Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Nghe ca khúc “Nơi đảo xa”

Nghe ca khúc “Nơi đảo xa”
Nói đến đảo là nói đến bao nỗi đớn đau nén chặt, nghẹn ứ đầy tim! Thế nhưng bài hát của nhạc sĩ Thế Song chỉ có bát ngát biển trời, cánh hải âu bốn mùa vui cùng người lính trẻ, sóng biển kết hoa trắng ngần cho anh gửi về người thương, và ánh trăng thanh soi sáng làm mát dịu tâm hồn! Không phải nhạc sĩ không biết đến những gian khó, hy sinh của người lính, mà là ông đã cảm nhận được tình yêu và niềm lạc quan vô tận trong tâm hồn họ. Chính tình yêu và niềm tin ấy đã cho các anh sức mạnh vượt lên tất cả. Có lẽ vì thế mà bao năm rồi, bài hát "Nơi đảo xa" đã thấm sâu vào lòng người chiến sĩ ngoài quần đảo bão tố.
NƠI ĐẢO XA – NÚM RUỘT VIỆT NAM
(Nghe ca khúc “Nơi đảo xa” - sáng tác: Thế Song)
Dạt dào như từng đợt sóng, mỗi lời ca của “Nơi đảo xa” thấm đẫm một tình yêu chan chứa đối với Tổ quốc thiêng liêng. Trong những ngày này, khi biển khơi dậy sóng, ca khúc như tiếng gọi hàng triệu trái tim Việt Nam hướng về Biển Đông!
Nhạc sĩ Thế Song kể về hoàn cảnh sáng tác bài hát: “Hồi đó là năm 1979, tôi không chủ trương đi viết về hải đảo, mà đi thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng ở Quảng Ninh. Trên đường về, tôi cùng với nhạc sĩ Phạm Tịnh nghỉ tại cây số 8- thành phố Hạ Long, là trạm sửa chữa tàu biển số 48 của bộ đội hải quân. Chúng tôi được anh em hải quân mời uống rượu chanh. Vẫn nhớ cảm giác rượu rất ngon, nhưng uống được 1-2 chai đã say. Anh em hải quân kể với tôi rất nhiều câu chuyện cảm động. Có chiến sĩ vừa từ đảo trở về kể rằng, anh đã ở đảo 2 năm, mọi thứ gian khổ, khó khăn, thậm chí cả hi sinh, các anh đều chịu được, nhưng sợ nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Chiến sĩ khác thì tâm sự rằng: ở đảo toàn con trai, nhiều lúc thèm nhìn một người con gái... Các anh em chiến sĩ nói rất nhiều, kể rất nhiều câu chuyện và tôi lập tức viết ngay. Và ca khúc Nơi đảo xa ra đời trên đoạn đường hơn 100 km từ Quảng Ninh về Hà Nội”.
Viết năm 1979, vậy mà phải đến tận năm 1995, khi “Nơi đảo xa” đã trở nên thân thiết với công chúng yêu nhạc trong cả nước, nhạc sĩ Thế Song mới có dịp đến Trường Sa. Khi biết Thế Song là tác giả bài hát mà các chiến sĩ yêu thích, anh em đã vây lấy ông như thể ông chính là người thân của họ. Đêm giao lưu văn nghệ, lính đảo cởi trần hát “Nơi đảo xa” giữa cái gió mặn mòi của biển khơi khiến nhạc sĩ vui sướng và cảm động vô cùng!   
Nơi anh đến là biển xa, 
nơi anh tới ngoài đảo xa,
Từng mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà.
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua...
Khi chọn âm điệu và viết nốt nhạc đầu tiên cho bài hát, nhạc sĩ Thế Song đã gửi vào đó tất cả nỗi lòng mình từ thuở quần đảo bị xâm lăng. Bài hát về biển đảo có một giai điệu đẹp và trong sáng như bình minh trên đại dương bao la. Ngay câu hát mở đầu, cụm từ “Nơi anh tới”, “Nơi anh đến” đã được điệp 2 lần, cùng hướng về “biển xa”, “đảo xa” của Tổ quốc. Người ta thường nói “ra đảo”, còn nhạc sĩ Thế Phong dùng từ “đến”, “tới” với đảo, thể hiện một sự hướng đến rất thiêng liêng, bởi đó chính là “mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà”. Cách lí giải thật giản dị mà làm ta cảm động. Câu ca ngân lên mạnh mẽ: “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa  - Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, vượt qua...”. Lời ca đã phác họa hình ảnh người lính can trường đang đứng trước biển, hai cánh tay giang rộng như muốn ôm, muốn kéo cả Trường Sa và Hoàng Sa về với Đất Mẹ.
Và từ đây, ca khúc thủ thỉ kể về câu chuyện tình yêu của người lính biển. Tình yêu ấy là nỗi nhớ khôn cùng trong trái tim anh hướng về người con gái nơi đất liền:
Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền
Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi
Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô
Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em
Ơi ánh mắt em yêu như­ biển xanh như­ trời xanh trong nắng mới
Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai
Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui
Đây con tầu xa khơi, đây con tầu xa khơi
Trong trái tim người lính đảo có hình bóng người con gái thôn quê, dù vất vả tảo tần mà vẫn đẹp dịu dàng biết bao! “Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai”.Và trong hình dung của anh, người con gái ấy đang dõi theo con tàu của các anh nơi trùng khơi: “Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi”. Cái nhìn tha thiết vời vợi nhớ thương, ánh mắt trong trẻo, xanh ngời như biển, như trời và rạng rỡ như nắng mai: “Ánh mắt em yêu như­ biển xanh như­ trời xanh trong nắng mới”. Trong cách so sánh này, “em” của anh có khác nào biển trời xứ sở, bởi lẽ tình yêu của người con gái ấy cũng bao la và ngời sáng biển trời!
Trong tình yêu ấy, tâm hồn người lính trẻ được những lời ca nâng cánh bay lên. Đó là nỗi nhớ thương dồn nén được anh gửi vào những món quà của biển: “bông hoa san hô - cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em”, và “cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em”. Câu ca thiết tha và say đắm, ấp ủ bao thương nhớ đợi chờ. Thấp thoáng sau lời ca yêu thương ấy là những cuộc chia tay bịn rịn, bàn tay lưu luyến, ánh mắt rưng rưng… Đảo cách đất liền không chỉ là khoảng không gian trập trùng sóng nước, mà có cả bão tố biển khơi với bao hiểm họa rình rập từ bên ngoài. Vì thế, người lính nơi đảo xa đâu dễ trở về!
Nhưng càng thấu hiểu tình yêu của hậu phương, hiểu rõ trách nhiệm cao cả thiêng liêng mà Tổ quốc trao cho, các anh càng kiên cường bám biển. Biển đã nhuốm màu nắng gió cho làn da anh “tươi giòn thêm ánh thép”. Với “súng khoác trên vai”, anh canh gác biển trời dưới ánh trăng thanh. Câu hát “Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó” chợt gợi liên tưởng đến câu thơ “Đầu súng trăng treo” trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. Vẫn là khẩu súng ấy – biểu tượng cho tinh thần chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc! Vẫn là vầng trăng ấy - biểu tượng của cuộc sống hòa bình. Súng khoác trên vai, trăng soi đầu núi. Hiện thực và lãng mạn đan cài tạo nên vẻ đẹp của tâm hồn chiến sĩ - thi sĩ thật hài hòa. Hình anh đứng đó đã tạc vào không gian, thời gian một tượng đài Người Lính Biển sừng sững giữa muôn thuở biển Đông!
Tháng năm con tầu quen sóng cả quen gió biển
Nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép
Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui ra khơi
Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em
Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó
Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu
Đoạn ca khúc đã vẽ ra bức tranh người lính biển sáng ngời ngợi ánh trăng. Giai điệu bay bổng và lãng mạn, đoạn bài ca với thủ pháp mô phỏng đi lên đi xuống quãng 3 khiến người nghe như nhìn thấy trước mắt hình ảnh biển cả mênh mông với con tàu đang lướt sóng ra khơi, và người lính đang hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió! Nơi đảo xa, khí hậu khắc nghiệt vô cùng! Có thể hình dung nổi về một nơi như thế này không: Một năm phải chịu 130 ngày bão, một tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh, mùa khô kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5! Hơn thế nữa, nơi ấy đã từng và vẫn đang tiếp tục phải chống chọi lại kẻ thù rình rập, nhòm ngó từng giờ từng phút! Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên từng viết: “Trời xanh còn ở trên đầu - Mấy ngàn năm đã cũ đâu, kẻ thù!”. Máu của các chiến sĩ mãi mãi không khô trên đảo Gạc Ma! Và Hoàng Sa vẫn đang quằn quại ngoài khơi xa vì bị cắt lìa khỏi thân thể Đất Mẹ! Nói đến đảo là nói đến bao nỗi đớn đau nén chặt, nghẹn ứ đầy tim! Thế nhưng bài hát của nhạc sĩ Thế Song chỉ có bát ngát biển trời, cánh hải âu bốn mùa vui cùng người lính trẻ, sóng biển kết hoa trắng ngần cho anh gửi về người thương, và ánh trăng thanh soi sáng làm mát dịu tâm hồn! Không phải nhạc sĩ không biết đến những gian khó, hy sinh của người lính, mà là ông đã cảm nhận được tình yêu và niềm lạc quan vô tận trong tâm hồn họ. Chính tình yêu và niềm tin ấy đã cho các anh sức mạnh vượt lên tất cả. Có lẽ vì thế mà bao năm rồi, bài hát "Nơi đảo xa" đã thấm sâu vào lòng người chiến sĩ ngoài quần đảo bão tố. Nhiều chiến sĩ tâm sự, mỗi khi nghe bài hát "Nơi đảo xa" vang lên bên tai, có cảm giác như âm điệu và ca từ là lời người thương từ đất liền gửi tới. Còn những người vợ, người yêu của lính đảo cũng chia sẻ, bài ca như lời thủ thỉ tâm tình của các anh từ biển khơi gửi về. Như thế, “Nơi đảo xa” đã thực sự trở thành một nhịp cầu âm nhạc vượt trùng dương, thắp lửa tình yêu cho trái tim đôi lứa, tình yêu đất nước, yêu biển quê hương cho mỗi người Việt Nam!
Bài ca kết thúc đầy dư vang, xúc động tận đáy lòng:
Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm yêu
Đây con tầu xa khơi, đây con tầu xa khơi…
Sóng ru mối tình đời thủy thủ. Tàu rẽ sóng ra khơi, mênh mang đại dương Việt Nam!
Biển Đông đang dậy sóng! Hãy để con sóng tình yêu trong triệu triệu trái tim Việt Nam cùng trào dâng, kết lại với sức mạnh ngàn đời! Sóng của Bạch Đằng Giang, sóng Hồng Hà cuồn cuộn bốn nghìn năm lịch sử sẽ nhấn chìm bè lũ xâm lăng để bảo vệ đảo xa  -  núm ruột Việt Nam!.
NƠI ĐẢO XA
1. Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa
Từ mảnh đất quê ta giữa đại dươ­ng mang tình thươ­ng quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba đã vượt qua, v­ượt qua!
Lướt sóng con tầu mang tín hiệu trong đất liền
Mắt em nhìn theo con tầu đi xa mãi
Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô
Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em
Ơi ánh mắt em yêu như­ biển xanh như­ trời xanh trong nắng mới
Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai
Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui
Đây con tầu xa khơi, đây con tầu xa khơi
2. Vầng trăng sáng trên biển xa, vầng trăng sáng ngoài đảo xa
Vẳng nghe tiếng ngân nga ru lòng ta bao lời ca quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Quần đảo đứng hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng
Tháng năm con tầu quen sóng cả quen gió biển
Nước da màu nắng tươi giòn thêm ánh thép
Cánh chim hải âu bốn mùa về cùng anh vui ra khơi
Cánh hoa biển trắng là kỷ niệm anh gửi về tặng em
Đây súng khoác trên vai trăng đầu núi soi hình anh đang đứng đó
Nhắn về đất liền cánh buồm chở đầy tin yêu
Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm yêu
Đây con tầu xa khơi, đây con tầu xa khơi.

Nơi đảo xa
Thế Song - Trọng tấn
10/5/2014
Quỳnh Trâm
Theo http://tacphammoi.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...