“Nghe câu tuyệt xướng muôn
vàn cũng mua”, đó là câu thơ của nhà thơ Ưng Bình Thúc Dạ viết lúc 80 tuổi khi
nhìn lại cuộc đời mình. Khổ thơ ấy như sau:
Vĩ Dạ thôn có lão Vương Tôn Thúc Dạ
Ưng ca ưng hát, ưng giã gạo hò khoan
Ham vui điệu cổ, thi đàn
Nghe câu tuyệt xướng muôn vàn cũng mua.
Ưng Bình Thúc Dạ là dòng dõi vương tôn triều Nguyễn, cháu nội nhà
thơ Tuy Lý Vương Miên Trinh nổi tiếng. Ưng Bình là một nhà nho, nhà thơ lớn chịu
ảnh hưởng văn học dân gian, ca nhạc truyền thống của dân tộc. Ông sinh năm
1877, mất 1961. Nhà thơ không những yêu thích tuồng, ca Huế, hò, các làn điệu
dân ca quê hương Thừa Thiên Huế, mà còn yêu thích cả ca Trù. Ông đã để lại hàng
nghìn bài thơ và câu hò, trong đó có câu hò nổi tiếng:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non…
Chúng ta thấy hiếm có một thi nhân yêu quý ca nhạc truyền thống như
ông. Có thể nói Ưng Bình là nhà thơ, nhà nho, ông quan yêu thích ca nhạc dân tộc
vào bậc nhất. Trong các nghệ sỹ ca, đàn, ta thấy ông rất ngưỡng mộ tài sắc của
cô Tuyết Ngọc. Ông viết: “Cô Tuyết Ngọc hát hay, đàn hay, mà ngâm thơ thì lại
càng hay; quê quán ở Vinh vào Huế độ hai mươi tuổi đến nay đã bảy năm, giá trị
chầu hát rất cao. Vương tôn quý khách cũng không tiếc tiền mua câu hát nên cô
Tuyết Ngọc trở nên giàu…”. Không rõ nàng Tuyết Ngọc tài sắc dường nào mà nhà
thơ đã viết gần cả chục bài thơ để ca ngợi, với lời thơ rất trân trọng trang
nhã: “Tuyết Ngọc buông đàn không kẻ thế”, “Nhớ nàng Tuyết Ngọc sắc trêu ta”:
Nhà thơ Ưng Bình Thúc Dạ và tác phẩm của ông. Ảnh: Internet
Trong thiên hạ giai nhân chừng mấy kẻ
Lọ nghiêng thành nghiêng nước kể mà chi
(tặng Tuyết Ngọc ca cơ)
Có thể do mê say nữ nghệ sỹ mà nhà thơ có thể viết quá lời chăng.
Nhưng những vần thơ ngợi ca nàng Tuyết Ngọc lúc nhà thơ đã ngoài 70 tuổi cho thấy,
nhà thơ yêu quý nàng biết chừng nào. Từ đó ta có thể tin ông với niềm yêu quý
tiếng hát, lời ca “tuyệt xướng” dẫu phải bỏ muôn vàn tiền bạc ông cũng vui lòng
để thưởng thức:
Nghe câu tuyệt xướng muôn vàn cũng mua.
Nhà thơ – ca Ưng Bình của chúng ta cũng cho biết, ở Huế một thời
gian, Tuyết Ngọc trở về quê dẫu rằng nàng “phải lựa nơi kim ốc mới là cân”. Năm
1947, khi nghe tin hai người bạn của ông là Phan Kỉnh Chỉ và nàng Tuyết Ngọc mất
tích trong cuộc tản cư, ông đau buồn thốt lên:
Nhớ chàng Kỉnh Chỉ non Mai
Nhớ cô Tuyết Ngọc ở ngoài sông Lam
Cảnh biệt ly ai làm nên nổi
Bặt tin hồng biết hỏi ai đây?
Những năm cuối đời, ông sống ở làng Vĩ Dạ, nơi mà ông tự hào: “Thần
kinh vẫn lắm nơi văn vật/Tiếng nhất là miền Vĩ Dạ ta”. Ông lập ra “Hương Bình
thi xã” để thỏa “bầu rượu túi thơ đây đã sẵn”:
Rượu có mùi hương nên uống mãi
Thi là thuốc bổ cứ ngâm hoài
Ông làm quan nhưng không màng danh lợi: “Men danh lợi cũng khùng khằng
đôi chén”. Ông tự chế giễu mình mà cũng là phần lớn quan lại – “là cha mẹ của
dân” không giúp ích gì cho dân:
Cảm thương danh lợi cả hai thằng
Kẻ chống người chèo bộ xí xăng
Chết cụm bèo trôi che bóng nước
Giận chòm mây nổi khuất ánh trăng.
Lúc ông qua đời, rất nhiều bạn bè đã làn thơ điếu người chủ soái “Hương
Bình thi xã”. Một bài thơ điếu ông thật xúc động:
Mây phủ sông Hương núi Ngự Bình
Thôi đà che khuất bóng văn linh
Câu thơ điệu cổ càng thêm hiếm
Khúc hát thời xưa khó lựa thành.
Thưa cụ Ưng Bình, giờ đây cụ có thể tự hào với những tiếng hát, bản
đàn của cha ông mà cụ vô cùng yêu quý. Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO
tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Các làn điệu, bài bản ca
Huế, hò, lý ngày càng được nhiều người biết đến và thưởng thức. Dòng sông Hương
– dòng sông bao lần ông nhắc tới trong những vần thơ, lời ca của mình – đêm đêm
trên những con thuyền du lịch “trước bến Văn Lâu” vẫn vang vọng những bài ca Huế,
hò mái nhì, các điệu lý quê hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét