thơ không cố ý làm thơ mà cứ nói ra những xúc cảm suy nghĩ của mình một cách chân thật đến hồn nhiên, tự nhiên. Tập thơ đề cập đến nhiều đề tài trong cuộc sống. Từ Tổ quốc hôm nay, đến truyền thống hôm qua, đến chuyện người thân, con cái, làng quê… Đề tài nào cũng có những khám phá mới mẻ tinh tế, cũng xây dựng được những tứ thơ độc đáo. Tứ thơ của chị thường được phát hiện từ những gì bình thường nhất của đời sống, những chuyện không ai ngờ để từ những điểm sáng ấy mở ra tầm khái quát sâu rộng về cuộc sống. Viết về hoàng đế Quang Trung với tư cách một lãnh tụ phục sinh các giá trị chân thiện mỹ: “Kẻ sĩ vì Người thành của báu/ Đá vì Người thành ngọc/ Hoa đào vì Người không tàn”. Viết về Đồng Đăng với cảm thức phân - nhập mãnh liệt: “Tôi gặp lại tôi/ giọt máu trên tay Tô Thị/ từng bước, từng bước/ dường như tôi để lại tôi”. Ngoảnh lại một đoạn đường đã qua: “Còn chăng bông cỏ may/ một chút tím yên lòng người ngoảnh lại”- hỏi để mà mong, để mà tin. Cứ thế, nhỏ nhỏ, nhè nhẹ mà mở ra bao tình ý sâu sắc của cõi lòng, những vấn đề của cuộc sống hiện tại mà bao người suy nghĩ.
Trong tĩnh lặng chủ yếu là thơ mới đương đại. Một không khí hoàn toàn mới mẻ. Thơ mới của Trần Thị Huyền Trang không buông tuồng về câu chữ. Là thơ mới nhưng rất kiệm lời. Bao ý tình nén chặt bên trong những câu thơ bình dị để tỏa sáng ra ngoài thơ. Tôi có cảm tưởng nhà thơ có tài vẫy gọi những lời ăn tiếng nói rất bình thường trong cuộc sống bay về đậu đúng chỗ trên những dòng thơ của chị để phát huy hết giá trị biểu cảm của ngôn ngữ, như khi chị viết về một số phận: “Bùn kia còn lấm ngang mày/ Đá nào hóa ngọc trên tay người cầm”(Với bạn), hay khi chị nhận ra Tổ quốc có thể là những bông cúc nở triền miên không dứt dọc con đường mang dấu chân cha ông nơi địa đầu đất nước: “Bông cúc ơi/ Ta xin một bông/ Mai ngày rời Cột Mốc Số Không/ Tổ quốc cài trên tóc”(Tổ quốc)… Những câu thơ như buột miệng, rất cụ thể nhưng chứa chất bao ý, bao tình như những lớp sóng nối nhau. Những câu thơ đọc qua tưởng rất dễ làm, nhưng để đạt tới sự bình dị ấy phải đi qua biết bao nung nấu suy tư, gạn lọc mới có được. Tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ đã góp phần làm nên chất nhẹ nhàng, thanh thoát, hồn nhiên của tập thơ. Một vấn đề đặt ra: thơ không phải ở câu chữ mà sử dụng câu chữ như thế nào để giữ sự hàm xúc trong trẻo của thi ca.
Có nhiều bài thật hay như trường hợp bài thơ Tiềm thức. Bài thơ viết về một liệt sĩ. Anh là một chiến sĩ bị kẻ thù sát hại. Chúng dùng xe kéo xác anh qua hàng chục cây số. Rồi  chúng bắt các em bé tiểu học đi vòng quanh xác anh… Những nét tự sự phát qua trong bài thơ giống như một cành cây soi bóng xuống nước. Những cảm xúc trữ tình như những bông hoa dập dềnh trên làn nước tưởng bóng cây là cội thật mà tìm về. Những đứa trẻ ngơ ngác “không hiểu vì sao bay qua chỗ anh nằm/ chỉ toàn mây trắng”. Chúng nào hay mình và những đóa mây trắng kia đang cùng tiễn biệt “gương mặt một con người làm nên tương lai”. Sau này nhà thơ từng gặp bao nhiêu nét mặt, nhưng không sao tìm ra “vẻ thanh thản trong suốt ấy” giữa đời sống đầy rẫy những thay đổi chóng mặt trong cơ chế thị trường. Nhà thơ bỗng lật ngược vấn đề một lần nữa để khép lại tứ thơ:
“Vẻ thanh thản trong suốt ấy
Ở đâu?”
Câu thơ ngắt ra xuống hàng với hai chữ “Ở đâu?”. Câu hỏi tưởng như rơi vào thinh không mà cứ xoáy mãi vào lòng người. Chuyện hôm qua, chuyện bây giờ như vỗ cánh bay lên. Tình sâu, ý đậm, lời lẽ trong sáng. Đóng lại rồi vẫn dư âm mãi trong lòng người. Rất khó tìm một bài thơ như thế trong thơ hiện nay.
Trong 37 bài thơ, chị giành 7 bài đề tặng các nhà văn, nhà thơ, những người có đóng góp cho cuộc sống, có một bài viết cho con. Theo tôi đó là loại thơ chân dung tâm trạng. Cái tài của chị là nắm bắt được đặc trưng, linh hồn của các đối tượng được nói đến. Nhà thơ viết về họ với những tình cảm kính yêu, trân trọng, chân thành như không chỉ nói riêng về họ mà còn là lời cảm tạ, tri ân đối với những gì họ đã đóng góp cho cuộc đời.
Ánh sáng là bài thơ viết cho con. Là nỗi lòng người mẹ trong hai ngày con thi chuyển cấp. “Suốt hai ngày mẹ hóa thành con chó đá”. Câu thơ nén chặt bao nhiêu cảm xúc, nổi niềm. Bởi người mẹ hiểu thấu bản chất trung thực ngây thơ của con trẻ và thót tim khi đặt sự trung thực ấy giữa “cuộc người quá nhiều mánh lới”. Trong cảm xúc lo lắng tận cùng tê tái chỉ còn có một điểm nóng ấy thao thức, giằng co trong tâm hồn người mẹ. Có lúc chị “thầm mong con biết thích nghi”, nhưng rồi nhà thơ xác định cứ để cho con đi theo con đường ngay thẳng thật thà của mình, bằng những bước “vấp váp mà sáng trong kỳ lạ”. Chị khích lệ “Đi đi con” rồi sau lưng con, người mẹ lặng lẽ mừng, không phải mừng một “trạng nguyên”, mà mừng một nhân cách. Mạch thơ dâng lên dứt điểm. Là chuyện rất riêng trong gia đình nhưng cũng là chuyện cuộc đời. Để có một tấm lòng, một chỗ đứng, một tầm nhìn chân chính, không phải là chuyện dễ. Nhà thơ đã vượt qua chỗ khó ấy. Đó chính là lý do căn bản khiến chị có một tập thơ hay đến thế, một tập thơ mà mỗi bài như một “đóa phù dung thảng thốt/ biến ảo và trung thực tận cùng”. Tôi tin rằng với tài năng của mình chị sẽ có những tập thơ hay hơn thế.
Nguyên tiêu 2006
Trương Tham
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...