Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Cung đàn xưa

Cung đàn xưa
Có thể nói Dalat là thành phố đi ngủ sớm. Sáu tháng mùa mưa sáu tháng mùa khô, mưa thì ẩm, khô đi kèm với lạnh, nhiệt độ bình quân trên dưới 20 độ, rồi hết sương mù lại gió buốt. Những thứ này giữ chân cư dân Thành phố Hoa ở trong nhà vào ban đêm. Bảy giờ đóng cửa trong, tám giờ khóa cửa ngoài. Sinh hoạt gia đình chủ yếu diễn ra trong nhà, ít người có thói quen đi ăn ngoài. Cưới hỏi, tiệc tùng thường mời vào buổi trưa, nếu có buổi tối thì cũng đón khách 17h, nhập tiệc 18h, hơn bảy giờ là đã ai về nhà nấy. Mà không ăn uống, tiệc tùng thì làm gì, đi đâu. Đi học (ngoại ngữ, bổ túc văn hóa)? trễ nhất 20h30 là tan lớp. Mua sắm? Chợ lớn chợ nhỏ đóng cửa, thưa thớt vài cửa hàng ở khu trung tâm, còn siêu thị là một trong BA KHÔNG của thành phố theo ghi nhận của khách từ xa đến. (Hai thứ kia là không có xe xích lô và không có tín hiệu giao thông đèn xanh đèn đỏ). Chiếu bóng? Chỉ còn một rạp ở Khu Hòa Bình và một hai rạp mini gì đó. Ca nhạc? Xuân thu nhị kỳ có các đoàn nơi khác đến, biểu diễn ở… Sân Vận động.
Và như thế dân Dalat ban đêm ở trong  nhà và đi ngủ sớm. Nhưng du khách thì không. Mỗi ngày hàng trăm đến hàng ngàn người từ muôn nơi đổ về, con số này có thể lên đến cả chục ngàn vào những dịp lễ lạc, hội hè, Tết nhất. Họ đến để chia sẻ với hai trăm ngàn cư dân thành phố này cái hạnh phúc được sống trong yên bình thinh lặng, trong mát lạnh dịu êm, với rừng thông đồi cỏ, với thác nước vườn hoa, với rau xanh trái ngọt. Và tất nhiên buổi tối họ không thể nhốt mình trong các phòng khách sạn chờ đến sáng hôm sau mới tiếp tục rong chơi. Nhưng xem chừng nếu không muốn làm bạn với chén rượu cốc bia, họ không có nhiều lựa chọn cho lắm. Mênh mang sương khói một chút thì có thể tản bộ dạo chơi quanh bờ hồ Xuân Hương hay lang thang trên các đường phố khu trung tâm, đi dăm phút đã về chốn cũ. Phiêu linh ngẫu hứng thì tìm một quán bar khiêu vũ, rải rác đâu đấy ở Bùi Thị Xuân, Hồ Tùng Mậu hay ngay dốc Lê Đại Hành; tuy nhiên hoạt động này chưa là ưa thích của số đông. Muốn ấm lòng đêm khuya thì trở lại Khu Chợ Đêm ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, lối dẫn vào Chợ Lầu, nơi đây khách có thể lai rai ba sợi hoặc tìm lại hương vị đậm đà quê hương ba miền đều có cả. Những người hơi khó tính lại không chịu vì ăn ngon đâu chỉ cần thức ăn  mà còn phải có chỗ ngồi tốt, bát dĩa sạch, khung cảnh thích nghi và cả người cùng ăn tâm đầu ý hợp.
May ra còn một sinh hoạt có thể nhận được sự đồng thuận của nhiều người: đi hát. Đúng thế, hát và nghe hát là một nhu cầu có thật của mọi người, cho dù là người trẻ, người không còn trẻ, người sắp già, người sẽ già, người không bao giờ già. Có lẽ vì lý do này mà nơi đây các quán karaoke tiếp tục mọc như nấm sau cơn mưa. Không tập trung lại một khu vực như ở Nha Trang hay Đà Nẵng, nơi Thành Phố Mù Sương, loại hình sinh hoạt này có thể tìm thấy ở mọi nơi, giữa thênh thang đại lộ, nơi đầu đường góc phố, vào hẻm, xuống dốc, quán nhỏ, bình dân, nhà lớn, biệt thự hẳn hoi, sang trọng, tìm đâu cũng thấy, đi đâu cũng gặp. Nhưng muốn hát và nghe hát cho thật “sướng”, cho bõ công thực hiện chuyến đi, cho hợp với nhịp sống từ tốn an hòa, với phong cách  nhàn nhã lịch thiệp của Phố Núi thì phải chịu khó đi tìm các quán cà phê ca nhạc, tốt nhất là qua giới thiệu của người đã biết. Qua Hai Hà Trưng, đi chậm lại để nhìn kỹ vì mặt tiền hơi hẹp, khuất lấp giữa những nhà khác. Sang  phía Dinh Bảo Đại, đường nhỏ không ánh điện, nhìn lên đồi thông. Lên dốc ga, dọc theo đường lớn rẽ vào hẻm nhỏ. Đâm vào con đường trước cổng Khách sạn Palace, tiến vào thật sâu, có đoạn tối tăm một chút, quanh co một chút, đi mãi, đi mãi sẽ thấy lối ra ở… chân đèo Prenn, đường lên Cáp Treo. Men theo khuôn viên Đài Truyền Hình, vòng vèo uốn lượn, đi giữa hàng thông lấp loáng đứng trong im, cành lá in như đã lặng chìm. Và còn nữa, còn nữa, hãy tìm, sẽ gặp. Tất cả những quán này đều giống nhau ở một điểm là không hề quảng bá thương hiệu trên đài trên báo, không tờ rơi áp phích, bảng hiệu không lớn, không giăng đèn kết hoa xanh đỏ tím vàng. Hữu xạ tự nhiên hương, ai biết thì đến.
CUNG ĐÀN XƯA là một địa chỉ trong số đó. Bên ngoài, mái tranh hình chóp, đơn giản, thân thiện. Vào trong, không gian vòng tròn, mời mọc, ấm cúng. Bàn ghế được bố trí thuận tiện cho cặp đôi tâm sự, tốp nhỏ thân quen hay nhóm đông đoàn tụ, khỏi mất công di chuyển, đổi dời. Khách quen khách lạ đều được chủ nhân chào hỏi ân cần, gởi lại một tờ giấy nhỏ để khách tự ghi yêu cầu bài muốn hát hay muốn nghe. Khu vực khách ngồi này được bố trí cao hơn một chút so với nơi biểu diễn, phải chăng điều này cũng đã thể hiện thái độ tôn trọng khách? Cà phê, nước giải khát, bia rượu, thứ gì cũng được, không có khách hàng khó tính ở đây. Họ đã đến (từ thành phố này hay từ xa, rất xa) và họ sẽ hát (một bài hay nhiều bài). Ai đó đã nói làm văn nghệ có khi lại thích hơn là xem văn nghệ. Cho nên họ sẽ hát. Không có màn hình chạy chữ nên người hát thuộc lời sẽ dễ dàng thể hiện hơn, còn không thì có sẵn tập nhạc để  trên giá đỡ, vừa nhìn vừa hát cho thêm tự tin, thoải mái. Chẳng có gì ngần ngại vì ở đây không có hội đồng thẩm định, không có bình chọn xếp hạng được thua. Chỉ có tiếng vỗ tay, chỉ có lời tán thưởng, động viên, khích lệ. Nào có can chi đời hữu hạn, Sống mà gặp nhau đã đẹp vô cùng. Gặp nhau để hát cho nhau nghe như thế này thì càng tuyệt vời biết mấy.
Từ khu vực khách ngồi, không gian của giao hòa và đồng điệu, bước xuống bốn bậc cấp là khoảng trống đủ rộng để khi cần khách có thể tự nhiên mời nhau nhẹ bước nhịp nhàng theo tiếng nhạc, dìu dặt trong tiếng đàn, thả hồn mình trong tận cùng chia sẻ. Lùi thêm chút nữa là ô vuông sân khấu nhỏ, ánh sáng ấm dịu làm nổi bật phông nền bên sau là cảnh rừng thông và thấp thoáng mấy ngôi biệt thự. Thông và biệt thự, nét chấm phá vẽ nên đặc trưng của Dalat được chủ nhân đem cả vào đây, khiến khách vào thấy ngay là mình đang đến với phố trong rừng, với rừng trong phố, như Dalat đã từng là, như Dalat phải là. Và đây mới là không gian của cảm xúc và sáng tạo. Một chút bất ngờ cho khách lần đầu vào quán khi thấy chủ nhân lịch thiệp ân cần hồi nãy thong thả bước vào không gian này và biến thành ca sĩ.
Chỉ cần nhìn cô nhẹ nhàng ngồi lên chiếc ghế cao, mắt hướng về người nghe, tin cậy, thân tình, tay ôm đàn ghi ta, khẽ gãy vài hợp âm của khúc dạo đầu một bản nhạc là thấy ngay được rằng cô yêu cuộc chơi này vô cùng. Yêu vô cùng nên cô mới khoan hòa nhũn nhặn, hóa giải mọi bất bình hờn dỗi của một số khách khi quán đông người mà ai cũng muốn lên hát, chờ lâu rồi sao không thấy mời. Yêu vô cùng nên cô mới kiên nhẫn dịu dàng những đêm vắng khách, dù chỉ dăm ba người nhưng chủ và khách vẫn thay nhau cùng hát đến tận nửa khuya. Yêu vô cùng nên khi cô vừa cất tiếng gởi gió cho mây ngàn bay, giọng cao vút và ngân dài, thì ngay lập tức người nghe cảm nhận được rằng cô đang  gởi ai tiếng hát ngất ngây tâm hồn. Tiếng hát đó tung tăng bay nhảy từ mênh mang Đoàn Chuẩn, rạt rào Phạm Duy, qua khắc khoải Nguyễn Ánh 9, sang trọng Cung Tiến, đến tự tình Lê Uyên Phương, thanh thoát Văn Cao,  và có thể len đến cả rong rêu Phú Quang. Cô không chọn dòng nhạc tủ, bài ca ruột. Có ai tắm hai lần một chỗ trên dòng sông, tùy hoàn cảnh và tâm trạng, tùy đối tượng đang nghe, cô để cho cảm xúc dẫn dắt nhưng lúc nào cũng hát với cả tâm hồn. Ngay cả khi cô lạc đường vào tình sử My heart will go on, Unchained melody hay Donna donna (lời tiếng Anh) thì cô vẫn giữ được những cảm xúc và sáng tạo của mình. Giờ đây, với lợi thế là cô giáo giảng dạy ngôn ngữ này, cô có thể hiểu được tình và ý của bài hát để thể hiện với cách phát âm chuẩn, không chút ngập ngừng, ngọng nghịu. Tuy thế vẫn có bài cô thích và hát thành công hơn. Đóa Hoa Vô Thường chẳng hạn. Bài này kén người hát và chọn người nghe. Người yêu nhạc đã từng nghe ĐHVT qua tiếng hát của Khánh Ly, Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Cẩm Vân, Mỹ Tâm hay giọng nam của Nguyễn Hữu Thái Hòa, chàng kỹ sư ở Canada, ca sĩ  chỉ hát nhạc Trịnh. Hãy thử một lần nghe Hồng, ca sĩ của Cung Đàn Xưa. Với bài này, cô sẽ rời ghế ngồi và cây đàn quen thuộc để chọn tư thế khác. Bởi cô sẽ hát không chỉ với làn hơi chất giọng mà với tất cả con người.
Cô vận dụng, tận dụng cả ngôn ngữ hình thể: chân di chuyển, tay đẩy đưa, với rộn ràng của tóc, lung linh của mắt, rạo rực của môi. Có thế mới thể hiện được bài hát này, dài như một trường ca, với bốn phân đoạn xâu chuỗi như một liên khúc.  Và tất nhiên là hát trên nền nhạc. Hiệp, chàng nhạc công đến từ Hải Phòng, rất điệu nghệ múa đôi tay mười ngón lướt, vuốt, trượt, chuồi, ấn, nhấn, gõ, đập trên phím đàn, lúc thì đệm cho tiếng hát, lúc thì thênh thang độc tấu ở những chuyển đoạn giữa hai phân khúc. Và cứ thế, người đàn và người hát dìu đỡ nhau, tôn vinh nhau qua những xử lý tài tình và tinh tế các chuyển đổi liên tục của âm giai, nhịp điệu, tiết tấu, từ 6/8 thong dong nhàn nhã, tìm em, tôi tìm, tìm em, tôi mời…qua 2/4 hân hoan hớn hở từ nay tôi đã có người, từ nay tôi đã có tình… Gần mười phút thăng hoa như thế cho đến đoạn kết thúc, tiếng đàn Hiệp trong khúc chuyển nhạc mạnh mẽ vừa lắng đọng thì giọng ca Hồng êm dịu khoan thai ngân lên Từ đó hoa là em/ Một sớm kia rất hồng/ nở hết trong hoàng hôn/ Đợi gió vô thường lên/ Từ đó em là sương/ Rụng mát trong bình minh/ Từ đó ta là đêm/ nở đóa hoa vô thường. Thính phòng lặng im, người nghe lâng lâng cảm xúc, chợt thấy mình đong đưa giữa hai miền hư thực, giữa hai bờ Không - Có, Có - Không.
Vâng, cà phê ca nhạc CUNG ĐÀN XƯA là như thế. Một không gian của giao hòa và đồng điệu, của cảm xúc và sáng tạo, có khi ngẫu hứng nhưng vẫn rất mực chân tình.  Hồng, cô ca sĩ chủ quán, cô chủ quán ca sĩ là như thế. Đằng sau lòng tận tụy của nghề dạy học và nỗi đam mê của nghiệp ca hát là tấm lòng của một công dân lương thiện và có trách nhiệm, muốn mang đến cho mọi người một sinh hoạt giải trí thư giãn lành mạnh, đóng góp một chút gì cho hình ảnh của một thành phố văn hóa du lịch. Chỉ có điều là khung cảnh đó, con người kia  không hề quảng bá thương hiệu trên đài trên báo, không tờ rơi áp phích, bảng hiệu không lớn, không giăng đèn kết hoa xanh đỏ tím vàng. Hữu xạ tự nhiên hương, ai biết thì đến. Nhưng nếu không biết, chưa biết, sao không thử tìm một lần. Lấy điểm mốc là Cây xăng Kim Cúc, chắc ai cũng biết vì ở ngay ngõ vào thành phố, đi ngược về đường Trần Hưng Đạo, chạy thẳng mãi cho đến Sở Điện Lực, rẽ phải là đường Khe Sanh, đi vào đó khoảng hơn năm trăm mét là đến Vườn Hoa - Khách sạn Minh Tâm. Cung Đàn Xưa nằm trong khuôn viên cơ sở này, ngay cổng vào.
Nhạc nền: Đóa hoa vô thường, nhạc Trịnh Công sơn, tiếng hát Hồng Nhung.
THÂN TRỌNG SƠN
Theo http://www.art2all.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng Nhuận Cầm thời chống Mỹ: Một tâm hồn học sinh những câu thơ trận mạc Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa đột ngột ra đi ở tuổi 70 vào chiề...