Huế trong tình khúc của Trịnh Công Sơn
"Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi, người ơi nước mắt
hoen mi rồị..." Đó là một đoạn trong lời bài hát Ướt Mi. Bài hát ra đời
năm 1958. Từ bấy đến nay, nó mãi ngân nga trong lòng lớp trẻ của bao thế hệ.
Trịnh Công Sơn có một tấm lòng thật bao dung nhân ái. Từ hình tượng
con người bình thường nhất cũng trở thành nguồn cảm hứng lớn lao trong anh.
Trong từng nốt nhạc của anh thể hiện một sự mượt mà, sang trọng,
sâu lắng rất riêng biệt và rất Huế. Trong hơi thở của mỗi bản nhạc đều ẩn náu một
nỗi buồn của Huế. Huế trong sự réo rắt. Huế trong sự rã rời. Huế trong những âm
thanh huyền ảo về đêm. Huế trong những buổi sớm mai yên lặng. Huế trong sự
thánh thót diệu kỳ mùa xuân; nỗi buồn ngay trong nắng cháy mùa hè bỗng cơn
giông ập đến. Huế ảm đạm những đám mây chiều đông. Huế não nề trong đêm dài mưa
dầm lạnh buốt. Trong chất nhạc của anh tất cả đều là Huế bởi có những nỗi buồn
chỉ Huế mới có được; có những điều không diễn tả nỗi thành lời chỉ người Huế mới
hiểu. Huế có trong "ướt mi" đến "Diễm xưa". Huế trong
"Hạ trắng", "Biển nhớ", Huế trong "Cát bụi - tình
xa", trong 'khói trời mênh mông", "Đêm thấy ta là thác đổ",
trong "Một cõi đi về" trong "Dấu chân địa đàng", trong
"phôi pha", trong "lời thiên thu gọi"...
Nhiều người hỏi vì sao trong lời ca của Trịnh Công Sơn không có từ
"Huế" nào. Đúng, không có nhưng nó là Huế đấy: chẳng Huế sao được khi
mà "chiều một mình qua phố âm thầm nhớ tên em" (Chiều Một Mình Qua Phố).
Chỉ có Huế người ta mới nói "qua phố" (Qua sông để đến phố), bởi Huế
chỉ có hai con đường được gọi là phố. "Gió ơi gió ơi bay lên để bụi đường
cay lòng mắt" buồn quá, muốn khóc mà khóc không nổi - Huế đấy! "Em đi
về chiều mưa ướt áo, đường phượng bay mù quên lối về" - cũng Huế đấy!... Tất
cả đều là Huế. Nhiều, nhiều lắm, không thể kể hết những hàng cây, con đường,
góc phố của Huế trong lời ca của Trịnh Công Sơn.
Điểm mạnh trong ca khúc của Trịnh Công Sơn là lời bài hát, nó vừa
trải dài của sự mượt mà, vừa lắng sâu trong suy tưởng, triết lý khiến người hát
lắm lúc cứ phải suy ngẫm chẳng hiểu mình vừa hát cái gì và hát về ai. Có lẽ đây
là điều mà anh hơn nhiều hơn nhạc sĩ khác. Anh triết lý với cỏ cây hoa lá, triết
lý với tình yêu, với mọi lẽ sống trên đời... và với cả nhân gian tạo hóa.
Trong thế kỷ XX này, ở Việt Nam có lẽ Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ dẫn
đầu về số lượng ca khúc được nhiều người yêu thích và có khả năng lưu danh hậu
thế. Anh có hàng trăm bài hát được nhiều người biết đến. Lớp trẻ thích anh bởi
anh có quá nhiều ca khúc nói về tình yêu mà nói rất dịu dàng, đằm thắm. Hồn nhạc
của anh tha thiết, dễ đi vào lòng người. Lời ca của anh đầy nhân ái, xót xa,
thương cảm cho từng số phận con người. Hình như ai cũng có thể tìm thấy mình
trong bài hát của anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét